Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Blogger Chênh: Tôi sẽ không biểu tình vào ngày 22/5

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh: Tôi sẽ không biểu tình vào ngày 22/5
Bức ảnh người đàn ông toạ kháng một mình trên phố đi bộ Nguyễn Huệ chiều 15 tháng 5 được chụp bởi một người chơi ảnh tên Bùi Dzũ nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Không lâu sau đó, cư dân mạng biết tìm ra đó chính là nhà báo/blogger Huỳnh Ngọc Chênh, người đã phát động phong trào toạ kháng để đòi sự minh bạch về thảm hoạ môi trường. Tấm ảnh được chính người chụp gọi tên là “Người đàn ông cô đơn”.

Bức ảnh Huỳnh Ngọc Chênh tọa kháng một mình trên phố đi bộ Nguyễn Huệ chiều 15 tháng 5. Ảnh: fb Huynhngocchenh. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh thực hiện lời hứa toạ kháng của mình trong khoảng 1 đến 2 phút thì bị lực lượng an ninh trấn áp và đưa về phường. Buổi tối cùng ngày, sau khi được thả về, ông dành cho Cát Linh buổi nói chuyện kể lại diễn biến lúc đó, cũng như nói lên những suy nghĩ của ông về những gì đang diễn ra trong xã hội Việt Nam.

Quyết tâm tọa kháng

Cát Linh: Thưa ông Huỳnh Ngọc Chênh, bức ảnh ngồi toạ kháng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ của ông đã làm lay động rất nhiều người. Vì sao ông có thể thoát khỏi vòng vây dày đặc của an ninh để trở thành “người đàn ông cô đơn”?

Huỳnh Ngọc Chênh: Vì bức xúc trước tình trạng trấn áp, đánh đập những người biểu tình ôn hoà rất thô bạo thì tôi đã có tuyên bố sẽ ra toạ kháng vì môi trường, vì biển sạch, tức là toạ kháng để đòi quyền con người mà lâu nay nhà nước Việt Nam đã xâm phạm rất nghiêm trọng, mà cụ thể nhất là đánh đập những người biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn, đặc biệt là ở Sài Gòn.

Đã có tuyên bố như vậy nên tôi phải quyến tâm ra đó cho được. Tôi muốn đường đường chính chính công khai toạ kháng trước Uỷ ban nhân dân thành phố. Nhưng không ngờ tuyên bố đó làm lay động bao nhiêu người, và cũng làm rung chuyển quyết định của chính quyền cho nên ngày đó người ta phong toả hết đại lộ Nguyễn Huệ từ sáng sớm. Họ thông báo là sẽ đóng cửa đại lộ Nguyễn Huệ để sửa chữa. Đúng thời gian đó người ta bịt kín hết, không ai được vào. Những ngã đường dẫn vào đường Nguyễn Huệ thì an ninh rải đầy.


Trước đó một ngày tôi đã thám thính ở đó rồi. Trưa hôm đó tôi cũng đi 1 vòng thì tôi thấy là không có cách nào xâm nhập vào, chỉ có đi bộ vào. Thế là tôi đã đi bộ vào, đến chặng cuối cùng là hàng rào không cho bước qua nữa, tôi vẫn đi thẳng vào. Tôi nghĩ là sẽ có người kéo tôi lại nhưng có lẽ tự dưng họ thấy tôi mạnh dạn đi vào nên chắc nghĩ tôi là cán bộ của chính quyền nên không ngăn chặn tôi.

Tôi đi thẳng vào trung tâm đại lộ và ngồi giữa vòng tròn đó. Vào đến nơi tôi lấy biểu ngữ để trong túi quần ra, tôi căng ra và đưa lên. Có lẽ họ phản ứng chưa kịp nên cũng ngồi được khoảng 1 phút.




Sau đó có người chạy đến, sau đó giật lấy biểu ngữ và xốc nách tôi lên, bắt tôi đi vào. Tôi bảo là tôi không làm điều gì sai trái. Tôi chỉ ngồi đây và bày tỏ quan điểm. Họ bắt tôi đi vào một cái xe. Lúc đó thì không dám đụng vào người tôi nữa. Họ vây quanh tôi 4,5 người nhưng để tôi thong dong đi. Sau đó có lực lượng an ninh ở quận Thủ Đức nơi tôi cư trú đưa tôi về. Trên đường đi thì những nhân viên an ninh cũng có thô bạo đôi chút, lục soát trong người tôi lấy điện thoại.

Về đến quận Thủ Đức thì các cán bộ cấp cao hơn tỏ ra đối xử đàng hoàng. Và hình như có cuộc điện thoại từ đâu đến đó thì thấy những nhân viên cấp dưới mà lúc đầu quát tháo tôi thì sau đó nói chuyện đàng hoàng. Tôi nói tôi không có chi phải làm việc hết. Những nhân vật chỉ huy thì đến năn nỉ tôi nói là thôi an hem mình trao đổi thôi chứ không có chi phải làm việc hết.

Cát Linh: Thưa ông, thay vì lên tiếng một cách minh bạch về nguyên nhân của ô nhiễm vùng biển làm cho cá chết hàng loạt thì truyền thông Việt Nam hiện đang hướng dư luận đến việc biểu tình của người dân, cho là do những tổ chức phá hoại của nước ngoài kích động. Ông có nghĩ rằng đây là một cách xoay hướng của dư luận đến những người đấu tranh để tránh đi việc đưa tin về môi trường?

  Ngày đó tôi không đi biểu tình, mà đi đón tiếp ông Obama, một vị khách quí đến Việt Nam. Những vấn đề về Việt Nam ngày hôm đó tôi sẽ không nói ra.

- Blogger Huỳnh Ngọc Chênh
Huỳnh Ngọc Chênh: Có thể có như vậy. Hàng loạt bài báo đã đưa tin những người đi biểu tình là do Việt Tân xúi giục. Rồi hướng dư luận về hướng đó, để người dân thấy rằng đi biểu tình là do thế lực thù địch xúi giục cho nên chuyện biểu tình là không đúng đắn, chuyện đòi hỏi môi trường trong sạch cũng là yêu sách không đúng đắn, Biển không có vấn đề gì hết. Ý như vậy là ý đúng đó.

Cát Linh: Thưa ông ngày 22 sắp tới đây ông sẽ một lần nữa thực hiện việc toạ kháng?

Huỳnh Ngọc Chênh: Trên mạng đã kêu gọi tổng biểu tình ngày 22 tháng 5 nhân việc ông Obama sang thăm Việt Nam. Có lẽ người ta muốn biểu tình để lôi cuốn sự chú ý của ông Obama để ông ấy có thể giúp đỡ gì đó trong tiến trình đòi hỏi nhân quyền, sự minh bạch của chính quyền và vấn đề dân chủ ở Việt Nam. Mong muốn của cộng đồng là như vậy.

Nhưng riêng với tôi, thì tôi thấy rằng nếu người dân Việt Nam không tự đứng lên để đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của mình thì cũng chả có ai giúp được. Cho nên riêng cá nhân tôi không đồng tình với tổ chức biểu tình vào ngày ông Obama đến Việt Nam. Mà đó hãy nên là một ngày đứng ra đón tiếp ông Obama như một quốc khách. Nhà nước có cách đón tiếp của nhà nước. Nhân dân có cách đón tiếp của nhân dân.

Nếu ngày đó tôi được tự do ra khỏi nhà thì tôi sẽ mang hoa và tôi đứng ở lề đường để chào đón ông ấy. Vì ông là tổng thống của một đất nước ân nhân của hàng triệu đồng bào Việt Nam. Ngày đó tôi không đi biểu tình, mà đi đón tiếp ông Obama, một vị khách quí đến Việt Nam. Những vấn đề về Việt Nam ngày hôm đó tôi sẽ không nói ra.

Cát Linh: Xin cảm ơn nhà báo/blogger Huỳnh Ngọc Chênh. 

Cát Linh
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét