Dù đói vẫn quyết xây bằng được Tượng đài, Quảng trường
LTS: Hiện tại, nhiều tỉnh dân còn đói nghèo, các công trình dân sinh như điện, đường, cầu, trường, nhà máy nước sạch, bệnh viện, thậm chí nhà vệ sinh công cộng... đang rất cần xây dựng để phục vụ đời sống người dân, phát triển kinh tế. Nhưng thay vào đó lại là quảng trường, tượng đài, trụ sở tỉnh uỷ, uỷ ban nhân dân tỉnh to lớn, hoành tráng.
Theo thống kê của Bộ VH TT &DL, hiện nay
cả nước có 101 tượng đài Hồ Chí Minh
Xưa, vua Tự Đức xây lăng, ban đầu đặt là Vạn Niên Cơ. Công việc sưu dịch xây lăng quá cực khổ, các quan vì muốn lập công nên đã cưỡng bức lao động khiến phu lăng nổi loạn. Sử gọi là loạn Chày Vôi. Sau cuộc loạn đó vua Tự Đức đổi tên Vạn Niên Cơ thành Khiêm Cung (Khiêm Lăng). Tương truyền, dân chúng ca thán việc xây lăng: Vạn Niên là Vạn Niên nào / Thành xây xương lính, hào đào máu dân.
Nay, bất chấp. Dân không đồng thuận, báo chí lên tiếng, dư luận phản đối ! Tỉnh Sơn La vẫn quyết tâm xây tượng đài, quảng trường - Tỉnh ủy Sơn La vừa thông qua Đề cương dự án cụm công trình 1.400 tỷ gắn với tượng đài Bác Hồ (vietnamnet, 7/9/2015) - Số tiền 1.400 tỷ đồng là tiền thuế của dân nghèo Sơn La (ngân sách địa phương).
Ông Cầm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trong một phát biểu nói: "Trong cả nước đã có rất nhiều tỉnh có quảng trường, tượng đài, Sơn La chưa có cũng là thiệt thòi cho chúng tôi". Ai thiệt thòi? Người dân Sơn La, hay lãnh đạo tỉnh Sơn La! Cái người dân Sơn La thiệt thòi là chưa có Bệnh viện, trường học, cầu đường như các tỉnh khác chứ không phải là quảng trường này tượng đài kia.
Những câu hỏi được đặt ra là: Nguồn kinh phí từ đâu? Chất lượng công trình thế nào, ai bảo đảm? Liệu có hay không lãnh đạo tỉnh Sơn La vẽ ra dự án chi phí lớn như thế để ‘rút ruột’, tham nhũng?
Quảng trường Hàm Rồng (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), vốn đầu tư 35,2 tỉ đồng, xây dựng và đưa vào sử dụng tháng 4/2010, nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hàm Rồng nhằm tôn vinh chiến thắng oanh liệt của quân và dân Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh. Nhưng nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều khu vực lát đá bị bong tróc, phồng rộp và vỡ nát. Nguyên nhân của sự xuống cấp trên, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch phường Hàm Rồng cho biết: do xe tưới nước đi vào, quá trình thi công quảng trường ngắn, mưa gió nên xuất hiện lún, nứt. (người lao động, 26/08/2015)
Theo quy định của Pháp Luật Việt Nam, việc quy hoạch, quyết định đầu tư xây dựng quảng trường, tượng đài thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, Thành phố. Do là công trình cấp tỉnh nên nguồn kinh phí xây dựng lấy từ ngân sách địa phương. Ngân sách địa phương lấy từ đâu có? Cũng là tiền thuế của dân, không thể dùng tùy tiện, phải phục vụ lợi ích người dân chứ. Như đã biết, Sơn La là một trong số tỉnh nghèo nhất của Việt Nam, dân số hơn 1 triệu người, có gần 71.000 hộ nghèo và 30.000 hộ cận nghèo. Hàng năm vẫn phải xin chính phủ viện trợ gạo cứu đói thì thử hỏi tiền đâu mà bỏ ra 1.400 tỉ để xây quảng trường, tượng đài.
Lấy ví dụ, Huyện Vân Hồ (Sơn La) là một huyện vùng cao, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí của trẻ em. Huyện cũng chưa có các cơ sở cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ em, như cơ sở Bảo trợ xã hội, Trung tâm tư vấn... (Tiền phong, 11/3/2015)
Đừng nên nghèo lại chơi ngông, tốn tiền tốn sức của dân, trong khi dân còn khổ. Nếu nói xây tượng đài, quảng trường là "Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân" là nói lấy được. Hàng chục xã nghèo chưa có điện chiếu sáng, trẻ em mùa đông đến trường không có áo ấm, người nghèo thiếu thuốc men điều trị đang cần được quan tâm chứ không phải là quảng trường, tượng đài.
Hiện tại, nhiều tỉnh dân còn đói nghèo, các công trình dân sinh như điện, đường, cầu, trường, nhà máy nước sạch, bệnh viện, thậm chí nhà vệ sinh công cộng... đang rất cần xây dựng để phục vụ đời sống người dân, phát triển kinh tế. Nhưng thay vào đó lại là quảng trường, tượng đài, trụ sở tỉnh uỷ, uỷ ban nhân dân tỉnh to lớn, hoành tráng.
Vai trò giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân của tỉnh lại mờ nhạt, tiếng nói không đủ sức nặng. Cũng bởi các vị đều có vợ con, anh em làm ở các sở ban ngành nên không nói được, dân gian gọi là "há miệng mặc quai". Lãnh đạo tỉnh quyết rồi thì họp hội đồng nhân dân cũng chỉ còn biết gật theo!. Chính phủ lo nhưng việc "to lớn", các bộ ngành khi về tỉnh thì được tỉnh đón rước thì còn nói năng chi nữa.
Đất nước còn nghèo, ngân sách luôn thu không đủ chi, nợ công cao ngất ngưỡng, nhiều vùng nông thôn, miền núi, hải đảo dân còn nghèo xơ xác, nếu cứ mạnh ai nấy phá không biết rồi đây đất nước sẽ thế nào?
Xuân Hùng
Theo Dân Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét