Cuộc sống của giới thượng lưu Hà Nội lên báo Anh
Sự tăng trưởng nhanh chóng của giới siêu giàu ở Việt Nam đồng nghĩa với việc những khu nhà nhiều tỷ đôla mọc lên quanh thành phố nghìn năm tuổi, bao bọc giới thượng lưu bằng những bức tường cao và dịch vụ bảo vệ 24 giờ .
Một góc khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Bloomberg
Theo Guardian, khu phức hợp Ciputra International City, trị giá nhiều tỷ USD ở phía tây bắc Hà Nội, trải rộng trên 300 ha, phủ đầy những biệt thự sang trọng, trường học tư nhân, câu lạc bộ và cửa hàng siêu thị.Được bao quanh bởi những bức tường bêtông dày và cổng bảo vệ, nó là một ốc đảo xa hoa dùng để phô trương đẳng cấp - một thiên đường cho người nước ngoài và những công dân ưu tú đất thủ đô.
Bên trong cánh cổng được canh gác 24/24 giờ, những con đường rộng rãi đậu kín những chiếc xe siêu sang, rợp bóng những cây cọ và những bức tượng khổng lồ của các vị thần Hy Lạp.
Phía bên kia thành phố, khu đô thị tư nhân Ecopark, trị giá 8 tỷ USD đang từng bước được hoàn thiện ở ngoại vi phía đông Hà Nội. Theo kế hoạch, sau khi được được hoàn thành vào năm 2020, Ecopark hứa hẹn trở thành một thành phố đa chức năng sang trọng nổi bật với những khu phố cổ được phục dựng xa hoa, các trường học tư cao cấp bao gồm cả một trường đại học tư nhân, sân golf 18 lỗ đẳng cấp quốc tế.
Hệ thống khu biệt thự cao cấp được đặt tên là Palm Springs - theo tên của thành phố nghỉ dưỡng ở California nổi danh với những suối nước nóng, sân golf và các khách sạn 5 sao sang trọng - vừa mới được hoàn thành trong Ecopark.
Những khu cơ sở hạ tầng "đô thị mới" xa hoa và rộng lớn, do tư nhân xây dựng và quản lý như thế này đã nhanh chóng phát triển rộng khắp Đông Nam Á trong hơn 20 năm qua, tái cấu trúc quy hoạch của các thành phố trong khu vực.
Việt Nam, trong xu thế phát triển của khu vực, nhanh chóng xoá đói giảm nghèo, vươn lên tăng trưởng kinh tế - nhưng đi kèm với đó là sự bất bình đẳng trong xã hội cũng không ngừng gia tăng, và ngày càng trở nên sâu sắc, ghi dấu ấn trên khắp mọi miền đất nước với việc mở rộng các khu vực đô thị.
"Trước đây, hầu hết mọi người đều nghèo. Bây giờ thì khác hẳn", ông Lâm, 40 tuổi, một người dân sinh ra và lớn lên ở khu ngoại vi phía tây của Hà Nội, giữa những thửa ruộng trồng lúa, trồng hoa đào và quất lâu đời, buồn rầu thừa nhận.
Ông đang mở một cửa hàng bán khung tranh ảnh ngay tại nhà. Ruộng đất giờ đã không còn, những thửa ruộng trước đây giờ sừng sững mọc lên khu đô thị phức hợp Ciputra bao quanh bởi tường bêtông dày, cổng chào lớn có người canh gác 24 giờ, đối lập với khu dân cư nơi ông Lâm sinh sống, xe máy cũ dựng lộn xộn, quán nước vỉa hè đầy ghế nhựa và những búi dây điện lủng lẳng.
Bà Miên, 59 tuổi cho biết, "bên này toàn là người bình thường, còn bên khu đô thị kia, họ rất giàu". Cũng giống như ông Lâm, bà dọn hàng bán trà đá, thuốc lá và nước đóng chai tại nhà, những chiếc ghế nhựa cũ bày trên vỉa hè phía trước gian nhà bé tẹo, thậm chí những khi đông đúc, khách hàng ngồi cả lên chiếc giường cũ không đệm của bà. "Ở đây chúng tôi chỉ đủ sống thôi", bà nói.
Tại Việt Nam, tỷ lệ những người sống trong cảnh nghèo đói đã giảm từ gần 60% xuống còn khoảng 20% trong 20 năm qua. Năm 2010, Ngân hàng Thế giới phân loại Việt Nam là một đất nước có "thu nhập trung bình". Nhưng khi Việt Nam đẩy mạnh tự do hóa nền kinh tế thì số lượng công dân cực kỳ giàu có đã tăng vọt. Ước tính, số người siêu giàu - những người có tài sản hơn 30 triệu USD - tăng hơn ba lần trong 10 năm qua.
Khoảng cách giàu nghèo lớn nhất có thể thấy rõ giữa dân cư các vùng nông thôn nghèo và tầng lớp thượng lưu thành thị, đáng chú ý nhất trong các thành phố nơi người giàu và người nghèo sống bên cạnh nhau, xe đạp đi bên cạnh Bentley, Mercedes và Range Rover, những bức tường được dựng lên, phân chia những khu bất động sản cao cấp với những làng nghề, trang trại và nhà trọ một phòng, đồng thời làm tăng gấp đôi các quán trà và xưởng thợ nhỏ.
"Mối lo ngại về sự bất bình đẳng tăng cao khi người Việt ngày càng có xu hướng di cư ra các thành phố lớn, làm bộc lộ rõ khoảng cách giàu nghèo", năm 2014, Gabriel Demombynes, nhà phân tích kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới cảnh báo.
Trong khi đó, 8 trên 10 cư dân đô thị nói rằng họ lo lắng về sự bất bình đẳng trong mức sống ở Việt Nam, theo một cuộc khảo sát về nhận thức sự bất bình đẳng được thực hiện bởi ngành ngân hàng kết hợp với Viện Khoa học Lao động và Xã hội Việt Nam.
Khoảng cách
Hà Nội là một thành phố cổ, năm 2010 là năm kỷ niệm thành phố 1.000 năm tuổi. Kế hoạch giãn dân nhiều tham vọng, nếu được thực hiện sẽ phải di dời hàng nghìn người vào trước năm 2020 ra khỏi những khu phố cổ đầy di tích lịch sử, những con phố vẫn mang những cái tên được đặt theo nhóm phường chợ cùng buôn bán một loại hàng hoá: Hàng Bạc bán đồ thủ công chạm bạc, Hàng Gai bán tơ lụa, Hàng Tre bán những sản phẩm tre nứa.
Ở vùng ngoại ô, nhà cao tầng sang trọng mọc lên san sát, những dự án phát triển tổng thể khổng lồ chiếm hết các thửa ruộng hoa màu và cánh đồng lúa. Khắp thành phố, những dãy nhà tập thể cũ đang bị phá dỡ và được thay thế bằng tổ hợp chung cư tư nhân. Ở trung tâm sầm uất, con cái của tầng lớp giàu có khoe mẽ trong lớp đồ phụ kiện sáng bóng, đi những chiếc Vespa cổ điển và ngồi nhấm nháp ly cà phê Việt đặc sánh tại những quán cà phê đúng mốt, hợp thời trang.
Lisa Drummond, giáo sư đô thị học tại Đại học York ở Toronto, đã dày công nghiên cứu về Hà Nội trong nhiều thập kỷ, đề cập đến "vực thẳm đã bắt đầu mở ra" giữa người giàu và người nghèo nơi đô thị, và những khu cơ sở hạ tầng đô thị cao cấp như Ciputra hay Ecopark chỉ phản ánh và góp phần nối dài thêm khoảng cách giàu nghèo.
"Tách mình khỏi những bộn bề của thành phố cũ, họ lập thành nhóm riêng, rút ra khỏi thành phố, ẩn sau những bức tường, tạo lập cơ sở riêng của mình trong một không gian đồng nhất về kinh tế, bởi vì thật rõ ràng là nếu đủ tiền bước vào không gian đó, thì chỉ những người có tiền mới có thể hiện diện ở đó", Lisa Drummond nhận xét.
Bên kia bức tường bao quanh khu Ciputra, những biệt thự trang nhã sơn màu be được xây dựng giữa những khu vườn tươi tốt, có giá thuê lên tới gần 4.000 USD mỗi tháng. Thế giới bên trong khu phức hợp đô thị là mảng đất của kiến trúc phục hưng Hy Lạp và các tiện nghi như sân tennis, thẩm mỹ viện, bưu điện. Trường Quốc tế Liên Hiệp Quốc chuyển đến đây vào năm 2004, tiếp theo là hai trường tư khác, và một nhà trẻ tư nhân. Một trung tâm mua sắm khổng lồ và một bệnh viện tư nhân hiện vẫn đang được xây dựng mới.
Được xây dựng vào đầu những năm 2000 làm nơi cư trú cho khoảng 50.000 người, Ciputra là "khu đô thị đa chức năng mới" đầu tiên của Hà Nội, và là dự án nước ngoài đầu tiên của Ciputra Group, một tập đoàn Indonesia đặt theo tên người sáng lập tỷ phú chuyên đầu tư bất động sản quy mô lớn.
Được thiết kế nhiều tiện nghi đến nỗi cư dân không cần tìm kiếm thêm dịch vụ bên ngoài, chủ đầu tư cam kết rằng "khu đô thị là chốn lý tưởng cho cuộc sống, kinh doanh, mua sắm, vui chơi giải trí ở vị thế hàng đầu." Khu Ciputra đang ngày càng lớn mạnh, mở rộng, cư dân tập trung đông đúc, được khẳng định là khu đô thị tư nhân lớn nhất nhì thủ đô.
Danielle Labbé, giáo sư quy hoạch đô thị tại Đại học Montreal, đã theo sát sự bùng nổ quy hoạch tổng thể của những "khu đô thị mới" tại Hà Nội trong nhiều năm qua. Giáo sư ước tính có khoảng 35 dự án ở trong giai đoạn hoàn thiện tại Hà Nội, và hơn 200 dự án khác đang được bắt đầu triển khai. Không phải tất cả mọi hạng mục của dự án - như nhà ở, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tiện ích khác đều được xây dựng cùng một lúc - và nhất là không quá lớn như Ciputra hay Ecopark, Labbé nói, nhưng tất cả các dự án này cùng chia sẻ phân khúc thị trường mục tiêu chính: các cư dân giàu có của thủ đô.
"Mặt trái hiện thực của những dự án này, nhà cửa hay môi trường sống được gây dựng tốn kém, về cơ bản là ngoài tầm với của đa số người dân", Labbé nói, mặc dù "nhu cầu rất lớn về nhà ở đô thị tại Việt Nam lại không được thoả mãn".
Những tập đoàn đa quốc gia và các nhà đầu tư bất động sản trên khắp thế giới đã rót hàng tỷ USD đầu tư vào những khu đô thị đa chức năng cao cấp và đẩy mạnh hơn nữa tham vọng phát triển những dự án quy hoạch tổng thể có quy mô lớn. Ở miền tây Ấn Độ, Lavasa là dự án táo bạo trị giá 30 tỷ đô la nhằm mục đích xây dựng toàn bộ thành phố tư nhân đầu tiên ở đất nước rộng lớn này. Từ Punta del Este tại Uruguay đến Bangkok, Thái Lan, những ốc đảo giàu sang với cơ sở hạ tầng tiên tiến nhất đang được tạo dựng ở mọi thành phố lớn trên khắp các châu lục.
Trong khi mối quan tâm hàng đầu về an ninh và sự đe doạ của tội phạm đô thị thường là một trong những động lực chính thúc đẩy tầng lớp thượng lưu trú ẩn sau những bức tường đóng kín ở các thành phố như Nam Mỹ hay châu Phi cận Sahara, thì tại Hà Nội dự án đô thị đa chức năng cao cấp luôn được xem là ốc đảo độc quyền của sự tiện lợi và không khí trong lành, tránh xa khói bụi ô nhiễm và ùn tắc giao thông của thành phố.
Vào những ngày tồi tệ nhất, Hà Nội bị bao phủ trong lớp sương mù dày đặc. Khẩu trang che mặt bằng vải sặc sỡ nhiều màu được bán rong rộng rãi, phổ biến trên mọi con phố đông đúc chật hẹp của Hà Nội. Hàng triệu xe máy và một số lượng lớn xe ôtô tung bụi mù mịt hay nhả khói đen vào không khí, tiếng ồn của còi xe và động cơ luôn vượt quá mọi giới hạn cho phép. Băng qua đường có thể là hành động nguy hiểm đến tính mạng được đánh giá cao bậc nhất ở đô thị này, đặc biệt là với trẻ em và người già, hơn thế nữa là nỗi sợ hãi đang lan rộng về ảnh hưởng tác động đến sức khỏe của môi trường không khí ngày càng ô nhiễm của thành phố.
"Hiện có rất nhiều cuộc thảo luận đưa ra những đánh giá không khí ở Hà Nội đã ở tình trạng xấu, mức độ ô nhiễm của thành phố là đáng báo động, rác thải ngày càng nhiều. Điều đó cho thấy cư dân thành phố đang dần có ý thức về mức độ nguy hiểm, về độc tính của môi trường bị ô nhiễm", Drummond nói.
Nhưng đồng thời với việc tạo ra không gian cho "những người giàu có thể tự tách mình khỏi thành phố", những khu đô thị cao cấp vùng ngoại vi còn tung ra chiêu tiếp thị trên thị trường về chất lượng môi trường sống đẳng cấp cao nhằm "duy trì ý nghĩ rằng khu trung tâm thành phố cổ như là một không gian cần tránh xa và duy trì khoảng cách giữa những người có thể chuyển đến sống trong không gian ưu việt đó và những người không thể".
Vào giờ cao điểm, giao thông tắc ngẽn ùn ứ tại vòng xoay bên ngoài cổng khu đô thị Ciputra. Nhưng bên trong khu đô thị - được quảng cáo tiếp thị trên thị trường như là một "ốc đảo hòa bình giữa sự hối hả và nhộn nhịp của Hà Nội" - bầu không khí hoàn toàn lắng đọng trong yên tĩnh, êm ả. Hàng rong không được phép vào trong, và âm thanh duy nhất của cuộc sống là của trẻ em chơi trong sân của một trong những trường tư thục trong khu phức hợp.
Một người dân chỉ tay vào khu Ecopark đang xây dựng ở Văn Giang. Ảnh: Reuters
Phía bên kia thành phố, nơi rìa phía đông của Hà Nội, khu đô thị tư nhân Ecopark cũng đưa ra những thông điệp quảng bá về "sự hòa hợp hoàn hảo của con người và thiên nhiên, nhiều khu vực mở đa dạng phong phú, nơi bạn và gia đình có thể đi dạo hoặc chỉ đơn giản là ngồi dưới bóng mát của cây cối xanh tươi, thưởng thức một bữa ăn ngoài trời, tận hưởng thiên nhiên tốt nhất theo cách của mình".
Dự kiến được hoàn thành vào năm 2020, Ecopark được mở bán theo từng giai đoạn, trong đó, khu Palm Springs đã được hoàn thành và trở thành nơi cư trú đẳng cấp cao của hàng nghìn người trong 1.500 căn hộ, 500 biệt thự và 150 nhà phố.
Đến khi khánh thành đầy đủ, "thành phố mới" - Ecopark - sẽ có một số tiện ích kết nối như "khu du lịch nghỉ dưỡng" nằm trên khu đất riêng cung cấp "nơi lưu trú có các tiêu chuẩn và dịch vụ cao nhất" với hồ bơi, sân tennis và trung tâm mua sắm đặc biệt xa hoa. Trường Đại học Anh quốc - đại học tư nhân tại Việt Nam, cũng đang tiến hành xây dựng cơ sở vật chất của trường có khả năng đào tạo cho khoảng 7.000 sinh viên, trị giá hơn 70 triệu đôla Mỹ.
Vào buổi chiều các ngày trong tuần, khu nhà phố mới hoàn thành thời gian gần đây trong khu đô thị vô cùng yên ắng, với nhiều bảo vệ đi tuần tra trên đường hơn người đi bộ. Ngoài hồ bơi và công viên cảnh quan, một cửa hàng - mà không có bất kỳ khách hàng nào - có đèn sáng trên các cửa sổ, yết giá bán một chiếc đèn cây lên tới 1.700 USD, nhiều hơn 10 lần mức lương tối thiểu hàng tháng của người lao động chân tay tại Việt Nam.
Trong một quán cà phê nhỏ ngay bên trong khu đô thị phức hợp, phóng viên của Trung tâm điều tra báo chí (CIJ) bắt chuyện với ba người đàn ông làm việc cho một nhà thầu của khu đô thị, quản lý đội ngũ công nhân xây dựng, họ nói rằng nếu có đủ khả năng nhất định họ sẽ chuyển đến sống ở Ecopark.
"Tất nhiên là nơi này quá tốt đẹp để sống", ông Hải, 39 tuổi, nói "môi trường tuyệt vời, dân trí cao, dịch vụ tốt. Chúng tôi làm việc ở đây và chúng tôi hy vọng rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ kiếm đủ tiền để mua một ngôi nhà ở đây".
Nguồn cung cho người giàu
Những khu phức hợp đắt tiền, những khu đô thị tư nhân đẳng cấp, những dự án bất động sản xa hoa chủ yếu phục vụ cho tầng lớp thượng lưu thành thị đã khiến cho một vài người Việt Nam giàu có thậm chí trở nên giàu hơn.
Giới trẻ ở Hà Nội ngồi trên tầng mái một quán bar ngắm Hồ Tây. Ảnh: Guardian
Không chỉ riêng thủ đô Hà Nội đang chuyển mình nhanh chóng, trên khắp đất nước, các công trình xây dựng đang được gấp rút tiến hành. Đại gia bất động sản Singapore Keppel Land và Banyan Tree Holdings là nhà đầu tư lớn, cùng với các công ty của Hàn Quốc Lotte và Tập đoàn Sun Wah của Hong Kong. Với Vũng Rô Petroleum, một công ty Việt Nam, Rose Rock Group có trụ sở tại Mỹ, một công ty đầu tư được thành lập bởi các thành viên của gia đình Rockefeller, đang phát triển một loạt các dự án bất động sản phức hợp trị giá 2,5 tỷ đôla Mỹ dọc theo bờ biển phía đông nam.
Labbé cho rằng sự phát triển bùng nổ này được thúc đẩy bởi hai bộ luật: luật đất đai mới vào năm 2003, và một nghị định năm 2007 về chuyển giao quyền tái sử dụng đất đai vì mục đích phát triển cho chính quyền địa phương (trước đây, quyền quyết định thuộc về thủ tướng chính phủ).
Năm ngoái, Việt Nam cũng cắt giảm bớt các hạn chế lâu nay vẫn áp đặt lên phần vốn thuộc sở hữu nước ngoài của các công ty và tài sản trong nước - chính sách mới áp dụng nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào bất động sản nhiều hơn nữa.
Trở lại với những bức tường ngăn của khu Ciputra, ông Lâm cho biết, thỉnh thoảng ông cũng bán được hàng cho những người sống trong khu đô thị. Trên bàn, tựa vào bức tường, ba bức tranh tươi sáng, thanh lịch đóng khung trong bằng gỗ tối màu đơn giản, cho các khách hàng ở Ciputra. Nhưng ông nói rằng tiền hoa hồng cho thêm là rất hiếm có, đặc biệt là đối với những con người giàu có thượng lưu nhiều tài sản sống bên trong khu phức hợp.
"Những người giàu và người nước ngoài muốn đi đến những trung tâm mua sắm lớn. Chúng tôi ở gần họ, nhưng không có nhiều người đến đây", ông nói. "Tôi chỉ kiếm đủ sống, vì vậy tôi không thực sự nghĩ về nó nhiều. Nhưng đúng là một số người rất giàu có, còn một số thì rất nghèo".
Tuệ Lâm
(Vnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét