Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

(1) Quyền được sống không sợ hãi

Quyền được sống không sợ hãi
NGUYỄN NHẬT (PL)- Qua chuyện người dân ở Gò Vấp (TP.HCM) bị giang hồ đe dọa, đã trình báo nhiều lần tại các cơ quan công an nhưng cuối cùng vẫn liên tục bị côn đồ chặn đường và thậm chí vào tận nhà hành hung, đâm, đánh gây thương tích, dư luận cảm thấy rất bất an. Ba thế hệ trong một gia đình bị chúng ra tay giữa TP! Dân cầu cứu, công an bỏ lơ? / Vụ cầu cứu công an vẫn bị đánh: Truy tìm kẻ đánh người / Liên tục cầu cứu công an vẫn bị kẻ lạ mặt tấn công, đánh đập
Quyền được bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản là quyền tự nhiên của con người, được quy định bởi Hiến pháp và pháp luật. Nhưng để đảm bảo cho quyền ấy trở thành hiện thực thì cần có các thiết chế xã hội, chính quyền. Ngăn chặn những nguy cơ ảnh hưởng đến các quyền này là trách nhiệm của Nhà nước mà cụ thể là lực lượng công an.

Cho đến nay, tất cả những gì người dân biết - qua thông tin báo chí - là nạn nhân đã trình báo tại công an một số phường, công an đã ghi nhận, tìm hiểu. Hai ngày trước công an đã ra thông báo truy tìm người bị nghi là liên quan đến các vụ tấn công này (dù nạn nhân trình báo và nêu nghi vấn từ rất lâu rồi). Ở đây chưa rõ các đơn vị công an có làm đúng quy trình hay không nhưng đúng hay không thì quy trình vẫn là chuyện nội bộ ngành công an. Người dân chỉ thấy rằng họ liên tục bị đe dọa, liên tục trình báo và liên tục bị hành hung. Chắc chắn rằng sau những gì đã xảy ra, người dân không an tâm rằng những nơi mà họ trình báo có khả năng và đủ trách nhiệm bảo đảm an toàn cho họ nên mới cầu cứu tới bộ trưởng Bộ Công an như thế. Họ lo sợ và nỗi lo của họ là có thật chứ không hề mơ hồ!

Vì vậy không nên chỉ nhìn vụ này qua tỉ lệ thương tật thấp hay cao; công an đã làm đúng hay chưa đúng quy trình tiếp nhận tin báo. Cần nhìn ở góc độ tâm thế xã hội khi mà côn đồ dám bắn tin báo trước rồi mới ra tay hành hung; đã hành hung rồi lại tiếp tục hành hung nữa với ba đối tượng nạn nhân rất kém khả năng tự vệ là người già, phụ nữ và trẻ em! Và mối lo lớn nhất, khi niềm tin ấy bị sứt mẻ, người dân sẽ nương tựa vào những sức mạnh khác - có thể là bất hợp pháp - để tìm sự an toàn. Đã có thời gian nạn bảo kê xảy ra tràn lan, hoạt động băng nhóm mang tính chất xã hội đen, có tổ chức lộng hành khiến Bộ Công an và chính quyền từ trung ương tới cơ sở phải ra tay dẹp. Sự chậm trễ, quan liêu trong bảo vệ dân sẽ khiến dân bất an, sẽ là mầm mống để loại tội phạm bảo kê tái xuất.

Câu chuyện có vẻ nhỏ nếu chỉ nhìn vào tỉ lệ thương tật nhưng lại gây bất bình và thu hút sự quan tâm to lớn của dư luận, chính là vì thế.

Câu trả lời nằm duy nhất trong tay lực lượng công an: Quyết liệt đưa thủ phạm ra ánh sáng; kiểm tra và trả lời cho dư luận rõ là hành xử của các đơn vị có trách nhiệm trong vụ này đúng hay chưa; và ngành công an sẽ làm như thế nào cho dân an tâm, từ việc tiếp nhận tin báo đến ngăn chặn tội phạm.

Khi chưa làm được những điều đó, quyền sống không sợ hãi của người dân mới chỉ dừng lại ở những văn bản mang tính quy phạm!

NGUYỄN NHẬT
http://phapluattp.vn/ban-doc/quyen-duoc-song-khong-so-hai-595875.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét