Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Những thời kỳ đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại

Những thời kỳ đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại
Khoảng 100 triệu người bỏ mạng vì xung đột giữa thổ dân và người châu Âu trên lục địa châu Mỹ, trong khi chừng 60 triệu người chết vì các cuộc xâm lược của quân Mông Cổ.
Nạn buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương bắt đầu từ thế kỷ 16, đạt đỉnh thế kỷ 17, rơi vào thoái trào và chấm dứt vào thế kỷ 19. Nó bùng phát do nhu cầu thiết lập và khẳng định sự hùng mạnh của các đế chế tại châu Âu trong thế giới mới. Những người châu Âu và châu Mỹ chủ yếu sử dụng các nô lệ Tây Phi để làm việc trong các đồn điền. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều giả thuyết về số nô lệ tử vong trong thời kỳ này. Tuy nhiên, con số 15 triệu người phần nào phản ánh mức độ khốc liệt của nạn buôn người. Theo thống kê của họ, 4/10 nô lệ phục vụ trên tàu thiệt mạng vì chủ nô ngược đãi.



Hơn 30 triệu người chết trong thời kỳ chuyển giao quyền lực cuối nhà Nguyên, đầu nhà Minh. Khả hãn Hốt Tất Liệt, cháu của Thành Cát Tư Hãn, là người lập ra triều đại nhà Nguyên năm 1260. Tuy nhiên, đây là một trong số những triều đại ngắn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Nó tồn tại gần một thế kỷ, từ năm 1271 tới 1368. Trong suốt thời kỳ ấy, dân chúng phải hứng chịu nhiều nỗi thống khổ. Họ phải sống trong loạn lạc, chiến tranh và nạn đói. Sau đó, nhà Minh đoạt quyền lực từ nhà Nguyên.



Hơn 36 triệu người chết trong cuộc binh biến An Lộc Sơn ở Trung Quốc. Khoảng 500 năm trước khi nhà Nguyên ra đời, nhà Đường thống trị Trung Quốc. An Lộc Sơn, một võ tướng thống lĩnh quân đội phía bắc, tạo phản và lập ra nhà An. Cuộc binh biến An Lộc Sơn kéo dài từ năm 755 tới năm 763. Cuối cùng nhà Đường cũng đánh bại nhà An, thống nhất giang sơn.


Trong lịch sử thế giới, Thành Cát Tư Hãn là một trong những người "nhuốm máu thiên hạ" nhiều nhất. Dưới sự lãnh đạo của ông, đế chế Mông Cổ đã phát triển lớn mạnh chưa từng thấy. Diện tích đất của đế chế Mông Cổ chiếm 16% diện tích bề mặt trái đất. Quân đội Mông Cổ tràn qua châu Á, cướp phá và giết người tàn bạo. Theo các nhà nghiên cứu, khoảng 60 triệu người đã bỏ mạng trong các cuộc xâm lược của quân Mông Cổ. Con số ấy có thể tăng cao hơn nếu đội quân của Thành Cát Tư Hãn hướng sang phía tây để xâm lược các nước châu Âu.


Đại chiến thế giới thứ nhất là sự kiện tiếp nối chuỗi những vụ việc đẫm máu nhất trong lịch sử thế giới. Trong cuộc chiến, khoảng 65 triệu người đã mất mạng. Vào năm 1914, thời điểm các đế chế tại châu Âu bắt đầu khẳng định tầm ảnh hưởng, họ chia thành hai phe và gây chiến để tranh giành sự thống trị. Cuộc chiến đã chia cắt châu Âu và kéo phần còn lại của thế giới vào vòng xoáy chiến tranh. Chiến thuật chiến tranh lỗi thời làm gia tăng số lượng binh lính tử trận.


Đại chiến thế giới thứ hai nổ ra vào năm 1939. Các thế lực chia thành hai phe, tự xưng là phe Đồng minh và phe Phát xít. Trong giai đoạn giữa Đại chiến thế giới thứ nhất và thứ hai, các nước đã chế tạo nhiều cỗ máy giết người trên không, dưới biển và phát triển các loại phương tiện chiến đấu hạng nặng hay vũ khí tự động. Một số quốc gia còn sản xuất các loại bom lớn để phục vụ cuộc chiến. Phe Đồng minh giành thắng lợi sau cùng. Tuy nhiên họ cũng phải trả một giá đắt. 85 % trong tổng số 72 triệu người thiệt mạng thuộc về phe Đồng minh. Liên Xô và Trung Quốc hứng chịu tổn thất nặng nề nhất.


Khi Christopher Columbus, John Cabot cùng các nhà thám hiểm khác phát hiện châu Mỹ ở thế kỷ 15, đó dường như là khởi đầu của một kỷ nguyên. Châu Mỹ trở thành thiên đường mà các nhà thám hiểm châu Âu gọi là ngôi nhà mới của họ. Tuy nhiên, vùng đất này không phải mảnh đất vô chủ bởi thổ dân bản địa đã sinh sống tại đây. Cuộc xung đột giữa "chủ mới" và "chủ cũ" đã khiến khoảng 100 triệu người thiệt mạng

Bên cạnh chiến tranh và các cuộc xâm chiếm, các căn bệnh lan từ châu Âu cũng cướp sinh mạng của vô số người dân bản địa. Theo ước tính của giới học giả, 80 % thổ dân châu Mỹ chết do tiếp xúc với người châu Âu nhiễm bệnh.

Nguyễn Thái
Ảnh: history.com
http://news.zing.vn/Nhung-thoi-ky-dam-mau-nhat-trong-lich-su-nhan-loai-post448388.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét