Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Những câu chuyện tình không biên giới

Những câu chuyện tình không biên giới
Câu chuyện tình của những người đàn ông ngoại quốc yêu người phụ nữ Việt Nam thật sự khiến nhiều người xúc động.
Hình ảnh ông Kurt Leander Jensen Lendar và 
vợ đi xây cầu cho người nghèo ở Lâm Đồng
Là những người ở cách nhau nửa vòng thế giới, khác biệt về màu da, tôn giáo, dân tộc, tiếng nói, trình độ, tuổi tác… nhưng họ vẫn tạo nên một câu chuyện tình đẹp như trong cổ tích. Người đàn ông ngoại quốc giàu có, sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để bên người vợ Việt, sớm sớm, chiều chiều, vợ chồng vui với việc bán hàng phở, chăm mấy con gà… Những câu chuyện tình không tưởng đó lại hoàn toàn có thật trong cuộc đời. Tình yêu, tình chồng vợ của họ khiến bao người ngưỡng mộ và tin rằng, tình yêu không có giới hạn.

Người đàn ông ngoại quốc yêu “cô bán chôm chôm”

Có lẽ bất kì ai khi được nghe tâm sự của đôi vợ chồng già có cái Tâm thánh thiện và một tình yêu vô bờ bến dành cho nhau này cũng sẽ đều rơm rớm xúc động. Hẳn là tình yêu làm cho người ta sống tốt hơn, cao cả hơn. Câu chuyện được chia sẻ trên facebook của một người và nó nhanh chóng được lan truyền bởi một tình yêu đáng ngưỡng mộ được nhắc đến.

Câu chuyện kể về tình yêu kì lạ của người đàn ông đến từ Đan Mạch Kurt Leander Jensen Lendar và người phụ nữ bán chôm chôm Tiêu Thị Ngọc Sang.

Năm 54 tuổi, vì muốn đi vòng quanh thế giới, ông Kurt đã quyết định bán chiếc tàu cá của mình, mua vé du lịch cùng 2 người bạn đến Việt Nam. Ông ở Thành phố Hồ Chí Minh và tình cờ gặp bà Sang tại đó. Khi ấy, bà Sang 45 tuổi, sống với mẹ già và cô con gái nhỏ. Bà từ Đồng Nai về Sài Gòn bán chôm chôm. Ông Kurt chia sẻ: “Tôi nhìn thấy bà ấy bán chôm chôm, và không hiểu sao tôi cứ muốn quay lại mua chôm chôm hoài”. Tình cảm được nảy sinh trong ông Kurt khi bà Sang trả cho ông chiếc ví có cả xấp tiền đô trong đó. Có lẽ ấn tượng ấy khiến ông thêm yêu người phụ nữ hồn hậu này.

Ông trở về Đan Mạch, ông viết thư cho bà và hẹn 1 năm sau sẽ quay lại gặp bà. Những lá thư ông gửi về, bà đều phải nhờ người dịch giúp. Và rồi, chỉ nửa năm sau ông đã quay trở lại Việt Nam để tìm gặp bà vì quá nhớ nhung. Ông tìm cách lấy lòng mẹ bà Sang. Cuối cùng, năm 1992, ông bà thành hôn. Ông đưa bà sang Đan Mạch sống.
Ông Kurt Leander Jensen Lendar mong muốn phủ kín cây xanh lên vùng đất trống và xây dựng khu nghỉ dưỡng cho người già

Một thời gian sau khi cưới, ông quyết định trở về Việt Nam. Ông ấp ủ dự định xây cầu cho những trẻ em nghèo tới trường. Có lẽ đây cũng chính là điều khiến nhiều người xúc động và yêu mến mối tình già này. Họ không đơn thuần chỉ có tình yêu dành cho nhau mà còn có một trái tim quá ấm áp dành cho những thân phận nghèo khổ quanh mình. Ông tìm mọi cách để vận động, quyên góp và đã xây dựng được 24 cây cầu, 6 trường học cho trẻ em nghèo. Ngoài ra, ông còn cùng vợ tự tay trông hơn 600 cây non để phủ xanh đồi trọc. Hình ảnh của những em nhỏ nở nụ cười trên môi khiến ông bà cảm thấy hạnh phúc và có động lực làm những việc có ý nghĩa cho cuộc đời.

Vợ chồng ông Kurt cùng nhau chăm sóc cây xanh

Tuy nhiên, cuộc sống của đôi vợ chồng già cũng gặp muôn vàn khó khăn. Số tiền dành dụm được ít ỏi ông bà định mua đất xây nhà thì toàn gặp lừa đảo mất trắng. Còn một chút tiền dành dụm được, ông mua miếng đất nhỏ ở Bình Thuận. Trong nhiều năm, ông tự mình xây dựng căn nhà nhỏ bé thành một tổ ấm. Căn nhà của ông nằm cạnh bãi tha ma, bên cạnh những ngôi mộ, cạnh chỗ mà hàng đêm những chuyến xe đường dài đỗ lại cho hành khách đi “giải quyết nỗi buồn”.


Ngôi nhà nhỏ nhắn, xinh xắn do chính tay ông Kurt xây dựng. 
Đây cũng là tổ ấm thân yêu của hai vợ chồng ông Kurt

Để khắc phục điều đó, ông bà đã bỏ tiền túi, tự tay xây dựng 4 nhà vệ sinh công cộng để tránh cho mọi người không “bậy bạ lung tung”. Cuộc sống hàng ngày của ông bà diễn ra đều đặn, cùng nhau chăm sóc những đồi cây, chăm 40 con gà. Ông Kurt ấp ủ dự định xây dựng căn nhà nhỏ của mình thành một khu nghỉ dưỡng cho những người già. Nếu ai muốn, có thể đến. Mọi thứ dù đơn sơ nhưng đủ cho nhu cầu của người già và tất nhiên, hoàn toàn miễn phí.

Tình yêu của họ vẫn ấm áp như lời ông Kurt chia sẻ:
“Tôi muốn ở Việt Nam, tôi yêu bà ấy và yêu nơi này”.

Cuộc sống cơ cực là vậy nhưng tình cảm ông bà dành cho nhau vẫn rất nồng ấm. Giờ đây, ở cái tuổi xưa nay hiếm (bà 67 tuổi, còn ông 80 tuổi), ông bà vẫn đều đặn chăm nhau. Với ông bà, khoảnh khắc hạnh phúc nhất là mỗi sớm mai thức giấc, bà nướng cho ông chiếc bánh mì, pha cho ông ly cà phê và hai vợ chồng nhâm nhi đón bình minh lên. Cuộc sống giữa miền đất đầy nắng, gió này bỗng trở vẫn mát lành vô cùng với đôi vợ chồng già. Tình yêu của họ vẫn ấm áp như lời ông Kurt chia sẻ: “Tôi muốn ở Việt Nam, tôi yêu bà ấy và yêu nơi này”.

Chuyện tình ông Tây và cô hàng Phở

Vốn không phải là một người thích ăn phở, vậy mà chẳng hiểu sao Michael W.Crisham (tên thường gọi Mike) - giáo viên tiếng Anh tình nguyện của Ban Quản lý vịnh Hạ Long lại thường xuyên ghé vào quán phổ của chị Nguyễn Thị Bình (bên bờ Vịnh Hạ Long). Và rồi, cuộc đời đưa đẩy, 1 đêm đầu năm 2003, ông Mike đã đưa cho chị Bình tờ giấy với dòng chữ Tiếng Việt: “Tôi muốn làm chồng em, em có đồng ý không?”

Chuyện tình cảm động của ông Tây yêu cô hàng phở

Khi ấy, Mike lúc ấy 52 tuổi, độc thân, người Anh gốc Ireland, làm tình nguyện viên cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long từ năm 2002, lưu trú tại một khách sạn trên phố Bến Đoan bên bờ vịnh Hạ Long. Còn chị Bình là một phụ nữ ở tuổi 44, có một cuộc hôn nhân tan vỡ, mở quán phở nho nhỏ để lấy tiền nuôi con ăn học.

Thường xuyên ghé quán phở của chị Bình, ông Mike trở thành một người thân quen. Dần dần, ông xin phép được ăn chung bữa tối với gia đình chị. Mỗi tháng ông đóng góp 500.000 đồng. Bữa cơm đạm bạc, ấm áp làm ông có cảm giác như một gia đình. Và rồi cuối cùng, ông quyết định cầu hôn với chị Bình bằng một câu tiếng Việt thật tình cảm. Nhưng thời điểm đó, chị Bình còn đắn đo rất nhiều. Chị mặc cảm mình là người phụ nữ nghèo, đã từng đổ vỡ trong hôn nhân, lại có tới 3 con nhỏ, chị sợ lấy nhau, khác biệt về ngôn ngữ, dân tộc và hoàn cảnh sẽ khó lòng mà hạnh phúc. Nhưng rồi chính tình cảm chân thành của ông Mike đã khiến chị gật đầu đồng ý.

Lấy nhau rồi, ông Mike mua nhà để cả gia đình sống chung. Tiền ăn học, sinh hoạt của các con ông cũng là người lo chính. Sau này, khi các con của chị Bình khôn lớn, dựng vợ, gả chồng cũng một tay ông lo liệu. Tới giờ chị Bình vẫn nói, các con chị khôn lớn, trưởng thành như ngày hôm nay có công rất lớn của chồng.

Gần 10 năm chung sống, tới giờ chị Bình vẫn nghĩ cuộc hôn nhân của mình như một giấc mơ khi chị được hạnh phúc viên mãn bên chồng, bên con.

Chuyện tình của lão nông tóc vàng

Từng là một triệu phú người Mỹ, sang Việt Nam, ông Robert Podunavac yêu và kết hôn với một người phụ nữ Việt và gắn bó cả cuộc đời mình với vùng đất Tam Lãnh, Quảng Nam. Ông cảm thấy cuộc sống đầy niềm vui và hạnh phúc khi được làm một người nông dân, gắn bó với ruộng vườn, với con gà, con vịt… Chẳng ai hiểu, cũng không ai có thể lí giải được vì sao một người khác tiếng nói, màu da, lại có thể từ bỏ tất cả để đến bên người phụ nữ đã từng có một đời chồng, 3 đứa con nhỏ dại và nghèo đói.

Ông Robert Podunavac và người phụ nữ mà ông yêu hết mình chị Thy Nhơn

Người phụ nữ mà ông Robert Podunavac yêu hết mình chính là chị Thy Nhơn, một người nông dân chân chất. Chị không gặp may mắn trong cuộc sống hôn nhân, đời đời lận đận. Và rồi số phận run rủi cho hai người gặp nhau, nảy sinh tình cảm và kết hôn.

Cuộc hôn nhân của hai người cũng vô cùng gian truân. Gia đình chị Thuy Nhơn ban đầu không chấp nhận vì sợ rằng sự khác biệt quá lớn về tuổi tác, văn hóa sẽ khiến chị Thy Nhơn thêm khổ. Nhưng rồi, giữa buổi cả nhà tụ họp đông đủ Robert Podunavac đã dũng cảm đứng lên, nói bằng thứ tiếng Việt ít ỏi mà ông học được trong vài tháng để thuyết phục gia đình chị Thy Nhơn đầu ý. Câu chuyện về cuộc đời gian truân của ông khiến anh cũng rưng rưng nhưng việc chấp nhận cho kết hôn lại là chuyện khác. Ông đã phải nói tới cả tiếng đồng hồ, cuối cùng mới nhận được cái gật đầu từ mẹ chị Thy Nhơn.

Khi làm chồng, ông Robert Podunavac chăm lo cho con của vợ như con mình, sắm sửa từ manh quần, tấm áo, chu toàn cho các cháu chuyện học hành. Ông Robert Podunavac chia sẻ rằng cuộc đời ông cũng gian truân, chìm nổi như chị Thy Nhơn, có lẽ vì thế mà tìm thấy sự đồng cảm. Giờ đây mong ước của ông là được cùng vợ xây dựng một cơ ngơi đàng hoàng, lo toan cho con cháu đâu vào đấy và có một chút ít làm từ thiện. Ông muốn gắn bó và chết trên mảnh đất Việt nam yêu thương này.

Ông Robert Podunavac xúc động đến bật khóc là khi 
được vợ tặng cho ngôi mộ để dành sau này khi mất đi.

Câu chuyện tình của họ cũng thật đặc biệt khi món quà khiến ông Robert Podunavac xúc động đến bật khóc là khi được vợ tặng cho ngôi mộ để dành sau này khi mất. Tất cả bắt nguồn từ ước muốn này của ông Robert Podunavac. Ông thấy người Việt Nam sống tình cảm, khi chết được chôn trong một ngôi mộ và con cháu thờ cùng nhiều đời. Do đó ông ao ước khi mình mất đi cũng có được niềm vinh dự đó. Hiểu tâm nguyện này của chồng, chị Thy Nhơn đã bí mật xây một ngôi mộ dành tặng cho chồng. Khi được vợ dẫn đến nơi có món quà cho mình Robert Podunavac đã bật khóc và nói: “Em đã làm toại nguyện một mong muốn lớn nhất của đời tôi. Cả đời này, tôi mang ơn em!”

Niềm vui tuổi già của Robert là chăn nuôi gà vịt và trồng rừng 

Giờ đây, hàng ngày mọi người nhìn thấy sự hạnh phúc của đôi vợ chồng chăn gà, chăn vịt. Người ta thấy thích thú với hình ảnh một “lão nông tóc vàng” và cũng cảm phục một tình yêu đẹp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét