Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

Vụ án GKĐ: lỗ hổng khủng khiếp của “ông” cơ chế?

Vụ án Giang Kim Đạt: lỗ hổng khủng khiếp của “ông” cơ chế?
Hà Văn Thịnh - Cái làm cho dư luận bàng hoàng không hiểu nổi là cái ông cơ chế của ta – cả một hệ thống quản lý nhiều tầng, nhiều lớp; kèm theo cả một quy trình thanh tra, kiểm soát đẹp và đong đưa như hoa ngày tết, cùng với cơ cấu tổ chức bộn bề nhất nhì thế giới như công đoàn, đoàn thanh niên, cục này, vụ nọ…; sao lại có thể để cho một gã trai 28 tuổi đời (tính ở thời điểm 2006), chức vụ chỉ vào hàng nhơ nhỡ (nếu không muốn nói là rất nhỏ), lại có thể khuynh đảo hệ thống một cách quá ư dễ dàng – thậm chí, chỉ cần một thương vụ, có thể bỏ túi tư lợi… 1 triệu USD!
Trước hết, dư luận ghi nhận nỗ lực phá án của cơ quan điều tra sau 1.825 ngày đêm truy đuổi, đã bắt được Giang Kim Đạt, nguyên Quyền trưởng phòng kinh doanh của Vinashinlines (nay là Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy), đã kê biên được gần 40 căn hộ, biệt thự của đối tượng bị truy nã, và bước đầu đã xác định được tổng số tiền mà Đạt đã lợi dụng quyền hạn và trách nhiệm để chiếm đoạt bất hợp pháp là 18,6 triệu USD (Tuổi Trẻ, 14.7.2015, 19:25 GMT+7)… 
Cơ chế nào đã giúp quyền trưởng phòng kinh doanh xơi tái 18,5 triệu USD một cách dễ dàng như vậy?

Cái làm cho dư luận bàng hoàng không hiểu nổi là cái ông cơ chế của ta – cả một hệ thống quản lý nhiều tầng, nhiều lớp; kèm theo cả một quy trình thanh tra, kiểm soát đẹp và đong đưa như hoa ngày tết, cùng với cơ cấu tổ chức bộn bề nhất nhì thế giới như công đoàn, đoàn thanh niên, cục này, vụ nọ…; sao lại có thể để cho một gã trai 28 tuổi đời (tính ở thời điểm 2006), chức vụ chỉ vào hàng nhơ nhỡ (nếu không muốn nói là rất nhỏ), lại có thể khuynh đảo hệ thống một cách quá ư dễ dàng – thậm chí, chỉ cần một thương vụ, có thể bỏ túi tư lợi… 1 triệu USD!

Thử để cho trí tưởng tượng bay là là thôi, một tư duy trung bình cũng ngay lập tức đặt câu hỏi là nếu có chức quyền cao hơn nữa, thì số lượng tiền dân, của nước thất thoát sẽ bị đe dọa và nghiêm trọng đến mức nào? 

Cứ nhìn vào Giang Kim Đạt, biết ngay lý do vì sao đất nước xơ xác, nghèo hèn.

Trên đời này, chẳng có gì “thoải mái” hơn là có quyền mua vô tội vạ bất kể cái gì bằng tiền của người khác! “Người khác” ở đây là hàng triệu người lao động ngày đêm ky cóp được chút tiền mồ hôi, xương máu rồi ký thác cho những kẻ như Đạt (nhiều Đạt nữa) mà ngay cả cha đẻ – ông tổ của khế ước xã hội là Jean Jaques Rousseau (1712-1778) cũng chả tài nào lý giải nổi, bởi người dân chẳng dại gì để ủy thác cho Đạt quản lý tài sản của mình(!)

Rõ ràng, sự vận hành của cơ chế có vô vàn khiếm khuyết, đã mở đường, mời gọi những kẻ mới chập chững bước vào cái nấc thang thứ nhất của quyền… được tham nhũng, đã ngay lập tức biết cách “biến hóa” tài sản công thành của riêng. 

Câu hỏi đặt ra là: tại sao khắp nơi, mọi lúc, ai cũng phàn nàn về cơ chế, ai cũng thấy cũng biết nhưng nhìn mà nỏ chộ những nguyên tắc sơ đẳng nhất của quản lý kinh – tài như: Cần phải thay đổi tầng, lớp A, B; gia cố điểm yếu C, hay loại bỏ sự phiền hà, kém hiểu quả N, X…?

“Ông cơ chế”, dù có to lớn, kềnh càng đến đâu cũng là do con người tạo dựng nên. Một khi sản phảm ấy bất cập, bất lực trước mọi thủ đoạn tham nhũng tinh vi, tàn độc; tại sao không kiên quyết sửa chữa dứt khoát, triệt để?

Phải chăng có một sự biết mà chưa nói, vì “chưa đủ cơ sở”, đó là: sau lưng Giang Kim Đạt còn có không ít Đạt’, Đạt”, Đạt N phẩy… ngày càng to hơn, uy lực thao túng ngày càng lớn hơn? “Nhóm lợi ích” trong trường hợp liên quan đến hệ thống thì chỉ còn có giá trị bọt bèo: kiếm 1 triệu USD trơn tru và xuôi luột hơn cả bác xe thồ kiếm mươi ngàn một cuốc xe dưới trời nắng nóng 40 độ!
Rõ ràng, bài học đắt nhất của vụ án này là cần phải có sự đổi mới – thay toàn bộ quy trình chi tiêu, kiểm soát của cơ chế quản lý hiện hành. Không thể nào chiến thắng được tham nhũng một khi kẽ hở cứ muốn tìm là có, hình phạt muốn thi hành là “rút kinh nghiệm”, còn thay đổi, đồng nghĩa với các làn điệu tình tính tang, tang tính tình diết da của Quan họ!

Viết đến đây, nói như ‘đồng bào’ (từ dùng để nói về đồng bào dân tộc Ê đê ở Đắc Lắc), bỗng giật mình (giật mình): Người dân, báo chí đòi phải thay ông cơ chế nhưng làm sao thay? Cái lẽ giản dị nhất là ông cơ chế A muốn B cùng tồn tại với cơ chế C, D…, để nhìn nhau mà vét, liếc nhau mà vơ. Càng rườm rà, nhiêu khê về thủ tục thì các cách thức kiếm tiền từ cái tổ mối khổng lồ có tên gọi là ‘cơ chế’ lại càng có nhiều cửa, lắm đường. Ông ‘cơ chế’ diệu tuyệt như thế, gắn liền với cuộc sống của các quan như chân, như tay. Trên đời này có ai khùng đến mức bỗng dưng một ngày đẹp trời nào đó, có kẻ vác dao nhè chân mình mà chặt hay không?

Chỉ trong vòng hai năm giữ chức quyền trưởng phòng, Giang Kim Đạt mua được tới 40 bất động sản (theo con số chính thức thông báo ở thời điểm này) – kể cả bất động sản trị giá 3,6 triệu USD tại Singapore! Có lẽ, dưới gầm trời này, chẳng có thiên đường vui chơi nào mà “đầy tớ” của dân chưa đầy 30 tuổi mà lại có thể “lừa” bao nhiêu quan chức có thâm niên cơ cấu hàng thập kỷ, có cái miệng dối lừa lấp lánh hơn mọi tấm gương, lại biết cách để kiếm tiền dễ và”ngon” như thế!

Buôn Ma Thuột, 16.7.2015
https://www.danluan.org/tin-tuc/20150717/ha-van-thinh-vu-an-giang-kim-dat-lo-hong-khung-khiep-cua-ong-co-che#sthash.EhtmVlDe.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét