Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

2x2=4 và 2x2=5

2x2=4 và 2x2=5
Lai Tran Mai: Hình dưới đây minh họa đúng cách nghĩ và làm của mình. Lại nhớ khi làm cán sự toán ở cấp 3 và đại học, mình thường phải giúp đỡ một số bạn kém tóan. Giúp họ mới hiểu họ chẳng có kiến thức sơ đẳng, nói nôm na là mất gốc, khi đó có cố gắng giải thích, chứng minh thế nào họ cũng chẳng hiểu, ép lắm thì họ học thuộc để đối phó với thày giáo và... để đủ điểm lên lớp. Sau này ra trường, đi làm, tiếp xúc với các quan chức, cán bộ làm cùng lĩnh vực kinh tế, càng rõ mỗi người có một nền tảng kiến thức khác nhau nên thảo luận, thuyết phục nhau rất khó.

Đặc biệt, các quan chức, cán bộ thường không thích tranh luận khoa học, không thích đọc sách, nghiên cứu, suy nghĩ, chỉ nhăm nhăm chờ "ý kiến chỉ đạo" của cấp trên, coi thế là đúng, cứ thế mà chấp hành, không bàn cãi. Gặp những trường hợp như thế, mình nhất định không tranh luận mất thời gian, chỉ tóm tắt một câu: Tôi với anh tư duy khác nhau, người này quan niệm 2x2=4, người kia thì 2x2=5; do đó tốt nhất là dừng thảo luận kinh tế, chuyển sang đề tài khác như bàn chuyện ăn chơi nhảy múa cho vui.


Trong cuộc sống cũng vậy, đừng nên mất thời gian cãi lý với những người kém hiểu biết và thích lý sự cùn. Mất thời gian với họ là ngu, là cố chấp, chỉ mang lại mệt mỏi cho mình. Còn cái người ngu, bảo thủ, thích lý sự cùn đó, cứ để mặc họ với xã hội, xã hội sẽ dạy bảo họ, trừng phạt họ; nếu họ sáng mắt ra, biết sửa chữa, thay đổi cách sống thì cuộc đời họ sẽ thành công, sung sướng và hạnh phúc. Ngược lại thì cả đời họ sẽ bất hạnh.

Dạy dỗ con trẻ cũng nên vậy, người lớn chỉ nên khuyên bảo chúng. Nếu chúng tự cao tự đại, thích làm theo ý mình, bỏ ngòai tai lời khuyên của người lớn, những người đã có nhiều năm kinh nghiệm sống quý giá, thì cũng không cần nói thêm nhiều, không cần áp đặt chúng, mà chỉ nên bảo chúng nếu không biết nghe lời thì đời chúng sau này sẽ khổ, sẽ bị xã hội trừng phạt... và hỏi chúng có muốn bị như thế không...

Người giỏi là người làm một lần thành công ngay; người kém là người sau vài ba lần thất bại mới thành công. Thường người biết nghe lời người lớn, biết tiếp thu kinh nghiệm của người đi trước, lại thêm có học và đọc sách nhiều, thì dễ thành công hơn.

Lãnh đạo đất nước nếu do người dân bầu ra theo nguyên tắc dân chủ thì sẽ là những người giỏi, làm gì cũng thành công, sẽ đưa đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, người dân tự hào là người Việt mỗi khi gặp mặt các bạn bè ở năm châu bốn biển. Họ là những người có học, biết 2x2=4. Được làm việc, phục vụ những người lãnh đạo như thế sẽ rất vinh hạnh.

Ngược lại nếu lãnh đạo được cử để dân bầu theo nguyên tắc tập trung, có sự lãnh đạo, chỉ đạo của ai đó; kết quả bầu ra cũng phải được xem xét xem có phù hợp với ý người đó không... thì sẽ là đám lãnh đạo tồi. Với họ, 2x2=5. Cách tốt nhất là đừng tốn thời gian phục vụ họ; hãy dành thời gian lo cho doanh nghiệp, gia đình và làm vô số việc xã hội khác hữu ích hơn cho đất nước. Còn họ, rồi sẽ đến ngày họ bị người dân và lịch sử phán xét.

Nhân đây bàn chuyện vì sao phải học để tránh rơi vào trường hợp khăng khăng nhất định cho rằng 2x2=5. Mỗi người chỉ tiếp thu kinh nghiệm từ từng sự kiện trải qua trong cuộc sống; trong khi sách vở liệt kê ra vô số kinh nghiệm, đồng thời tổng kết, rút ra những bài học vô giá. Sách vở vì vậy rất quan trọng.

Trong giảng dạy, mình thường khuyên các bạn trẻ là mọi nghiên cứu kinh tế bao giờ cũng nên xuất phát từ các lý thuyết kinh tế. Các lý thuyết kinh tế được tổng quát hóa từ các hiện thực kinh tế nên khi dùng chúng soi vào một thực trạng kinh tế nào đó, sẽ làm nổi rõ một cách hệ thống mọi vấn đề liên quan, từ hiện tượng, các mối quan hệ bên trong, nguyên nhân... đến các chính sách, giải pháp để xử lý.

Vai trò của các lý thuyết kinh tế là cực kỳ quan trọng. Các chuyên gia kinh tế phải nắm vững các lý thuyết kinh tế, đối chiếu với thực trạng kinh tế để xem lý thuyết nào giải thích tốt nhất bản chất tiến trình phát triển của nền kinh tế hay hiện tượng kinh tế, rồi dùng chính lý thuyết đó để hình thành quan điểm lý luận để xây dựng các chính sách kinh tế.

Điều này giống như một bác sĩ (Chính phủ) chữa cho người bệnh (một nền kinh tế). Khi người bệnh ốm, đến khám, bác sĩ nhờ đã qua 5-10 năm học nghề, sẽ ngầm liệt kê trong đầu triệu chứng của tất cả các loại bệnh (các lý thuyết kinh tế) mà mình đã học trong khi nghe bệnh nhân trình bày tình hình sức khoẻ, bệnh tật (thực trạng kinh tế) để so sánh, sau đó rút ra kết luận bệnh nhân bị bệnh gì. Khi đã xác định được bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn một số loại thuốc trị (chính sách kinh tế) theo chỉ dẫn trong lý thuyết về bệnh đó (lý thuyết kinh tế) để chữa loại bệnh đó. 

Do vậy, phải nắm được các lý thuyết kinh tế, từ lý thuyết cổ điển, tân cổ điển, tân Keynes, hậu Keynes và các nhánh phát triển của chúng để vận dụng trong phân tích thực chất hoạt động của nền kinh tế nước ta, từ đó thiết kế được các mô hình phát triển và các chính sách tương ứng phù hợp (trong Blog này đã có loạt bài bằng tiếng pháp tóm tắt nội dung hơn 150 lý thuyết kinh tế).

Cảm ơn các bạn đã đọc bài này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét