Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Tây Tạng gian nan

Tây Tạng gian nan
Vậy là tròn nửa thế kỷ trình diễn cái tên Khu tự trị Tây Tạng. Và bây giờ, nơi vùng đất này, dân tộc Tây Tạng chỉ là thiểu số trong cộng đồng đa số Hán Tộc, và lâu dài tất nhiên là sẽ bị đồng hóa. Nhưng bàn tay của Tàu Cộng không chịu ngừng trong lãnh thổ đỏ… Bây giờ đang thò sang tận Nepal, một quốc gia nằm giữa Ấn Độ và Khu tự trị Tây Tạng trong Hoa Lục. Than ôi, hung hiểm biết là bao nhiêu. Dân Việt Nam cần lấy đây làm bài học vậy, sơ xuất là bị sáp nhập thô bạo liền.

Đó là con đường cực kỳ gian nan đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma: không ai có thể tiên đoán rằng Ngài trong kiếp này sẽ về được Tây Tạng hay không, và nếu có thể về được chưa thể đoán sẽ trong hoàn cảnh nào.

Nhưng chính phủ Trung Quốc đã tiên đoán cách về Tây Tạng cho ngài: khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 từ trần ở Dharamsala, phía bắc Ấn Độ… khoảng 2 hay 3 năm sau, chính phủ TQ sẽ chọn một cậu bé từ một ngôi làng Tây Tạng nào đó ở Hoa Lục, và sẽ tấn phong cậu làm Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 15. Viễn ảnh này có thể xảy ra, vì Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 đã cao niên rồi.

Hoa Lục không giấu gì ý định đó, và đã nhiều lần nói như thế, đặc biệt năm nay là tròn 50 năm chính phủ TQ khoanh vùng Tây Tạng làm Khu Tự Trị Tây Tạng.

Trong tuần qua, chính phủ Tây Tạng lưu vong đưa ra bản tuyên bố nói rằng không có lý do gì để phải đón mừng nửa thế kỷ Khu Tự Trị Tây Tạng, vì thực tế là chiếm đóng, và người dân Tây Tạng không có chủ quyền gì để gọi là tự trị.

Cũng nên nhắc rằng năm 1950, Hồng Quân Trung Quốc tiến chiếm khu vực Chamdo của Tây Tạng; năm 1951, đại diện Tây Tạng dưới sức ép của quân đội Trung Quốc đã ký một Hiệp ước 17 điểm với chính quyền Trung ương Trung Quốc xác nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Tây Tạng. Hiệp ước được phê chuẩn tại Lhasa ít tháng sau đó.

Mặc dù hiệp ước 17 điểm đảm bảo duy trì một chính quyền tự trị do Đạt Lai Lạt Ma đứng đầu, một "Ủy ban Soạn thảo về Khu tự trị Tây Tạng" được tạo ra năm 1955 để xúc tiến thành lập một hệ thống song song về hành chính theo đường lối cộng sản. Đạt Lai Lạt Ma chạy trốn sang Ấn Độ năm 1959 và từ bỏ hiệp ước 17 điểm. Khu tự trị Tây Tạng được thành lập năm 1965, và từ đó Tây Tạng trở thành một đơn vị hành chính ngang với cấp tỉnh tại Trung Quốc.


Thực tế trước giờ, Chủ tịch Khu tự trị Tây Tạng là một người thuộc dân tộc Tạng còn bí thư Đảng ủy sẽ là người thuộc các dân tộc khác, thường là người Hán. Trong đó, đáng chú ý là Hồ Cẩm Đào (Chủ tịch Nước Trung Quốc, tiền nhiệm của Tập Cận Bình), Hồ đã giữ chức vụ bí thư Khu tự trị Tây Tạng trong thập niên 1980.

Vậy là tròn nửa thế kỷ trình diễn cái tên Khu tự trị Tây Tạng. Và bây giờ, nơi vùng đất này, dân tộc Tây Tạng chỉ là thiểu số trong cộng đồng đa số Hán Tộc, và lâu dài tất nhiên là sẽ bị đồng hóa.

Bản văn của chính phủ Tây Tạng lưu vong đưa ra từ bản doanh ở Dharamsala cảnh cáo TQ rằng phải hủy bỏ kế hoạch lựa chọn vị Đạt Lai Lạt Ma sắp tới trong lãnh thổ Hoa Lục khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đời 14 viên tịch.

Bản thân Đức Đạt Lai Lạt Ma đời 14 cũng nhiều lần nói rằng, có thể ngài sẽ không tái sanh nữa, và cũng có thể ngài sẽ chọn thân nữ… trong ngôn ngữ nói như giỡn của ngài.

Nhưng bàn tay của Tàu Cộng không chịu ngừng trong lãnh thổ đỏ… Bây giờ đang thò sang tận Nepal, một quốc gia nằm giữa Ấn Độ và Khu tự trị Tây Tạng trong Hoa Lục.

Thủ đô Nepal là Kathmandu, nơi có nhiều ngàn người Tây Tạng lưu vong cư ngụ, và là cửa vào Ấn Độ đối với người vượt biên đường bộ từ Khu tự trị Tây Tạng sang Ấn Độ.

Trong nhiều thập niên, Nepal là trạm đón người Tây Tạng trốn ra khỏi TQ -- tuyến vượt biên đường bộ này rất gian nan, vượt dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, tránh né lính biên phòng TQ, vượt nhiều sông suối và vực sâu trắc trở, rồi mới vào Nepal, nơi đây hoặc xin tỵ nạn ở Nepal, hoặc đi tiếp sang Ấn Độ xin tỵ nạn ở Ấn, nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đang tỵ nạn.

Chính phủ TQ bơm tiền viện trợ, mua chuộc Nepal, và bây giờ nơi đây không còn hoan hỷ đón người tỵ nạn nữa.

Nepal là quốc gia nghèo. Từ năm 1991 tới 2008, trung bình mỗi năm có 2,200 dân Tây Tạng vượt biên từ TQ sang, theo thống kê của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ. Nhưng rồi tiền TQ tài trợ cho Nepal. Thế là, trong năm 2013 chỉ đón có 171 người Tây Tạng vào, năm 2014 lại ít hơn.

Có phải vì Nepal ám trợ công an TQ ngăn chận dân Tây Tạng vượt biên?

Có nhiều lý do. Thứ nhất, chặng đường vượt biên quá gian nan, và nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ với nhiều đầu tư bơm vào Khu tự trị Tây Tạng, nên nhiều người Tây Tạng chọn ở lại quê nhà với gia đình.

Nhưng một lý do quan trọng: chính phủ Nepal bị áp lực TQ xiết chặt cổng biên giới.

Đó là nhận định của Yubaraj Ghimere, một nhà báo Napal cũng là một nhà bình luận chính trị.

Theo yêu cầu của chính phủ TQ, chính phủ Nepal cho dựng thêm nhiều chốt an ninh ở biên giới, cho quân biên phòng 2 nước TQ-Nepal trao đổi thông tin, trong khi tăng cường an ninh chìm trong các làng biên giới, và nhiều người Tây Tạng vượt biên đã bị bắt lặng lẽ khi chưa vào lãnh thổ Nepal hay chỉ mới rời các chân núi Hy Mã Lạp Sơn. Và rất ít người vượt biên Tây Tạng đi tới được Kathmandu để gõ cửa trụ sở Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ để xin tỵ nạn.

Người Tây Tạng đang ở Nepal, kể cả người sanh ở Nepal, bây giờ bị chính phủ Nepal gây khó khăn, hạn chế cả quy chế tỵ nạn, việc làm, bằng lái xe và xiết cả exit visa để rời Nepal. Nghĩa là, khó trăm đường.

Chính phủ TQ tăng gấp 4 lần đầu tư trực tiếp FDI vào Nepal để tới 128 triệu USD trong năm 2015, tăng từ 24 triệu trong năm 2014.

Hồi Nepal gặp trận động đất ngày 25-4-2015, TQ đưa đội cấp cứu vào, mang lều, thực phẩm và các đội cứu hộ.

TQ cho Nepal vay lãi nhẹ để xây hạ tầng mới, các nhà máy thủy điện, một tuyến đường bao quanh thủ đô Kathmandu, và xây một phi trường ở thành phố lớn thứ nhì là Pothara.

Trường học Nepal được TQ tăng máy điện toán, trong khi bệnh viện Nepal được tặng máy X-ray.

Một tổ chức phi chính phủ do người Trung Quốc lãnh đạo đang xin xây dựng dự án du lịch và hành hương trị giá 3 tỷ USD tại Lumbini, nơi được tin là nơi ra đời của Đức Phật Thích Ca. TQ còn đưa ra dự án xây tuyến xe lửa xuyên hầm qua núi Mount Everest để nối TQ và Nepal.

Lobsang Sangay, Thủ Tướng Tây Tạng lưu vong, nói rằng TQ mua đứt Nepal rồi.

Những tiệm ăn Tàu mọc lên theo chân các công nhân TQ vào Nepal xây cầu, đường, trường học, xe lửa…

Shunu, nhà sư Tây Tạng ở tu viện Liping Monastery, nói rằng gián điệp và công an chìm của Trung Quốc hiện diện khắp nơi. Khi công an TQ nói tiếng Tàu, dân Nepal không hiểu, nhưng hơn nửa thế kỷ bị TQ đô hộ đã cho người Tây Tạng tỵ nạn hiểu được tiếng Tàu.

Có một điểm nguy hiểm: công an chìm và gián điệp Trung Quốc tại Nepal lập danh sách theo dõi các nhà hoạt động thân với chính phủ lưu vong Tây Tạng, và tìm tới gia đình của họ còn trong Hoa Lục để hù dọa...

Than ôi, hung hiểm biết là bao nhiêu. Dân Việt Nam cần lấy đây làm bài học vậy, sơ xuất là bị sáp nhập thô bạo liền.

Trần Khải
(Việt Báo)
https://vietbao.com/a242534/tay-tang-gian-nan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét