Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Đại hội XII và kỳ vọng Đổi mới lần 2

Bác Cung "kỳ vọng Đổi mới lần 2" ? Nói thật tâm hay giả dối ? Chắc chắn bác đã đọc, thậm chí tham gia biên soạn các văn bản cho Đại hội XII nên hiểu rất rõ sẽ chẳng có đổi mới gì cả.
Đại hội XII và kỳ vọng Đổi mới lần 2
Trao đổi với Zing.vn, TS Nguyễn Đình Cung đặt kỳ vọng nhiều vào những thay đổi ở Đại hội XII. Đó là tạo nên dấu ấn mới, mà người ta nói là Đổi mới 2 hay làn sóng 2 của Đổi mới. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung hiện đang là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cơ quan nghiên cứu cấp quốc gia có đóng góp quan trọng trong quá trình cải cách kinh tế Việt Nam. Ông được biết đến là một trong những người chắp bút cho các phiên bản Luật Doanh nghiệp, các đề án liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương.
THỊ TRƯỜNG ĐẦY ĐỦ VÀ THỪA NHẬN QUYỀN TÀI SẢN
Trao đổi với Zing.vn trước thềm Đại hội Đảng XII, TS Nguyễn Đình Cung phân tích:Thực chất 30 năm Đổi mới, mình thực hiện 2 cánh: Tự do hóa ở trong nước và mở cửa ra với bên ngoài, mà bản chất đều là tự do hóa. Ở trong nước, trước đây, kinh tế bao cấp tập trung, các hoạt động bị cấm đoán, chỉ được làm những cái pháp luật cho phép. Với Đổi mới, các hoạt động tương đối tự do, được làm những việc mà pháp luật không cấm. Hai là, mở cửa ra bên ngoài, hội nhập với thế giới, chủ yếu qua thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.

Dư địa từ sự tự do hóa này đã hết. Đến thời điểm này, chúng ta cần động lực mới để duy trì và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Cần phải tạo động lực cho người ta làm tốt hơn, bài bản hơn, chiến lược hơn, chuyên nghiệp hơn, từ đó năng suất lao động cao hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn.

- Cụ thể, động lực mới ấy đến từ đâu, thưa ông?

Đầu tiên phải có cạnh tranh công bằng. Muốn thế, thị trường phải đầy đủ, hoàn thiện hơn. Cốt lõi là thị trường cạnh tranh, mở ra thị trường đầy đủ.

"Yêu cầu cấp bách hiện nay là phải kiến tạo cho được động lực tăng trưởng mới của giai đoạn phát triển mới… "Đổi mới căn bản" là cụm từ đúng và cần thiết để diễn đạt việc cần thiết phải làm cho đất nước trong giai đoạn tới đây."

Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nói trong tọa đàm 30 năm đổi mới: Nhìn từ áp lực thể chế trên Vietnamnet

Để làm được điều đó, cần phải xem xét quyền sở hữu tài sản. Quyền tài sản phải được thừa nhận, bảo vệ pháp lý và đặc biệt phải có chủ. Phải chuyển đổi dần dần, sở hữu tư nhân là chủ yếu. Với sở hữu công thì cũng phải rõ ai là chủ sở hữu của các tài sản này. Khi có chủ sở hữu thì mới giao dịch được, và bảo vệ tài sản của mình. Tín hiệu thị trường tài sản vì thế rõ ràng hơn.

Đồng thời, ta cần chính sách cạnh tranh toàn diện. Vừa đảm bảo tự do, thiết lập thị trường cạnh tranh và thiết chế đảm bảo cạnh tranh công bằng và bình đẳng. Cạnh tranh phải là động lực.

- Nếu như pha 1 của Đổi mới quan trọng nhất là cởi trói cho kinh tế tư nhân thì với pha 2, theo ông điểm quan trọng nhất là gì?

Tự do, tự do, tự do hơn. Thị trường, thị trường, thị trường hơn. Cạnh tranh, cạnh tranh, cạnh tranh hơn. Cạnh tramh công bằng, bình đẳng và có trật tự. Thị trường cần tiếp tục mở rộng ra. Đồng thời phải có cơ chế, chính sách cạnh tranh để đảm bảo thị trường vận hành lành mạnh và trật tự.

ĐỘNG LỰC CẠNH TRANH TỪ BÊN TRONG

- Với một loạt các hiệp định FTA, rồi cộng đồng kinh tế ASEAN và tới đây là TPP, áp lực cạnh tranh từ bên ngoài sẽ dội nhanh, dội mạnh và tác động ngay lập tức. Có người nói đó sẽ là một động lực khác để phát triển?

Đúng là ở tầm quốc gia, áp lực cạnh tranh bên ngoài lớn. Nhưng cạnh tranh nội tại của mình, cạnh tranh của từng doanh nghiệp mới quan trọng. Không có động lực cạnh tranh bên trong thì làm sao tính chuyện cạnh tranh với bên ngoài.

Nói áp lực cạnh tranh lớn là đúng, nhưng nếu áp lực đó không phải từ nội tại, không phải nhu cầu tự thân của nền kinh tế thì áp lực đó không đương nhiên buộc phải có cạnh tranh trong nước. Ngược lại, nó sẽ vùi dập doanh nghiệp, vùi dập đất nước nếu không thay đổi thể chế bên trong để cạnh tranh như họ.

Vấn đề nằm ở thể chế kinh tế thị trường trong nước, để có cạnh tranh thực sự. Cần xây dựng thể chế bên trong, để ta tương thích với bên ngoài. Cạnh tranh bằng sức mạnh, sáng tạo và năng lực của mình, chứ cạnh tranh không phải bằng xin cho, quan hệ.

Nhà nước phải từng bước tiến dần tới ngưỡng trở thành nhà nước kiến tạo phát triển. Nhà nước cần chủ động dẫn đường, vừa đẩy, vừa dắt. Nhà nước kiến tạo nhưng phải theo thị trường, dù can thiệp bề ngoài có vẻ hành chính. Cần học Hàn Quốc, trước đó là Nhật Bản. Ngay cả Trung Quốc làm tốt hơn nhiều lần với đột phá về thể chế ở các đặc khu kinh tế để tạo ra những điểm tăng trưởng và có sự lan tỏa cải cách thể chế.
Chậm đổi mới, cái giá phải trả rất lớn

- Cải cách thể chế là câu chuyện không mới ở Việt Nam?


Đúng là không mới nhưng gần đây thảo luận thực chất hơn, sôi nổi hơn, đánh trúng vào vấn đề thực tiễn hơn. Nhờ đó nó thể hiện ở mức độ nhất định ở dự thảo văn kiện 12.

Trong đó, đáng chú ý nhất là thay đổi quan niệm về kinh tế thị trường định hướng XHCN và nội hàm của khái niệm này.

Dự thảo đề cập cần hoàn thiện thể chế để tạo ra kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ, hội nhập. Muốn thế, kinh tế tư nhân phải là chủ đạo, là động lực. Các thị trường khác phải hoàn thiện đầy đủ, một thị trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Đó chính là thị trường. Về xã hội, nhà nước sử dụng các nguồn lực để thực hiện chính sách xã hội.

Đó là một thay đổi căn bản và tương đối rõ nội hàm của kinh tế thị trường định hướng XHCN. Hơn nữa, nó phù hợp với nhận thức chung của xã hội, của thời đại về xu hướng phát triển của kinh tế thị trường.

Thay đổi đó rất quan trọng. Nếu thể hiện được, chúng ta buộc phải sửa đổi rất nhiều, về quan niệm, luật pháp, chính sách, và điều hành. Hành động sẽ phải rất mạnh mẽ trong cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển các loại thị trường nhân tố.

Nó cũng làm thay đổi mạnh mẽ về vai trò chức năng của nhà nước.

- Cơ chế gắn với con người. Nhiều người còn nói con người mới quyết định thế chể?

Đúng là có những con người, nhóm người cá nhân có thể tác động làm điều chỉnh, thay đổi thể chế nhưng khi thể chế đã vận hành, sẽ tạo ra đòn bẩy mới, động lực mới. Con người mang tính xã hội sẽ ứng xử phù hợp với thể chế. Các tốt sẽ được nhân lên.

Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, một trong những nhà kiến tạo Đổi mới 1986. Ảnh AFP.

- Khi nhắc về Đổi mới 1986 chúng ta sẽ nhớ về các lãnh đạo Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh... Vào thời điểm này, khi đặt vấn đề về Đổi mới 2, hoặc pha 2 của Đổi mới, yêu cầu, đòi hỏi đặt ra với thế hệ lãnh đạo mới thế nào?

Để khởi sự Đổi mới, lãnh đạo đóng vai trò quyết định. Khi đã thiết lập nền tảng rồi hệ thống sẽ tự chạy.

Đổi mới bao giờ cũng gắn tính thời điểm, một nhóm hoặc 1 cá nhân người lãnh đạo.

Có một người nào đó cầm cờ và thực sự tạo niềm tin rằng người này, nhóm này đang thực sự vì lợi ích quốc gia, dân tộc thì tôi tin, mọi nhóm lợi ích dù tồn tại vẫn sẽ bị đánh phăng hết. TS Nguyễn Đình Cung

Để làm được, đầu tiên cần thay đổi tư duy, sau đó sửa không khó. Khi đã tạo được sự cạnh tranh thực sự, cạnh tranh trở thành lẽ sống, không còn con đường nào khác. Bây giờ nhiều khi chỉ cần ô dù, quan hệ là xong. Việc thiếu thị trường nên còn nhiều chia chác, xin cho, dẫn tới không công bằng.

Lực cản từ các nhóm lợi ích?


Ở đâu cũng có vấn đề lợi ích nhóm. Nhưng không có lợi ích nào lớn hơn lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Có một người nào đó cầm cờ và thực sự tạo niềm tin rằng người này, nhóm này đang thực sự vì lợi ích quốc gia, dân tộc thì tôi tin, mọi nhóm lợi ích dù tồn tại vẫn sẽ bị đánh phăng hết. Phần lớn dân sinh xã hội đều mong muốn thay đổi vì lợi ích quốc gia.

Việc đổi mới, cải cách chắc chắn sẽ có va đập về lợi ích, nhưng lợi ích quốc gia dân tộc sẽ được phần đông ủng hộ. Khi người cầm quyền vì lợi ích quốc gia thì huy động được. Người cầm quyền vì lợi ích của mình thì nói làm gì.

Quan trọng nhất là phải tạo được niềm tin: Khi nói anh vì lợi ích quốc gia, thì mọi hành động, lời nói, mọi quyết sách tạo niềm tin trong dân chúng là như vậy. Khi đó, không có lợi ích nhóm nào cản được.

Nói cải cách cực kỳ khó nhưng không phải không làm được. Cơ hội ở khắp nơi chỉ có điều có làm không.

Lịch sử Việt Nam cho thấy chúng ta cứ phải dồn đến chân tường thì tất sẽ có bước nhảy đột phá..., ông có nghĩ như vậy?


Đó là điều đáng tiếc nhưng có vẻ đúng. Vì thế, ta cần thay đổi, có cách nghĩ khác. Để đến chân tường, cái giá phải trả rất đắt. Việc chậm trễ đổi mới, phí tổn để thay đổi lớn. Trong khi đó, các nước đang tiến rất nhanh.

Đáng ra nếu làm sớm hơn, mình có thể đi rất xa. Cứ chần chừ, lừng khừng, chúng ta mất cơ hội. Và thách thức sẽ nhiều thêm lên. Chi phí sau đổi mới, dư địa để tạo những tác động cộng hưởng sẽ ít hơn.

Phương Loan thực hiện
http://news.zing.vn/Dai-hoi-XII-va-ky-vong-Doi-moi-lan-2-post619699.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét