Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Quay lưng với lịch sử?

Quay lưng với lịch sử?
Lê Đức Dục, Theo Fb Lê Đức Dục
Tôi mong có những giờ học sử mà học sinh trong lớp được chia ra hai phe Gia Long và Nguyễn Huệ để bảo vệ quan điểm của mình chứ không thể “mạt kiếp Gia Long mang tội nước/ngàn năm Nguyễn Huệ sử ghi công”, có cô cậu tú tài nào biết rằng cải cách ruộng đất đã xóa sổ cả một gia tài văn hóa khổng lồ của ông cha chứ không chỉ có Điện Biên Phủ, làm sao cho các em biết rằng sau chiến thắng huy hoàng vẻ vang 1975 là những ngày đói kém cơ cực, những người dân đã đánh đổi mạng sống trên những con thuyền mong manh, là những nỗi đau chưa hàn gắn được!
Đến hẹn lại lên, cứ mùa thi nào đến môn thi lịch sử là lại có chuyện. Sáng nay báo Tuổi Trẻ lại đưa tin “Hàng loạt điểm thi đóng cửa vì không có thí sinh thi Sử”.

Cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên khi những mùa thi trước là chuyện học sinh xé đề cương môn sử tung hê giữa sân trường đầy vui sướng khi biết không có môn sử trong kỳ thi tốt nghiệp. Là chuyện hàng trăm bài thi lịch sử bị điểm 1 điểm 2 trong các kỳ thi..và sau đó, các phóng viên giáo dục lại tóm lấy các nhà sử học, các giáo viên dạy sử để truy hỏi nguyên nhân. Tất nhiên ai cũng cho rằng môn sử quá khô khan,nặng nề công thức, giáo điều nên học sinh quay lưng. Thâm chí khi đọc thấy bản tin trên Tuổi Trẻ, tôi vào google để gõ : “học sinh quay lưng.. ” thì google đã tự động điền thêm. “…với môn sử” (!)

Bao nhiêu năm rồi vẫn thế, vẫn biết học sinh quay lưng, thầy cô cũng chán ngán nhưng học thì vẫn học để rồi nếu không thoát được, “cực chẳng đã’ phải thi thì thi, còn nếu được tự chọn là quay lưng ngay và luôn! Và sau kỳ thi, nếu thí sinh nào được điểm 10 môn sử thì báo chí lại nhào vào săn đón ca ngợi như một hiện tượng lạ!

Cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông…những thành ngữ dạy đạo làm người đầu tiên ấy cũng chính là cội nguồn của lịch sử.Vậy mà bây giờ, học sinh “quay lưng”?

Sao các nhà sử học,khi trả lời phỏng vấn ai cũng bảo sách giáo khoa khô khan, nặng nề, giáo điều mà không có ai , từ những sử gia, khoa- viện-trường…đề xuất soạn một bộ sách khác hay hơn, hấp dẫn học sinh hơn?

Và cũng đọc kỹ lại những cuốn giáo khoa lịch sử đi, bao nhiêu năm rồi vẫn cứ thế, từ chổ “ta thắng địch thua, miền Bắc được mùa, thế giới chia làm ba phe rõ rệt” cho đên bây giờ trật tự thế giới đã khác, những thành trì đã sụp đổ, những nhân vật thần thánh cũng chìm dưới dâu bể, và không ít sự thật lịch sử chưa được sáng tỏ…

Trang sử của nước Việt mấy ngàn năm qua thấm đẫm máu những người dân Việt, hào hùng và bi tráng đến thế nhưng đã được viết ra như thế nào mà học sinh bây giờ quay lưng?

Học sinh nói gì về môn sử: “Chúng em không ghét môn lịch sử vì thế hệ hôm nay cần biết về quá khứ để tự hào. Nhưng bài nào cũng dài, khô và nặng với quá nhiều số liệu, sự kiện và quá nhiều khẩu hiệu khiến chúng em bắt đầu thấy “dị ứng” và có tâm lý học chỉ để thi cũng như mừng rỡ khi môn này không thi” (1).

Giáo viên nói gì về môn sử: “ Không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên cũng rất “ngán” nếu thi tốt nghiệp THPT môn sử. ..Đề thi vẫn được biên soạn nhằm kiểm tra trình độ học thuộc lòng của thí sinh, trong khi môn học này có rất nhiều sự kiện, những ngày tháng năm cần phải nhớ. Ngay chính bản thân người giáo viên cũng cảm thấy áp lực và rồi giáo viên sẽ truyền áp lực ấy sang học trò.” (2)

Thật ra, vẫn có một dòng sử khác đang chảy lặng thầm vô cùng hấp dẫn. Không hề phải ta thắng địch thua miền Bắc được mùa… Lịch sử không bao giờ và không thể nào được viết ra nhằm để tuyên truyền . Lịch sử luôn như nó vốn có, và bây giờ có cô cậu tú tài nào biết gì về những chương sử được giấu kín?

Tôi mong có những giờ học sử mà học sinh trong lớp được chia ra hai phe Gia Long và Nguyễn Huệ để bảo vệ quan điểm của mình chứ không thể “mạt kiếp Gia Long mang tội nước/ngàn năm Nguyễn Huệ sử ghi công”, có cô cậu tú tài nào biết rằng cải cách ruộng đất đã xóa sổ cả một gia tài văn hóa khổng lồ của ông cha chứ không chỉ có Điện Biên Phủ, làm sao cho các em biết rằng sau chiến thắng huy hoàng vẻ vang 1975 là những ngày đói kém cơ cực, những người dân đã đánh đổi mạng sống trên những con thuyền mong manh, là những nỗi đau chưa hàn gắn được!

Lịch sử vẫn có một dòng chảy khác, là những trang hồi ký im lặng mà đầy náo động như của cụ Trần Văn Giàu, cụ Trần Quang Cơ.. về những sự kiện đáng nhớ mà vì những lý do nào đó đã không được nhắc đến trong chính sử!

Cũng đừng buồn vì học sinh quay lưng với sử, cùng với internet các em sẽ tự tìm hiểu lịch sử của đất nước mình bằng một cách khác!

Chắc chắn các em sẽ yêu thương hơn đất nước mình qua trang ngoài chính sử ấy-những sự kiện dù không được đưa vào sách giáo khoa , không có trong đề thi đại học..nhưng vô cùng sinh động và biết nhắc nhở yêu thương đất nước.

Vâng, rất đáng để yêu thương xứ sở này với bao giông bão trầm luân, cũng như những trang lịch sử chân thật và trầm luân đã không được đưa vào những trang sách cho các em!

(1), (2): Đừng để học sinh quay lưng với môn sử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét