Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Bộ ba Bất bình đẳng

Bộ ba Bất bình đẳng
hầu hết các quốc gia phải đối mặt với bộ ba bất bình đẳng – bất bình đẳng về thu nhập, bất bình đẳng về tài sản, và bất bình đẳng về cơ hội. Bộ ba này, nếu không được kiểm soát, sẽ thúc đẩy lẫn nhau và gây ra những hậu quả sâu rộng. Thật vậy, ngoài những tác động về đạo đức, xã hội và chính trị, bộ ba này còn gây ra một mối quan ngại nghiêm trọng hơn về kinh tế: thay vì tạo động lực cho sáng tạo và làm việc chăm chỉ, bất bình đẳng bắt đầu làm suy yếu những động lực kinh tế, các khoản đầu tư, việc làm, và sự thịnh vượng.
Cuộc họp thường niên được tổ chức gần đây bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) có nhiều điểm thiếu nhất quán. Một trong những vấn đề đáng quan ngại nhất là sự quan tâm không đồng đều của các bên tham gia đối với việc thảo luận về sự bất bình đẳng và việc tiếp tục thiếu vắng một kế hoạch hành động chính thức để các chính phủ có thể giải quyết được vấn đề này. Điều này chứng tỏ một thất bại sâu sắc trong việc thiết lập chính sách – điều đang cần được gấp rút khắc phục.

Sự quan tâm gia tăng có lý do chính đáng của nó. Trong khi sự bất bình đẳng giữa các quốc gia đang ngày một giảm xuống thì trong nội tại mỗi quốc gia, sự bất bình đẳng lại ngày một dâng cao, điều này xảy ra ở cả những nước phát triển lẫn đang phát triển.

Quá trình này được thúc đẩy bởi một loạt các vấn đề về thực tế lẫn cấu trúc – bao gồm bản chất thay đổi của các tiến bộ công nghệ, sự trỗi dậy của việc đầu tư mang tính chất “người thắng ăn cả”, và hệ thống chính trị ưu ái giới giàu có. Đồng thời, nó còn được thúc đẩy bởi những lực lượng mang tính chu kì.

Tại các nước phát triển, vấn đề này bắt nguồn từ sự phân cực chính trị chưa từng xảy ra trước đây, điều đã cản trở những biện pháp xử lý mang tính toàn diện và đặt lên vai các ngân hàng trung ương những gánh nặng quá sức. Mặc dù so với các cơ quan hoạch đính chính sách khác, các cơ quan quản lý tiền tệ có quyền tự chủ cao hơn nhưng họ lại thiếu những công cụ cần thiết để giải quyết những thách thức mà quốc gia của họ đang phải đối mặt.

Trong giai đoạn bình thường, chính sách tài khóa sẽ hỗ trợ chính sách tiền tệ, bao gồm cả việc đóng vai trò tái phân phối. Nhưng giờ đây là giai đoạn bất bình thường. Sau năm 2008, do những bế tắc về chính trị khiến các biện pháp xử lý thích hợp về tài khóa bị vô hiệu (ví dụ, trong suốt năm năm Quốc hội Mỹ đã không thông qua ngân sách hàng năm, một yếu tố cơ bản của công tác quản trị kinh tế có trách nhiệm), nên các ngân hàng trung ương buộc phải thúc đẩy nền kinh tế một cách nhân tạo. Để làm được điều đó, họ phải phụ thuộc vào mức lãi suất gần như bằng không và những biện pháp phi truyền thống như nới lỏng định lượng (chính sách bơm tiền vào thị trường thông qua việc mua trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán – NBT) để kích thích tăng trưởng và tạo việc làm.

Bên cạnh những thiếu sót, biện pháp này còn ngầm ưu ái những người giàu có vốn đang nắm giữ một lượng tài sản tài chính lớn vô cùng lớn. Trong khi đó, các công ty không ngừng nỗ lực áp dụng các biện pháp giúp giảm mức thuế phải đóng, bao gồm cả biện pháp di dời các văn phòng đại diện tới những nơi đánh thuế thấp hơn (inversions).

Kết quả là, hầu hết các quốc gia phải đối mặt với bộ ba bất bình đẳng – bất bình đẳng về thu nhập, bất bình đẳng về tài sản, và bất bình đẳng về cơ hội. Bộ ba này, nếu không được kiểm soát, sẽ thúc đẩy lẫn nhau và gây ra những hậu quả sâu rộng. Thật vậy, ngoài những tác động về đạo đức, xã hội và chính trị, bộ ba này còn gây ra một mối quan ngại nghiêm trọng hơn về kinh tế: thay vì tạo động lực cho sáng tạo và làm việc chăm chỉ, bất bình đẳng bắt đầu làm suy yếu những động lực kinh tế, các khoản đầu tư, việc làm, và sự thịnh vượng.

Do các hộ gia đình khá giả thường chi tiêu một tỉ lệ nhỏ hơn trong tổng thu nhập và tài sản của họ, sự bất bình đẳng lớn hơn sẽ dẫn tới tiêu dùng tổng thể ít hơn, do đó cản trở sự hồi phục của nền kinh tế vốn đã bị đè nặng bởi tổng cầu yếu. Sự bất bình đẳng trầm trọng hiện nay đồng thời cũng cản trở những biện pháp cải cách cấu trúc cần thiết để tăng năng suất, đồng thời cản trở các nỗ lực nhằm giải quyết các khoản nợ vượt mức còn tồn đọng.

Đây là một sự kết hợp nguy hiểm, gây xói mòn sự gắn kết xã hội, hiệu quả chính trị, tăng trưởng GDP trong hiện tại, và triển vọng kinh tế trong tương lai. Chính vì vậy thật đáng thất vọng khi bất chấp việc nhận thức về bất bình đẳng đã được nâng cao thì trong các cuộc họp của IMF/Ngân hàng Thế giới – nơi tập hợp hàng nghìn nhà hoạch định chính sách, đại diện khu vực tư nhân, các nhà báo, với các hội thảo về bất bình đẳng tại các quốc gia phát triển cũng như các khu vực đang phát triển – mà họ lại không thể tạo ra được tác động gì lên các chương trình nghị sự về chính sách.

Các nhà hoạch định chính sách dường như tin chắc rằng hiện giờ chưa phải lúc đưa ra một sáng kiến hữu hiệu nhằm giải quyết sự bất bình đẳng trong thu nhập, tài sản và cơ hội. Tuy nhiên, việc chờ đợi chỉ khiến cho vấn đề thêm khó giải quyết.

Trên thực tế, một số biện pháp có thể và nên được thực thi để ngăn chặn sự gia tăng bất bình đẳng. Ví dụ như tại Mỹ, quyết tâm chính trị được duy trì liên tục sẽ giúp lấp những lỗ hổng lớn về việc hoạch định đất đai và thừa kế cũng như hệ thống thuế hộ gia đình và doanh nghiệp, những điều đang đặc biệt có lợi cho người giàu.

Tương tự như thế, cũng có dư địa chính sách để loại bỏ những biện pháp ưu đãi thuế đã lỗi thời dành cho lương thưởng của các nhà quản lý quỹ đầu cơ và quỹ tài sản cá nhân (carried interest). Cách đánh thuế và trợ cấp quyền sở hữu nhà ở cũng nên được cải cách triệt để hơn, đặc biệt là ở các phân khúc giá cao nhất. Và cũng có những lập luận thuyết phục cho thấy cần nâng cao mức thu thập tối thiểu.

Chắc chắn, những biện pháp này sẽ chỉ cải thiện nhẹ tình trạng bất bình đẳng, mặc dù đây sẽ là những cải thiện quan trọng và dễ nhận thấy. Để tăng cường tác động thì một quan điểm chính sách vĩ mô toàn diện hơn là rất cần thiết, với một mục tiêu rõ ràng là khôi phục và tái thiết lập những nỗ lực cải cách cấu trúc, thúc đẩy tổng cầu và xóa nợ tồn đọng. Một biện pháp như vậy sẽ giảm đáng kể những gánh nặng chính sách khổng lồ mà các ngân hàng trung ương hiện đang gánh chịu.

Đã đến lúc phải nâng cao mối quan tâm toàn cầu đối với vấn đề bất bình đẳng để tiến tới phối hợp hành động. Một số sáng kiến sẽ trực tiếp giải quyết vấn đề bất bình đẳng; một số khác sẽ ngăn chặn những tác nhân gây ra nó. Chúng sẽ cùng nhau đi một chặng đường dài hướng tới việc khắc phục trở ngại nghiêm trọng (mà tình trạng bất bình đẳng gây ra) đối với phúc lợi kinh tế và xã hội của các thế hệ hiện tại cũng như trong tương lai.

Mohamed A. El-Erian hiện đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Phát triển Toàn cầu của Tổng thống Barack Obama. Trước đây ông từng giữ chức vụ Tổng giám đốc điều hành của PIMCO. Ông được tạp chí Foreign Policy vinh danh là một trong 100 Nhà tư tưởng Toàn cầu năm 2009, 2010, 2011 và 2012. Cuốn When Markets Collide của ông đã được tờ Financial Times/Goldman Sachs bình chọn là Cuốn sách của Năm và được tờ The Economist bình chọn là cuốn sách hay nhất năm 2008.

Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng | Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate
Tác giả: Mohamed A. El-Erian | Biên dịch: Đỗ Minh Thu

 http://nghiencuuquocte.net/2014/11/08/bo-ba-bat-binh-dang/#sthash.eW5jZDJW.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét