Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

Mâm ngũ quả ngày Tết và những giá trị truyền thống

Mâm ngũ quả ngày Tết và những giá trị truyền thống
Mâm ngũ quả ngày Tết không ai rõ chính xác có từ khi nào, nhưng cho đến nay nó vẫn luôn giữ một vai trò quan trọng và mang đậm giá trị truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam. Cho dù là nơi thành thị hay vùng thôn quê, hầu như nhà nào cũng trưng một mâm ngũ quả như một lời nhắc nhở cháu con luôn biết ơn và tưởng nhớ ông bà tổ tiên, bộc lộ lòng ước mong một năm mới an khang, may mắn, tốt đẹp.

Phật thủ được xem như là bàn tay phật che chở cho cả gia đình.
1. Mâm ngũ quả ngày Tết
Những ngày Tết, ngoài thực phẩm, đồ uống ra thì các loại hoa quả cũng giữ một phần khá quan trọng. Chính vì vậy mà mâm ngũ quả luôn luôn hiện diện trong bất kỳ gia đình Việt Nam nào. Mâm ngũ quả ngày Tết có khoảng 5 loại trái cây khác nhau và thường được đặt trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách.

Các loại trái cây bày lên thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng. Gọi là ngũ quả nhưng thật ra chẳng ai rõ quy định là những loại quả gì. Tùy từng vùng miền, điều kiện đặc trưng về khí hậu và quan niệm riêng mà người ta chọn ra các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả.


Dù bày biện nhiều loại trái cây hơn nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả”.

Tuy nhiên, dù là loại quả gì, mâm ngũ quả ngày Tết vẫn mang một ý nghĩa chung: dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành trong gia sự. Mỗi loại quả đều có mùi vị, màu sắc riêng và cũng mang những ý nghĩa nhất định. 

Vì vũ trụ được tạo bởi Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ nên mâm ngũ quả thường gồm năm loại quả mà tên gọi có ý cầu mong đạt được một điều gì đó. Nếu căn cứ theo màu sắc trong triết lý phương Đông thì mâm ngũ quả phải có 5 loại quả với 5 màu khác nhau: đỏ, xanh, vàng, trắng, tím thẫm. Ngoài ra số 5 cũng tượng trưng cho ngũ phúc: Phúc, quý, thọ, khang, ninh. Đầu năm đón ngũ phúc vào nhà thì cả năm sẽ tốt đẹp.

Do trái cây ngày càng đa dạng nên mâm ngũ quả ngày Tết ngày càng phong phú hơn và người ta cũng không câu kệ cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả. Tuy nhiên, dù bày biện nhiều loại trái cây hơn nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả”.


Các loại trái cây bày lên thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng. 

2. Ý nghĩa của các loại quả thường được dùng


Chuối tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, đầm ấm, hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che.


Phật thủ được xem như là bàn tay phật che chở cho cả gia đình.


Bưởi mang ý nghĩa mong muốn an khang, thịnh vượng.


Quả lê tượng trưng cho sự thành đạt, thăng tiến.


Cam, quýt tượng trưng cho sự thành đạt.


Qủa lê mang vị ngọt thanh, ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.


Đào thể hiện sự thăng tiến.


Thanh long chứa đựng hình ảnh rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc.


Dưa hấu căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.


Trái sung gắn với biểu tượng sung mãn, sức khỏe và tiền bạc.


Đu đủ tượng trưng cho sự thịnh vượng, đủ đầy.


Xoài (phát âm giống như “xài”) với ý nghĩa cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn.

3. Giá trị truyền thống văn hóa dân tộc

Mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa đặc trưng mang đậm hồn Việt. Dù có khác nhau giữa các vùng miền nhưng chung quy tất cả đều thể hiện sự thành kính hướng về nguồn cội, tổ tiên và ước mong một năm mới an khang, hạnh phúc, đầy đủ. Không chỉ vậy, mâm ngũ quả ngày Tết còn mang ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân Việt. Và vì thế, người dân Việt dù ở phương trời nào, đến ngày Tết cổ truyền vẫn không bỏ qua tục lệ này, như một sự nhắc nhở, cho bản thân và cho con cháu, về cội nguồn của mình.

Thùy Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét