Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

"Lời" vào túi ông lớn, "lỗ" thủng túi ông nào?

"Lời" vào túi ông lớn, "lỗ" thủng túi ông nào?
LTS: Xung quanh chủ đề chống độc quyền, tạo môi trường phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các khu vực kinh tế trong nền kinh tế thị trường hiện nay, Tuần Việt Nam vừa nhận được bài viết của ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn về vấn đề mở cửa cho kinh tế tư nhân phát triển. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin trân trọng đăng tải bài viết dưới đây. Và hy vọng nhận được các ý kiến tham góp xung quanh chủ đề này của bạn đọc gần xa, nhất là của những doanh nghiệp tư nhân.
Ảnh minh họa: Dân trí
Cái cách chúng ta vận hành xã hội đã khiến tư duy đó trở nên khó thay đổi. Xem phần 1: Ông Lê Kiên Thành: Bao năm làm đủ cách 'che chở' DNNN
Trong thời kỳ đơn sơ, những người chủ tư bản bao giờ cũng sở hữu toàn bộ nhà máy của mình. Nhưng đến một lúc nào đó, khi quan hệ sản xuất phát triển, họ nhận ra rằng nếu cứ ôm khư khư quyền sở hữu độc nhất đó, thì xí nghiệp của họ sẽ mãi mãi không thể tăng năng suất, không thể lớn mạnh.
Đủ trả giá cho sự trì trệ
Họ hiểu rằng phải cổ phần hóa, phải bán cổ phiếu ra ngoài, phải tập trung vốn và năng lực của nhiều người. Sự tập trung đó sẽ giúp nhà máy của họ lớn gấp 10 lần. Nhà tư bản khi nhận ra điều đó đã sẵn sàng đối mặt với nguy cơ mất vai trò làm chủ.
Nói cách khác, họ sẵn sàng “treo cổ” mình, sẵn sàng làm chủ mình, vì họ nhìn thấy trước mặt là khoản lợi nhuận khổng lồ, là sự phát triển đáng để họ trả giá.
Còn ở nước ta thì sao? Chúng ta đã có đủ bài học và trả giá bởi sự trì trệ trong phát triển, một khi nền kinh tế hoạt động trong sự bất bình đẳng giữa các thành phần, các khu vực kinh tế.  Rõ ràng, hiện tượng độc quyền trong kinh tế là hiện tượng không lành mạnh, và không thể không thay đổi.
Có điều, kể cả khi Nhà nước muốn cổ phần hóa, thì không ít những người lãnh đạo các tập đoàn, DNNN lại không muốn làm việc đó và tìm mọi cách để quá trình đó chậm lại.  Nếu những người lãnh đạo tập đoàn lại bắt tay với những cấp cao hơn họ, thì hiệu ứng tất yếu sẽ xảy ra là quá trình cổ phần hóa sẽ chậm lại, kéo lùi sự tiến bộ của xã hội.
Cần đặt ra một câu hỏi: Tại sao các tập đoàn làm ăn thua lỗ mà những người quản lý các tập đoàn vẫn cố tình kéo chậm lại quá trình cổ phần hóa. Có lẽ ai cũng hiểu, chỉ họ cố tình không hiểu? Vì việc đó có liên quan gì đến sinh mệnh của họ đâu? Lời họ vẫn hưởng nhiều, lỗ họ vẫn hưởng nhiều. Phần lỗ thực sự là nhân dân chịu, đất nước chịu.
Vấn đề là, nếu nhà nước tiến hành cổ phần hóa, và có không ít tư nhân tham gia, trở thành những người đồng sở hữu của những doanh nghiệp đó, thì bức tranh vô lý đó sẽ… không còn. Sẽ không bao giờ có chuyện cả con tàu Vinakhủng bị đắm trước mặt xã hội với khối nợ 80.000 tỷ. Vì những quan chức quản lý tập đoàn sẽ không được phép ngồi yên cho đến lúc đó.
Những người chủ của tập đoàn, những người cùng góp vốn sẽ giám sát sự điều hành của các quản lý, lãnh đạo tập đoàn và buộc họ phải chịu trách nhiệm với sự thua lỗ đó. Họ sẽ không thể phá nát cả một tập đoàn kinh tế, đẩy gánh nợ lên vai những người dân rồi an lành về hưu, hay quá lắm là chịu vài năm tù, trong khi hậu quả họ gây ra là không thể đo đếm.
Nếu không làm được việc đó, thì có nghĩa là chúng ta đã thua kém những nhà tư bản mà Marx nói, những người đã dám “treo cổ” mình vì sự phát triển.
Cách vận hành xã hội khiến tư duy trở nên khó thay đổi?
Nhiều người cho rằng bộ phận kinh tế tư nhân của chúng ta hiện nay không đủ sức gánh vác nền kinh tế nếu như Nhà nước trao cho họ sứ mệnh trong việc xóa bỏ độc quyền. Nhưng có lẽ, trước hết là do tư duy ấu trĩ, xơ cứng, giáo điều và phi thực tiễn của chúng ta, đã dẫn đến cách đối xử với bộ phận này trong suốt một thời gian dài không đúng. Tư duy đó dẫn đến hiện tượng, có một giai đoạn rất dài xã hội đương nhiên phân biệt Nhà nước là chính thống, tư nhân là phụ và …bất hợp pháp. Tư duy đó đã ăn sâu. Hiện nay chúng ta đang có sự thay đổi, nhìn nhận lại cách tư duy đó, nhưng cũng vẫn còn nửa vời.
Ví như tại sao DNNN đi mua gạo để giữ giá cho người nông dân, thì được coi là hành động tốt, cứu giúp người nông dân lúc khó khăn. Còn DNTN cũng đi mua gạo tích trữ, thì bị gọi là… đầu cơ. Tại sao cùng một sự việc, DNNN được coi là người bảo vệ, là người hùng, còn DNTN lại bị nhìn với ánh mắt “xấu xa”?
Đến giờ, trong rất nhiều cuộc họp, không ít các vị lãnh đạo vẫn nói: Tại sao các anh cứ để mấy “thằng tư nhân” làm việc đó? Ngay cả trong ngôn từ đã thể hiện sự định kiến, thiếu tôn trọng. Thực chất “thằng tư nhân” là ai? Hay “thằng tư nhân” cũng chính là nhân dân, là bộ phận chủ yếu của xã hội?
Tư duy coi thường kinh tế tư nhân và những người làm kinh tế tư nhân còn ăn sâu vào cả đa số dân chúng. Là một người làm kinh tế tư nhân từ những ngày đầu như tôi, càng hiểu điều đó rõ hơn ai hết. Không đâu xa, khi ra ứng cử ĐBQH, tôi nhận ra,  luôn đặt một vấn đề “ông tư nhân” sẽ giúp người ta cái gì?  Chẳng gì cả.
Cách mà xã hội đang vận hành sẽ tạo ra cho người ta tư duy như thế. Đặt một ông tư nhân bên cạnh một ông giám đốc, một ông lãnh đạo sở nào đó, thì họ thấy rõ ràng những ông lãnh đạo… quan trọng hơn. Tôi không dùng điều đó để biện minh về việc mình không trúng cử, nhưng tôi cảm nhận được việc đó và tôi hiểu được lý do vì sao họ lại tư duy như thế.
Cái cách chúng ta vận hành xã hội đã khiến tư duy đó trở nên khó thay đổi.
Cái cách tư duy đó đã khiến kinh tế tư nhân lẽ ra phát triển tự nhiên, lành mạnh lại không thể thẳng đường mà bước, vì muốn bước sẽ phải chộp giật, cơ hội, luồn lách. Nó không tạo ra được gốc rễ về văn hóa cho sự phát triển, không tạo ra triết lý cho sự phát triển. Thế nên khu vực này trở nên yếu đuối vô cùng là bởi thế. Giờ đã nhìn thấy ở đâu đó sự khuyến khích dành cho bộ phận này. Nhưng chúng ta chắc sẽ phải mất thêm thời gian để chờ nó phát triển.
Tôi vẫn tin một khi được khuyến khích, một khi được trao cơ hội, những người trẻ của đất nước với trí tuệ của mình, sự nhiệt thành của mình, tầm nhìn rộng lớn của mình, sẽ nắm được cơ hội đó và thay đổi vận mệnh. Thế hệ tôi chẳng qua chỉ là những người mở đường và buộc phải mở đường. Chúng tôi đột phá, chúng tôi phải trả giá nhưng sự đột phát đó không lâu bền, nếu tư duy kinh tế không thực sự thay đổi. Mà những người như chúng tôi vẫn mong mỏi hơn bao giờ hết, rằng một ngày nào đó, cái mới sẽ được tự do thênh thang tiến bước!
(Còn nữa)
Tô Lan Hương ghi
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/196321/-loi--vao-tui-ong-lon---lo--thung-tui-ong-nao-.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét