'Đổi mới con người để tăng trưởng kinh tế'
Hà Mi BBCVietnamese.com - Ở tầm quốc gia cũng vậy thôi. Việt Nam đang nghiên cứu để có một chọn lựa cơ chế nào để người dân có thể tham gia chọn ra người lãnh đạo cao nhất của đất nước và cũng có thể hạ bệ họ nếu họ không làm được lời hứa trước nhân dân, trước dân tộc. Đây là điều quan trọng. Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh.
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Việt Nam Bùi Quang Vinh vừa trả lời BBC Việt Ngữ về những ưu đãi dành cho doanh nghiệp nước ngoài cũng như những sửa đổi luật pháp, cải cách thể chế và đổi mới con người mà Việt Nam đang làm.Phỏng vấn diễn ra tại Diễn đàn kinh tế do Đại sứ quán Việt Nam tại Anh Quốc, kết hợp với Mạng lưới Việt Nam Anh Quốc và Nhóm Harvey Nash, tổ chức tại thủ đô London, Anh, hôm 10/9.
Ông cho biết những hội thảo như thế này có tác dụng rất lớn để thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Anh Quốc và chính sách đầu tư của Việt Nam hiện nay muốn thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc hơn so với trước đây.
Bộ trưởng Vinh cho biết một số ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, bao gồm:
- Tạo ra sự minh bạch hơn trong hệ thống pháp luật để các DN nước ngoài hiểu luật pháp VN
- Các ưu đãi sẽ dành cho lĩnh vực công nghệ cao với luật Công nghệ cao, các DN thuộc diện này được hưởng mức ưu đãi thuế cao nhất ở VN, như 4 năm miễn hoàn toàn thuế, 9 năm tiếp theo chỉ đóng 50% mức quy định và 15 năm còn lại đóng bình quân 10% thay vì mức thuế thu nhập DN hiện nay là 20%
- Những DN đến từ các quốc gia phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển hay đầu tư về chuyên giao công nghệ.
Sửa đổi pháp luật để tạo môi trường đầu tư minh bạch
Bộ trưởng Vinh cho biết Việt Nam cũng nhận thấy những hạn chế trong hệ thống pháp luật của mình vì thế chọn cải cách thể chế như một đột phá trong ba đột phá về kinh tế của VN, đảm bảo minh bạch và phù hợp với quốc tế.
"Việt Nam hiện nay đã tham gia rất nhiều hiệp định song phương và đa phương, do vậy buộc phải thực hiện các cam kết của mình. Chính vì thế phải sửa đối luật pháp để đáp ứng được các cam kết quốc tế.
"Việt Nam cũng đã nhận ra rằng muốn thu hút đầu tư nước ngoài thì phải tạo ra môi trường minh bạch và tiên lượng được."
Ông cũng nhắc tới Luật đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi, mà theo ông đã có cách tiếp cận rất rõ ràng.
"Trước đây luật được xây dựng theo phương pháp tiếp cận chọn Cho, tức cho cái gì thì ghi trong luật còn cái gì không ghi trong luật thì phải đi xin phép, và đó là một rào càn. Nay sửa đổi theo cách tiếp cận hiện đại, tức là chọn Bỏ, tức là không cho cái gì, cấm cái gì thì ghi trong luật, còn không ghi thì có nghĩa công dân và DN được tự do đầu tư kinh doanh những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Nó thể hiện Hiến pháp Việt Nam sửa đổi năm 2013.
"Tính minh bạch này đang là một trong những việc mà Việt Nam đang làm rất quyết liệt," ông Vinh nói thêm.
Cải cách thể chế để thúc đẩy tăng trưởng
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Anh Quốc, Bộ trưởng Vinh nói tới chủ trương tiếp tục cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam
Theo Bộ trưởng Vinh, Việt Nam đã nhận ra rằng đặc biệt khi Việt Nam đang gia nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, nếu Việt Nam không thay đổi luật pháp, thể chế của mình thì không thể hội nhập kinh tế quốc tế được.
Ông nói Việt Nam tự thấy những lợi thế như tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư, lao động giá rẻ, dần dần đã hết dư địa, hay tăng trưởng nhờ khai thác tài nguyên, dầu khí, than đá, sắt thép để bán thô thì tăng trưởng như vậy không bền vững.
"Nếu chỉ dựa vào những thứ đó để tăng trưởng thì bị lạc hậu. Việt Nam sẽ thua kém, không cạnh tranh được trong môi trường hội nhập.
"Một trong những ưu việt chính là thể chế. Quốc gia này hơn quốc gia kia chính là ở thể chế. Thể chế và môi trường thu hút được người tài, thu hút được đầu tư cho nên Việt Nam phải cải tổ. Đó là việc Việt Nam đang làm. Tuy nhiên cũng phải nói rằng đổi mới thì không dễ và ở đâu cũng vậy," ông nói.
Bộ trưởng Vinh cũng trích lời cựu Thủ tướng Anh ông Tony Blair, nhân một lần đồng chủ trì đã nói rằng đổi mới luôn đi kèm sự chống đối vì đổi mới mà không có sự phản đối thì đấy không phải là đổi mới.
"Đổi mới bao giờ cũng tạo ra những cái khác với thông lệ và nó ảnh hưởng tới các nhóm lợi ích cho nên người ta chống đối rất quyết liệt."
Đổi mới cán bộ - nguyên nhân của mọi nguyên nhân
Là người đã từng nói "Không đổi mới cán bộ thì không đổi mới được nền kinh tế", Bộ trưởng Vinh cho biết đây là một lĩnh vực rất khó:
Ông cho biết hiện nay Việt Nam đang tập trung đổi mới công tác cán bộ."Nguyên nhân của mọi nguyên nhân vì con người làm nên tất cả. Những rào cản cũng đều do con người đẻ ra những đổi mới cũng đều do con người gây dựng. Tuy nhiên ở đâu có người cán bộ tốt thì đương nhiên ở đó có sự phát triển tốt."
"Tôi đã từng nói muốn cổ phần hóa DNNN thì đầu tiên phải thay mấy ông cán bộ từng gây dựng DN lên vì đó là con đẻ của họ và họ tự hào về nó, nên giờ giờ không thể tự chặt chân mình để thay đổi toàn bộ. Cho nên rất khó, phải đổi mới từ công tác cán bộ.
"Ở tầm quốc gia cũng vậy thôi. Việt Nam đang nghiên cứu để có một chọn lựa cơ chế nào để người dân có thể tham gia chọn ra người lãnh đạo cao nhất của đất nước và cũng có thể hạ bệ họ nếu họ không làm được lời hứa trước nhân dân, trước dân tộc. Đây là điều quan trọng.
"Nếu cơ chế dựng lên được mà không cho xuống được thì đó là một cơ chế không giúp cho đất nước phát triển được. Chính vì thế đây là vấn đề then chốt của mọi quốc gia không phải riêng Việt Nam.
Ông cũng nói thêm trước đây bộ máy nhà nước Việt Nam phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trong suốt một thời kỳ rất dài, nhưng trong 30 năm đổi mới thì thành công nhất của Việt Nam là chuyển sang nền kinh tế thị trường.
"Vì thế hệ thống, bộ máy của Việt Nam cần chuyển đổi để phù hợp với một mô hình mới và để có được điều đó thì đầu tiên phải là con người, là lãnh đạo. Và Việt Nam đang làm điều này."
Hơn một trăm đại diện doanh nghiệp Anh đã tới
tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Anh Quốc
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/09/150910_viet_uk_minister_buiquangvinh_iv
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét