Có hay không nền kinh tế ngầm với TQ?
Giới chuyên gia cho rằng chênh lệch trong thống kê nhập siêu với Trung Quốc là do tình trạng buôn lậu qua các đường tiểu ngạch. Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam vừa thừa nhận có chênh lệch trong thống kê dữ liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng chênh lệch trong thống kê cho thấy chính phủ "không nắm được thực trạng phát triển kinh tế", khiến nền kinh tế bị chi phối ngầm.Trước đó, trong buổi họp Quốc hội hôm 8/6, đại biểu Quốc hội Bình Dương, ông Mai Hữu Tín, được các báo trong nước dẫn lời nói chênh lệch con số thống kê xuất-nhập giữa Việt Nam và Trung Quốc rất cao và "cho thấy khuynh hướng ngày càng bất lợi cho phía Việt Nam". Ông Tín dẫn ví dụ nói trong năm 2014, Việt Nam ghi nhận số liệu nhập khẩu từ Trung Quốc thấp hơn 20 tỷ đôla so với số liệu từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ông cũng đặt nghi vấn về tình trạng xuất khẩu lậu từ Việt Nam sang Trung Quốc, bất chấp chính sách ưu đãi thuế.
Ông cho rằng đây có thể là các mặt hàng bị cấm xuất khẩu hoặc xuất khẩu phải chịu thuế, như tài nguyên khoáng sản của Việt Nam.
Thông tấn xã Việt Nam cùng ngày 8/6 dẫn lời Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói chênh lệch này là do "cách thống kê dữ liệu giữa các nước khác nhau" và do "ngành hải quan quản lý chưa tốt việc gian lận thương mại".
"Thế giới quy định xuất theo giá FOB (tức miễn trách nhiệm trên boong tàu), trong khi nhập thì theo giá CIF (bao gồm tiền hàng, bảo hiểm, vận chuyển đến cảng)", ông Vinh cho biết.
"Hàng Việt Nam đưa vào mỗi nước không tính giá trị xuất khẩu qua đường tiểu ngạch ... nhưng phía Trung Quốc lại không tính con số đó".
Bên cạnh đó, cách tính thuế khác nhau nên cách tính giá trị hải quan giữa các nước cũng khác nhau, ông Vinh nói thêm.
"Không nắm được thực trạng"
Trả lời BBC ngày 9/6, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế, cho rằng chênh lệch trong số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc cho thấy nhà chức trách "không nắm được đích xác thực trạng phát triển kinh tế của mình".
"Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận là có một lượng giao thương không được thống kê, như vậy không phải là Việt Nam hoàn toàn không biết", ông nói.
"Nhưng khi không thống kê được, tức là anh chỉ biết là nhiều hơn hay ít hơn thực tế, chứ không biết đích xác là bao nhiêu".
"Điều này dẫn tới sai sót trong đánh giá thực lực, không tốt cho hoạch định chính sách".
Ông Thiên cho rằng điều này là do hai nguyên nhân chính:
"Thứ nhất là thống kê của Việt Nam chưa được đầy đủ như của Trung Quốc, thứ hai là việc buôn lậu tiểu ngạch qua đường biên giới không được thống kê", ông nói.
"Thực ra thì giao thương qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc từ xưa nay vẫn có và người ta không đánh giá cao lắm, cho nên biết là vậy nhưng vẫn để trao đổi bình thường"
"Thế nhưng vì bỏ qua cái nhỏ dẫn đến sơ suất cái lớn, vì vậy tôi nghĩ nên có kiểm điểm lại".
"Việc kiểm soát biên giới Việt Nam cần phải phân cấp cho địa phương thì mới tốt hơn được, chứ hiện nay toàn những cửa khẩu quốc gia, kể cả những cửa khẩu tiểu ngạch, vì vậy quản lý không được linh hoạt và chặt chẽ."
"Tôi nghĩ đầu tiên là phải nhìn về phía Việt Nam, phải tăng cường quản lý giám sát. Chính vì mình sơ suất nên người ta lợi dụng."
"Đây là câu chuyện mang tính thị trường rất cao, không quản lý được thì họ sẽ lợi dụng, cơ chế quản lý của Việt Nam phải hiệu quả hơn."
"Tôi nghĩ là sắp tới sẽ có những chính sách khắc phục điều này."
'Biết nhưng không cứng rắn'
Trả lời BBC cũng trong ngày 9/6, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành đồng ý với ý kiến của đại biểu Mai Hữu Tín về việc chênh lệch trong thống kê xuất khẩu là do một số mặt hàng xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm cả tài nguyên khoáng sản của Việt Nam.
"Vấn đề xuất khẩu tài nguyên thì mọi người đều thấy, đều biết," ông nói.
"Quản lý nhà nước thế nào mà để hàng chục nghìn tấn than đá từ Việt Nam sang Trung Quốc trên tàu ngoài biển mà hải quân hay hải quan không thấy được."
"Các tài nguyên khác như khoáng sản đồng, sắt, cũng vậy, trong khi vận chuyển bằng những phương tiện rất lớn."
"Những chuyện đó hiển nhiên nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước biết, nhưng không có những động thái cứng rắn."
Ông Thành cho rằng sự thiếu sót trong thống kê và quản lý khiến nền kinh tế Việt Nam bị chi phối và gây bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước.
"Điều này tác động rất lớn trong giao thương Trung Quốc, không thấy được bộ mặt thật trong vấn đề giao thương giữa hai nước," ông nói.
"Việt Nam mua trang thiết bị của Trung Quốc rất nhiều và thường là những thiết bị mà các nhà máy của họ không còn dùng nữa, nhập những công nghệ phế thải khiến sản phẩm chất lượng không tốt, giá cao không cạnh tranh được với nước ngoài mà chỉ trong nước thôi."
"Việc mua bán khoáng sản và những hàng hóa khác với Trung Quốc qua đường lậu thì điều kiện giao thương không tối ưu, bị áp những điều kiện hoàn toàn bất lợi."
"Nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc thì giá rẻ, không qua hải quan, khi đưa ra thị trường tiêu dùng giá rất rẻ, mặt hàng trong nước không cạnh tranh nổi, nên một số mặt hàng bị Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường đến 100%."
"Những hàng hóa Trung Quốc xuất sang Việt Nam cũng rất độc hại như lương thực, đồ chơi trẻ em, không kiểm soát được vì không qua kênh chính thức."
"Thuốc lá bán trên chợ không qua các đường chính thức nhưng vẫn bán trước mặt các cơ quan quản lý nhà nước, hay như thuốc trừ sâu độc hại vẫn không có ai kiểm soát."
"Đây không phải là vấn đề kinh tế mà là vấn đề môi trường và sức khỏe của cả một dân tộc đối mặt với nguy hiểm."
(BBC)
http://www.bbc.com/vietnamese/business/2015/06/150609_vn_china_trade_deficit_calculations
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét