Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Thủy điện Vân Nam - kẻ hủy diệt sông Mekong

Thủy điện Vân Nam - kẻ hủy diệt sông Mekong
Tôn Phi, Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
Điều đáng buồn là để trẻ con Vân Nam sung sướng, nhà nước Trung Hoa đã không ngó ngàng gì tới trẻ con đồng bằng Sông Cửu Long. Một lời trách móc nhẹ nhàng nhưng đủ làm cộng đồng trí thức Trung Quốc suy nghĩ.

Đập Manwan
Con sông Mekong dài 4800 km từ cao nguyên Tây Tạng đổ xuống biển Đông. Do những điều kiện địa lý, tự nhiên lẫn lịch sử, các quốc gia ven sông thi nhau khai thác con sông này, trong đó Trung Quốc lại lạm dụng con sông quá mức và gây ra những thảm kịch môi trường cho các quốc gia dưới nguồn. Một bức tranh kinh hoàng về những gì các con đập Vân Nam Trung Quốc tác động trên con sông thân yêu này đang hiện hữu trước mắt. Chính quyền Trung Quốc dùng sức mạnh tài chính để dập êm những tội lỗi mà thủy điện Vân Nam gây ra đối với thiên nhiên và cư dân dọc con sông lớn.

Nhiều nhà khoa học đã dấn thân cho 65 triệu dân sinh sống ở lưu vực sông Mekong. Việc khai thác dòng sông đã đưa tới một phản ứng dây chuyền như phá hủy hệ sinh thái, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, và gây ô nhiễm môi trường. Những hậu quả ấy đã diễn ra sớm và nhanh hơn cả sự kiện. Cộng đồng cư dân Đông Nam Á đã lên tiếng nhưng vì luật bảo vệ con sông này chưa có, và cũng không thể tin tưởng vào lương tâm của chính quyền Hoa Lục.

Không những vậy, nhà nước Trung Quốc còn cấm thực hiện các chuyến du khảo tới vùng núi rừng cấm xa xôi trên Vân Nam, Trung Quốc.Vì vậy, đa số nghiên cứu bắt đầu từ những con đập thủy điện ở Lào, tới các khu rừng Biển Hồ Cam Bốt và châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Từ đó, các nhà khoa học dùng phép suy luận ngược để tìm ra những việc làm của chính quyền Bắc Kinh.

Đập Mạnh Loan - nguyên nhân thảm họa

Đập Manwan ( tên Hán Việt là Mạnh Loan) là con đập thủy điện lớn đầu tiên của tỉnh Vân Nam với công suất 1500 Megawatt nằm ngay khúc giữa con sông Lan Thương. Cũng là con đập thủy điện lớn đầu tiên điều hành theo phương thức liên doanh (Joint Venture) giữa trung ương Hoa lục và chính quyền Vân Nam với số vốn đầu tư 3800 triệu nhân dân tệ, tức là hơn nửa tỉ USD.

Phải nói là con đập Mạn Loan đã đóng một vai trò quyết định trong kế hoạch điện khí hóa, kỹ nghệ hóa, đô thị hóa cả một vùng tây nam Trung Quốc từ kém phát triển đã mau chóng tiến kịp và sánh vai với các tỉnh trù phú miền đông và đông bắc. Con đập cao tới 99 mét chắn ngang khúc sông giữa hai ngọn núi với bức tường thành cao tới 35 tầng. Đơn vị phát điện đầu tiên bắt đầu sản xuất điện từ ngày 30 tháng 06 năm1993 và chỉ hai năm sau đó, ngày 28/06/1995, tất cả 5 đơn vị phát điện cùng hoạt động đúng theo như tiến trình giai đoạn 1 của dự án.

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây một sự kiện đáng ghi nhớ và gây nhiều tranh cãi là vào giữa năm 1993, xảy ra một hiện tượng được coi là bất thường: Mực nước sông Mekong phía hạ lưu đột ngột tụt xuống thấp mà không vào mùa khô, chỉ lúc đó người ta mới biết là Trung Quốc đã xây xong con đập Mạn Loan và đó là thời điểm bắt đầu lấy nước từ con sông Mekong vào hồ chứa và họ cũng chẳng thèm thông báo gì cho các quốc gia dưới nguồn. Chỉ riêng đập Mạn Loan đã giữ tới 20% nguồn nước trên dòng chính khúc sông Mekong chảy qua tỉnh Vân Nam Trung Quốc.

Sau biến cố đó phải nói là càng ngày càng có mối lo âu ảnh hưởng của chuỗi đập bậc thềm Vân Nam. Mối quan tâm đó ngày càng gia tăng do nguyên nhân thiếu hẳn nguồn thông tin cung cấp bởi Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc xưa nay vẫn duy trì nền ngoại giao lì lợm và vô trách nhiệm như thế, và thực tế cả thế giới đang lên án Bắc Kinh vì điều này.

Nhà nước Trung Hoa được lợi nhuận khổng lồ từ việc khai thác trắng con sông này, và họ tìm mọi cách ca tụng nó để che lấp những tác hại nhiều thế hệ với các nước láng giềng cùng chung sống với sông Mekong. Nhà máy thủy điện Mạn Loan vẫn được Đảng ủy và Chánh quyền Vân Nam chọn là đơn vị tiên tiến trong 5 năm liền. Tháng 4 năm 1998, Mạn Loan lại nhận danh hiệu từ Bộ Điện Lực Trung Quốc, là “Một trong 400 đơn vị tiên tiến toàn quốc trong nỗ lực trồng cây gây rừng”!! Tháng 3 năm 1999, Mạn Loan lại được Tổ hợp năng lượng nhà nước công nhận là “xí nghiệp sáng tạo hàng đầu / nhà máy thủy điện hàng đầu ”, là niềm tự hào của Trung Quốc khi là một công trình lớn hoạt động nhiều năm mà vẫn an toàn với những thiết bị chế tạo trong nước (Made in China).

Thảm họa với các quốc gia dưới nguồn


Một trong những nước nhận viện trợ nhiều nhất của Trung Quốc là Cam Bốt nay đã nhận thức đầy đủ và quay trở lại tố cáo việc chặn dòng làm thủy điện của Vân Nam. Thảm họa đối với người Cam Bốt là rõ ràng: Nếu Biển Hồ xuống thấp 1 mét thì hậu quả tức thời là sẽ mất đi 2000 km2 diện tích rừng lũ. Rừng lũ đóng vai trò sinh tử trong việc nuôi dưỡng và tái sinh các nguồn sinh vật, có tác dụng cộng sinh (symbiosis) hoox tương như chỗi thực phẩm khổng lồ. Số lượng cá trong biển Hồ (vốn chiếm tới 60% sản lượng cá nước ngọt của Cam Bốt) ngày một sút giảm, số cá lớn ngày một ít đi. Nhiều nơi trong Biển Hồ ngày xưa ngập nước giờ chỉ nhấp nhô những bụi cây thấp.

Bắc Kinh từ chối đối thoại!

Kể từ sau hội nghị về môi sinh và phát triển tại Rio De Janeiro năm 1992, Liên Hợp Quốc đã quyết định chọn ngày 22 tháng 03 hàng năm là Ngày nước Thế Giới ( World World Water Day). Chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất vẫn là là Nạn khan hiếm nước đang diễn ra trên toàn cầu với những đang cạn dòng, trong đó Lưu Vực Lớn sống MeKong, hay còn có tên gọi khác là Tiểu Vùng Mekong Mở Rộng (GMS/ Greater Mekong Subregion), không là một ngoại lệ.

Năm 2007 là đúng nửa thế kỷ (1957-2007) Liên Hợp Quốc thành lập Uỷ Ban Sông Mekong (Mekong River Commission) vẫn chỉ gồm 4 qu ốc gia vùng hạ lưu: Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam; trong khi Trung Quốc thì vẫn hoàn toàn đứng ngoài và tận dụng khai thác khúc thượng nguồn mà không kể gì tới hủy hoại môi sinh nơi các quốc gia ven sông.

Kinh nghiệm của người xưa về “thượng nguồn tích thủy hạ điền khan” tưởng như là hiển nhiên, nhưng vẫn cứ bị Bắc Kinh và cả một số ít người nhân danh khoa học phủ nhận. Nhưng rồi thời gian sẽ cho chúng ta “một bài học”, và sẽ là quá trễ nếu hệ sinh thái sống Mekong đã suy thoái đến mức không còn có thể đảo nghịch. Nói tới sông Mekong và Đồng bằng sông Cửu Long trước nguy cơ là còn thời gian phấn đấu để “giảm thiểu tổn thất”, nhưng đó là khoảng thời gian chúng ta phải chạy đua với vòng xoay của chiếc kim đồng hồ. Thời gian ấy chính là cơ hội, nhưng sẽ không kéo dài mãi mãi.

Tờ báo Nation Bangkok ngày 04-11-2007 có đăng một tin chấn động: Bộ Năng Lượng Hoàng Gia Thái Lan công bố kế hoạch xây một đập thủy điện khổng lồ 1800 MW (lớn hơn đập Mạn Loan Vân Nam 1500 MW) chắn ngang dòng chính sông Mekong phía đông bắc tỉnh Ubon Ratchathani, tiếp sau kế hoạch chuyển dòng lấy nước sông Mekong cũng của Thái Lan từ thập niên 1990. Nhưng không phải chỉ có một, mà còn có thêm 5 dự án thủy điện hạ lưu khác đang được phục hoạt, chắc chắn sẽ gặp sự chống đối của các nước lân bang. Trong đó, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì ở cuối nguồn. Nhưng sự thể sẽ ra sao khi không có một quốc gia nào có quyền phủ quyết. Rồi thì tiếng nói sau cùng để bảo vệ mạch sống Mekong phải là từ chính những cư dân ven sông.

Có một nhà báo Trung Quốc đã viết trên China Times rằng, ông suy nghĩ nhiều khi trẻ con Vân Nam ăn mặc lành lặn cắp sách tới trường đi học, trong khi đó trẻ con ở Đồng bằng sông Cửu Long phải đi chân đất tới trường. Điều đáng buồn là để trẻ con Vân Nam sung sướng, nhà nước Trung Hoa đã không ngó ngàng gì tới trẻ con đồng bằng Sông Cửu Long. Một lời trách móc nhẹ nhàng nhưng đủ làm cộng đồng trí thức Trung Quốc suy nghĩ.

http://www.ijavn.org/2014/09/thuy-ien-van-nam-ke-huy-diet-song-mekong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét