Đại hội nhà văn khu vực: Đại hội gạch tên nhau
Nhà thơ Ngô Minh - Vậy tại sao phải Đại hội đại biểu? Có lẽ lý do căn bản nhất là Đaị hội đại biểu ở các vùng để loại bớt những nhà văn cấp tiến, nói năng bàn luận “nửa địch nửa ta” lúc nào cũng có, trên diễn đàn Đại hội. Mấy năm nay tình hình văn học có nhiều chuyện mới như có tổ chức Văn Đoàn Độc Lập đang được vận động thành lập, nên phải Đại hội đại biểu để duy trì, để “xiết lại” sự lãnh đạo toàn diện đối với nhà văn chăng40 năm, từ năm 1975 đến nay, Hội Nhà văn Việt Nam đã qua 6 kỳ đại hội ( từ ĐH 3(1983) đến ĐH 8 (2010), thì có 3 kỳ đại hội toàn thể (4,5,8) và 3 kỳ đại hội đại biểu ( 3,6,7). Năm nay là đại hội lần thứ 9, sẽ tiến hành vào tháng 7-2015.Theo kế hoạch của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam thì Đại hội 9 sẽ tiến hành ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU. Nghĩa là trong số hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn thì chỉ chọn 500 người(50%).
Sáng hôm qua 04.5.2015, tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã khai mạc Đại hội Nhà văn Việt Nam khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đại hội Nhà văn Việt Nam tại TP.HCM cũng sẽ khai mạc vào 8h00 sáng ngày hôm nay, 05.5 tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM (81 Trần Quốc Thảo, Q.3. Ngày mai, 6-5-2015 sẽ diễn ra Đại hội nhà văn khu vực mền Trung-Tây Nguyên tại Đà Nẵng. Sau đó mới đến các Đại hội nhà văn Đồng bằng Sông Hồng, Hà Nội, Miền núi Phía Bắc, Quân đội, Công An, Các cơ quan Trung ương ở Hà Nội. Nghĩa là phải tiến hành 8 “đại hội con”, mới đi đến Đại hội đại biểu Nhà văn VN tại Hà Hội. Công phu thật, bày vẽ thật!
Đại hội nhà văn khu vực chủ yếu là để bầu 50% hội viên đi dự đại hội toàn thể. Đây không phải Đại hội để bầu đại diện, vì nhà văn thì không ai đại diện cho ai được. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Đình Thi thời làm Tổng thư ký Hội Nhà văn có lần tâm sự:” Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chỉ có 200 nước, còn tôi làm Tổng thư ký Hội nhà văn VN tức là Tổng thư ký của 500 nước. Một nhà văn là một nước. Không ai thay ai được”. Hay là chọn nhà văn tiêu biểu? Ai là tiêu biểu? Anh làm thơ, tôi viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết… mỗi thứ có cái hay riêng, mỗi người có một tầng lớp độc giả riêng, biết ai hơn ai mà bầu?. Vậy thì ai đi, ai ở nhà?.
BCH Hội NV giải thích là: “Sở dĩ phải tiến hành Đại hội đại biểu vì nhà văn đông quá (1000 nhà văn), không có chỗ mà ngồi, Bộ Tài chính không duyệt kinh phí,v.v… Thật thế ư? Hội nhà văn Việt Nam đến nay chỉ 1000 người. Nhiều đại hội khác như Đại hội thanh niên Việt Nam có hơn 800 thanh niên ưu tú tham gia, chưa kể hàng trăm đại biểu mời! Hội trường Ba Đình mới xây dựng có hơn 2000 chỗ ngồi kia mà! Cho nên chuyện không đủ chỗ họp chỉ là ngụy lý.
Về mặt kinh tế: Đại hội toàn thể là tiết kiệm nhất. Vì 1000 nhà văn đi họp một lần vài ngày “rẻ” hơn nhiều lần so với tổ chức 8 Đại hội. Tổ chức 8 Đại hội khu vực thì số kinh phí sẽ tăng lên ít nhất là gấp 3-5 lần. Vì có 1000 nhà văn đại hội một lần, tiền khách sạn, tiền ăn, tiền đi đường cũng chừng ấy. Thêm 500 nhà văn đi đại hội lần 2, lại tiền ăn ở, đi đường chừng ấy nữa. Đại hôi nhà văn Khu vực miền Trung-Tây Nguyên lần 6 họp ở Quy Nhơn, các nhà văn Thanh Hóa, Nghệ An phải đi về 2000 cây số.
Đại hội khu vực miền Trung lần 7 họp tại Nha Trang, đoàn nhà văn Thanh Hóa, Nghệ An phải đi về từ 2000 đến 2400 cây số, sau đó mới được đi 200 cây số ra Hà Nội họp Đại hội toàn thể. Thật vô lý! Quan điểm cho rằng không có kinh phí cho đại hội đại biểu nghe ra không có sức thuyết phục. Vì anh em Thanh Hóa đi 160 cây số ít chi phí hơn là đi 2000 cây số chứ! Nếu đại hội đại biểu thì phải tốn kém 2 lần ăn, 2 lần vé xe tàu, 2 lần phòng khách sạn. Kinh phí địa phương hay kinh phí Bộ Tài chính cấp đều là ngân sách nhà nước cả!
Trong lúc cả nước đang dốc sức xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm tranh tre nứa lá, mà tổ chức 8 cái Đại hội Nhà Văn khu vực, thì “xót tiền dân” quá! Chỉ tội nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn VN phải đi vào Nam ra Bắc dự 8 cái đại hội, đọc báo cáo 8 lần. Từ 4 tháng 5 đến 6 tháng 5/2015 mà phải “chạy xô” từ Đồng bằng Sông Cửu Long, lên TP HCM rồi ra Đà Nẵng thì cấp tập quá! Rồi lại thương các nhà văn phải ngồi nghe đọc báo cáo hai lần.
Vậy tại sao phải Đại hội đại biểu? Có lẽ lý do căn bản nhất là Đaị hội đại biểu ở các vùng để loại bớt những nhà văn cấp tiến, nói năng bàn luận “nửa địch nửa ta” lúc nào cũng có, trên diễn đàn Đại hội. Mấy năm nay tình hình văn học có nhiều chuyện mới như có tổ chức Văn Đoàn Độc Lập đang được vận động thành lập, nên phải Đại hội đại biểu để duy trì, để “xiết lại” sự lãnh đạo toàn diện đối với nhà văn chăng? Nhưng nhà văn là một thực thể độc lập, nghĩ gì viết gì không ai biết được, không ai chỉ huy được. Xem ra khó lắm thay!
Đại hội đại biểu là không phù hợp với giới nhà văn. Ngoài mục tiêu chính đại hội để bàn bạc phát triển chất lượng tác phẩm và đội ngũ nhà văn, bầu BCH, thì Đại hội toàn thể nhà văn là cơ hội để các nhà văn cả nước gặp gỡ nhau năm năm một lần. Các nhà văn “thất thập cổ lai hy” được gặp lại các đồng nghiệp, vì biết đâu đây là lần cuối! Còn anh em nhà văn trẻ mới được kết nạp vào Hội thì lần đầu được gặp mặt đông đảo các đồng nghiệp của mình để thêm phần hưng phấn trong sáng tạo. Chuyện tình cảm ấy không thể xem thường!
Tôi đã tham gia 5 đaị hội nhà văn, trong đó có 3 đại hội toàn thể là đại hội 4, đại hội 5, đại hội 8. Còn các đại hội 6, 7 là đại hội đại biểu. Cho nên, tôi nghiệm ra các nhà văn gọi đúng tên của đại hội Khu vực là ĐẠI HỘI GẠCH TÊN NHAU là đúng lắm! Buồn lắm.
Tôi nghĩ mục đích chính của Đại hội khu vực chỉ là bầu đại biểu đi dự Đại hội.. Chỉ 50% Hội viên được đi Đại hội đại biểu. Nên 10 người thì có 5 người bị gạch tên. Ai do đau ốm đột xuất, do bận công tác xa, không đến đại hội, coi như bị gạch tên trước hết. Nhà văn nữ Trần Thùy Mai ở Huế, một cây bút truyện ngắn xuất sắc thuộc loại “top ten” của Hội không được dự Đại hội VI vì ốm đau đột xuất, không đi họp đại hội khu vực, nên bị gạch tên! Các nhà văn cao tuổi bị gạch tên bởi “các ông ấy đi đại hội nhiều lần rồi”, các nhà văn trẻ bị gạch tên vì “chúng nó là em út, còn nhiều thời gian phía trước để dự đại hội!”, rồi nhà văn tỉnh này muốn tỉnh mình được nhiều người đi hơn nên phải bảo nhau gạch tên nhà văn tỉnh khác,v.v…
Có chuyện vui: Lần đi họp Hội nghị Nhà văn khu vực miền Trung (để Đại hội NVVN 7) tại Nha Trang, đến khi chia tay, nhà thơ Lê Khánh Mai, chủ tịch Hội VHNT Khánh Hòa, đến đoàn Quảng Bình xin mỗi người chép chùm thơ để in tạp chí Nha Trang số tới. Vì đột ngột nên không ai chép kịp thơ, chỉ có nhà thơ Lý Hoài Xuân mở sổ chép kịp bài « Một góc nhìn ».Một góc chứ không phải ba góc. Một bài chứ không phải ba bài. Nhà văn Hoàng Bình Trọng ứng khẩu đọc ngay tặng Lý Hoài Xuân câu đối thơ mượn ý thơ Hồ Xuân Hương trong bài thơ Cái quạt: ‘Chành ra ba góc XUÂN còn thiếu’. Mọi người vỗ tay tán thưởng: ’đối đi! đối đi!’. Chưa ai kịp nghĩ câu thứ hai, thì Hoàng Bình Trọng nhìn thấy nhà văn Van Lợi, liền đọc luôn: ‘Khép lại đôi bên LỢI vẫn thừa’.
Vì kỳ Đại Hội nhà văn khu vực này là ‘để gạch tên nhau’’. Cái nạn ‘gạch tên nhau’ ấy làm cho nhà thơ Văn Lợi thiếu mấy phiếu nên không đủ phiếu dự Đại hội 7. Thế mới có câu ‘vận Hồ Xuân Hương’nói trên. Bây giờ nhắc lại, nhà văn Hoàng Bình Trọng vẫn rất ân hận gãi đầu gãi tai về việc ứng khẩu nhanh nhảu lỡ lời ấy, vì nó làm cho nhà thơ Văn Lợi không được vui trong chuyến đi về ấy…
Chiều mai, ngày 6/5/2015, Đoàn nhà văn Việt Nam tại Huế thuê xe vào Đà Nẵng để dự ĐẠI HỘI GẠCH TÊN NHAU đây. Dù mới ốm dậy tôi vẫn cố đi. Đi để gặp anh em bạn bè văn chương nơi miền Trung khúc ruột…
https://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2015/05/05/dai-hoi-nha-van-khu-vuc-dai-hoi-gach-ten-nhau/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét