Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Nghệ thuật đi vệ sinh trong tàu ngầm hải quân

Đi vệ sinh trong tàu ngầm hải quân là giây phút cực kỳ căng thẳng
Lê Dũng - Mở nắp tàu ngầm tưởng là giản đơn như mở cánh cửa, mở nắp cống, nhưng thực ra nó là… một nghệ thuật. Mở nắp khoang nọ sang khoang kia thì không có gì quá phức tạp, chỉ cần sức. Nhưng mở nắp khi tàu ngầm nổi, để lên boong sau thời gian lặn là một gian nan, kì công, phải tập luyện thuần thục.
Từ nghệ thuật mở nắp tàu ngầm…
Theo đại tá lữ trưởng Trần Thanh Nghiêm thì: Cũng sắt thép ấy, cũng trang bị ấy, cũng không gian chặt hẹp ấy, cũng những con người ấy. nhưng tàu ngầm trước khi lặn và sau khi lặn rồi nổi lên là… khác nhau. Thủy thủ còn ở cơ sở bờ vẫn bình thường như hàng vạn người lính hải quân khác. Thủy thủ chui xuống tàu ngầm đi vào lòng biển sau 10 ngày, hoặc 30 ngày, thậm chí lâu hơn… đã là con người khác rồi.

Cái khác ấy giống như đang đi xe máy ga chuyển sang đi xe máy số. Cái khác ấy là sau mỗi lần đi biển cơ thể ngót đi vài kg, đại tá Trần Thanh Nghiêm kết thúc lần đi biển đầu tiên huấn luyện tàu ngầm ở Baltic nước Nga., hao mất 4kg. Cái khác ấy là trạng thái tinh thần gò bó, tù túng trong không gian khoang tàu chật hẹp với tâm hồn phơi phới, tinh thần phóng khoáng khi tàu nổi giữa mênh mông bao la của quân cảng Cam Ranh. .

Nhưng, cảm giác hồi hộp, mong được thấy trời xanh rõ rệt nhất là lúc… mờ nắp tàu ngầm để lên đài chỉ huy, hoặc lên boong tàu. Khi tàu ngầm đóng cửa lại giữ kín nước để lặn, khí thủy động học đã tạo áp suất chênh lệch với bên ngoài. Có nghĩa là áp suất ở trong tàu ngầm cao hơn, mạnh hơn môi trường khí quyển bên ngoài. Khi nổi lên và mở nắp để lên boong thì phải có sức để thắng được cái lực cản nặng nề ấy. Người thủy thủ mở nắp tàu ngầm phải gồng sức mạnh, đánh tay mở từ từ, đồng thời phải nắm chắc đai ghìm nắp xuống để áp suất trong tàu thoát dần ra bền ngoài.

Ban đọc hình dung như khi mở nắp bia, hay mở nắp lon nước ngọt, nếu bật nắp nhanh quá thì bọt ga phọt ra ngoài mất đến một nửa ấy. Hoặc mở nắp chai sâm panh, mở nhanh quá thì cái nút bằng bấc phụt lên tận trần nhà. Dù đã được huấn luyện, nhưng nếu thủy thủ thao tác vụng về đánh tay vẫn tím bấm, hoặc nếu quên xử lý theo quy trình là áp suất tuôn ra ngoài tạo thành luồng gió mạnh như bão tố tốc cả quần áo, tác động vào thân thể đau rát da bụng ngực. Đôi khi không khéo và áp suất quá mạnh thì người bay luôn lên trời. Cũng giống như máy bay bị tai nạn thủng hở vỏ thì quần áo, giầy dép. .. và cả người nữa sẽ bị cuốn bay ra ngoài.

Tàu ngầm nguyên tử lặn sâu đến 500m, thử thách chịu áp suất còn cao hơn cả tàu diezen lớp kilo 636. Mở nắp tàu ngầm nguyên tử khi nổi cũng khó khăn phức tạp hơn. Đại tá Trần Thanh Nghiêm kể: Thuyền trưởng tàu ngầm Nga chui lên khi tàu nổi, bao giờ cũng có một thủy thủ đi theo. Đề phòng chênh lệch áp suất quá mạnh, khi thuyền trưởng mở nắp tàu ngầm, thủy thủ phía dưới tóm chân sếp giữ thật chặt, chứ không thì thuyền trưởng bay lên trời luôn. Chính vì thế, thủy thù Lữ đoàn tàu ngầm 189 phải tập luyện thuần thục, luôn luôn có ý thức ghìm tay mở nắp để áp suất thoát từ từ. Họ phải điều chỉnh chỉ đến khi nào thấy cân bằng áp, có nghĩa là cảm nhận được không khí ấm áp, trong lành ở bên ngoài đối lưu thì mới đẩy nắp, chui lên.

Đến… nghệ thuật đi vệ sinh
Phòng vệ sinh cá nhân trên tàu ngầm

Vốn mang tính nghề nghiệp của người làm báo, tôi rất tò mò muốn biết trong cái không gian chật hẹp tàu ngầm ấy, người thủy thủ đi tiểu tiện, đại tiện ra sao? Hóa ra, chỉ nội cái việc giải quyết “nỗi buồn cơ thể” ấy cũng là một nghệ thuật kỳ công.

Sau khi đi hết loạt các khoang máy khoang vũ khí, khoang trung tâm chỉ huy … tôi bảo trung tá Đậu Văn Hoàng – thuyền trưởng tàu ngầm 184 “Bây giờ mình muốn đi vệ sinh một phát có được không?”. Anh Hoàng cười cười, chắc là chưa đoán biết được ý định của tôi, bảo: “Anh Minh chưa được huấn luyện thuần thục, chưa đi được đâu, ráng mà nhịn, hoặc lên bờ ngay đi”. Tôi liền bảo: “Thực ra mình muốn xem cái phòng…”.

Đúng là “mong được, ước thấy”, vị thuyền trưởng ý nhị dẫn tôi đi. Nó là một cái phòng xinh xắn tương đối hẹp. Mọi thủy thủ được huấn luyện và phải tập nhiều lần trước khi… mình là người thực tế. Đi bồn cầu xong, xả nước, đóng van. Ngón tay nhè nhẹ chỉnh van cân bằng áp suất. Nhìn đồng hồ… Một quy trình trước khi nhấn nút để hệ thống tự động tống chất thải ra ngoài.

Cái khó khăn và phức tạp của “công cuộc đi vệ sinh” là bao giờ hệ thống tự thải cũng có… áp lực dư. Nếu thủy thủ đi vệ sinh xong, cần chỉnh van áp suất mà nhanh ẩu đoảng, không nhìn kim đồng hồ, hoặc trông gà hóa quốc, giản đơn hấp tấp chỉnh sai số, thì rất có thể áp lực dư sẽ đầy chất thải bắn ngược trở lại với sức mạnh có thể dựng được cột nước cao từ 100 đến 200m. Bạn đọc hãy hình dung, nếu mình ở trong hoàn cảnh tréo ngoe, trớ trêu, dở mếu dở cười ấy sẽ ra sao? Đại tá Trần Thanh Nghiêm – Lữ đoàn trưởng tàu ngầm 189 cũng kể với tôi “câu chuyện nghệ thuật” này: Thực tế, trong huấn luyện tàu ngầm, thủy thủ Nga đi ở biển Baltic cũng vì sơ ý nên chịu trận “đại hồng thủy chất thải phun vào người”.

Chất thải đẩy tóe tòe loe khắp mình mẩy, quần áo chan chứa, tràn trề… bắn khắp phòng vệ sinh, chảy bẩn cả ra bên ngoài…; cả đêm không ngủ nổi vì hôi, cả kíp kỹ thuật của khoang tàu ấy phải thay nhau tẩy rửa, sát trùng, sấy khô, vẩy chút hương liệu cho không khí trong tàu dịu đi. Anh Nghiêm bảo: “Đi vệ sinh trong tàu ngầm là cả một quy trình khoa học và đạt đến trình độ… nghệ thuật. Thủy thủ trong mơ cũng phải biết phải nhớ tay phải đóng van này, tay trái chỉnh van kia, mắt nhìn chính xác chỉ số áp suất trên đồng hồ đúng lúc để nhấn nút đẩy hết cái cần đẩy ra đạt dương”.

Và… xô nước mồ hôi

Có thể nói không ngoa: Thử thách để làm chủ tàu ngầm là thử thách cao nhất, nghiệt ngã nhất trong tất cả các loại vũ khí mà nhân loại đang có.

Vị lữ đoàn trưởng tàu ngầm số 19 của Hạm đội Thái Bình Dương – căn cứ ở vùng biển Cam-trát-ca được bạn Nga cử vào nhóm chuyên gia chỉ huy huấn luyện thủy thủ tàu ngầm Việt Nam. Người bạn Nga này đi cùng đại tá Trần Thanh Nghiêm trên tàu ngầm 182 – Hà Nội trong một cuộc huấn luyện ngụp lặn trong lòng đại dương. Lúc đầu đi vui vẻ, đứng trên đài chỉ huy nhìn mây trời sóng nước, hải âu chao liệng.

Tàu lặn xuống lòng biển, vẫn cười tươi, vui vẻ và làm việc, chỉ huy huấn luyện bình thường. Đến khi… thực hiện phương án không cho điều hòa hoạt động. Coi như một giả định tình huống xấu mà người thủy thủ rất dễ gặp, để… thử thách. Nhiệt độ trong tàu ngầm tăng lên… 30 độC, ông lữ đoàn trưởng tàu ngầm số 19 người Nga vẫn cười nói. Nhiệt độ tăng dần lên… 40 độ C, ông lữ đoàn trưởng người Nga vẫn chịu được, thậm chí còn cố kể các câu chuyện tiếu lâm Nga cho các thủy thủ Việt Nam cùng… cười.

Nhưng, khi nhiệt độ tăng lên… 41, rồi 42 độC thì ông lữ đoàn trưởng người Nga không cười được nữa. Ông xin cho phép tàu ngầm 182- Hà Nội… quay về. Nhưng, đã đi biển là… đi. Nhiệm vụ, kế hoạch huấn luyện đã phê duyệt, đã ấn định rồi. Còn kinh phí, tiền xăng dầu, ăn uống, tốn kém không kể xiết, và còn là… danh dự thủy thủ tàu ngầm Việt Nam. Không thể quay về. Quay về là… đào ngũ! Lữ đoàn trưởng tàu ngầm Việt Nam – đại tá Trần Thanh Nghiêm quyết định vẫn tiếp tục thực hiện huấn luyện theo kế hoạch, thời gian đã định trước và động viên ông bạn Nga cùng chịu đựng với thủy thủ Việt Nam. Lúc làm việc mồ hôi ướt đẫm quần áo.

Lúc đi ngủ, viên sĩ quan thuyền trưởng tàu ngầm người bạn Nga to kềnh càng cởi trần trùng trục nằm trên đệm, mồ hôi ra ướt cá đệm vì oi nóng. Độ oi nóng trong tàu ngầm đến mức những quần lót ngấm mồ hôi của thủy thủ thay ra chưa kịp giặt cứ khô dần cứng như mo nang, dựng đứng được. Sau chuyến tàu ngầm 182 – Hà Nội đi lặn ngụp trong lòng biển trở về, anh em thủy thủ khiêng cái nệm giường nằm của ông lữ đoàn trưởng số 19 lên boong. Trước khi quẳng lên cầu cảng, cánh thủy thủ hò nhau cầm hai đầu nệm vắt nước chảy ra… gần một xô nước mồ hôi. Chuyện thật mà nghe rất khó tin, cứ như bịa!

Vậy mà, các thủy thủ tàu ngầm Việt Nam vẫn chịu đựng được và hoàn thành cuộc huấn luyện với những thử thách kì diệu trong không gian kín tàu ngầm với áp suất, với không khí cao áp, với sự không có mặt trời và mặt trăng, Với cái nóng đổ mồ hôi như mưa… Thủy thủ tàu ngầm Việt Nam chịu khó chịu khổ tốt hơn thủy thủ Nga. mỗi thủy thủ sau mỗi lần đi biển đều hao sụt thân thể… người ít thì 2kg, người nhiều là 5kg. Tôi có ý hỏi đại tá Trần Thanh Nghiêm về sức chịu đựng của thủy thủ tàu ngầm Việt Nam, tại sao lại bền bỉ, kiên cường, dẻo dai như thế?

Anh Nghiêm nói đại ý rằng: Người Việt mình là văn minh lúa nước. Tuổi thơ của anh lính nào cũng một thời chăn trâu cắt cỏ, ngụp lặn ở sông ngòi, dãi nắng dầm mưa, tóc cháy vàng nâu như lông bò. Coi như sự gian lao vất vả ấy cũng là chuỗi ngày dài rèn luyện thể lực một cách tự nhiên. Vả lại, thủy thủ mình cũng đã được rèn luyện bài bản cả thể lực và bản lĩnh ý chí từ khi còn là lính hải quân ở các tàu mặt nước bị sóng dồn gió dập rồi, và bây giờ là rèn luyện ở thử thách nghiệt ngã bậc cao hơn trong tàu ngầm lớp kilo hiện đại.

http://kenh13.info/di-ve-sinh-trong-tau-ngam-hai-quan-la-giay-phut-cuc-ky-cang-thang.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét