Phnom Penh chuyển mình từ “thành phố ma”
RFI Từ một thành phố hoang vu vào cuối thập kỷ 1970 dưới thời Khmer đỏ, Phnom Penh đang chuyển mình nhờ nền kinh tế phát triển. Dấu hiệu rõ nhất là sự xuất hiện của các trung tâm thương mại và khách sạn 5 sao mới được hoàn thiện, cùng với tầng lớp trung lưu ngày càng đông. Song bên cạnh đó, phần lớn dân cư vẫn sống dưới ngưỡng nghèo khổ.
Bên cạnh tầng lớp thượng lưu mới nổi, rất nhiều người dân vẫn sống dưới ngưỡng 1 euro/ngày tại Phnom Penh. Ảnh chụp ngày 30/12/2015.REUTERS/Samrang Pring
Bên trong Aeon Mall, trung tâm thương mại lớn tại Cam Bốt, khách hàng và người tò mò ngắm nghía các cửa hiệu nổi tiếng hay tự chụp ảnh trước cây thông Noel sừng sững giữa sảnh trung tâm. Aeon Mall, biểu tượng cho sự chuyển mình của thành phố, là sản phẩm trị giá 200 triệu euro của một tập đoàn Nhật Bản.Nếu đây là chuyện bình thường ở đa số các nước Châu Á, thì còn là điều khó tưởng tại Cam Bốt, nơi khoảng 20% dân số vẫn sống dưới ngưỡng 1 euro/ngày.
Phóng viên của AFP gặp cô sinh viên Bopha, con út trong một gia đình kinh doanh, trước một cửa hàng nổi tiếng. Cô tự hào nói :
“Điều này cho thấy thành phố đang phát triển mạnh. Nhờ thế mà gia đình tôi cũng giầu lên được. Chúng tôi kiếm được hơn một triệu đô la chỉ nhờ bán một mảnh đất… Tôi đi du lịch và sắm đồ tại Malaysia, Thái Lan hay Singapore. Các thành phố này đầy các toà nhà chọc trời. Chúng tôi đang đi đúng hướng như vậy”.
Gần đây, hàng chục khu phức hợp mới mọc lên tại Cam Bốt, đất nước có mức tăng trưởng cao trong những thập kỷ gần đây, mặc dù quyền lực kinh tế vẫn tập trung trong tay các doanh nhân thân cận với Thủ tướng Hun Sen.
Ngân hàng Thế giới thẩm định nền kinh tế Cam Bốt đạt mức tăng trưởng 6,9% vào năm 2015, cao hơn hẳn mức 3% của nước láng giềng Thái Lan, từ lâu luôn được coi là đầu tầu kinh tế trong khu vực.
Khẳng định đẳng cấp nhờ nhà sang
Tại thủ đô Phnom Penh, đối với những tầng lớp giầu có nhờ nền kinh tế phát triển, sở hữu nhiều biệt thự sang trọng là dấu hiệu cho phép gia nhập “cuộc sống thành thị xa hoa”.
Những khu dân cư sang trọng mang những cái tên trong mộng, như “Diamond Island”, luôn tìm cách làm hài lòng người mua muốn được sống tiện nghi như ở những thành phố lớn của các nước láng giềng. Dự án “Diamond Island” trải trên mảnh đất rộng 100 hec-ta gồm những căn hộ “theo phong cách kiến trúc Paris” với một bản sao Khải hoàn môn (Arc de Triomphe) của Paris, thủ đô của “Mẫu quốc” trong giai đoạn thuộc địa.
Toà nhà chọc trời đầu tiên ở Phnom Penh, với hình dạng một con rồng, được khánh thành vào năm 2014. Nhưng dù có cao tới 39 tầng, toà nhà Vattanac Capital Tower đang sắp bị vượt qua. Vì, toà nhà The Peak, vừa mới được hai công ty của Singapore và Cam Bốt thông báo xây dựng, sẽ có 55 tầng gồm một khách sạn hạng sang và hơn 1.000 căn hộ sang trọng.
Nỗi lo mang tên “cơn sốt” bất động sản
Cách không xa những khu nhà cao cấp, những quán bar và nhà hàng phục vụ tầng lớp giầu có mới, là những khu phố bình dân, thậm chí còn chưa được rải nhựa đường. Đây là mặt trái của sự phát triển tại Phnom Penh.
Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển Châu Á (BAD), sự phát triển quá nhanh của thủ đô Cam Bốt - một trong những thành phố có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Châu Á - lại trở thành một thách thức đối với đất nước do khả năng “có hạn” của chính phủ trong việc xây dựng thêm cơ sở hạ tầng.
Một số ý kiến khác lại lo ngại cơn sốt bất động sản sẽ phá vỡ kiến trúc của thành phố. Trước đây, Phnom Penh từng được coi là “hòn ngọc Châu Á” với những đại lộ rộng thênh thang theo kiểu Pháp, những khu vườn được chăm sóc cẩn thận và những ngôi nhà xây theo kiến trúc thuộc địa.
Một khu đô thị sôi động bỗng biến thành một thành phố ma từ khi quân Khmer đỏ lên nắm quyền vào năm 1975. Chính quyền Pol Pot đã cho di cư hết hơn 2 triệu dân ra khỏi thành phố. Kể từ khi chế độ Pol Pot bị lật đổ vào năm 1979, thành phố lại trở thành lá phổi kinh tế của Cam Bốt.
Thủ tướng Hun Sen, bản thân cũng thuộc lực lượng Khmer đỏ, trong buổi lễ khai trương một công trình mới, nói đùa: “Nếu chúng ta không lật đổ chế độ Khmer đỏ vào năm 1979, nơi này sẽ ra sao? Chắc chắn, nó lại trở thành một khu trồng dừa”.
Trong khi trung tâm thành phố thay da đổi thịt, được các tập đoàn bất động sản Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore nhòm ngó, thì những người dân nghèo vẫn sống trong những khu dân cư bình dân, còn chưa được rải nhựa đường.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160104-phnom-penh-chuyen-minh-tu-%E2%80%9Cthanh-pho-ma%E2%80%9D
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét