Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Người Nepal tự vực dậy trong thảm họa

Không chờ cứu trợ, người Nepal tự vực dậy trong thảm họa
Trong lúc chính phủ Nepal chờ đợi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế thì người dân nước này cố gắng giữ vững hy vọng để đương đầu với khổ đau, đồng thời tự cứu lấy mình. "Tôi chắc mọi thứ sẽ tốt hơn trong những năm tới. Chúng tôi đang giải cứu lẫn nhau, quản lý lương thực của mình mà không cần tới chính phủ. Chúng tôi cùng nhau đoàn kết và sẽ xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn", Shashtra chia sẻ.
Rashmita Shashtra đi xem xét những ngôi nhà đổ nát sau 
động đất ở làng Swarathok. Ảnh: Jason Burke/Observer.
Ngày thứ ba sau động đất, người dân ở ngôi làng nhỏ Swarathok nằm trên quả đồi cách thành phố Kathmandu hơn 80 km về phía đông bắc tiếp tục chôn cất những người thiệt mạng. Những cơn dư chấn ít đi và cường độ cũng giảm. Sự hỗn loạn và nỗi sợ hãi ban đầu giờ nhường chỗ cho đau đớn và lo lắng. Đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở làng bọc thi thể của 7 người trong tấm vải liệm tạm rồi đưa họ qua những cánh đồng, khu rừng để tới con sông nước chảy xiết.

Tại đây, thi thể của bốn đứa trẻ và ba người lớn được hỏa táng theo nghi lễ Hindu truyền thống. Sau đó, 500 người làng đi bộ ngược sườn dốc để về nhà hoặc trở về những gì còn sót lại sau động đất. Hầu như toàn bộ 83 ngôi nhà trong làng đã bị phá hủy.

Hôm 2/5, một tuần sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ở Nepal, người làng Swarathok tập trung dưới bóng cây mít giữa làng. Cho đến giờ, họ vẫn chưa nhận được hỗ trợ và cũng chẳng có giới chức nào tới thăm nơi này. Rashmita Shashtra, sinh viên ngành y tế cộng đồng ở Swarathok, hôm 28/4 thất vọng chia sẻ với Observer rằng "chẳng có ai đến". Ba hôm sau, Rashmita cười chua chát: "Vẫn không có ai đến".

Những hình ảnh về Nepal trong thảm họa tuần trước phản ánh một quốc gia nghèo nàn và bị thảm họa chôn vùi. Truyền thông địa phương gọi thảm kịch làm rung chuyển nước này là "Great Quake" (động đất khổng lồ) khiến hơn 7.000 người thiệt mạng, 15.000 người khác bị thương và biến nửa triệu người dân nước này lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Ngoài ra, các bức ảnh cũng cho thấy một chính phủ không giúp được người dân của mình. Người làng Swarathok là một ví dụ. Sau những đám tang hôm 27/4, 83 hộ gia đình bắt đầu tổ chức lại cuộc sống. Shashtra đào lên một cuốn sổ ghi chép từ dưới đống gạch vữa và liệt kê danh sách những người còn sống.

Cô thuyết phục họ góp lương thực nhặt nhạnh được từ ngôi nhà đổ nát của mình rồi tính toán mỗi hộ có thể nhận được bao nhiêu đồ ăn một ngày và phân phát đồ dùng nhà bếp cần thiết còn sót lại.

"Tất nhiên, đó là trách nhiệm của chính phủ nhưng khi tôi tới gặp cảnh sát, họ nói 'ở yên đấy'. Chúng tôi không muốn chỉ chờ đợi và trông ngóng, vì thế chúng tôi tự thân vận động. Điều quan trọng nhất là đoàn kết", Shashtra nói.

Nhiều tổ chức phi chính phủ như Save the Children hồi tuần trước cố gắng phân phát hàng cứu hợ cho dân làng Gorkha đang sống vạ vật ngoài trời hoặc trong những chuồng gia súc.

Một vài sự hỗ trợ sớm nhất đến với các ngôi làng không phải từ tổ chức phi chính phủ quốc tế, chính phủ nước ngoài hay giới chức trong nước, mà là từ người dân Nepal bình thường. Tại một ngôi làng ở Nepal, chiếc xe tải của nhà hàng cách đó hơn 80 km chở tới đầy đồ cứu trợ. Ở một ngôi làng khác, người dân đang bốc dỡ nửa tấn gạo trên ôtô của một doanh nhân có người thân sống tại đây.

Nhiều ôtô riêng, thậm chí cả xe máy chở thực phẩm, chăn, quần áo và giường gấp cũng lên đường tới Chautara thuộc trung tâm quận Sindhupalchowk. Chủ cửa hàng bán tạp hóa ở các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của động đất cho biết họ chấp nhận bán hàng chịu, dù không chắc khách hàng là những người nông dân có thể trả nổi món nợ khi tài sản có giá trị của họ đã bị vùi lấp dưới đống đổ nát.

"Tất nhiên nhiều người không thể trả nổi. Tôi không thể từ chối họ, bởi họ là bạn bè và hàng xóm của tôi", Kilraz Giri, chủ cửa hàng tạp hóa ở làng Nowsari, nói.

Mỗi ngôi làng lại có cách đối phó khác nhau với thảm kịch. Ở một vài nơi, không có hành động nào được đưa ra ngoài sự yên lặng đáng kinh ngạc. Bọn trẻ ốm đau, bệnh tật còn người lớn thì uể oải, mệt mỏi. Ngược lại ở những nơi có sự lãnh đạo và tinh thần cộng đồng lên cao, người dân có lòng quyết tâm vượt qua khó khăn để tái thiết cuộc sống từ đống hoang tàn.

Tại làng Swarathok, hy vọng cuộc sống vẫn được thắp lên trong những mong ước tương lai của người dân. Sau khi chứng kiến lễ hỏa táng cho người em họ 2 tuổi, cô bé Jyothi Puri muốn sau này sẽ trở thành bác sĩ. Shashtra, hiện là người đứng đầu ngôi làng, mong một ngày nào đó sẽ trở lại với công việc học tập và được cấp chứng chỉ như một nhà tư vấn sức khỏe tâm thần.

"Tôi chắc mọi thứ sẽ tốt hơn trong những năm tới. Chúng tôi đang giải cứu lẫn nhau, quản lý lương thực của mình mà không cần tới chính phủ. Chúng tôi cùng nhau đoàn kết và sẽ xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn", Shashtra chia sẻ.

Bình Minh (Theo Guardian)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét