Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

Cú sốc giá, cú sốc hài

Cú sốc giá, cú sốc hài
Bộ Công Thương khẳng định trong đợt tăng giá xăng 1.200 đồng/lít vừa qua, thuế bảo vệ môi trường làm giá xăng tăng 162 đồng/lít. Và “đây là con số đã tính toán kỹ lưỡng” được chính Bộ trưởng cam kết “hoàn toàn chịu trách nhiệm về con số này”. Còn hôm qua, đến lượt Bộ Tài chính, trong một văn bản gửi khắp nơi cũng “khẳng định”: Việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên 300% không tác động tới giá xăng trong đợt điều chỉnh giá vừa qua.
Đúng là “hài hước một cách khó hiểu” khi cơ sở “khẳng định” của cả hai bộ đều chỉ dựa cùng trên những thông số chung. Chẳng hạn mức thuế suất. Chẳng hạn giá dầu thô thế giới.

Nếu việc tăng tới 1.200 đồng được coi là một cú sốc giá, thì chuyện đôi co giữa hai bộ có trách nhiệm quản lý giá xăng hôm nay cũng khác gì đâu một cú sốc. Một cú sốc hài trước câu chuyện “ông chẳng bà chuộc” trong quản lý!

Tại nghị trường, giá xăng cũng đang là chuyện thời sự với rất nhiều thắc mắc. Từ chuyện sự hợp lý của thuế môi trường? Rồi câu hỏi phải chăng “phí” nhưng đang được sử dụng không đúng mục đích để “bù đắp ngân sách vì giảm thuế nhập khẩu”. Rằng cơ chế điều chỉnh giá trên một chu kỳ đang tạo ra những bất cập là giá trong nước tăng vào đúng ngày giá thế giới đi xuống, tạo ra “sự căng thẳng” và gây bức xúc cho dân. Rằng đến ngay cả các bộ quản lý giá còn nhùng nhằng thì làm sao người dân nhìn thấy ở đó sự minh bạch để có thể tâm phục, khẩu phục.

Xăng dầu là đầu vào của nền kinh tế. Giá xăng dầu là quân đô-mi-nô đầu tiên trong hiệu ứng giá với hầu hết các lĩnh vực, mặt hàng, thậm chí là lĩnh vực, loại hàng hóa “không chạy xăng, không dùng dầu”. Chưa kể đến hiệu ứng giá kiểu té nước theo mưa.

Việc tăng thuế môi trường 300% có ảnh hưởng hay không tới giá xăng, chắc chắn chỉ có một kết quả đúng. Vấn đề ở chỗ rất khó để khẳng định bộ nào mới đúng. Chỉ có một điều có thể khẳng định, rằng giá xăng trong nước tăng đang đi ngược lại xu hướng giá thế giới và phần thiệt trong việc “xăng tăng giá” luôn thuộc về nhân dân.

Có lẽ đã đến lúc liên bộ Tài chính - Công Thương, thay vì giải thích mình đúng, nên ngồi lại với nhau để tìm ra một cơ chế rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng, tạo thói quen cho người dân về sự lên, xuống của giá xăng. Bởi chỉ có như thế mới không tạo ra những cú sốc về giá và cũng bớt sự bức xúc của người dân mỗi lần xăng tăng giá.

Có lẽ đã đến lúc chấm dứt câu chuyện “chỉ có ở Việt Nam”: Liên bộ cãi nhau trong khi xăng 2 lần tăng, với 3.200 đồng, toàn nhằm đúng vào ngày giá thế giới đang đi xuống.

http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/cu-soc-gia-cu-soc-hai-337065.bld

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét