Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Cái chết của Su-24 và trật tự chính trị quốc tế

Cái chết của Su-24 và trật tự chính trị quốc tế
TTO - Phát biểu tại Sochi ngay sau sự cố máy bay đánh bom Nga Su-24 bị chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, Tổng thống Nga V. Putin đã bày tỏ ngạc nhiên vì cách hành xử của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Putin nói: “Thay vì ngay lập tức thiết lập các liên lạc cần thiết với chúng tôi, Thổ Nhĩ Kỳ lại kêu gọi các đối tác của họ trong NATO thảo luận vụ việc này, cứ như là chúng tôi bắn rơi máy bay họ chứ không phải họ bắn rơi máy bay chúng tôi vậy…”.

Biểu tình trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Matxcơva - Nguồn: lenta.ru
Thật ra, cách giải quyết vấn đề của Ankara đã bộc lộ một cục diện thế giới thay đổi, theo Chủ tịch Hội đồng chính sách quốc phòng đối ngoại câu lạc bộ Valdar (Nga) Fedor Lukiyanov.

Và trên nền thay đổi này, cần làm gì để cuộc chiến chống IS tiếp tục hiệu quả? Trong bài bình luận nhan đề “Cái chết của Su-24 có ý nghĩa gì với chính trị quốc tế” viết trên Hãng tin Lenta.ru, Lukiyanov cho rằng Ankara có lý do của mình để tìm đến NATO trước tiên, thay vì liên hệ với “khổ chủ” để giải quyết hậu quả.

“Cách hành xử này cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn tìm kiếm sự đoàn kết và ủng hộ của các đồng minh. Thế nhưng khó mà diễn giải sự cố Nga vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ này như việc tấn công vào một nước thành viên NATO. Và nếu tuyên bố của nguồn tin Nhà Trắng rằng việc máy bay Nga chỉ xuất hiện trên không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong vài giây là đúng thì sẽ nảy sinh câu hỏi không quân Thổ Nhĩ Kỳ có hành động phù hợp không” - ông Lukiyanov nhận định.

Thế khó của NATO

Bài báo phân tích: “Đây không phải lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi NATO ủng hộ trong cuộc khủng hoảng Syria, tuy nhiên đến nay NATO vẫn lảng tránh, bởi chiến lược của Ankara không minh bạch và gây hoài nghi cho đồng minh. Sự tích cực của người Kurd ở Syria và những khu vực quanh Syria, từ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, nguy hiểm hơn chiến tích của IS”.

"Trước vụ khủng bố Paris, NATO tố tình làm ngơ hoạt động buôn lậu giữa IS và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng giờ đây sự "khoan dung" đã giảm đi đáng kể. Theo thông tin từ cuộc họp khẩn của NATO ngày 24-11, tuy chẳng nước nào ủng hộ Nga, nhưng cũng không ít người bối rối. Tại sao Ankara lại có bước đi căng thẳng đầy rủi ro như thế, thay vì thực hiện những động thái bình thường như hộ tống máy bay ra khỏi không phận Thổ Nhĩ Kỳ?”.

Sự cố lần đầu tiên trong lịch sử LB Nga với lực lượng NATO khá nguy hiểm. Vì sao? Lukiyanov cho rằng “dù NATO có đánh giá thế nào cách hành xử của Thổ Nhĩ Kỳ thì NATO cũng không thể từ bỏ nghĩa vụ đồng minh. Bởi nếu ngược lại, những nước Đông Âu sẽ nghi ngờ về khả năng tổ chức này đại diện cho họ trong trường hợp có xung đột với Nga”.

Nhưng mặt khác, theo Lukiyanov, phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ “quả là không hợp lúc đối với các đồng minh”.

Sau những vụ khủng bố trên bán đảo Sinai, rồi ở Pháp, sau cơn sốt ở Bỉ mà vẫn không bắt giữ được đầu sỏ khủng bố, không khí châu Âu đã thay đổi đáng kể.

Chiến dịch không kích của Nga ở Syria đã được nhìn một cách thông cảm hơn, và lời kêu gọi đoàn kết bỏ qua những bất đồng đã vang lên to hơn. Trong những điều kiện này, cuộc đối đầu mới với Nga, lại nguy hiểm như thế, có khả năng phá hỏng mọi kế hoạch.

Những hậu quả nào

Như đa số chuyên gia nhận định, Lukiyanov cũng loại trừ cuộc tấn công trả đũa của Nga vào Thổ (vì trong trường hợp đó chắc chắn NATO phải nhảy vào), mà nhiều khả năng hơn là cuộc tẩy chay kinh tế.

Các liên hệ và giao thông hàng không có thể bị cấm hoàn toàn. Nhưng những lời kêu gọi tẩy chay hoặc không sử dụng những phương tiện này đủ để gây tổn thất kinh tế.

Trước mắt có thể quên việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân “dòng Thổ Nhĩ Kỳ”. Còn cấm vận thực phẩm. Lệnh cấm vận Nga trước đây không liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ, giờ có thể sử dụng chống lại Ankara. Tuy nhiên đó chỉ là quan hệ song phương.

Trong một bối cảnh rộng lớn hơn, không được quên Thổ Nhĩ Kỳ là người nằm “chìa khóa” Biển Đen theo công ước Montreaux. Theo văn kiện quốc tế này, việc tàu chiến các nước không thuộc khu vực Biển Đen vào vùng biển này sẽ bị giới hạn bởi một số thông số (trọng tải, loại tàu, thời gian).

Nhưng từ sau cuộc khủng hoảng Gruzia rồi Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho tàu chiến Hoa Kỳ vào đây, một vài thông số có vượt hơn quy định nhưng các giới hạn dù sao cũng được tuân thủ.

Trong trường hợp leo thang căng thẳng, Thổ Nhĩ Kỳ, với sự đồng tình của Hoa Kỳ và sự ủng hộ của những nước thành viên NATO ở Biển Đen hay những nước có cảm tình với NATO (Bulgaria, Romania, Ukraine, Gruzia) có thể từ bỏ công ước Montreaux để trở thành cảng mở cho liên minh.

Nếu thêm vào đó những vấn đề biên giới hết sức rối rắm của Crimea sáp nhập vào Nga, thì Biển Đen hoàn toàn có thể bị biến thành vùng khủng hoảng.


Ảnh đồ họa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga công bố về đường đi và tọa độ của chiếc máy bay: Đường đi ra (trái) - vào (phải) và ra của máy bay Nga ở vùng gần với biên giới Syria của Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: New York Times

Khối hay liên minh?

Trên nền diễn biến này, chuyên gia Lukiyanov đặt vấn đề: cuộc khủng hoảng Syria giờ đang đứng trước ngã rẽ: khối hay liên minh? Theo đó, “Thổ Nhĩ Kỳ, vốn theo đuổi chính sách độc lập và không cho rằng phải thỏa thuận mọi hành động với NATO, hiện giờ quan tâm nhiều hơn tới sự đoàn kết khối như trong thời chiến tranh lạnh. Còn Liên minh NATO thật sự đã rời khỏi thời kỳ này”.

“Và vấn đề không phải NATO không muốn chiến đấu, mà ở kỷ cương bị buông lỏng của khối này. Thử hình dung 30 năm trước xem có quốc gia thành viên nào tấn công máy bay ném bom của đối thủ tiềm năng mà không tư vấn với các đồng minh kỳ cựu khác?".

"Còn giờ Thổ Nhĩ Kỳ đã hành động mà không cần sự ủng hộ của các thành viên còn lại. Mà bản thân khái niệm đối thủ tiềm năng cũng đã thay đổi. Mặc dù cuộc khủng hoảng Ukraine dường như đã tạo điều kiện đoàn kết khối này theo những quan điểm cũ, nhưng không ít quốc gia đồng minh NATO lại không coi Nga là kẻ thù cũng chẳng muốn mạo hiểm vì kẻ khác”.

Từ đó, Lukiyanov đưa ra hình thái thứ hai: liên minh theo tình huống, tập trung những nước theo một trường hợp cụ thể để giải quyết một nhiệm vụ rõ ràng.

Cách tiếp cận này hiện đại hơn và đã lộ diện vào đầu thế kỷ 21, khi sếp Lầu Năm Góc khi đó Donald Rumsfeld từng kêu gọi “sứ mệnh xác định liên minh”. Liên kết chống IS mà hiện Nga, Pháp và thậm chí Hoa Kỳ đang hướng tới, chính là một thí dụ.

Một tập thể như thế không đòi hỏi tuyên thệ trung thành và những giá trị chung, nhưng hoàn toàn hiệu quả trong một thời gian xác định bởi tham gia nó sẽ gồm những ai cần vào đúng thời điểm đó.

Nếu áp dụng nguyên tắc này thì trường hợp bi thảm của vụ Su-24 sẽ là một tình huống không ảnh hưởng đến tiến trình chiến dịch. Dĩ nhiên, một sự kết hợp như thế không thể trở thành ổn định, thường xuyên. Và vượt ra ngoài sứ mệnh cụ thể này, cuộc đấu tranh giữa những đối tác ngày hôm qua sẽ khôi phục ngay lập tức.

DUY VĂN trích dịch
http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20151127/cai-chet-cua-su24-va-trat-tu-chinh-tri-quoc-te/1010020.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét