Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

LÀNG BẮT CỌP

LÀNG BẮT CỌP
Ngô Minh - Bây giờ chuyện săn bắt cọp hay bất cứ loại thú rừng nào đều là chuyện không nên làm, phải cấm kỵ. Làng Thủy Ba trong câu chuyện này đã từ rất lâu không ai làm nghề bắt cọp nữa, nhưng dân làng vẫn thường kể cho nhau nghe, kể cho lớp con cháu lớn lên về một “nghề” nổi tiếng kinh hoàng và lạ lùng của cha ông xưa: Nghề bắt cọp. Câu chuyện như một huyền thoại anh hùng hiếm có ở đời. Săn cọp bằng súng ống hiện đại đã là chuyện vô cùng khó, ấy thế mà trăm năm trước, người dân Thủy Ba bằng trí thông minh và lòng dũng cảm, tay không mà vẫn bắt sống hàng trăm con cọp dữ!
Tôi may mắn một lần được đi cùng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường về làng Thủy Ba huyền thoại ấy. Chúng tôi đi đến tận từng nhà hỏi các già làng về chuyện bắt cọp, thức với đám thanh niên trai tráng một đêm sơn cước bập bùng những câu chuyện xưa trong men lửa và rượu! Đến phòng truyền thống xã Vĩnh Thủy, chúng tôi được ông chủ tịch xã vui vẻ giới thiệu hai “cổ vật” quý giá của làng Thủy Ba xưa còn được lưu giữ: Đó là tay lưới và chiếc đinh ba – những vũ khí bắt cọp! Tay lưới và chiếc đinh ba hơn trăm tuổi này vẫn được các thế hệ người Thủy Ba giữ gìn, trân trọng như một báu vật!

Những ngày đánh giặc Mỹ, xã Vĩnh Thủy ở tọa độ bom B52 khốc liệt, đạn pháo từ Cồn Tiên, Dốc Miếu giặc trút sang hằng ngày. Cả làng phải đưa những kỷ vật đó xuống hầm bảo quản! Thì ra chuyện làng săn cọp là chuyện có thực trăm phần trăm chứ chẳng phải là truyền thuyết gì cả. Ông chủ tịch xã cho chúng tôi được khiêng tay lưới và chiếc đinh ba ra giữa sân hội trường để ngắm cho đã những chứng tích còn lại của một thời thượng võ oai hùng của dân làng Thủy Ba danh tiếng!

Làng Thủy Ba thuộc xã Vĩnh Thủy(Vĩnh Linh) ở vùng bán sơn địa cách sông Hiền Lương lịch sử khoẳng 6 cây số về phía Bắc. Từ thị trấn Hồ Xá, theo Quốc Lộ 1A về phía Nam vài cây số có con đường lớn rẽ lên hướng núi. Đi khoảng 4 cây số, đến đường sắt Bắc Nam là đến làng Thủy Ba. Thủy Ba xưa là căn cứ chống Pháp nổi tiếng, căn cứ đầu não của cách mạng Vĩnh Linh. Trong kháng chiến chống Mỹ, có ngày quân dân Vĩnh Thủy – Vĩnh Ba bắn rơi 6 máy bay, bắt sống 4 tên giặc lái Mỹ. Thủy Ba là xã anh hùng, là quê hương của nữ anh hung chống Mỹ Trương Thị Khuê, nay là phó chủ tịch Hội Phụ Nữ Việt Nam! Cái tên Thủy Ba cho đến hôm nay vẫn chưa thôi vang vọng trong bài hát nổi tiếng của Nguyễn Văn Thương “ Hướng về nam… Ai đã vô Đông Hà, đã qua Hồ Xá, đã đi Bích La, Thủy Ba, Triệu Phong…”

Rừng Thủy Ba xưa lắm cọp dữ. Những người lính chiến khu thời kháng chiến đã nhiều lần nhìn thấy cọp. Cọp về trong cả giấc mơ:

Ngày ấy cọp về rón rén lá rơi
Gió Thủy Ba vờn qua giấc ngủ
Tay cầm rựa mười ngón tê roi lũ
Tên suối gọi lên rậm rạp mắt người


Ở miền Trung có lắm câu ngận ngữ về cọp. “Cọp Thủy Ba, ma Bình Thuận”, “ Cọp Thủy Ba, ma Trộ Rớ”! Bình Thuận, Trộ Rớ (Quảng Bình) là những địa danh nổi tiếng về rừng thiêng nước độc. Nguy hiểm sánh ngang với cọp Thủy Ba! Vì rừng rậm lắm cọp dữ, người Thủy Ba phải bắt cọp để giữ làng, để được yên ổn.

Theo chân anh xã đội trưởng trẻ măng, Hoàng Phủ và tôi tìm đến nhà cụ Xây ở Thủy Ba hạ. Cụ lên nương vắng. Hơm tám mươi rồi mà cụ vẫn đi làm nương như một lực điền. bà con Thủy Ba kể rằng lứa tuổi như cụ lúc thiếu nhi đã đi bắt cọp. Chúng tôi đợi đến gần trưa cụ mới vác cuốc rựa về. Biết chúng tôi đến hỏi chuyện bắt cọp, mắt cụ sáng lên, chòm râu rung rung xúc động. uống cạn một hơi hết bát nước chè xanh đặc quánh ( người Vĩnh Linh gọi là nước chè “đứng đụa”, nghĩa là cắm chiếc đũa vào không ngã!), cụ đứng múa tay chân theo thế quyền rồi cất giọng diễn bài “vè bắt cọp” mà cụ thuộc lòng từ hồi nhỏ. Bài vè kể chuyện làng Thủy Ba bắt cọp và tả lại chuyện kéo quân vào Kinh Đô Huế bắt cọp theo lệnh nhà Vua của các tráng đinh trong làng. Anh Tường hí hoáy ghi chép, còn tôi có nhiệm vụ nhớ và “dịch” lời của cụ cho anh Tường ghi.

Mùng sáu sắc Hạ vua ra
Chiếu tờ xuống huyện đòi Thủy Ba đi liền
Đò vô làm “ải” Thừa Thiên
Dữ ma độc nước không yên chăng là…
…Đời xưa nỏ có mô ri
Đời nay dân phải cu li bắt hùm…


Như thế nghĩa là dân Thủy Ba không chỉ bắt cọp ở rừng mình, mà tiếng tăm Thủy Ba bắt cọp giỏi bay về Kinh Đô, nhà vua liền phải xuống chiếu” điều động” thợ săn làng Thủy ba vào Huế, lên thượng nguồn sông Hương (vùng Bình Điền, Tuần bây giờ) để bắt cọp dữ. Theo bài vè kể lại thì cuộc đi rất khẩn trương, mùng sáu sắc chiếu vua ra,mùng tám các tráng đinh phải xuống thuyền ở Cửa Tùng để vô Huế. Có lần vua đã ngự đến tận nơi để xem tại trận các thợ săn Thủy Ba bắt cọp:

Cắt dân vén ( dọn) hết hai bên
Vua quan ngài ngự cũng lên ải này.

Nhà vua “điều động” thợ săn Thủy Ba vào Kinh Đô bắt cọp để làm gì? Đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng, ở Huế có trường đấu Hổ Quyền được xây dựng rất quy mô ở xã Thủy Biều. Hiện nay vẫn còn. Đây là nơi xảy ra các cuộc chiến sinh tử giữa voi chiến triều đình với hổ, cho vua quan và thần dân được xem một năm vài lần. Một cuộc đấu không chỉ có vài con hổ mà có khi từ hàng chục con hổ được nhốt từ trước. Thợ săn Thủy Ba bắt cọp để phục vụ cho các trận đấu ở Hổ Quyền. Đoàn thợ săn cọp này của Thủy Ba gọi là Đoàn Vọng Thành. 

Trong bài viết “Tỉnh Quảng Trị” in trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH) năm 1921 của Công sứ Pháp A. Laborde chép rằng: “ Tại làng Thủy Ba Thượng ngày nọ, có một con quạ bay ngang và làm rơi một cái xương người. Một đồng cốt cho rằng là xương của một vị thần tên Mai Quý Đông. Lập tức người ta lập đền thờ Thần, và Thần thường nhập vào cốt đồng để dạy cho dân chúng nghề bắt hổ”. 

Do đó dân Thủy Ba nổi tiếng có tài bắt hổ, và luôn được giao nhiệm vụ bắt hổ để giao đấu với voi triều đình. Đôi khi dân Thủy Ba mang đến Huế luôn cả cái bẫy hổ để dâng cho vua cái vinh dự được tự tay giết con hổ sa bẫy! Cuộc săn hổ cuối cùng của người Thủy Ba ở Huế xảy ra dưới thời vua Thành Thái năm thứ 17 ( 1906), là năm những người săn hổ thành lập một đội săn hổ có tên là Vọng Thành. Đó cũng là năm mà trận đấu hổ ở Hổ Quyền cuối cùng được tổ chức tại Huế. Cũng có giả thiết kể rằng, lúc đó nhà Nguyễn mới xây xong kinh thành Phú Xuân, rừng rậm còn kề ngay phố chợ. Hổ thường xuyên xuất hiện quấy rối cuộc sống Kinh Đô làm cho quan dân sợ hãi. Nghe tin có làng Thủy Ba ở Quảng Trị nổi tiếng bắt cọp, Vua mới xuống chiếu mời các tráng đinh săn cọp về Kinh đô diệt hổ để yên dân!

Theo cụ Xây và nhiều người già làng Thủy Ba kể lại thì săn cọp vô cùng nguy hiểm nhưng ly kỳ và hấp dẫn lắm, bởi cuộc săn nào cũng sôi động, cuốn hút hết cả làng. Săn cọp ở Thủy Ba đã trở thành nghề cha truyền con nối. Trai tráng khỏe mạnh thì cầm đinh ba, giáo mác, khiêng lưới, vây lưới… Người già thì bày mưu tính kế, trẻ con thì trống mõ, hò reo, phụ nữ thì lo cơm nước hậu cần.

Muốn bắt được cọp phải hiểu tính nết, đặc điểm của con cọp. Về điểm này người Thủy Ba rất rành. Căn cứ vào hướng gió, mũi cọp hay dấu cọp, người ta có thể đoán được cọp đực hay cọp cái, to đến mức nào và dò được khu rừng nào có cọp ở. Cọp Thủy ba khôn đến, mức “thành tinh” nhưng cũng không thoát khỏi những người chuyên nghề “dọi đấu” ( tìm dấu vết cọp) của làng Thủy Ba. Các thợ săn cọp làng Thủy Ba có rất nhiều cách săn cọp như bẫy, hầm sập… Nhưng phổ biến hơn cả là dung lưới vây bắt. Lưới bắt cọp ở Thủy Ba gọi là lưới sót. Cây sót là loại dây leo phổ biến ở rừng Vĩnh Linh. Hạt sót hơi đắng và có thể ăn được. Nghe nói loài cọp cũng rất thích ăn hạt sót chín. Người Thủy Ba chặt cây sót về, đập cho dập nát, đem ngâm vào hồ nước vôi như cách ngâm đay ở miền Bắc. Cho tới khi thịt gỗ cây sót vữa ra, còn lại một loại dây gai rất dai. Người ta se sợi sót này thành dây thừng to bằng ngón tay và đan thành lưới. Mắt lưới rộng bằng bàn tay, mỗi bề khoảng nửa gang tay. Tay lưới sót ở phòng truyền thống xã Vĩnh Thủy có tới trăm năm tuổi vẫn bền dai. Chúng tôi dăng lưới ra sân kéo thoải mái chẳng việc gì. Mỗi tay lưới sót như vậy cao tới 3 – 4 mét, dài 15mét, nặng tới hai đòn khiêng. Làng Thủy Ba xưa có 4 thôn: Thủy Ba Thượng, Thủy Ba Hạ, Thủy Ba tây, Thủy Ba đông, chia làm 6 phường săn. Tất cả những trai làng từ 19 đến 45 tuổi đều phải gia nhập vào phường săn cọp gọi là xâu. Mỗi xâu có từ bốn đến năm tay lưới, có một trưởng xâu chỉ huy. 

Khi “trinh sát” phát hiện ra khu rừng có cọp ẩn náu, cả làng Thủy Ba từ già tới trẻ đều phấn khích, sôi động hẳn lên. Trước khi xuất quân là phải mổ lợn, giết gà cúng trời đất để cầu may, gọi là lễ Thượng Vong. Sau lễ Thượng Vong là xuất quân. Các xâu khiêng lưới dựng lưới vây quanh ấy gọi là ải. Vong vây lưới chừa lại một cửa gọi là cửa ải, là chỗ những thợ săn tiến vào đối mặt với cọp dữ. Ở cuối hướng chạy của cọp là lưới đơm được đóng vững, buộc cố định. Lưới đầu hướng vùng của ải và xung quanh gọi là lưới đảy, có thể di động khi vòng vây khép dần lại. 

Trong vùng ải người ta phát quang rừng thành những khoảng đường trống để biết cọp di chuyển đi lại trong ải. Cọp là loại tinh khôn, có khi nó nằm lỳ “giả chết” cả ngày, nên phải phát quang rừng ải, đông thời phải có đội quân cao thủ lung sục để dồn cọp vào lưới. Bên ngoài vòng vây lưới phải có đội ngũ thợ săn cầm đinh ba mác nhọn sẵn sang chiến đấu khi cọp lao ra xé xe lưới hoặc nhảy qua lưới. Người Thủy ba có kinh nghiệm là cọp thường không dám chạm vào những cành lá nằm úp sấp ( tức mặt dưới của lá nằm ngửa lên trời ) nên những chỗ “yếu” của lưới người ta bố trí các đám lá úp trái để ngăn cọp không đến gần. Những cây cao gần dưới đều bị chặt để cọp khỏi leo lên nhảy qua lưới khi bị vây bắt. Khi mọi việc chuẩn bị và bố trí xong xuôi, người tổng xâu (trưởng làng) đánh một hồi phèng la, hô vang:

Thủy Ba đứng dậy cho đều
Nghe tiếng ta reo hùm vọt dậy


Lập tức phèng la, trống thúc ngũ liên nỗi lên ba phía lưới cùng vói tiếng hò reo dậy trời. Cuộc chiến vào hồi quyết liệt. Vòng vây lưới hẹp dần. Chúa Sơn lâm điên cuồng lao hết chỗ lưới này đến chỗ lưới khác hòng thoát thân, nhưng đều bị các thợ săn tấn công bằng đinh ba, giáo mác, nạng từ phía ngoài nên không tài nào thoát ra được. Cuộc “phong tỏa” bằng lưới có khi kéo dài hàng tuần lễ, cho đến khi cọp mệt nhoài, lao đầu vào khoảng lưới đơm, nơi có một cái rọ lớn bằng song mây chờ sẵn. Cửa rọ sập xuống. Tiếng hò reo dậy lên. Cọp bị bắt gầm thét như điên. Từ rọ song mây cọp bị đẩy vào cái cũi bằng gỗ cứng gọi là rọ kẹp. Già làng chỉ huy cuộc săn tiến tới đeo cái “lục lạc” vào cổ con cọp, tuyên bố cuộc săn thắng lợi. Các tráng đinh Thủy Ba khiêng cọp bị trói về làng, theo sau là các xâu thợ săn mặt mày rạng rỡ, chiêng trống tưng bừng. Cả làng mở hội ăn mừng, giết bò heo và gà giò làm lễ hạ vong tạ ơn trời đất đã phù hộ dân làng diệt trừ ác thú. Nghề thuật bắt sống cọp bằng lưới sót của làng Thủy Ba điêu luyện đến mức trong chuyến đi Kinh Đô họ đã “biểu diễn” cho vua quan triều “mục sở thị”!

Theo bài vè ông già Xây ở Thủy Ba hạ đọc cho tôi và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường hôm ấy thì cuộc vô Kinh Đô Huế săn cọp đó thật vất vả. Mùng sáu chiếu vua ra, mùng 8 dân làng đem lễ tế rồi khẩn trương hành quân họ mang theo tất cả các dụng cụ như hàng tấn lưới, đinh ba, giáo mác, trống chiêng, tù và… Vào đến Huế mấy tuần không dọi được dấu chân cọp, hết lương thực, 50 tráng đinh phải quay về. 50 người vẫn bám rừng tìm cọp. Họ cúng tế trời đất, dùng cả trâu làm mồi nhử cọp. Và cuối cùng cũng săn được cọp theo chỉ dụ của nhà vua. Xứng với “danh bất hư truyền”, trước sự ngưỡng mộ tột cùng của vua quan triều đình và các tầng lớp dân cư kinh đô Huế.

Đứng bên tay lưới sót cùng cây đinh ba trong căn phòng hẹp ở nhà truyền thống xã Vĩnh Thủy, tôi còn nghe như tiếng reo hò dậy đất của làng Thủy Ba từ ngàn xưa mỗi lần bắt sống cọp. Câu chuyện như một huyền thoại kể mãi, kể mãi về sức quật cường của người dân Việt trước các loài ác thú để mãi mãi chủ nhân muôn đời của đất nước này.

( Rút từ Tập 3- NGẨN NGƠ TA XUỐNG GA NÀO HỠI EM- NGÔ MINH TÁC PHẨM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét