Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Sài Gòn lạc bước về đêm...

Sài Gòn lạc bước về đêm...
LTS. Đêm, những thành phố nhiệt đới dịu mát, ít ô nhiễm, kẹt xe, các không gian kinh doanh bớt cạnh tranh, là cơ hội việc làm lớn cho rất nhiều người lao động... Và “nền kinh tế đêm” đã trở thành một thuật ngữ kinh tế đô thị. Người ta đo sự phát triển các thành phố bằng độ phát sáng trong đêm của chúng. Không chỉ kinh tế, những hoạt động về đêm còn tham gia tạo bản sắc đô thị.
Màn đùa với lửa của Minh Cường trên 
phố nhậu đêm đường Nguyễn Trung Trực
Điều khiến nhiều người thích nhịp sống Sài Gòn đêm, ấy là chốn vui chơi bất tận, nơi phố xá, hàng quán, các dịch vụ giải trí, quán bar, sàn nhảy, quán nhậu vỉa hè... cứ tập nập thâu đêm suốt sáng, còn khách là còn phục vụ. Nhu cầu ấy cũng tạo ra cơ hội mưu sinh với những nghề đặc biệt mà chỉ Sài Gòn đêm mới có.

Sài Gòn đêm không chỉ là những giây phút trả về cho lữ khách một cuộc sống phong lưu, rong chơi đây đó để tận hưởng bầu không khí thanh mát, tách biệt với ngày dài, mà còn là những trải nghiệm về ẩm thực, giải trí, về kỷ niệm của từng góc phố, nơi đó có những mảnh đời chọn Sài Gòn đêm làm thời khắc mưu sinh.

Đời rong ca

Hình ảnh các tay đàn lang thang qua phố ăn đêm Hải Triều, Hai Bà Trưng, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi... từ bàn nhậu này qua bàn nọ, hát tình ca, nhạc chế, nhạc tự sáng tác để bán phong kẹo cao su, gói thuốc lá, có khi ngồi đệm đàn hát trắng đêm cùng khách... đã trở nên quen thuộc trong thế giới đêm Sài Gòn.

Kỳ cựu trong giới đàn ca hè phố của Sài Gòn đêm có vợ chồng Nhung - Vệ. Mù loà, nhưng anh Vệ đã hơn 30 năm ôm đàn theo vợ đi hát rong, bán vé số dạo. Mọi giao tiếp với khách được Nhung - chị vợ thay chồng thể hiện, còn anh Vệ chỉ ôm đàn, ca những bản tình ca tùy theo ngẫu hứng hoặc yêu cầu. Chị Nhung kể: “Nhờ anh hát nên cả hai vợ chồng chỉ bán vé số cũng đủ sống, khách yêu cầu hát thế nào họ cũng mua vài tờ ủng hộ”. Với giọng nói cà lăm khó đỡ, mãi mới nuốt gọn một câu, nhưng khi cất tiếng hát những bài nhạc xưa kiểu như Bên cầu biên giới, Hẹn hò, Xuân này con không về… chất giọng khàn khàn cùng ngón đàn guitar lẩy tiếng đơn với tiết tấu nhanh nghe từ xa không lẫn vào đâu được của anh Vệ đã trở thành một “thương hiệu” được dân ăn đêm quen tai, quen mặt.


Hùng râu đệm đàn hát rong ở phở Hà trên đường Hải Triều

Đến nay, rong ca về đêm đã trở thành một nghề kiếm cơm hẳn hoi, với cây đàn, điện thoại liên lạc, khi ngồi lai rai đâu đó, dân nhậu chỉ cần bấm máy là rong ca xuất hiện. Mỗi dạng khách có những nhu cầu và gu nhạc khác nhau, từ đó họ chọn cho mình những tay đàn phù hợp, tiền bo tùy thuộc cảm xúc và độ phê mà rong ca đem lại, rẻ cũng đôi ba trăm ngàn, vui vui kiếm bạc triệu một đêm không khó. Hùng râu – một trong những tay đàn thâm niên, quen thuộc với hình ảnh bộ râu quai nón để dài, đi trên nôi nạng gỗ - chia sẻ: “Hồi đầu đi hát vui thôi, có khách yêu cầu hát theo bài, có khách còn đặt tui sáng tác bài hát theo lời mà họ thích, thù lao là đôi ba chai bia Sài Gòn đỏ, kèm vài gắp mồi lai rai. Bây giờ có điện thoại tiện hơn, dân nhậu đêm quen biết khi cần sẽ gọi đến đàn hát, chơi thâu đêm là chuyện thường”.

Gánh gồng cơm áo


Sài Gòn đêm cũng là thế giới kiếm cơm của những phụ nữ người quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi với hình ảnh chiếc rổ bán đủ thứ hầm bà lằng, gồm đậu luộc, xoài gọt, nem, chả, trứng cút...

Chị Võ Thu Hồng, quê xã Tịnh Bình, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi đã bốn năm liền bám trụ bằng nghề cắp rổ bán đồ dạo mỗi đêm ở Sài Gòn, thổ lộ: “Tui theo mấy bà chị cùng quê vào Sài Gòn làm thêm, chứ ở nhà đất cát, ruộng vườn không có, làm mướn không đủ nuôi con ăn học. Đi bán đồ cho dân nhậu đêm ở đây dễ kiếm hơn, vốn mỗi ngày chỉ 150 - 200 ngàn đồng, bán hôm nào muộn đến 4 - 5 giờ sáng cũng được đôi ba trăm tiền lời, góp lo cho thằng con trai, nó chịu học lắm, đang học Đại học Nông Lâm năm nhất rồi”.



Đại lý phát hành nhận báo khuya để kịp giao sạp vào sáng sớm (góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Phạm Ngọc Thạch)

Những ngả đường, góc phố của Sài Gòn đêm không chỉ là miền đất hứa của dân nhập cư tứ xứ, ngay cả những cư dân bản địa như chị Tám – nhà dưới chân Cầu Muối, quận 4, thường gọi là Tám Bánh, mỗi tối mang cái thúng nặng hơn trọng lượng cơ thể mình đi bán bánh dạo. Tám Bánh bảo cái thúng nặng hơn 60kg, không ai tin, nhưng sau khi bê thử mới kính nể và trầm trồ về khả năng lực sĩ của chị. Chị cười xóa: “Tui bưng cái thúng này từ năm 16 tuổi, đến nay hơn 35 năm rồi thành quen, đi từ 5g30 chiều đến 4 -5 giờ sáng”. Tám Bánh bán các loại bánh tự tay chị làm, bánh da lợn, bánh bò, bánh chuối, bánh đậu xanh, bánh dừa... và những thứ bánh lạ khác không dễ tìm ở các tiệm bánh thời đại.

Hỏi Tám lớn tuổi rồi, sao không nghĩ chuyện giải nghệ, chị cười lộ hàm răng cái còn cái mất ở ngưỡng tuổi quá 50, tâm sự: “Quen rồi chú ơi, mà giải nghệ lấy gì sống? Tui đi bán, khách mua quen có người cả hai ba chục năm, đi nước ngoài rồi về gặp lại, mua ủng hộ tiếp. Đưa người khác đi bán là ế liền, cứ vậy sao bỏ được”. Bởi thế, nếu lê la những góc phố đêm quanh quận 1, hễ thấy một bà chị người gầy rắn rỏi, mạnh mẽ trong từng câu nói, ôm cái rổ bánh đầy ngập xếp ngăn nắp từng loại, ngồi trò chuyện tíu tít với khách cứ như người nhà, đấy là Tám Bánh. Người mua bánh của chị không chỉ mua miếng ngon, mà còn mua những kỷ niệm, mua những câu chuyện của Sài Gòn đêm xưa và nay qua chuyện kể đầy thú vị của một nhịp đời từng trải khi mưu sinh trong thế giới của riêng họ.

Sài Gòn đêm cũng chứng kiến những màn nuốt lửa, nuốt rắn, của nhóm học trò lò biểu diễn tạp kỹ võ thuật, nội - ngoại công Minh Tâm, quận 7, với những màn khổ hình mưu sinh, lứa nhỏ mới vào nghề thì kiếm cơm bằng múa lửa, tiết mục gồm vài động tác cầm que đuốc đỏ lửa xoa lên thân người, ngậm dầu phun lửa, và ngả nón đi từng bàn nhậu đêm để xin tiền. Đứa cứng nghề hơn có thêm màn nuốt rắn lục, nuốt cá còn đang bơi, nhai bóng đèn, lấy đoản kiếm nuốt găm vào họng... cốt yếu để tạo ấn tượng, thậm chí là gây sốc với người xem mong kiếm vài đồng lẻ bố thí.

Phố đêm Sài Gòn với những mảnh đời mưu sinh, như điểm tô cho bức tranh đa sắc ấy thêm điểm nhấn thú vị, để lữ khách từ khắp phương trời, đây là ông Tây balo đang lê la những quán bia vỉa hè ở Bùi Viện, kia là nhóm Việt kiều sau những giờ xoắn quẩy bở hơi tai nơi quán bar, vũ trường, trở về Dìn Ký, Tân Hải Vân ở Nguyễn Trãi xì xụp ăn đêm. Ở góc Nguyễn Thái Bình - Lê Công Kiều quán chè Tiều đã ba đời tồn tại vẫn nhẫn nại đón những vị khách quen để ăn lại không chỉ một ly chè Tàu ngon bổ dưỡng, mà còn ăn lại cả một kỷ niệm. Nhịp sống đêm Sài Gòn là vậy, bên những rộn ràng, xô bồ, náo nhiệt, mọi người sống trong nó đều vẫn có thể tìm cho mình những góc riêng, những thú vui và niềm đam mê rất nhẹ nhàng, êm đềm, bình dị, và điều quan trọng hơn cả là ở mọi độ tuổi, tầng lớp, ai cũng đều thật dễ hòa nhập, để sống những khoảnh khắc trái ngược hoàn toàn với ngày dài. Nét quyến rũ khiến người ta cứ nhớ mãi Sài Gòn đêm, hẳn từ những điều như thế.

Bài và ảnh Thiên Ân
http://nguoidothi.vn/vn/news/chuyen-hom-nay/nhip-song-do-thi/6813/sai-gon-lac-buoc-ve-dem-.ndt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét