Phố cổ bên Tây.
Nhiều lần đi trên những con phố ở châu Âu, nhìn những ngôi nhà bên ngoài nguyên vẹn kiến trúc cách đây hàng mấy trăm năm. Cứ băn khoăn nghĩ làm sao mà bọn này nó giữ được lại nhỉ.? Nếu mà giữ được thế này, thì bên trong người ở sẽ thế nào.?Vào hẳn bên trong mới biết, bên ngoài trông cổ thế thôi. Nhưng bên trong có thang máy, sưởi điện, nhà vệ sinh ... đều hiện đại. Vòng ra ngoài nhìn lại lần nữa, thậm chí sờ tay vào bức tường mặt tiền, lấy chìa khoá cạo thử xem. Đúng là đồ cũ.
Những ngôi nhà mặt tiền đẹp, không có rêu phong, trông lúc nào cũng như mới. Anh bạn bên Pháp giải thích là đến định kỳ, nhà nước cho người dựng giàn giáo kín mặt nhà để bảo trì. Ừ, bảo trì đã đành rồi, nhưng làm thế nào mà bên trong hiện đaị mới là chuyện tò mò.
Nhà mình ở khu phố cổ Hà Nội, ngày xưa có nhiều hoạ sĩ đến đầu phố nhà mình vẽ tranh. Năm 1982 cả nhà đang ăn cơm thì cái xe phun thuốc muỗi của phường đâm xuyên mặt tiền lọt vào giữa nhà. May lúc đó cả nhà ăn cơm bên trong nên chẳng ai bị sao. Nhưng gian ngoài sụp hẳn, mái ngói, tường thành một đống phủ kín cái xe.
Nhà nước chả đền đồng xu nào, nhưng nhà mình được phép xây dựng lại. Bố mình xây luôn thành nhà mái bằng hai tầng. Đang thời điểm có chiến dịch Z30 nhà nước đang đi tịch thu nhà mới xây. Người ta đến hỏi xi măng mua đâu, sắt thép mua đâu và tiền ở đâu ra xây... không trả lời được là mất nhà. Nhưng vì cái vụ đâm của xe phun thuốc muỗi, người ta miễn hỏi.
Thế là toi mái ngói thâm nâu, có rêu phong từng mảng và những cây dương xỉ, thài lài tím mọc trên mái.
Ở đầu phố bên kia là căn nhà gỗ, mái ngói. Diện tích tầm tổng 50 mét vuông, tầng gác trên khoảng 25 mét vuông. Cả già lẫn trẻ ở cả trên lẫn dưới khoảng 17 người. Hố xí hai ngăn đến tận thập kỷ 90, phụ nữ tắm giữa sân quây nilon che. Đến năm 2005 thì họ ký đồng ý bán nhà cho một chủ, mọi người đi tứ tán. Chủ mới để nhà không, mình mới mượn làm chỗ sản xuất biển quảng cáo. Năm sau chủ mới xây nhà, mở thành quán cà fee, rồi cho thuê hay sang tay bán nhà mình cũng không rõ. Nhưng giờ là quán cà fee mà anh em biểu tình như Bùi Hằng, Lân Thắng, Vô Va vẫn hay đến uống.
Cái góc phố có 4 ngôi nhà cũ, đi mất hai. Nhà góc đối diện nhà mình cũng đập hết đi xây lại thành 4 tầng. Chỉ còn nhà góc chếch bên kia là còn chút ở tầng hai. Tầng dưới cũng cửa vòm cuốn làm nội thất ô tô.
Chả ai vẽ vời gì chỗ đấy nữa, đôi khi vẫn nhớ người hoạ sĩ già hay trung niên đi xe đạp, dựng giá vẽ bằng bút chì hay mầu nước. Mình quần đùi, chân đất, cởi trần lân la hỏi vẽ thế này có bền không.? Ông hoạ sĩ già trả lời, ông về vẽ lại bằng sơn dầu cháu ạ, đây ông vẽ nháp. Mình cũng chạy về lấy giấy, bút chì ra vẽ hùa theo. Ông già nhìn khen, cháu có năng khiếu lắm. Lúc ấy còn chưa đến 10 tuổi, được khen thích vẽ lắm. Nhưng nhìn các ông hoạ sĩ ai cũng nghèo, nên mình ước mơ sau này làm con buôn hơn. Vì mấy nhà buôn bán sáng con cái họ đều được ăn phở hoặc bún xáo măng.
Hà Nội năm đầu thập kỷ 80 thực sự là những mái ngói thâm nâu, lô xô từng lớp như sóng sông Hồng. Hoặc những biệt thự Pháp uy nghiêm , trầm mặc đầy huyền bí. Năm ngoái đi dạo cùng nhà văn Vũ Thư Hiên ở Paris, ông nói.
- Này nhé ! Anh thấy Paris nhiều nét giống Hà Nội lắm, em nhìn xem. Ngay cả những cái nắp cống sắt tròn này này, cũng y như Hà Nội. Cả một số phố nữa. Vì người Pháp xây dựng một số nơi Hà Nội mang kiến trúc Pháp, thậm chí là có những cái hoa ở hàng rào sắt hay cổng sắt người ta cũng mang từ Pháp sang, cái nắp cống cũng thế.
Ông bất chợt ngừng lại, quay sang hỏi.
- Thế Hà Nội mình còn nhiều phố như cũ không.?
Mình nghĩ một lát rồi lắc đầu. Nhà văn già tóc bạc trắng đang sống kiếp lưu vong, thở dài buồn bã. Mình an ủi:
- Nhưng phố nhà anh , cái đoạn nhà anh đó, còn nhiều nhà nguyên vẹn lắm.
Nhiều năm trước có lần phường họp về đời sống khu phố, anh cán bộ phường mồm leo lẻo than thở đời sống bà con chen chúc trong phố cổ chật quá, chính quyền đang dự định giãn dân phố cổ đi. Ưu tiên cho mua nhà giá rẻ trả góp. Ai cũng mừng, nhiều nhà con cái trưởng thành lấy vợ. Bốn góc nhà là bốn cái giường, che tấm ri đô ngăn. Thằng bạn cạnh nhà mình sinh năm 70 mãi không lấy vợ vì thế. Đến năm ngoái thì phải, khi hai anh nó có nhà khác, nó mới cưới vợ ở tuổi 43.
Mười năm kể từ khi anh cán bộ phường nói chuyện giãn dân, đến khi nó lấy vợ vẫn chưa có gì tiến triển. Người dân phố cổ cũng chả còn nhớ đến buổi họp đem lại sự vui mừng quá đỗi cho họ năm nào. Lúc ấy người ta râm ran lắm, họ bàn chuyện khu mới ở đâu, xa gần tiện lơi thế nào. Nghe phong phanh là bên Gia Lâm cái khu đất đang giải toả gần cầu Đuống. Có người chạy sang xem để ngắm nghía xem đường sá thế nào, về háo hức nói tiện lắm, chỉ qua cầu Chương Dương chạy thẳng một lèo đường to là đến. Đi xe máy chỉ mất 20 phút là nhiều. Bà con phấn chấn tính tiền dành dụm nhiều ít đến đâu còn vay mượn. Nhiều chàng trai tuổi sắp trung niên mơ chuyện bỗng bỏ vẻ chán chường, bê tha mỗi khi đi làm về. Chú ý vào trang phục, tối dắt xe đi đâu đó trong bộ quần áo nghiêm chỉnh. Không là cà quán nước, rượu đầu đường nữa.
Cái khu đất ấy giải toả xong, người ta xây toàn biệt thự khủng. Bọn Vincom làm cả một khu biệt thự tầm quốc tế, rất sang trọng. Năm ngoái sang đó thấy vô số biệt thự cỏ mọc đầy , không có người ở.
Chả có giãn dân nào hết cả, người phố cổ đành cơi nới, xoay sở xây dựng. Phố cổ thành một món hổ lốn. Bọn Tây Balo đi cứ ngáo ngơ nhìn hai bên đường mà chả hiểu kiến trúc Việt Nam thuộc loại gì.
Hôm mới đây đi Hamburg, đang dạo trên đường phố ngắm, bỗng nhìn thấy cả một khối những thanh sắt giằng vào nhau thành một khối đồ sộ còn hơn cả trụ cầu Long Biên. Tưởng nhà bị đổ lên bọn chúng gia cố để dựng lại. Tò mò chụp tấm hình.
Lúc vòng ra dãy đằng sau, nhìn sang mới biết hoá ra bọn Tây nó xây mới hoàn hoàn. Nhưng bề mặt bên ngoài chúng vẫn giữ nguyên trạng. Bảo làm sao bấy lâu thắc mắc vì sao bên ngoài trông cổ kính như mấy trăm năm,mà bên trong hiện đại vậy.
Khi quay lại mặt tiền, nhìn những thứ chúng gia cố. Mới thấy thật kỳ công và cẩn thận. Nếu thế này thì chả biết giá thành để giữ cái mặt tiền là bao nhiêu, nhưng chắc chắn gấp đến chục lần xây mới. Cẩn thận đến nỗi họ còn chêm gỗ vào những nơi chống để khỏi hỏng tường.
Nhìn chân giá thép đỡ, là cả một cục be tong không khác gì móng cầu. Hình dung bọn nó dựng lên cái khung này rồi khi xong phá đi mà nản luôn.
Phải như thế này nên các khu phố cổ của bọn Tây mới còn nguyên vẹn thế. Nhưng mà nó có tiền, nên nó làm thế được phải không bà con. Ta nghèo chưa có kinh phí, đời sống bà con bí bách thì thôi cứ tự lo. Chỉ cần biết bôi trơn giấy phép là việc xây dựng trót lọt. Di sản hay văn hoá để sau, mỗi nơi một khác. Dân ta nghèo tự do dân chủ , văn hoá là miếng ăn no, cái áo ấm. Tiêu chí khác bọn nước ngoài, không so sánh được.
Hôm nay nghe tin hàng cây xanh trăm tuổi ở Sài Gòn bị đốn để làm tàu điện ngầm thì phải. Không muốn so sánh những cứ phải so sánh. Ở Pháp, Đức tàu điện ngầm chằng chịt, nhưng trên mặt đường mà có tàu ngầm chạy dưới vẫn nguyên vẹn hai hàng cây xanh.
Ở bên Pudapets họ cũng đang làm tàu điện ngầm, làm đã xong. Trên mặt đất chả cái cây xanh nào bị đốn. Tài thật, bọn nó làm kiểu gì mà tài thế. Chắc tại chúng có tiền cả mà thôi. Không ngại tốn kém, chúng chỉ đào ở một đầu đường xuống, rồi cứ thế đào ngầm xiên ngang, đào đến đâu chống đến đó, xây luôn. Nên phía trên chả ảnh hưởng gì. Chứ làm được tuyến tàu điện ngầm đi đến đâu chặt cây đến đây thì dân chúng biểu tình loạn lên ngay, mất chức bét cũng từ thị trưởng trở nên.
Xem vài hình ảnh phố Paris ở đây.
https://www.facebook.com/nguoibuon.gio.9/media_set?set=a.549314231793541.1073741852.100001449065165&type=3
Người Buôn Gió
http://nguoibuongio1972.blogspot.com/2014/07/pho-co-ben-tay_24.html
Khi quay lại mặt tiền, nhìn những thứ chúng gia cố. Mới thấy thật kỳ công và cẩn thận. Nếu thế này thì chả biết giá thành để giữ cái mặt tiền là bao nhiêu, nhưng chắc chắn gấp đến chục lần xây mới. Cẩn thận đến nỗi họ còn chêm gỗ vào những nơi chống để khỏi hỏng tường.
Nhìn chân giá thép đỡ, là cả một cục be tong không khác gì móng cầu. Hình dung bọn nó dựng lên cái khung này rồi khi xong phá đi mà nản luôn.
Phải như thế này nên các khu phố cổ của bọn Tây mới còn nguyên vẹn thế. Nhưng mà nó có tiền, nên nó làm thế được phải không bà con. Ta nghèo chưa có kinh phí, đời sống bà con bí bách thì thôi cứ tự lo. Chỉ cần biết bôi trơn giấy phép là việc xây dựng trót lọt. Di sản hay văn hoá để sau, mỗi nơi một khác. Dân ta nghèo tự do dân chủ , văn hoá là miếng ăn no, cái áo ấm. Tiêu chí khác bọn nước ngoài, không so sánh được.
Hôm nay nghe tin hàng cây xanh trăm tuổi ở Sài Gòn bị đốn để làm tàu điện ngầm thì phải. Không muốn so sánh những cứ phải so sánh. Ở Pháp, Đức tàu điện ngầm chằng chịt, nhưng trên mặt đường mà có tàu ngầm chạy dưới vẫn nguyên vẹn hai hàng cây xanh.
Ở bên Pudapets họ cũng đang làm tàu điện ngầm, làm đã xong. Trên mặt đất chả cái cây xanh nào bị đốn. Tài thật, bọn nó làm kiểu gì mà tài thế. Chắc tại chúng có tiền cả mà thôi. Không ngại tốn kém, chúng chỉ đào ở một đầu đường xuống, rồi cứ thế đào ngầm xiên ngang, đào đến đâu chống đến đó, xây luôn. Nên phía trên chả ảnh hưởng gì. Chứ làm được tuyến tàu điện ngầm đi đến đâu chặt cây đến đây thì dân chúng biểu tình loạn lên ngay, mất chức bét cũng từ thị trưởng trở nên.
Xem vài hình ảnh phố Paris ở đây.
https://www.facebook.com/nguoibuon.gio.9/media_set?set=a.549314231793541.1073741852.100001449065165&type=3
Người Buôn Gió
http://nguoibuongio1972.blogspot.com/2014/07/pho-co-ben-tay_24.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét