Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Có thực là nền kinh tế Việt nam sắp sụp đổ?

Có thực là nền kinh tế Việt nam sắp sụp đổ?
Việt Dũng thực hiện - Lâu nay trên mạng internet thường xuất hiện các thông tin cho rằng nền kinh tế VN sẽ sụp đổ trong một tương lai gần. Phóng viên Việt Dũng của báo Dân Luận, đã có một cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện IDS về vấn đề này. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Câu hỏi: Thưa ông, hiện nay chi tiêu ngân sách luôn thâm hụt và các khoản nợ công của VN khá cao, tới mức Chính phủ đã phải vay đi để trả nợ. Ông có đánh giá chung thế nào về nền kinh tế Việt Nam hiện nay?


Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Kinh tế VN hiện nay nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ tăng nhanh, tình hình nợ của hệ thống ngân hàng, tình hình nợ chung của hệ thống kinh tế đã và đang gây áp lực rất mạnh. Nhưng không phải là không có các giải pháp để giải quyết tình trạng này và để bàn kỹ về những giải pháp đó thì phải có thời gian mới có thể giải thích bằng các dữ liệu một cách cụ thể. Đây cũng là vấn đề mà giới chuyên môn cũng bàn cãi, có những ý kiến thế này, ý kiến thế kia.

Tôi nghĩ nền kinh tế VN trong giai đoạn này, đúng là có rất nhiều khó khăn, song đang đứng trước nhiều triển vọng rất là tốt. Vấn đề đứng đằng sau là làm thế nào để sử dụng được những thời cơ đó, những nguồn lực đó cũng như các chính sách kinh tế mang tính khuyến khích để thúc đẩy sự phát triển. Còn vấn đề nợ nần cũng là một vấn đề cần giải quyết rất thấu đáo, nhưng nếu chỉ nhìn vào đó mà đánh giá rằng nền kinh tế VN có nguy cơ sẽ sụp đổ, thì theo tôi đó là một đánh giá thiếu cơ sở và không chính xác.

Hiện nay, một nguồn vốn có thể đáp ứng nhu cầu chi tiêu và trả nợ của Chính phủ là bán các doanh nghiệp hoặc quyền khai thác sân bay, bến cảng, đường xá v.v… thuộc sở hữu nhà nước. Lĩnh vực này hầu như chưa được Chính phủ khai thác? Ông có bình luận gì thưa ông?

Thực sự việc tư nhân hóa các Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), để trang trải nợ nần là một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia đề xuất từ lâu rồi. Đây là một việc thực sự là lành mạnh, nếu nó được tiến hành một cách minh bạch, nghĩa là phải bán đúng giá chứ không phải là bán một cách không minh bạch kiểu bán tống bán tháo. Còn cái giải pháp bán các tài sản của các DNNN để đầu tư vào những chỗ hay hơn như Giáo dục đào tạo, Y tế… hoặc để trả nợ là một việc hết sức bình thường và đã được các chuyên gia kiến nghị lâu rồi.

Các chuyên gia đã cảnh báo việc bán các DNNN sẽ dẫn đến tình trạng có không ít tỷ phú xuất hiện sau một đêm, như tình trạng Liên xô (cũ). Ông có các cảnh báo đối với chính phủ VN và họ cần có những giải pháp như thế nào, thưa ông?

Tất nhiên việc ấy phải được tiến hành theo một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, trước hết Quốc hội phải nhanh chóng đề ra một Luật hay một thứ tương tự như vậy một cách rõ ràng. Còn không có những cái như vậy, thì các nhóm lợi ích có thể dễ dàng chia chác các tài sản quốc gia làm tổn thất lợi ích quốc gia để biến thành của tư nhân. Đó là một điều hết sức nguy hiểm.

Ngay từ những năm 1989, khi Hungari cổ phần hóa các DNNN thì trước khi chuyển đổi TS. Konal đã yêu cầu là phải “tái quốc hữu hóa” các DNNN đã cổ phần hóa một cách tù mù như thế, để làm một cách minh bạch hơn. Vì nếu không như thế, thì đây là một cơ hội cướp tài sản công thành tài sản tư nhân một cách rất dễ dàng như đã xảy ra ở Nga thời Elxin. Người dân VN phải lên tiếng ép nhà nước phải tránh được việc đó, ở đây tôi nói là tránh chứ không thể loại trừ được hoàn toàn các nhóm lợi ích rất hung mạng có thể thao túng việc này.

Về giải pháp thì chỉ có “Minh bạch, minh bạch và minh bạch” thì mới trách được chuyện các nhóm đầu sỏ, các nhóm lợi ích… lợi dụng việc bán tống bán tháo của nhà nước để mua rẻ các tài sản thuộc sở hữu nhà nước như đã xảy ra ở Liên xô trước đây. Đồng thời phải để cho nhân dân cũng như báo giới biết được kế hoạch bán đó để phanh phui các thương vụ mờ ám. Ngoài cái đó chúng tôi nghĩ rằng không có cách nào khác cả.

Có ý kiến cho rằng Ngân sách nhà nước tới một lúc sẽ không còn đủ khả năng để trả lương cho các đối tượng hưởng lương ngân sách và đáp ứng các chi tiêu của Chính phủ. Lúc đó nền kinh tế VN sẽ nhanh chóng sụp đổ. Vậy theo ông, điều đó có khả năng xảy ra hay không?

Tôi nghĩ rằng muốn đánh giá rằng nền kinh tế VN sẽ sụp đổ thì mình phải có những cơ sở hết sức rõ ràng về khả năng của nền kinh tế, khoản thu của ngân sách và các khoản phải trả nợ thời hạn ra sao, lãi xuất là thế nào v.v… và v.v… chứ không thể đánh giá một cách vội vã bằng những con số cụ thể mà không đi vào chi tiết. Bởi vì không có thời gian đi vào chi tiết nên tôi cũng chỉ đi vào nhận xét sơ bộ, theo tôi đúng là tình hình nợ xấu của Ngân hàng, tình hình nợ công của VN tăng rất nhanh trong thời gian vừa qua là đáng báo động, nhưng nếu đánh giá rằng nó sụp đổ ngay thì tôi nghĩ rằng hơi vội vã và chưa cân nhắc kỹ.
Tôi nghĩ rằng kể cả ý kiến cho rằng kinh tế VN sụp đổ đến nơi cũng là một ý kiến để cảnh báo. Tôi tôn trọng ý kiến đấy.

Xin cảm ơn TS. Nguyễn Quang A đã dành cho Dân Luận cuộc PV này.

https://www.danluan.org/tin-tuc/20150610/viet-dung-co-thuc-la-nen-kinh-te-viet-nam-sap-sup-do#sthash.PUVT9Lqg.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét