Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

TPP: Mỹ cần linh hoạt mở cửa thị trường với VN


TPP: Mỹ cần linh hoạt hơn trong đàm phán mở cửa thị trường với Việt Nam
Cánh cửa cơ hội cho việc kết thúc đàm phán, ký kết và phê chuẩn TPP đang dần khép lại bởi từ nửa cuối 2015, nước Mỹ sẽ bị cuốn vào cuộc đua bầu cử tổng thống và sẽ không có chỗ cho sự quan tâm đến TPP. 
TPP: Mỹ cần linh hoạt hơn trong đàm phán mở cửa thị trường với Việt Nam. Đây là ý kiến của nhiều DN trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hoa Kỳ về quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).


VTV Trong tuần này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban chỉ đạo liên ngành về Hội nhập kinh tế quốc tế, đã có chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ để trao đổi về quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư song phương.

Chuyến thăm này diễn ra sau khi các trưởng đoàn đàm phán TPP đã vừa hoàn tất 10 ngày đàm phán chuyên sâu đầu hồi tháng 9 tại Hà Nội, với việc đạt được những tiến bộ quan trọng về một loạt các vấn đề nhằm, hướng tới một Thỏa thuận tiêu chuẩn cao toàn diện. Việt Nam được coi là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Và Việt Nam hiện cũng giành được sự ủng hộ mạnh mẽ chưa từng có của các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy đàm phán TPP.

Hàng chục doanh nghiệp lớn của Mỹ cùng đại diện của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN và Phòng Thương mại Mỹ đã cùng có mặt trong buổi gặp với Trưởng ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Tại cuộc gặp, nhiều ý kiến từ giới doanh nghiệp cho rằng Mỹ cần linh hoạt hơn nữa trong đàm phán mở cửa thị trường trong TPP đối với hàng hoá của Việt Nam.

"Trong tiếng Anh chúng tôi có câu thành ngữ là “Bạn phải biết cho trước khi muốn nhận”. Khi tôi nói điều đó ở đây, tôi muốn nói rằng Hoa Kỳ cần phải tạo ra khả năng tiếp cận thị trường dệt may và giầy dép lớn hơn cho các quốc gia như Việt Nam hay Malaysia. Có như vậy thì chúng tôi mới có thể hy vọng các bạn cam kết thực hiện các tiêu chuẩn cao trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ như Hoa Kỳ mong muốn", Bà Tami Overby, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ phụ trách châu Á.

Tại các buổi làm việc với giới chức Hoa Kỳ trong tuần qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đề nghị phía Hoa Kỳ lưu ý tới việc cắt giảm thuế cho ngành dệt may và giày dép của Việt Nam, công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam sau khi kết thúc đàm phán, và có cách tiếp cận mềm dẻo hơn về vấn đề sở hữu trí tuệ.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn Đàm phán TPP Việt Nam cho biết: "Giới chức Hoa Kỳ cũng thừa nhận là có sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa Việt Nam và các nước đang tham gia đàm phán TPP nên họ cam kết sẽ xem xét một cách thuận lợi các yêu cầu của Việt Nam về giai đoạn chuyển đổi để mà có thể thực thi các tiêu chuẩn cao của TPP".

Theo ông Khánh, thời gian qua, quá trình đàm phán TPP giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được những bước tiến quan trọng và mặc dù còn nhiều sự khác biệt về quan điểm, hai bên vẫn có thể có cơ hội để kết thúc đàm phán kỹ thuật vào cuối năm nay.

Sau những “cuộc hẹn không thành” cuối những năm 2011, 2012, 2013, chính quyền Mỹ tiếp tục đặt mục tiêu thúc đàm phán TPP - hoặc ít nhất là kết thúc về cơ bản - vào tháng 11 năm nay, khi các nước TPP gặp mặt tại Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh.

Cánh cửa cơ hội cho việc kết thúc đàm phán, ký kết và phê chuẩn TPP đang dần khép lại bởi từ nửa cuối 2015, nước Mỹ sẽ bị cuốn vào cuộc đua bầu cử tổng thống và sẽ không có chỗ cho sự quan tâm đến TPP. Chính quyền Mỹ đang đặt nhiều kỳ vọng vào một viễn cảnh hoàn hảo, đó là, sau khi Quốc hội nhiệm kỳ mới của Mỹ nhóm họp sẽ trao quyền đàm phán nhanh TPA cho chính quyền vào đầu năm 2015. Đó sẽ là cơ sở quan trọng để các bên có thể dùng quyết tâm chính trị kết thúc các khác biệt còn lại trong đàm phán và tiến tới kịp thời ký kết TPP trong nửa đầu năm 2015.

Theo Việt Hùng - Trường Sơn- Tô Dũng
Nguồn: VTV

http://vtv.vn/trong-nuoc/tpp-my-can-linh-hoat-hon-trong-dam-phan-mo-cua-thi-truong-voi-viet-nam-20140920193827995.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét