Sài gòn cà phê sau 0 giờ
Một bộ phận giới trẻ Sài Gòn đang có xu hướng tìm đến những quán cà phê sau 0 giờ. Ít ai biết được đằng sau mỗi ly cà phê lúc nửa đêm về sáng thấm đẫm nhiều câu chuyện, tâm trạng...
Kim đồng hồ đã điểm 3g15 sáng, vẫn còn khá nhiều
người ngồi bên cốc cà phê lề đường - Ảnh: CÔNG NHẬT
“Chúng tôi là dân thiết kế nên cần không gian làm việc ban đêm. Nằm lăn lóc ở nhà trọ vừa nóng nực, bức bí, không có cảm hứng... nên quyết định xách laptop ra đây để vừa có không khí làm việc, vừa tiện trao đổi ý tưởng với đồng nghiệp” - Minh Anh (25 tuổi, chuyên viên thiết kế) giải thích lý do trở thành “khách ruột” của một số quán cà phê 24/24.1.001 lý do
Nhạc sĩ 8X Phạm Toàn Thắng (tác giả các ca khúc Dấu mưa, Bốn chữ lắm, Tan vào nhau mãi...) cho biết thường ghé các quán cà phê 24/24 khoảng 1-2 lần mỗi tuần. “Bạn bè tôi đa số thuộc giới nghệ sĩ hoặc có lối sống nghệ sĩ nên giờ giấc không phải là mối bận tâm lớn.
Chúng tôi thường tìm đến những quán cà phê khuya ngồi tán gẫu, chơi trò chơi “Ma sói” (một trò chơi tập thể rất phổ biến trong giới trẻ hiện nay)... hoặc đơn giản là chỉ ngắm đường phố Sài Gòn. Thỉnh thoảng tôi cũng ngồi cà phê một mình đến khi trời dần sáng” - Toàn Thắng bộc bạch.
Hầu hết quán cà phê 24/24 đều được thiết kế theo kiểu bên trong là không gian ấm cúng, trang trọng, còn bên ngoài là những chiếc ghế xúp “dã chiến” được đặt dọc con đường trước quán. Nếu như không gian trong quán là nơi các bạn trẻ tìm đến để làm việc, chơi game, nghe nhạc... thì ở những dãy ghế xúp ven lề đường là không gian lý tưởng cho những cặp đôi cần chút riêng tư, hoặc các nhóm quây quần hát hò, chơi trò chơi tập thể.
Ở bất cứ quán cà phê sau 0 giờ nào cũng dễ dàng bắt gặp những ánh mắt vời vợi, đăm chiêu bên cốc nước đã vơi từ lâu. “Học hành dang dở, nghề nghiệp không ổn định, gia đình lúc nào cũng chì chiết...” - N.T. (24 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) trải lòng.
Chân duỗi dài, lưng uể oải dựa hẳn vào tường, N.T. vừa nhả khói thuốc vừa nói: “Tôi tìm đến những quán cà phê này cũng được hơn một năm rồi. Trước đó thường bù khú thâu đêm với các “chiến hữu” ở mấy quán nhậu. Bây giờ có những quán này thì đỡ tốn tiền hơn, thấy sức khỏe tốt lên. Nói thật lòng tôi chẳng muốn về nhà chút nào, nhưng ra riêng thì lại ngại vì tiền bạc chẳng có nhiều. Dắt xe ra đường đi luẩn quẩn một hồi rồi cũng vào đây vì chẳng biết về đâu...” - N.T. thở dài, gương mặt không giấu được sự mệt mỏi.
“Thông thường những khách hàng “cô đơn” (một mình) sẽ ngồi lâu hơn. Cũng đôi lần chúng tôi muốn bắt chuyện, sẻ chia cùng họ nhưng khó biết được họ đang buồn hay vui bởi bây giờ là thời đại công nghệ, ai cũng dán chặt mắt vào màn hình điện thoại, tai thì gắn headphone (tai nghe). Không khéo mình lại vô tình làm phiền họ” - cô bạn Như Ý (phục vụ tại quán Thức Coffee) chia sẻ.
Cà phê sau 0 giờ cũng là điểm đến của các bạn trẻ tan ca sau một ngày làm việc. “Tôi thường đi trực dân phòng về khá trễ, ngại làm phiền gia đình vì lúc đó cũng đã quá nửa đêm nên ra đây ngồi đến sáng” - bạn Diệp Tuấn Anh (24 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) nói.
2g45, nhóm bạn Dương, Minh, Dũng lục tục kéo đến quán Thức (đường Pasteur). Họ làm việc tại một beer club ở Q.1 và là “khách ruột” của quán. “Sau giờ tan ca chúng tôi thường ngồi ở đây đến sáng. Có người tâm sự, chia sẻ buồn vui trong công việc... cũng giúp chúng tôi khuây khỏa phần nào. Về nhà trọ quanh quẩn trong bốn bức tường thì chán lắm” - Dương nói.
Quán cà phê khuya không chỉ là nơi tán gẫu, ngồi nghĩ vẩn vơ mà còn là không gian để nhiều bạn trẻ làm việc, đọc sách - Ảnh: CÔNG NHẬT
Phía sau chiếc tạp dề
Đồng hồ đã nhích qua 1g15 sáng nhưng Nguyễn Hùng Hiệp (24 tuổi, barista - tiếng Ý, từ dùng để chỉ người pha chế - ở quán The Coffee Factory) vẫn tất bật với công việc pha chế, tính tiền, giao nước đến tận bàn cho khách... “Quán có ba nhân viên. Hôm nay giữa tuần là còn đỡ, những ngày cuối tuần đến giờ này vẫn làm không ngơi tay” - Hiệp cho biết.
Là dân Sài Gòn chính gốc nhưng Hiệp thừa nhận bản thân từng “rất ngạc nhiên” vì nhận ra một chân dung hoàn toàn khác của thành phố về đêm từ khi đeo tạp dề, bước vào ca ba tại quán (từ 22g30-6g30). “Tôi không ngờ Sài Gòn về đêm vẫn nhộn nhịp và số lượng bạn trẻ thức thâu đêm ngoài đường nhiều như vậy” - Hiệp nói.
Sau hai tháng làm ca khuya, Hiệp cho biết bản thân “được” nhiều hơn “mất”. “Làm đêm vất vả hơn bởi lúc nào cũng phải tỉnh táo để không pha lộn nước, chưa kể thời tiết dạo này oi bức nên dễ xuống sức... nhưng bù lại tôi có cơ hội tiếp xúc, làm quen với nhiều bạn trẻ cùng lứa tuổi. Thay vì lãng phí thời gian thức khuya chỉ để coi phim bộ như ngày xưa thì giờ đây tôi có thể kiếm tiền đem về nhà, đồng thời có cơ hội học thêm về kỹ năng pha chế mà mình đam mê” - Hiệp nói.
Tương tự, bạn Từ Đức Thuận (phục vụ một quán cà phê 24/24) cho biết tuy mất gần hai tuần mới quen được nhịp độ làm việc xuyên đêm nhưng cảm thấy công việc mỗi ngày một thú vị. “Làm ca đêm phù hợp với những bạn có lịch học ban ngày như tôi. Những khi quán vãn khách, tôi vẫn được tạo điều kiện để tranh thủ chợp mắt hoặc học bài” - Thuận cho biết.
Nhưng vẫn còn đó những nỗi niềm của nhân viên ca khuya mà ít người biết được. “Có những khách vì bức xúc chuyện riêng mà giữa đêm đến quán sẵn sàng buông những lời lẽ thiếu tế nhị với nhân viên phục vụ. Thậm chí có lần một nhân viên của tôi đã bị khách chì chiết đến mức em khóc nức nở tại quán” - Nguyễn Hoàng Hà (đồng sáng lập hệ thống Thức Coffee) nhớ lại.
Còn với Như Ý thì những đêm quán thưa khách, không gian vắng vẻ mà ngoài trời mưa rả rích... cô nghĩ miên man về công việc của mình. “Nếu như làm ca ngày chúng tôi tiếp xúc chủ yếu với giới văn phòng thì ở ca đêm khách tử tế cũng có, khách mất lịch sự cũng có. Những ngày đầu đi làm tôi còn bị khách “quậy” đến mức bị ức chế, nghẹn lời nhưng bây giờ quen rồi. Dù gì họ cũng là khách...” - cô nhân viên có thân hình gầy guộc cười, mắt đăm chiêu.
Ngọt đắng với cà phê sau 0 giờ
Cà phê sau 0 giờ là một mô hình kinh doanh thu hút khá đông giới trẻ hiện nay nhưng cũng không tránh khỏi những phiền toái. Chủ quán Nguyễn Hoàng Hà cho biết: “Có những khách đi vũ trường, trong người có sẵn men bia rượu, đến quán yêu cầu phải bật nhạc hết cỡ. Thậm chí có khách say xỉn, “quậy” tưng bừng rồi lăn ra ngủ. Chúng tôi phải khéo léo xử lý mới ổn thỏa”.
Trong khi đó, chủ một quán cà phê 24/24 ở khu vực Q.1 kể thỉnh thoảng quán anh đón những nhóm khách choai choai tụ tập hút bồ đà, “đập đá” (hút ma túy “đá”) hoặc bàn chuyện đi giật đồ, chém nhau... Với những vị khách này, chủ quán lịch sự nhắc nhở hoặc “mật báo” cơ quan chức năng đến làm việc.
Với câu hỏi có được phép mở quán cà phê sau 0 giờ? Chị M. (chủ một quán cà phê 24/24) cho biết trước khi chọn hình thức kinh doanh này, chị đã nhờ một số luật sư tư vấn và họ khẳng định việc mở quán nước (không có chất cồn) hoàn toàn không vi phạm về các quy định kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, dĩ nhiên với điều kiện quán phải giữ gìn trật tự để không gây ảnh hưởng các nhà xung quanh.
Liệu có hay không những nguy hiểm cho nhân viên hoặc khách với những chuyện như cướp giật, ẩu đả tại quán? “Tôi nghĩ là không vì thứ nhất hầu hết quán cà phê kiểu này đều khá đông khách. Thứ hai, số lượng nhân viên của các quán giờ này đều được tăng cường nhiều hơn ca sáng, và hầu hết quán đều có nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhớ nằm lòng số điện thoại khẩn của cơ quan chức năng ở địa phương để phòng khi xảy ra sự cố thì chủ động liên lạc nhờ họ đến giúp đỡ” - anh T. (nhân viên quản lý một quán cà phê 24/24) chia sẻ.
Trần Hải Anh (27 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) cho biết bản thân cũng như một số người bạn chưa từng rơi vào trường hợp bị cướp giật dù luôn đi cà phê 24/24 mỗi tuần. “Tuy vậy, tôi nghĩ các bạn trẻ (nhất là với giới nữ) khi đi cà phê khuya thì hạn chế mang theo đồ đạc có giá trị cũng như xe máy xịn. Tốt nhất nên đi về với nhóm nhiều người hoặc chọn cung đường có đông người qua lại” - Hải Anh cho biết.
CÔNG NHẬT
Việc xuất hiện ngày càng nhiều quán cà phê 24/24 được xem là một “hiện tượng đô thị”. Có thể coi đây là một minh chứng cho cuộc sống muôn mặt, sự tự do của cá nhân, những cách thức giải trí đa dạng của người trẻ và kể cả nhu cầu giải tỏa những áp lực, vấn đề nảy sinh trong đời sống, vốn thường xảy ra rất nhiều ở các thành phố lớn. Người ta tìm đến các quán cà phê khuya vì nhiều lý do khác nhau. Có thể bầu không khí về đêm của những quán cà phê dễ giúp người ta tìm được sự giải tỏa, đồng cảm và cảm thấy được chia sẻ nhiều hơn khi xung quanh mình chắc hẳn cũng sẽ có vài người có cùng tâm trạng (đôi khi họ chỉ cần “nhìn” và “cảm” chứ không nhất thiết có nhu cầu nói chuyện, trao đổi...
ThS xã hội học ứng dụng Nguyễn Diệp Quý Vy (giảng viên khoa đô thị học ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)
Việc xuất hiện ngày càng nhiều quán cà phê 24/24 được xem là một “hiện tượng đô thị”. Có thể coi đây là một minh chứng cho cuộc sống muôn mặt, sự tự do của cá nhân, những cách thức giải trí đa dạng của người trẻ và kể cả nhu cầu giải tỏa những áp lực, vấn đề nảy sinh trong đời sống, vốn thường xảy ra rất nhiều ở các thành phố lớn. Người ta tìm đến các quán cà phê khuya vì nhiều lý do khác nhau. Có thể bầu không khí về đêm của những quán cà phê dễ giúp người ta tìm được sự giải tỏa, đồng cảm và cảm thấy được chia sẻ nhiều hơn khi xung quanh mình chắc hẳn cũng sẽ có vài người có cùng tâm trạng (đôi khi họ chỉ cần “nhìn” và “cảm” chứ không nhất thiết có nhu cầu nói chuyện, trao đổi...
ThS xã hội học ứng dụng Nguyễn Diệp Quý Vy (giảng viên khoa đô thị học ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)
http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/cuoc-song-muon-mau/ho-so/20150715/sai-gon-ca-phe-sau-0-gio/777780.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét