Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Có một thứ hội chứng... “nói xấu dân tộc”

Có một thứ hội chứng... “nói xấu dân tộc”
Mới rồi, trên một diễn đàn thấy có chia sẻ rằng khách Tây đến Việt Nam cũng phải “đóng bỉm” cho balo, kèm ảnh hai du khách đứng tại sân bay nào đó, vai đeo balo to đùng bọc nilon kín mít, tôi lại tò mò. Liền download, phóng to thì nhận ra đó là kiểu bọc nilon hành lý vẫn gặp ở các sân bay.
Thú thực là lần đầu tiên thấy vali, balo, hòm xiểng bọc nilon kín mít tôi cũng lạ. Sau nghĩ với người cầu kỳ, kỹ tính kén chọn mãi mới tìm được cái vali, balo vừa ý cả màu sắc lẫn kích thước, mà sau chuyến bay nhận lại vali, balo bị quăng quật méo mó, sứt sát, thậm chí bẩn thỉu, bị rạch thủng sao chẳng xót ruột. Dịch vụ này tiện lợi, hầu như tại các sân bay tôi đã đến đều thấy đặt gần cửa ra vào, có nơi khách xếp hàng dài chờ đến lượt. Vì thế cảnh người kéo vali, đeo balo bọc nilon kín mít ở các sân bay không phải là lạ lẫm. 

Chỉ lạ lẫm là không hiểu tại sao chỉ thấy hai du khách đeo balo bọc nilon mà người ta đã kết luận đó là việc làm để “chống mất cắp hành lý ký gửi trong quá trình kiểm hành lý tại sân bay Việt Nam và đây thực sự là điều đáng xấu hổ”? Vì theo tôi, nếu từ hai chiếc balo bọc nilon mà đã kết luận được thì đâu chỉ ở Việt Nam mới có trộm cắp tại sân bay, và đâu chỉ Việt Nam mới cần phải xấu hổ về hiện tượng đó!

Lần đầu tới Paris, bạn bè dặn tôi cẩn thận, ở đó nhiều “đạo chích”. Nên tôi đề phòng, giấy tờ và tiền nong giấu kín đến mức có lúc cần lấy mà tôi tìm mãi mới ra! Vậy rồi khi đứng trước Khải hoàn môn hí húi chụp ảnh, bỗng có hai cô bé nhìn như người Arad chạy tới, miệng liến thoắng gì đó tôi không hiểu. Một cô gí vào cằm tôi tờ giấy A4 in tiếng Pháp tôi cũng… không hiểu! Đang lúng túng, bỗng cảm thấy phía trước áo khoác động đậy, tôi liền vội gạt tờ giấy trước mặt nhìn xuống thì thấy túi ngực đã bị cô bé còn lại mở toang, may trong đó không có gì. Tôi quát tháo ầm ĩ (bằng tiếng Việt!), hai cô bé bỏ chạy! Tôi nhìn theo rồi cười, không thấy vì thế mà nghĩ Paris xấu đi. 

Năm sau một người bạn tôi sang Pháp, cũng được dặn dò rất cẩn thận, thế rồi chẳng biết thế nào lại bị móc mất cái máy ảnh “xịn” mượn của ông anh mới mua từ Nhật. Biết bạn bị mất cắp, tôi hỏi có chán nước Pháp không, bạn lại cười khơ khớ và bảo: “Không”! Hiện giờ máy tính của tôi lưu giữ vài trăm bức ảnh chụp trong những lần ra nước ngoài, nhiều ảnh chụp người vô gia cư, hành khất, người hát rong,… Nhưng dẫu là làm nghề báo, lại chụp được nhiều như thế, tôi vẫn không có ý định công bố. Vì tôi không muốn dựa vào mấy bức ảnh rồi quy kết thế này, thế khác, và nói xấu một đất nước mà mình mới lướt qua năm bảy ngày.

Thế nên, tôi rất dị ứng với một số người mà qua cung cách họ hành nghề báo chí, có thể đặt ra câu hỏi: Hình như họ luôn tìm thấy khoái cảm trong việc săm soi, bới móc để bêu xấu một số hiện tượng tiêu cực, hạn chế của dân tộc đã sinh ra họ. 

Căn cứ vào số bài báo đã được công bố, tôi thấy số người hành nghề như vậy có xu hướng tăng lên, tôi gọi đó là “hội chứng nói xấu dân tộc” - một loại hội chứng nếu trở nên trầm trọng sẽ rất nguy hiểm, vì ngăn cản việc tìm điều tốt đẹp từ cuộc sống, từ người xung quanh. Nói vậy không có nghĩa khi viết báo tôi không quan tâm đến điều xấu xí, mà trong nhiều trường hợp tôi đề cập một cách cụ thể, trực diện, phân tích rạch ròi; nhưng không bao giờ coi đó là yếu tố đã góp phần làm nên phẩm chất của dân tộc tôi, càng không bao giờ đặt mình trên cao để phán xét một cách kẻ cả, hợm hĩnh. 

Còn khi thấy người ta phê phán sử dụng bức tranh vẽ Kiều của họa sĩ Lê Văn Đệ để in trên bìa Truyện Kiều mới xuất bản, gán cho việc này các “tội lỗi” ghê gớm như: lõa lồ, phản cảm, dung tục, không xứng với tầm tác phẩm của Nguyễn Du… tôi thấy buồn cười. Buồn cười vì không hiểu nếu đứng trước các kiệt tác của Michelangelo, Raphael, Titian, Modigliani, Goya,… trong đó có hình người khỏa thân liệu họ có la lối là phản cảm, lõa lồ, dung tục hay không? Càng buồn cười hơn khi liên tưởng đến câu hỏi: Lấy gì bảo đảm mấy người to mồm phê phán kia chưa từng dấm dúi xem phim “sex”, hay tranh ảnh khỏa thân?

Câu hỏi liên tưởng trên đây của tôi là có cơ sở, bắt đầu từ việc tôi đã đọc bài vở của một số cây bút mà tôi nhận ra khoảng cách khá xa giữa phong thái phách lối, ngôn ngữ tục tằn với những gì họ phê phán, đặc biệt là đọc bài bình luận, đánh giá đượm màu cao đạo, riết róng, cay nghiệt của một nhà nghiên cứu khi ông say sưa phanh phui “người Việt xấu xí”. Đọc, và tôi nhận ra đức mục nghề nghiệp của ông cũng chỉ là thứ cao ngạo dỏm. Vì nhiều điều ông viết ra đích thị là sản phẩm từ thói “nghe hơi nồi trõ”, “ngồi lê đôi mách”, “khẩu thiệt vô bằng” - các thói xấu mà người Việt tử tế đều tránh xa.

 Đọc Nhật ký văn nghệ ông mới công bố, tôi khó tìm trong đó dấu ấn của sự nhân ái, độ lượng, sẻ chia. Hầu như gặp ai, đến đâu, nghe hóng ở đâu ông cũng chỉ xăm xăm tìm cái xấu, rồi bình luận theo hướng thiếu tích cực. Tôi không rõ ông lấy gì bảo đảm sự chính xác khi Nhật ký văn nghệ của ông nhan nhản những ghi chép theo lối “nghe hơi nồi trõ” như: “Nguyên Ngọc kể… ai đó bảo… Hồ Ngọc kể… Nguyễn Quân kể… Quân lại nói… Hồ Ngọc bảo ông Vũ Tú Nam kể… Nghe đồn Phan Hồng Giang có nói… Nghe nói (có anh kể)… 

Một người bạn cũ, kể chuyện Hà Nội - Sài Gòn… Đoàn Giỏi tới thăm về, kể… Nghe nói khi thơ Trường Chinh ra, có người bảo Lê Đình Kỵ phê bình đi… Phương Lựu kể với tôi… Nghe nói vụ Cù Lao Tràm… Trần Đăng Khoa có lần kể với Trà một chuyện nhỏ, giờ Trà kể lại với tôi… Nghe nói là có cuộc trao đổi về Ly thân bên báo Văn nghệ… Chương Thâu kể… Bùi Việt Sĩ kể… Thiếu Mai kể… Nguyễn Đăng Mạnh có lần nói với bọn tôi… Sử kể một đoạn đối thoại với Hữu Thọ… Vũ Quần Phương kể ở cơ quan NXB Văn học… Ngọc Trai bảo… Một việc khác, cũng do Ngọc Trai kể… Vẫn Ngọc Trai kể… Ngô Văn Phú, và Bùi Hòa cùng kể… Gặp Nguyễn Văn Bổng. Ông lắc đầu kể… Phong Lê kể cho biết… Bùi Việt Sĩ kể… Trúc Thông kể… Bà Bảo ở Văn phòng Hội bảo… Chương Thâu kể… Ngô Thảo nói… Lê Minh Khuê kể… Xuân Quỳnh họp về đến cơ quan kể với tôi một chuyện tạt ngang… Đỗ Trung Lai ở báo Quân đội nhân dân thì thào… Nghe Ý Nhi kể… Nghe Hách nói… Anh Ngọc nhà thơ khái quát… Sử có lần nói về Phương Lựu như sau: Phương Lựu đọc ông A, bảo ông A được cái này hỏng cái này. Rồi đọc ông B, bảo ông B được cái kia, hỏng cái kia. Kết hợp cả hai cái được của A và B lại, thì thành ra Phương Lựu… Nghe nói Chu có viết một báo cáo… Nghe nói Nguyễn Thụy Kha có một bài… Trần Đình Sử nhận xét… Hách bình luận… Vũ Quần Phương kể… Ân kể với tôi… Hầu như người ông gặp, sự kiện, vấn đề ông “nghe nói”, nghe “kể, nói, bảo” rồi ghi lại đều xấu xí, dị hợm, bất tài, ham hố quyền lực, đang thực hành mưu mô. Và tôi kinh ngạc khi đọc những dòng ông viết về các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình ông đã đề cập: “Vũ Khiêu toàn nhận định nhăng nhít. Phan Huy Lê ba mươi năm nay không viết gì (đúng là con nhà Phan Huy Ích, cơ hội qua ngày). Hà Văn Tấn như con mọt sách, cũng không được việc gì hết”, “Nguyễn Kiên Giang không hề biết mình là loại người gì”, “Mẹ Thành chúa cơ hội thì lúc nào cũng mời mọc “cái này để mời anh Linh đi xem ạ!”. Giờ nghỉ, thấy ông Linh ra, Hồ Ngọc phải tránh đi, nhưng bọn Lưu Quang Vũ, Hoàng Quân Tạo cùng xô đến... Vũ dám làm tất cả các việc mà Vũ vẫn chế giễu”, “Nguyễn Tuân hay là cuộc đi tìm chỗ đứng. Tô Hoài hay là sự lươn khươn lúc đi với văn học nói mình là cách mạng, lúc đi với cách mạng nói mình là nhà văn. Xuân Diệu - người vợ lẽ chịu nép một bề, cốt để tồn tại… Tế Hanh - một thứ dây leo, Nguyễn Xuân Sanh ăn bám. Bùi Hiển - tiến trình đi ngược chiều lịch sử, sự trở lại của cái địa phương ngớ ngẩn. Hữu Mai, Hồ Phương - các cán bộ tuyên huấn tưởng có thể đẻ ra một thứ văn chương mới”… Với lối ghi chép, viết lách, bình luận như thế ông vẫn có thể xưng xưng bàn về “người Việt xấu xí” thì thử hỏi, liệu có nên tin vào điều ông viết ra?

Tôi viết bài này không phải là lên giọng dạy dỗ ai, mà qua đây tôi muốn bày tỏ thái độ trước một số điều người ta đã - đang viết về người Việt, về văn hóa Việt. Người xưa bảo: “Nhân vô thập toàn”, điều này có lẽ không chỉ đúng với mỗi người, mà còn đúng với dân tộc. Dân tộc chúng ta còn điều dở, nếu thấy có trách nhiệm, mỗi chúng ta cần hành động như thế nào để điều dở ngày càng ít đi, và không nên cao đạo tự cấp cho mình cái “quyền nói xấu dân tộc”. 

Cũng nên lưu ý rằng dân tộc này đã sinh ra chúng ta, tạo dựng cơ hội giúp chúng ta trưởng thành, nếu dân tộc chỉ có điều dở, thiếu điều hay thì chắc chắn mấy người đang săm soi, bới lông tìm vết sẽ khó có được phẩm giá (nếu có) để họ thấy đủ tư cách quay ra nhiếc móc, và hể hả khi phát hiện ra một thói xấu nào đó của một số người rồi quy kết vào bản chất dân tộc. Thêm nữa, cần phân biệt sự khác nhau giữa phê phán một cách thiện chí với soi mói, nhiếc móc, miệt thị. 

Và ý nghĩa hơn cả là trước khi soi mói, bới móc, chì chiết,… dân tộc và người cùng sống trong cộng đồng, mỗi người hãy tự giác thực hành những điều rất nhỏ như hằng ngày đọc vài chục trang sách, ra đường biết dừng lại trước đèn đỏ, không xả rác, không hễ thấy chuyện gì là xúm đông xúm đỏ bàn ra tán vào, không tụ tập để bia bọt chém gió và văng tục, dành nhiểu thời gian làm việc hơn là say sưa với facebook tán hươu tán vượn, đăng ảnh nhậu nhẹt, khoe váy áo mới,… Đó là các công việc mà tôi ngờ rằng nhiều người đang bỉ beo dân tộc và đồng bào mình, đã quan tâm đúng mức?

NH - 12.2105
http://daidoanket.vn/chuyen-de/co-mot-thu-hoi-chung-noi-xau-dan-toc/84782

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét