Ebook gian nan tìm người đọc
Song Quý (TBKTSG) - Xuất bản điện tử giảm chi phí đầu tư, phát hành... nên giá thành thấp nhưng rủi ro bản quyền lại quá cao. Hơn năm năm chạy theo ebook, các đơn vị làm sách vẫn đang loay hoay với câu chuyện con gà - quả trứng: khách hàng hay nội dung?
Hiện có nhiều chương trình hấp dẫn để bạn
đọc chú ý hơn đến ebook. Ảnh: QUÝ HÒA
Sáng 24-3, ngày thứ tư của Hội sách TPHCM lần thứ 9, lượng du khách đổ về Công viên Lê Văn Tám tiếp tục đông. Sau lễ khai mạc tối 21-3, đây là những ngày các đơn vị tham gia chính thức triển khai các chương trình giao lưu, tương tác với bạn đọc.
So với mọi năm, gian hàng NXB Trẻ có phần ít được chăm chút hơn nhưng vẫn thu hút được khá nhiều bạn đọc trẻ đến tham quan vì ngoài chính sách giảm giá chung, NXB Trẻ còn tổ chức một chương trình giảm giá khá lớn tại đây. Khách hàng chỉ cần mua thẻ đọc ebook của NXB Trẻ, một dạng thẻ thành viên, tài khoản thẻ đọc của họ sẽ có số tiền gấp 5 lần giá trị thẻ. Với thẻ mệnh giá 500.000 đồng, người đọc có đến 2,5 triệu đồng để mua ebook. Chưa hết, họ còn được tặng voucher mua sách in trị giá 50% giá trị thẻ đọc ebook đã mua.
“Chúng tôi đang tổng lực thu hút khách hàng nên quyết định triển khai một chương trình thực sự hấp dẫn để bạn đọc chú ý hơn đến ebook”, ông Đồng Phước Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Sách điện tử Trẻ Ybook chia sẻ.
Viện đến cả sản phẩm của sách in để tạo động lực cho sự phát triển ebook, theo ông Vinh, dù đây là chuyện lấy tiền túi này bỏ sang túi khác nhưng cũng không phải là đơn giản, với một đơn vị kết toán độc lập như Ybook. “Sau năm năm đầu tư, chấp nhận lỗ, 2016 là thời điểm Ybook sẽ thực sự phải bước ra thị trường”, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, cho biết. Theo đánh giá của ông Nhựt, hòa cùng với sự phát triển của thói quen đọc sách, cộng hưởng cùng xu hướng sở hữu thiết bị thông minh ngày càng tăng ở Việt Nam, ebook đã có đất sống và đây là thời điểm tốt để đưa ebook đến với bạn đọc nhiều hơn.
Không chỉ Ybook, những cái tên gây chú ý khác như Alezaa, Vinabook... cũng đang kiên định với chiến lược phát triển ebook tuy chưa đơn vị nào dám công bố có lãi với khoản đầu tư này. Đầu năm 2015, nhà sách trên mạng Tiki cũng gây bất ngờ khi công bố tham gia thị trường sách điện tử, sau khi nhận được khoản đầu tư đáng kể từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Ứng dụng đọc ebook Miki của Tiki thân thiện và tiện lợi nhờ ứng dụng tin nhắn SMS vào việc mua bản quyền sách ebook, giúp việc kinh doanh ebook không phụ thuộc vào kết nối Internet. Đã có sẵn nền tảng từ việc phân phối sách trên mạng, việc dấn thêm một bước của Tiki vào ebook cho thấy những tính toán dài hơi của đơn vị này với thị trường sách. “Rõ ràng, thị trường ebook đang mạnh nhà nào, nhà nấy làm. Đơn vị nào cũng lỗ và chưa có một đơn vị nào đứng ra làm công tác phát hành ebook. Nói nôm na, thị trường đang cần một ông “Fahasa trên mạng”, ông Đồng Phước Vinh nhận xét.
Không chỉ Ybook, những cái tên gây chú ý khác như Alezaa, Vinabook... cũng đang kiên định với chiến lược phát triển ebook tuy chưa đơn vị nào dám công bố có lãi với khoản đầu tư này.
Và vấn nạn bản quyền
Trái với quyết tâm của các nhà đầu tư trên, Phương Nam Book nhẩn nha hơn trong cuộc chơi này. Bà Phan Thị Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty Văn hóa Phương Nam, cho biết những hàng dài các bạn trẻ đợi chờ cây bút thần tượng của mình ký tặng sách, những buổi giao lưu sách ngày một đông người tham dự và những đơn đặt hàng trước khi sách xuất bản đã cho thấy, khách hàng mặn mà hơn nhiều với sách, so với trước đây. Tuy nhiên, xu hướng chủ đạo vẫn là sách in truyền thống. Minh chứng cụ thể là ở Mỹ, cái nôi của ebook, sau một thời gian được đón nhận thì ebook cũng đã chững lại. “Với thị trường Việt Nam, người dùng vẫn trân trọng và lựa chọn sách truyền thống”, bà Lệ đánh giá. Đó chính là lý do dù tham gia thị trường ngay từ đầu nhưng Phương Nam vẫn xác định, ebook chỉ là khoản đầu tư “đón đầu” để không bị bỏ lỡ, nếu thị trường bùng nổ thì vẫn có thể theo kịp chứ không đẩy mạnh đầu tư. Bà Lệ khẳng định: “Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục chờ những tín hiệu khả quan hơn từ phía thị trường”.
Quyết định của Phương Nam, trong bối cảnh ebook được bán thậm chí là post, share miễn phí vô tội vạ trên mạng không phải là không có lý do. Hiện, không kể các đầu tư ban đầu, chi phí số hóa tối thiểu một đầu sách của chính NXB đã là hơn 1 triệu đồng/bản. Với những đơn vị phải gia công bên ngoài, con số này còn tăng hơn gấp rưỡi. Tuy nhiên, sở hữu 50.000 tựa ebook, doanh thu năm 2015 của Ybook mới chỉ hơn 3 tỉ đồng.
Mỗi năm, đơn vị này chấp nhận lỗ từ 600-800 triệu đồng cho ebook nhưng không dám giao ebook của mình đến các đơn vị phát hành. “Vấn đề bản quyền là trở ngại lớn nhất. Chỉ cần đối tác không tính toán kỹ, bản ebook đã có thể bị lấy mất. Chưa kể, chất lượng file ebook hoàn toàn có thể dùng để in sách lậu. Nếu không cẩn thận, phát hành ebook đại trà có thể gây nguy hại đến sách giấy”, ông Nhựt tiết lộ. Vì vậy, ngoài việc cố gắng liên kết với các đơn vị cài đặt ứng dụng tại các trung tâm kinh doanh thiết bị di động, đơn vị này vẫn chưa có thêm giải pháp nào để tăng tốc cho việc phát hành ebook.
Theo số liệu mới nhất của Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2015, Cục đã xác nhận đăng ký xuất bản 76.371 đầu sách. Trong đó, có 2.774 tựa xuất bản điện tử. Con số chưa phải là cao, so với lượng sách truyền thống được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, số liệu này cho thấy, dòng chảy ebook vẫn đang được khơi thông. Theo tiết lộ của một đơn vị xuất bản, đã có tín hiệu ban đầu về việc cá nhân tự xuất bản ebook, thay vì xuất bản cả hai loại hình. Bộ Nhiếp ảnh Việt Nam 30 năm giữ nước của tác giả Nguyễn Đức Chính là một ví dụ.
Thay vì chọn giải pháp in truyền thống, chi phí lên đến 3 tỉ đồng cho tập sách ảnh này thì tác giả đã chọn xuất bản bằng ebook, với giá thành chỉ gần 50 triệu đồng/9 tập/bộ. Tính đến nay, đã có hơn 50 tác giả chọn ebook làm kênh xuất bản. “Tuy chưa phải là những tác giả có khả năng tạo nên best seller cho thị trường ebook nhưng điều này cho thấy, trong tương lai, xu hướng làm dịch vụ xuất bản cho ebook cũng sẽ phát triển như việc liên kết xuất bản phẩm hiện nay”, ông Đồng Phước Vinh dự đoán.
http://www.thesaigontimes.vn/144281/Ebook-gian-nan-tim-nguoi-doc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét