Ngư dân Vĩnh Thái (Quảng Trị): Biển vẫn bốc mùi thối
Nhiều ngày nay, người dân bãi ngang vùng biển Vĩnh Linh (Quảng Trị) nói gần bờ không còn cá, biển vẫn bốc mùi thối, bà con thu lưới,lừ, bẫy lên bờ phơi nắng, mỏi mòn chờ ngày ra khơi lại.
Ngư dân xã Vĩnh Thái, Vĩnh Linh, Quảng Trị không đánh
bắt được một con cá nào trong chiều 2/5. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên
Gần bờ không còn cá Chiều ngày 2/5, PV Báo Giao thông cùng ngư dân thôn Tân Mạch (xã Vĩnh Thái, Vĩnh Linh) ra khơi. Khi thuyền cách bờ khoảng 300m ngư dân bắt đầu tắt máy để thu những chiếc lừ lưới (bẫy mực, ghẹ, cá).
Anh Nguyễn Tất Tú (23 tuổi, ngư dân thôn Tân Mạch) nói: "Dạo ni nước ở gần bờ đang bị đục màu, ra tới đây cũng vậy. Đoạn thả lừ này mực nước khoảng 15-20m thôi. Như mấy mùa hè khác thì thấy đáy màu vàng vàng nhưng dạo này nước biển tối màu, bẩn nên không thấy cát ở đáy”.
Sau đó, hơn 20 chiếc lừ được lần lượt kéo lên nhưng không hề có một con cá, mực nào. Chỉ được duy nhất một con ghẹ. Tú lắc đầu nhìn tôi nói: “Cái lừ lưới này đặt từ đầu tháng 3. Đầu tháng 3 vẫn còn cá, mực vào, mỗi ngày bán ít nhất cũng phải 500 nghìn đồng. Ngày trúng được mực thì bán tới 2-3 triệu đồng. Nhưng kể từ ngày cá chết dạt nhiều vào bờ biển cũng là lúc lừ không có cá, lâu lâu chỉ có vài con ghẹ".
Ghẹ được đánh bắt đem vào bờ chỉ tầm 30 phút đã bị sùi bọt ở miệng và chết. Người dân không dám ăn. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên
Tú cầm con ghẹ lấy từ trong lừ ra đưa cho tôi xem rồi nói: “Anh xem con ghẹ này lạ không? Mới bắt từ ở lừ lưới lên nhưng không linh hoạt. Nó không chạy được, cứ lờ đờ như sắp chết vậy. Bình thường bắt con này không cẩn thận là càng nó kẹp đứt da. Nhưng giờ tui cầm thì con ghẹ này hoàn toàn không thể cử động nổi mấy cái càng”.
Theo Tú, bây giờ nghe công bố là biển nước sạch nên mấy ngày nay ngư dân đi ra biển để đặt lại lừ cá. Nhưng cả tuần nay hầu như không có con cá, mực nào dính bẫy lừ. "Chắc cá ở gần bờ chết sạch rồi", anh Tú nói trong buồn rầu.
Anh Nguyễn Tiến Anh (26 tuổi, ngư dân cùng thôn) nói cũng chia sẻ: “Gần đây cá chết dạt vào bờ ít lắm. Lâu lâu có một vài con. Ngoài khơi vẫn còn một số “cá say, cá dại” bơi trên mặt biển. Gần đây tôi bắt gặp nhiều nhất là cá cáy đỏ (bề ngoài giống cá chép nước ngọt - PV) bơi trên mặt nước dù con cá này sống ở tầng đáy. Chúng nổi lên có thể là do bị trúng độc sắp chết".
Ngư dân kéo 20 chiếc bẫy trên biển, nhưng chỉ được một con ghẹ… sắp chết.
Biển bốc mùi thối
Sáng sớm ngày 3/5, PV tiếp tục theo nhóm ngư dân ra biển để thu lưới và kiểm tra bẫy lừ. Buổi sáng sớm, trời không có gió. Đón bình minh trên biển rất đẹp và trong lành thế nhưng lâu lâu một vài cơn gió nhẹ thổi đến mang theo mùi ung thối rất khó chịu. Cứ mỗi đợt gió thoảng qua, những người trên thuyền đều phải lấy chiếc mũ đội trên đầu bịt mũi lại.
Ngư dân Nguyễn Tất Bảo (31 tuổi) nhìn tôi rồi nói: “Mấy hôm nay mùi nó “nhạt” rồi đó anh à. Mấy hôm trước ngồi ở bãi biển cũng thấy mùi hôi thối nồng nặc chứ đừng nói là ra biển. Nhiều người dân buổi sáng thường ra biển để hóng gió nhưng rồi mùi nặng quá nên không dám ra nữa".
Anh Bảo chỉ cho tôi những hạt mụn mẫn đỏ ở cánh tay, ở ngực và đùi rồi nói: “Mùi thối đã đành nhưng nước còn bị ngứa. Sáng hôm qua (ngày 2/5), tôi cùng hai ngư dân khác xuống lặn biển. Khi về nhà thì cả người bị nổi hạt ngứa. Càng gãi càng nổi hạt và ngứa nhiều hơn. Nhất là ở vùng cổ, cánh tay. Tôi từ trước tới nay đều chưa bao giờ đi lặn biển mà bị như thế này cả"
Bảo kể: “Nước ở dưới đục ngầu anh ạ. Nhìn tầm 3m là không thấy gì rồi. Bình thường thì thấy khá rõ ở khoảng cách chừng 6-8m. Xuống tới đáy thì không thấy cá, mấy con san hô bám vào đá cũng đã bị chết”.
Tiếp chuyện, anh Nguyễn Tất Tú cũng cho biết mấy hôm nay mỗi lần cất lưới mực cũng thấy nhiều cây san hô theo dòng nước bám vào. Nhưng những cành san hô này đã bị chết. Nhiều hộ làm lưới ở đây cũng thấy như vậy.
Không chỉ ngư dân ở Vĩnh Thái ngửi thấy mùi thối mà ở xã Vĩnh Thạch cũng vậy. Một người dân lặn biển cho hay khi lặn xuống biển hoàn toàn không thấy cá nữa. Biển đục màu và bốc mùi rất khó chịu.
Cũng như buổi chiều hôm trước, chúng tôi đành trắng tay ra về vì không đánh bắt được gì trong cả buổi sáng.
Ngư dân đem bẫy cá mực để về nhà cất giữ. Ảnh: T.V.Y
Cả làng đổ nợ
Ngồi ở quán nước, ông Nguyễn Trọn Toán (50 tuổi, ngư dân cùng thôn) giọng buồn rầu bảo: "Mấy hôm nay đi ra biển chẳng qua là đi coi chơi thôi. Đi cho đỡ buồn chứ biết là chẳng còn cá. Ra kéo lưới, kéo lừ cho người nó đỡ mỏi. Chứ có bắt được cá với mực cũng không dám ăn. Hôm 1/5, tôi và 2 ngư dân nữa ra biển kéo được 2 con mực nom chừng hơn cân. Mực tươi lắm, bán chẳng ai mua nên nói anh em để nhậu. Nhưng mực khi đưa lên thì thấy nó bốc mùi thối lắm. Quá hoảng sợ nên đành đem mực chôn”.
Còn bà Nguyễn Thị Nghị (49 tuổi, vợ ông Toán) thì than trời kể khổ: “Cả tháng nay nhà tôi mệt mỏi rồi chú ạ. Ra biển không có cá, ở nhà không biết làm gì cả. Nhà tôi năm nay mới đầu tư bộ lưới và lừ cá gần 100 triệu, toàn bằng tiền vay ngân hàng với ngư dân ở đây cả nên giờ lo lắm. Nhà tôi giờ cứ như ngồi trên đống lửa ấy”.
Ông Nguyễn Tất Hữu, trưởng thôn Tân Mạch cho biết: “Mùa này hàng năm là mùa ngư dân đánh bắt được nhất trong năm. Đơn cử như nghề lừ lưới, người dân đem thả từ tháng 3 đến tháng 9 khi gió mùa đông bắc, mùa bão mới đem lừ vào bờ. Thế nhưng mới đầu tháng 5, hàng chục ngư dân làm nghề cá đã vớt lừ đem về bãi phơi nắng".
Hằng năm, lừ lưới đưa ra biển từ tháng 3, tháng 9 mới đem về. Nhưng đầu tháng 5 năm nay, ngư dân buộc phải đem về vì không bắt được con cá, mực nào cả. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên
Ngoài ra, cả thôn Tân Mạch có 66 chiếc thuyền nan với khoảng 120 hộ đi biển đều lần lượt thu vén lưới, lừ đem vào bờ từ mấy ngày nay. “Chú thấy đấy, dân bãi ngang chỉ đánh bắt tầm 6 hải lý trở lại thôi. Thuyền nan đi không xa được, nhưng giờ gần bờ không còn cá thì biết phải làm sao. Như nhà tôi hơn hai tuần nay ngày nào cũng ra biển kiểm tra lừ nhưng không có con cá nào nên cũng đành phải đem vào bờ".
Dân ở đây bây chừ lo lắng lắm. Ở đây cứ đầu mùa hè tầm tháng 2, tháng 3 là ngư dân mua lưới, sửa thuyền rồi. Mỗi một bè lưới ít nhất cũng 30 triệu đồng, làm lừ mất khoảng hơn 10 triệu nữa. Nhà nào làm ăn lớn thì đầu tư lên tới cả trăm triệu. Bây giờ cả làng ai cũng nợ. Ngư dân ai cũng lo. Lo là vì nợ không nói nhưng nỗi lo không còn cá để đánh bắt lớn hơn nhiều. Ai cũng đồn đoán là cá bị nhiễm độc, cá đánh bắt về cũng có biểu hiện như vậy thật nên giờ chẳng biết phải làm sao.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Ngô Thế Thanh, Chủ tịch xã Vĩnh Thái thừa nhận gần đây biển bốc mùi thối. Mùi thì nhiều nguyên nhân, trong đó có tảo, rong... nhưng mùi mà người dân ngửi được là mùi của xác thối. Theo ông Thanh, nhiều ngày nay ngư dân đánh bẫy cá bằng lừ lưới không hiệu quả. Chỉ may mắn trúng một vài con nhưng bán không ai mua nên đành để ăn.
"Ngư
dân ở xã Vĩnh Thái có trên 200 chiếc thuyền nan với trên 1.300 người dân theo nghề đánh bắt ở biển. Với đặc thù bãi ngang và quê nghèo nên thuyền ở biển này là loại thuyền nan nhỏ. Thuyền chỉ đánh bắt tối đa là từ 5-7 hải lý. Hiện nay, người dân rất lo lắng vì đại đa số người dân theo nghề biển và đầu tư cũng khá lớn. Theo thống kê thì cả xã hiện nay số hộ ngư dân vay vốn khoảng trên dưới 13 tỉ đồng để đầu tư vào ngưu cụ như: thuyền, lưới, bẫy cá... Ngư dân thì chỉ biết đánh cá mà cá không có nên họ rất lo với các khoản nợ", ông Thanh nói..
Ông Thanh cho biết nhiều người dân lúc nào cũng hỏi nguyên nhân khiến cá chết là do đâu? Khi nào thì biển mới trong sạch lại để người dân yên tâm đánh bắt? Khi nào thì người dân trên bờ mới bỏ bớt lo âu ăn cá biển bị nhiễm độc?...
Tạ Vĩnh Yên
Giao Thông
Ông Thanh cho biết nhiều người dân lúc nào cũng hỏi nguyên nhân khiến cá chết là do đâu? Khi nào thì biển mới trong sạch lại để người dân yên tâm đánh bắt? Khi nào thì người dân trên bờ mới bỏ bớt lo âu ăn cá biển bị nhiễm độc?...
Tạ Vĩnh Yên
Giao Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét