Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

(1) Đổi mới lần hai: yêu cầu của cuộc sống (kỳ 1)

Đoạn này hay: "mất mát lớn nhất là tinh thần và ý chí Đổi mới ra đi rất sớm sau năm 1986, còn đến nửa cuối thập niên 2000 thì về cơ bản không còn nữa. Nếu như trước năm 1986 và cho đến thập niên 1990, những quyết sách của các nhà lãnh đạo đất nước có thể đúng hoặc sai nhưng thường không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân hay phe cánh, trái lại đều xuất phát từ thái độ chân thành. Bằng sự chính trực ấy, những sai lầm của nền kinh tế tích tụ trong một thập niên kể từ 1975 được thế hệ lãnh đạo sửa sai với tinh thần cầu thị. Đấy cũng chính là khác biệt cơ bản so với những năm gần đây". Hay vì chỉ rõ khủng hoảng của đất nước, khủng hoảng về đường hướng phát triển chính từ lúc bác Dũng lên nắm quyền.
Đổi mới lần hai: yêu cầu của cuộc sống (kỳ 1)
Câu chuyện Đổi mới được mổ xẻ trên nhiều giác độ, từ kinh tế đến văn hóa - xã hội, nhắm vào được, mất như thế nào. Nhiều cung bậc cảm xúc trào ra trong gần 4 giờ thảo luận sôi nổi. Phía sau những băn khoăn, day dứt... là tinh thần công dân của những trí thức có lòng với thời vận đất nước.
LTS: Bước vào năm 2016 là vừa tròn 30 năm kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách Đổi mới trong bối cảnh nền kinh tế chênh vênh bên bờ vực. Ba thập niên là quãng thời gian đủ dài để nhìn lại một cách sòng phẳng những thành công và thất bại của Đổi mới trên nhiều bình diện, rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời mạnh dạn đề xuất những ý kiến đóng góp thẳng thắn vì mục tiêu phát triển đất nước. Với tâm thế đó, Người Đô Thị tổ chức Tọa đàm Mùa xuân với sự góp mặt của các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu văn hóa - xã hội và doanh nhân ở cả khu vực tư lẫn khu vực công.

Mất đà

Nhận xét những thành tựu Đổi mới đã được Đảng đề cập đầy đủ, không thể nói thêm, TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP), tập trung vào “những góc khuất chưa được bàn nhiều”. Nhấn mạnh nên đặt vấn đề một cách đầy đủ, ông cho rằng mất mát lớn nhất là tinh thần và ý chí Đổi mới ra đi rất sớm sau năm 1986, còn đến nửa cuối thập niên 2000 thì về cơ bản không còn nữa. Nếu như trước năm 1986 và cho đến thập niên 1990, những quyết sách của các nhà lãnh đạo đất nước có thể đúng hoặc sai nhưng thường không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân hay phe cánh, trái lại đều xuất phát từ thái độ chân thành. Bằng sự chính trực ấy, những sai lầm của nền kinh tế tích tụ trong một thập niên kể từ 1975 được thế hệ lãnh đạo sửa sai với tinh thần cầu thị.

Đấy cũng chính là khác biệt cơ bản so với những năm gần đây.


Không có được ý chí sửa sai ấy, nền kinh tế bắt đầu bộc lộ hàng loạt trục trặc từ 2008. Hô hào tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, khu vực ngân hàng, đầu tư công... thực ra chỉ có tính hình thức, là cách “mua thời gian”, đẩy những trục trặc về tương lai. Phần vì tư duy nhiệm kỳ, phần khác là cải cách đòi hỏi nỗ lực rất lớn, thậm chí phải trả giá bằng sinh mệnh chính trị. “Cải cách đúng chưa chắc được hưởng, nhưng nếu sai thì người thực hiện phải chịu trách nhiệm”, ông Tự Anh nhận định lực cản đáng kể với mọi nỗ lực cải cách đích thực.

Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân 6,7%/năm trong suốt ba thập niên, nhờ cải cách nội địa và hội nhập kinh tế quốc tế mà ông Tự Anh ví như hai cánh chim của nền kinh tế. Ở khía cạnh thứ nhất, cải cách trong nước khởi đầu có phần rụt rè (1986) trước khi được thực hiện quyết đoán hơn từ năm 1989 và nâng lên một bước quan trọng vào năm 1991 với sự thừa nhận “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.


Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Luật Doanh nghiệp ra đời (1999), lần đầu tiên công nhận quyền tự do kinh doanh của người dân, nhờ đó đánh thức tinh thần doanh nhân khiến chúng ta tận dụng được nhiều cơ hội tạo ra từ Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) ký kết năm 2001. Nền kinh tế trải qua chu kỳ thăng hoa. Khi Thủ tướng Phan Văn Khải rời nhiệm sở năm 2006, các biến số vĩ mô của Việt Nam đều khá lý tưởng. Tăng trưởng cao nhất (8,2%), nợ công rất thấp, lạm phát chỉ khoảng 7%, thâm hụt ngân sách chưa đến 3%... Dù khu vực doanh nghiệp Nhà nước còn kém hiệu quả và tham nhũng nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng nhờ lực đẩy của khu vực dân doanh.

Ở khía cạnh hội nhập, Việt Nam tỏ ra rất tích cực với những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Thế nhưng từ BTA qua WTO và cho đến TPP, những đoàn đàm phán đều thiếu hậu phương, tức là thiếu sự hậu thuẫn của các bộ ban ngành cũng như các địa phương. Nói cách khác là chúng ta hội nhập nhưng không thực hiện đồng bộ cải cách trong nước. Đây cũng chính là sự khác biệt giữa BTA và WTO (2007). Cùng với sự hứng khởi ở cả trong và ngoài nước từ việc Việt Nam gia nhập WTO là 9 tỉ USD đầu tư nước ngoài chảy vào. Không trung hòa được dòng vốn nóng này khiến lạm phát tăng, đạt đỉnh 28% vào tháng 8.2008. “Tôi ngờ rằng kịch bản tương tự cũng sẽ lặp lại với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, rồi TPP. Thiếu hỗ trợ của một Nhà nước kiến tạo phát triển không chỉ làm những cơ hội mà hội nhập, toàn cầu hóa mang lại trôi qua, mà còn gia tăng áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt Nam ngay tại sân nhà” - ông Tự Anh nói.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nguồn lực kinh tế hữu hạn phân bổ không hiệu quả là sự thao túng của các nhóm lợi ích bất chính. Cũng chính nó là tiền thân của bẫy thu nhập trung bình, theo chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng. “Lợi ích nhóm hình thành đến một mức độ nào đó thì tất cả chính sách đưa ra không nhằm vào lợi ích quốc gia, mà phục vụ cho nó, tước đoạt cơ hội phát triển của kinh tế đất nước”, ông Dưỡng nhận xét.

Chia sẻ suy tư với người đồng nghiệp ở FETP, PGS-TS. Phạm Duy Nghĩa, bình luận “trước và sau bẫy thu nhập trung bình có thể gọi là bẫy thể chế” của một giai tầng thống soái tất cả nguồn lực đất nước, dùng thể chế Nhà nước củng cố quyền lực và bóc lột số còn lại. “Tiếp cận từ góc độ khoảng cách giàu nghèo ngày càng doãng rộng thì Đổi mới chưa thành công lắm”, ông Nghĩa nói.

Văn hóa - giáo dục: những tiếng kêu thảng thốt


Nếu như tăng trưởng kinh tế trong ba thập niên có lúc thăng lúc giáng thì bao trùm lên bức tranh văn hóa - giáo dục nước nhà là một gam màu ảm đạm. Đây cũng là hai khía cạnh gần gũi với TS. Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.


Các chuyên gia, khách mời thảo luận tại Tọa đàm. Ảnh: Quý Hòa

Từ góc độ văn hóa lịch sử, bà Hậu thắc mắc việc “nước nông nghiệp định hướng công nghiệp hóa mà không phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp”. Thu hồi ruộng đất tràn lan để phát triển ồ ạt các khu công nghiệp biến nông dân thành những người làm thuê. Trình độ học vấn hạn chế, thiếu hiểu biết và ý thức luật pháp khiến họ dễ phản ứng bột phát, thậm chí trái luật khi quyền lợi bị xâm hại.

Thiếu thốn vật chất là di sản của hàng chục năm chiến tranh và một thập niên kinh tế bao cấp. Thành quả mang lại sau khoảng 15-20 năm Đổi mới tạo ra tâm lý bằng lòng với vật chất. “Dường như thể chế cũng cổ súy công dân theo đuổi vật chất, vốn được xếp ở tầng dưới cùng trong tháp nhu cầu Maslow (một nhà tâm lý học người Mỹ - NV)”, bà Hậu nói. Nhu cầu giá trị tinh thần, cao hơn là tư tưởng chưa được quan tâm. Giáo dục mới dừng lại ở việc chuyển giao kiến thức, không khuyến khích nhào nặn nó trở thành tri thức tự giác. Ý thức tự giác, theo một nghĩa nào đấy, chính là tinh thần dân chủ.



Thang đo vật chất còn được áp dụng trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Người ta thường bằng lòng với những cái trước mắt, có thể cầm nắm sờ mó được. Còn khoa học xã hội nhân văn bị xếp vào nhóm viển vông. Bà Hậu dẫn chứng: “Thời kỳ còn làm việc ở viện, chúng tôi đề xuất nghiên cứu về người già, thành phố bác bỏ vì đang ở trong thời kỳ dân số vàng. Đề tài về bảo hiểm xã hội cũng vậy, bị xem là nói chuyện đâu đâu”.

Có phần bi quan hơn cả TS. Nguyễn Thị Hậu, PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa - Trưởng khoa Đô thị học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM - cho biết nhiều đồng nghiệp của ông còn không có cảm hứng nghiên cứu. Học trò của ông cũng vậy, nhiều người không còn ham học, ham nghiên cứu và ham đọc sách nữa. Theo ông, cần đề cao vai trò tạo cảm hứng của người đứng đầu. Người đứng đầu phải có khả năng tạo cảm hứng để từ đó có niềm tin cho cả đội ngũ, “Không có niềm tin, chúng ta không thể cầm tay nhau để đi đến đâu hết”, ông Hòa nói.

Ông Hòa cho rằng công cuộc Đổi mới không đi đến được đích trọn vẹn vì gặp quá nhiều lực cản, mà điều nguy hiểm nhất là những lực cản này sinh ra từ ngay trong hệ thống. Những lực cản gồm: tham nhũng tràn lan và phổ biến ở mọi nơi mọi cấp; nhóm lợi ích cực đoan (cùng hội cùng thuyền, cùng cánh, gia đình dòng họ, cùng ngành, cùng địa phương...) kết hợp lũng đoạn quyền lực giữa quan chức và giới chủ. Hệ thống này có khả năng cảnh báo nhưng lại không có khả năng phát hiện và tiêu diệt. Hệ thống XHCN và Liên bang Xô viết tan rã không phải vì có ai đâm sau lưng mà nó tự tan rã do lỗi của hệ thống. Đổi mới lần hai (nếu có) thì phải thực hiện sứ mệnh của dân tộc là quyết liệt tẩy bỏ những lực cản này.

Còn tiếp
Thượng Tùng
http://nguoidothi.vn/vn/news/chuyen-hom-nay/binh-luan/9028/doi-moi-lan-hai-yeu-cau-cua-cuoc-song-ky-1-.ndt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét