Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

"Rất lo lắng về nợ công"

"Rất lo lắng về nợ công"
19/05/2016 TTO - Tại hội thảo khoa học nhận diện về nợ công diễn ra ngày 18-5, các chuyên gia kinh tế hàng đầu của VN đã bày tỏ như vậy khi thấy nợ công tăng quá nhanh, năm 2015 số tiền vay nợ gấp đôi 2010. Tổng số nợ công của VN hiện đã lên đến 2,7 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên con số này chưa được tính nợ DNNN, nợ xây dựng cơ bản của các bộ ngành, địa phương... Nếu tính đúng thì nợ công của VN lên đến 110-120% GDP, khoảng trên 4,5 triệu tỉ đồng. Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến tìm giải pháp cho vấn đề này:
TS Lê Đăng Doanh
TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Kỷ luật ngân sách - Tôi hết sức lo lắng về tình hình nợ công và lo ngại xảy ra kịch bản xấu đối với nợ của VN. Nếu tính đủ các khoản nợ từ cấp xã đến nợ xây dựng cơ bản của các bộ ngành, địa phương, nợ của doanh nghiệp nhà nước… thì nợ công của VN có lẽ lên đến 110 - 120% GDP, khoảng trên 4,5 triệu tỉ đồng.

Do đó, để kiểm soát nợ công, trước tiên VN phải lưu ý kỷ luật ngân sách, bởi không có nước nào chi tiêu ngân sách lại dễ dàng, tùy tiện đến thế.

Thứ hai, nên xem xét tăng thu ngân sách từ bất động sản. Nên có Luật thuế tài sản, trước mắt tăng mạnh thuế nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ đất đai và có nguồn thu cho ngân sách.

Thứ ba, đã đến lúc phải làm bản đề án về tái cơ cấu ngân sách, gắn với việc giảm hẳn bộ máy cồng kềnh hiện nay, chỉ đầu tư vào dự án hiệu quả, không chấp nhận chuyện tăng vốn đầu tư dự án chậm tiến độ, thua lỗ, kém hiệu quả.

Điểm cuối cùng là cần phải xây dựng phương án dự phòng khẩn trương khi tình hình xấu xảy ra, nghĩa là không có tiền trả nợ nữa.

Thực tế thu ngân sách không đủ chi thường xuyên, đến mức chúng ta phải vay nợ mới trả nợ cũ đã diễn ra từ năm 2013 đến nay. Năm ngoái, chính bộ trưởng Bộ Tài chính đã bày tỏ tại Quốc hội là điều hành ngân sách mấy năm rồi cứ như đi trên dây, vì thế dây mà đứt thì rất gay.


GS.TS Nguyễn Công Nghiệp

GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, nguyên thứ trưởng Bộ Tài chính: 10 năm nữa, nợ công sẽ tăng gấp đôi

Những năm gần đây, tỉ lệ nợ công, đặc biệt là nợ Chính phủ trên GDP tăng rất nhanh, chi phí trả nợ ngày càng cao... đang đe dọa đến khả năng trả nợ của Chính phủ. Một số khoản vay do Chính phủ bảo lãnh không thu xếp được nguồn trả nợ khi đến hạn.

Từ năm 2013 đến nay, không có nguồn trả nợ nên chúng ta đã phải đi vay nợ mới để trả nợ cũ, như năm 2105 là 125.000 tỉ đồng. Tốc độ vay nợ giai đoạn 2010 - 2015 bình quân 16,7% GDP nhưng có năm lên đến 31%, đó là chưa tính nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ xây dựng cơ bản của địa phương, bộ ngành… vào nợ công.

Đặc biệt lãi suất vay quá cao, hơn 55% số tiền vay ở trong nước với lãi suất bình quân 7,1%/năm, còn nợ nước ngoài chủ yếu là ODA có mức 1,7%/năm.

Cứ hình dung tổng nợ vay 133 tỉ USD với lãi suất vay hiện nay thì 10 năm tới, tổng nợ công sẽ tăng gấp đôi.

Do đó, để quản lý nợ công theo hướng bền vững phải nhận diện đúng thực trạng, rằng nợ công VN hiện nay là bao nhiêu, đã tới mức báo động chưa, khả năng trả nợ thế nào, kết quả mang lại cho nền kinh tế đã tương xứng với số tiền đi vay và lãi phải trả chưa...


TS Trần Đình Thiên

TS Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế VN: VN không phải là Nhật Bản

Vấn đề đáng lo ngại đối với nợ công là cơ cấu nợ khi nợ trong nước tăng cực kỳ rủi ro. Một là rủi ro về lãi suất trái phiếu Chính phủ với mức quá cao, tới 7,1%/năm. Hai là kỳ hạn nợ trái phiếu của ta rất ngắn chỉ vài năm.

Kỳ hạn ngắn cho thấy áp lực trả nợ gay gắt. VN không phải là Nhật Bản. Nhật Bản vay trong nước khi kỳ hạn rất dài với lãi suất 0%. Do đó, chúng ta cần phải bàn lại cơ cấu nợ.

Điều quan trọng nhất của nợ công là nghĩa vụ trả nợ so với khả năng thu ngân sách là bao nhiêu. Phía Bộ Tài chính công bố nghĩa vụ nợ/thu ngân sách đang ở mức 16% trong khi nhiều thông tin cho biết tỉ lệ này đã vượt ngưỡng 25%.

Bản chất của việc lo ngại nợ công là câu chuyện về lòng tin, trong khi số liệu ngân sách mật nhiều quá. Thậm chí ngay cả cơ quan cao cấp cũng khó tiếp cận đầy đủ. Để có giải pháp phù hợp, nợ công bền vững trước hết phải tính đúng, tính đủ nợ công. Số liệu chưa đủ là không đúng.

Để giảm nợ công, chúng ta cần bàn tính lại mô hình tăng trưởng của VN, chứ cứ kêu gọi giảm bội chi, xiết chặt đầu tư… thì vẫn khó thực hiện và như vậy nợ vẫn cứ tăng lên.

Chi tiêu đầu tư để không lãng phí thì phải cắt bỏ những dự án không hiệu quả. Không thể nuôi mãi dự án như kiểu dự án II của Công ty Gang thép Thái Nguyên được. Phải chịu đau để cải cách, để giảm thâm hụt ngân sách.

Năm
Chính phủ
Bảo lãnh Chính phủ
Chính quyền địa phương
Tổng số
Tăng hàng năm
2010
208.957
72.378
8.816
290.151
20,1%
2011
235.089
76.572
5.714
317.375
9,4%
2012
293.809
105.345
18.229
417.383
31,5%
2013
403.874
110.894
11.213
525.981
26%
2014
540.524
74.908
14.772
630.204
19,8%
2015
456.153
120.848
11.233
588.234
-6,7%
Tổng số
2.138.406
560.945
69.977
2.769.328
16.7%
Bảng huy động nợ công trong 5 năm 2010-2015 (Nguồn: Bộ Tài chính)

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160519/rat-lo-lang-ve-no-cong/1103542.html

1 nhận xét:

  1. Các vị cứ "lo bò trắng răng". Tất cả những khó khăn đảng sẽ giải quyết hết

    Trả lờiXóa