Không có tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong danh sách bầu cử
LĐO XUÂN QUANG - THANH HẢI Danh sách bầu cử sẽ không có tên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị không được BCH Trung ương giới thiệu. Đại hội cũng đã chốt 246 ứng viên để bầu Ban chấp hành TƯ khóa XII.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành một phiên thảo luận ở Đại hội XII.
Tối 25.1, sau khi xem xét các trường hợp xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử BCH Trung ương khoá XII, Đoàn Chủ tịch đã báo cáo với Đại hội về việc bầu cử và danh sách ứng cử, đề cử và 29 trường hợp xin rút khỏi danh sách đề cử. Đại hội đã thực hiện quy trình bỏ phiếu thông qua danh sách ứng cử, đề cử, các trường hợp xin rút khỏi danh sách đề cử. Đại hội đã đồng ý cho các ứng viên rút khỏi danh sách bầu cử. Như vậy, danh sách bầu cử sẽ không có tên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, nguyên Bí Thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành uỷ TPHCM Lê Thanh Hải.
Đa số các ứng viên xin rút đều được các đại biểu đồng thuận với số phiếu cao, từ 95 - 98%. Riêng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được số phiếu thấp: Trên 59%.
Lúc 21h, Đại hội vẫn đang thực hiện quy trình bỏ phiếu đợt 2 thông qua danh sách bầu cử chính thức, bởi danh sách đề cử vẫn có số dư vượt quá 30%.
21h30, Đại hội đã thống nhất danh sách 246 ứng viên để bầu BCH Trung ương, trong đó có 220 người ứng cử ủy viên chính thức (để chọn 180 người) và 26 người ứng cử ủy viên dự khuyết (để chọn 20 người).
Đồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định: Mọi việc từ trao đổi, thảo luận tại Đại hội, chuẩn bị nhân sự Đại hội, kết quả Đại hội đều công khai, kịp thời, rõ ràng, cụ thể để nhân dân theo dõi.
Về việc một số đồng chí không trong danh sách đề cử do BCH Trung ương khóa XI giới thiệu, được đại biểu Đại hội đề cử, đã chủ động rút, đồng chí Vũ Trọng Kim cho rằng, đó là sự tôn trọng tổ chức của mình.
BCH Trung ương là một tổ chức ở cấp cao cho nên tính kỷ luật, tính tổ chức rất chặt chẽ. Khi mà cả tổ chức đã giới thiệu thì phải đa số; nếu không được giới thiệu, việc xin rút là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc sinh hoạt trong tổ chức Đảng, tức là thiểu số phục tùng đa số và tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Từ cơ sở lên mình làm như thế hết, do vậy, đại hội đảng bộ các địa phương rất thành công, đại hội đảng bộ các cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương rất tốt, tới Trung ương càng làm tốt hơn.
Ngày 26.1, Đại biểu sẽ nhận danh sách bầu cử chính thức và tiến hành bỏ phiếu bầu cử BCH Trung ương khoá XII gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Danh sách trúng cử được công bố vào chiều cùng ngày.
Ngày 27.1, BCH Trung ương khóa mới sẽ họp hội nghị lần thứ nhất để bầu các chức danh chủ chốt: Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Danh sách bầu cử có đại diện của giai cấp công nhân
Danh sách bầu cử ủy viên BCH Trung ương khóa XII có đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Bí thư Đảng Đoàn, Đảng ủy viên Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Bí thư Đảng ủy Tổng LĐLĐ, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, người đã được nhiều Đại biểu, nhiều đoàn giới thiệu vào danh sách ứng cử ngày 24.1.
Trước đó, trao đổi với Lao Động, Đại biểu Đặng Văn Chương, Ủy viên BCH Tổng LĐLĐVN, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Nam, Đoàn Đại biểu tỉnh Quảng Nam cho biết: Trong danh sách BCH Trung ương khóa XI giới thiệu "cứng" 221 ứng cử viên lại không có đại diện của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Đại biểu Đặng Văn Chương phân tích: Trong khi, các văn kiện của Đại hội lần này đã khẳng định rất rõ cần thiết phải xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước. Và ý chí đó cũng được thể hiện rất cụ thể về nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, nâng cao đời sống cả về vật chất, đời sống văn hóa và tinh thần cho người lao động. CNLĐ là lực lượng đi đầu trong lĩnh vực phát triển kinh tế, nếu chúng ta không có chính sách cụ thể để phát huy nguồn lực cơ bản này thì khó thúc đẩy nhanh công cuộc CNH-HĐH đất nước theo tinh thần đổi mới của ĐH XII.
Việc xây dựng giai cấp CN vững mạnh, thì vai trò tổ chức CĐ phải làm nòng cốt. Thủ lĩnh của tổ chức Công đoàn phải trưởng thành từ giai cấp công nhân, kinh qua công tác Công đoàn. Đảng cần quan tâm đến nhân tố con người, nhằm tạo điều kiện cho tổ chức Công đoàn thực sự phát huy được hiệu quả hoạt động và nâng cao uy tín của mình.
http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/khong-co-ten-thu-tuong-nguyen-tan-dung-trong-danh-sach-bau-cu-511636.bld
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét