Ở Việt Nam, ngoài sợ bộ máy công an và chính quyền, có lẽ người dân sợ nhất là tiếng ồn. Không chỉ cái loa phường hàng ngày hành hạ người dân, mà cả tiếng rao vặt, tiếng loa quảng cáo của các siêu thị, trung tâm thương mại, rạp xiếc, tiếng xe máy, ô tô, tiếng hàng xóm cãi nhau, chửi nhau, tiếng kẻng bỏ rác... Đi đâu cũng không thoát khỏi tiếng ồn. Sống trong môi trường như thế nên người Việt Nam cũng ít nhiều bị thần kinh; hơi tý là có thể cáu giận, nặng hơn thì nổi điên, nặng nữa thì bất ngờ lên cơn giết người mà sau đó hối hận thì chuyện đã rồi.
TIẾNG ỒN: “SÁT THỦ” CẦN ĐƯỢC LƯU Ý !!!
TS.BS Trần Bá Thoại
Theo thước đo cường độ âm thanh đề xi ben (dB), tai con người chỉ nghe tốt âm thanh có ngưỡng 50 đến 90 dB: rạp phim cách âm 50dB, văn phòng, sảnh yên tĩnh 60dB, chợ, siêu thị 70dB, nhà in 80 dB và xưởng cưa 90 dB. Tiếng ồn là âm thanh có cường độ vượt ngưỡng tai nghe thông thường, từ giới hạn y học là 90 dB trở lên, càng cao càng ồn và càng gây hại sức khỏe. Ngay cả âm thanh trong ngưỡng nghe được, nếu nghe trong thời lượng quá dài cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Trên các phương tiện đại chúng, nhan nhãn thông tin về những trường hợp gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư. Đặc biệt, kinh doanh karaoke, cà phê nhạc sống và tụ họp ăn nhậu… Đã có tranh cãi, kiện tụng, gây gổ, đánh đấm, hành hung thậm chí gây án hình sự (bắn người, sát nhân) cũng chỉ tại tiếng ồn.
Cũng không ít trường hợp vì tiếng ồn đã gây mất ngủ, tăng huyết áp… cuối cùng các « nạn nhân » đành phải dời nhà đi chỗ ở khác để được yên thân.
Càng văn minh, môi trường sống của con người càng ồn
Trong cuộc sống hiện đại quá nhiều thư gây ồn: sân bay, tàu hỏa, phương tiện cơ giới, máy móc công cụ v.v… Ngay cả những phương tiện sinh hoạt, giải trí cá nhân cũng có thể gây ra tiếng ồn, âm thanh có cường độ vượt ngưỡng tai nghe thông thường 90 dB. Do đó, ô nhiễm tiếng ồn đang là một vấn đề lớn, « nóng » trong cuộc sống, đặc biệt ở các đô thị đông người.
Những nhà quy hoạch, quản lý đô thị thường đưa ra những quy trình, biện pháp để khắc phục tiếng ồn: đưa phi trường, bến bãi, nhà máy, cơ xưởng ra khỏi các khu dân cư, ban hành các điều luật hạn chế tiếng ồn đô thị. Nhưng đáng tiếc, nhiều người vô tình gây hại cho mình và người chung quanh bởi các kiểu kinh doanh, giải trí gây ô nhiễm tiếng ồn: quán karaoke, ca nhạc sống, chạy xe phân khối lớn, la hét ầm ỷ.v.v…
Ngay cả các nước phát triển, với những quy hoach hiện đại, tiếng ồn cũng vẫn còn là vấn nạn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết những hậu quả xấu do tiếng ồn vẫn ngày càng gia tăng.
Tiếng ồn có nhiều tác hại cho sức khỏe
*Từ xa xưa, người ta đã ghi nhận những người thợ rèn, thợ mỏ, người giật chuông nhà thờ thường nặng tai, nghe kém và thường điếc sớm. Tức thời, tiếng ồn có ảnh hưởng đến thính giác: nghe trong 1 phút độ ồn 100 đến 120 dB sẽ bị điếc tạm thời, trên 140 dB có thể gây điếc vĩnh viễn
Theo A.J. Hudspeth, ĐH Y khoa California, tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn sẽ làm tê liệt các nơ ron dây thần kinh thính giác (dây số 8): ngắn hạn gây ù tai và điếc tức thời; lâu dài gây nặng tai hoặc điếc.
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, Viện TMH TW khẳng định: việc thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn ở quá mức độ cho phép là một trong những nguyên nhân gây điếc ở trẻ, và ông ước tính có từ 3 đến 6 phần ngàn trẻ em bị điếc do tiếng ồn, nguy hại hơn là trẻ nhỏ bị điếc thường sẽ bị câm.
*Tiếng động ban đêm, dù trong ngưỡng nghe bình thường, cũng gây ra những cơn thức giấc, làm thay đổi chu kỳ của giấc ngủ, đặc biệt ảnh hưởng lên giai đoạn trái ngược (paradox), làm giấc ngủ không được sâu và có nhiều mộng mị. Giấc ngủ không ngon gây thiếu ngủ và mệt mỏi, bải hoải, buồn chán khiến lao động kém vào ngày hôm sau.
Thống kê của WHO cho thấy có đến 2% người dân châu Âu bị rối loạn giấc ngủ do ô nhiễm tiếng ồn.
*Tiếng ồn gây rối loạn nhịp tim và tăng huyết áp. Ying Ming Zhao, ĐH Bắc Kinh nghiên cứu trên 1.000 công nhân dệt vải và thấy rằng sau 5 năm làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn thấy tỷ lệ tăng huyết áp của họ rất cao. Theo Viện Quốc gia Sức khỏe và An toàn nghề nghiệp Hoa Kỳ, công nhân tiếp xúc với âm thanh cường độ 75dB trong 3 năm sẽ làm tăng nhịp tim, nhịp thở và tăng huyết áp. Nghiên cứu của Wolfgang Babisch, Đức cho thấy liên tục nghe tiếng ồn giao thông ở mức độ 70 dB cũng làm tăng bệnh lý mạch vành, nhồi máu cơ tim.
* Tiếng ồn xáo trộn cân bằng cảm xúc, giao tiếp, gây hiểu lầm, khó đồng thuận, giảm tập trung và tăng rủi ro tai nạn. Theo Viện Quốc gia Sức khỏe và An toàn nghề nghiệp Hoa Kỳ (National Institute for Occupational Safety and Health, NIOSH), công nhân tiếp xúc âm cường độ cao thường bẳn tính, khó chịu, hay gây gổ. David Glas và Jerome Singer cho biết tiếng ồn có ảnh hưởng rất nhiều lên « tính khí » con người kể cả sau khi hết bị ồn. Tiếng ồn khiến con người giảm tính ôn hòa thân thiện và cau có, hùng hổ thậm chí là gây hấn.
* Tiếng ồn công nghiệp làm tăng hóc môn « căng thẳng » (noradrenaline và adrenaline) của công nhân. Nguyễn An Lương, Ayako Sudo, Hoàng Minh Hiển nghiên cứu trên công nhân dệt cho kết quả tương tự.
Tiếng ồn làm tăng nhịp tim của thai nhi trong bụng mẹ. Những bà mẹ sống gần phi trường có tỷ lệ sinh non cao.
* Donald Eric Broadbend, Anh, nhận thấy tiếng ồn cũng ảnh hưởng tới sự tiêu hóa như làm giảm co bóp của dạ dày, giảm dịch vị dạ dày và nước bọt.
Để sống khỏe cần giảm và cách ly tiếng ồn
Tiếng ồn ảnh hưởng nhiều lên sức khỏe, nhưng ít được lưu ý như nhận xét của GS thính học Deepak Prasher, ĐH London, Anh “Cho đến nay, con người vẫn không nhận thức được tiếng ồn có ảnh hưởng đến sức khỏe của mình”.
Dưới góc độ y tế: Tiếng ồn cũng là một « sát thủ » thật sự, cần lưu ý đúng mức để cuộc sống được tốt đẹp hơn.
………………………………………………………………………………………..
Bắn người vì ồn
Nguyễn Sang, 43 tuổi, Huế, đã giận dữ xách súng bắn sang quán bida đối diện do quán kinh doanh gây ồn ào
http://www.tintaynguyen.com/na-dan-xoi-xa-vao-khach-choi-bida-vi-uc-che-tieng-on/16760/
http://www.tintaynguyen.com/na-dan-xoi-xa-vao-khach-choi-bida-vi-uc-che-tieng-on/16760/
Giết người vì nhạc
Ông Đào Văn Hải, Sóc Trăng, do mở nhạc âm lượng lớn đã bị Võ Công Thành đâm chết chết. http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20110110/chay-dau-tron-tieng-on/419705.html
Dân khu Phú Mỹ Hưng dời nhà vì quá ồn!
Nguyên nhân là người dân không chịu được sự ồn ào (nhất là vào ban đêm) phát sinh từ lượng xe ngày một tăng lưu thông qua đường Nguyễn Văn Linh.
http://phapluattp.vn/thoi-su/do-thi-phu-my-hung-dan-phai-doi-nha-vi-qua-on-207103.html
http://phapluattp.vn/thoi-su/do-thi-phu-my-hung-dan-phai-doi-nha-vi-qua-on-207103.html
Xử phạt khi gây ồn
Điều 1, 3, 35, 36 Nghị định số 103/2009/NĐ-CP. Điều 17 Nghị định 179/2013/NĐ-CP. Khoản 6 Điều 25, 624 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét