Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Bột ninh nhừ xương 10 phút và nghi vấn rợn người vụ Cát Tường

Bột ninh nhừ xương 10 phút và nghi vấn rợn người vụ Cát Tường
(ĐSPL)- Để ninh nhừ một nồi xương theo cách thông thường thì phải mất 6 - 7 tiếng, nhưng chỉ cần cho một thìa "gia vị Tàu" hay còn gọi là bột nhừ vào đun khoảng 10 phút đã khiến cho xương mềm nhũn. Người ăn phải chất này có thể gây ung thư bởi những chất hóa học độc hại ở bột nhừ. Hoá chất này có thể khiến cho xác chết phân hủy trong thời gian ngắn.
Ảnh cắt từ clip quay lại cảnh chủ quán "vô tư" bán 
bột nhừ cho khách tại chợ Phùng Khoang (Hà Đông, Hà Nội).

Một kg bột nhừ có thể ninh vài trăm nồi xương

Sau khi thâm nhập vào "thủ phủ gia vị Tàu" ở vùng biên và bỏ nhiều công sức để tìm hiểu đường đi của nó, chúng tôi đã khám phá ra rất nhiều các loại chất độc hại có trong cái gọi là "gia vị Tàu" được tiêu thụ trên thị trường. Đặc biệt, trong số đó, chất được gọi là bột nhừ, có thể làm phân hủy xác chết nhanh cũng được dùng để nấu thức ăn.

Tại chợ Phùng Khoang (Hà Nội), chúng tôi hỏi mua chất ninh xương, bà chủ tên P. liền móc trong cái túi đen treo khuất sau gian hàng. Bà P. đưa cho chúng tôi xem túi màu trắng và nói rằng, đây là bột nhừ, mỗi kg giá 40.000 đồng, mua lẻ thì giá 4.000 đồng/lạng. Bà P. mở túi cho chúng tôi xem thì thấy đây là một loại chất màu trắng, giống như hạt mì chính bị nghiền nát. Bà P. quảng cáo: "Mỗi nồi nước bún, phở chỉ cần một lượng nhỏ, chưa đến một thìa thì có thể ninh nhừ các loại móng giò, đuôi bò, gân bò, thậm chí các loại xương ống trong 10 phút, trong khi ninh theo cách thông thường phải mất 7 - 8 tiếng. Sau đó, người bán hàng bỏ thêm vài viên "bún mắm" vào là có nồi nước dùng thơm phức và ngọt lừ. Để đun một nồi nước dùng mà mất 7 - 8  tiếng đồng hồ thì bao nhiêu nhiên liệu cho đủ, khi giá gas, điện, than cứ tăng vùn vụt. Trong khi đó, một gói “bột nhừ” giá 40.000 đồng có thể dùng cả năm".

Để kiểm chứng tác dụng của chất này như thế nào, tôi mua vài lạng xương để ninh. Tôi bỏ một lượng nhỏ bột nhừ và cho thêm vài viên "bún mắm". Đúng 10 phút, tôi mở vung kiểm tra, mùi vị của nước dùng thơm nức mũi, xương mềm nhũn. Tham khảo tại tất cả các chợ đầu mối, chợ lớn, chợ nhỏ như chợ Thành Công A (Đống Đa), chợ Ngọc Hà (Ba Đình), chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Đồng Tâm (Hai Bà Trưng)..., chúng tôi cũng nhận được những câu trả lời tương tự. Tại chợ Thành Công A, bột nhừ còn đa dạng hơn. Sau khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua một khối lượng lớn, bà chủ M.K. nhanh nhẹn: "Bột nhừ bây giờ bị cấm bán nên không dám bày ra sạp. Anh mua thì để em về nhà lấy. Anh muốn mua loại túi hay loại thùng”. Bà chủ M.K. chạy về nhà, một lúc sau bưng ra một thùng khá lớn. Trong hộp này có cả loại túi và loại hộp, loại túi có giá 40.000/kg, còn hộp thì 30.000 đồng/kg.

Cầm một hộp màu trắng trên tay, chúng tôi để ý thấy trên bìa có nhãn hiệu Kinh và ghi dòng chữ màu xanh: Bicarbonate of soda, trọng lượng 100gr. Bà chủ bảo đây là nhãn hiệu của úc, được nhập khẩu và đóng gói tại Malaysia. Quan sát kỹ, tôi thấy nắp vỏ hộp không có niêm phong cũng như tem của công ty sản xuất. Hơn nữa, qua quá trình tìm hiểu về việc tuồn lậu "gia vị Tàu" vào nội địa của đối tượng buôn lậu, tôi đã quá quen thuộc với các chiêu thức làm giả, nhái nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.

Bột ninh nhừ xương 10 phút và nghi vấn rợn người vụ Cát Tường - Ảnh 2
Bột nhừ và vài viên "bún mắm" được cho vào ninh xương để chế nước dùng.
Không thể phân biệt được "bột nhừ" và... "chất rửa bồn cầu"

Bột nhừ bày bán trên thị trường thực chất là một loại sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, không nhãn mác. Vì lợi nhuận, lái buôn và người bán hàng đã bất chấp luật pháp, tính mạng của người tiêu dùng để kiếm lời. Bột nhừ có công thức hóa học là NaHCO3, các tên gọi là baking soda; sodium hydrogen carbonate; sodium acid carbonate; sodium bicarbonate... Đây là hóa chất rất thông dụng được dùng trong công nghiệp (làm chất tẩy rửa, làm mềm nước nhiễm a-xít) và y tế (thuốc trung hòa a-xít ở người mắc bệnh đau dạ dày). Ngoài ra, chất này còn được dùng trong thực phẩm (làm mềm xương, thịt). Theo quy định của bộ Y tế, nó được dùng 1 - 2 thìa (45 gram/kg) trong 1kg thực phẩm để chế biến. Chất dùng để chế biến thực phẩm đòi hỏi phải có màu trắng, không mùi, không vị và có độ tinh khiết chuẩn. Bột nhừ dùng làm thực phẩm có thể mua ở các hiệu thuốc, có tem mác đúng quy định của những hãng uy tín.
Tuy nhiên, khách hàng chủ yếu mua phải những loại bột nhừ rởm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có chứa chất độc hại. Do các chất này không có bao bì nhãn mác nên người mua rất khó phân biệt đâu là chất dùng để nấu thức ăn và đâu là chất để rửa bồn cầu. Để tinh chế được backing soda rất tốn kém, nếu nhập ở nước ngoài thì cũng có giá hàng triệu đồng mỗi kg. Trong khi đó, hóa chất dùng trong công nghiệp rẻ hơn rất nhiều so với chất dùng cho chế biến thực phẩm.

Bột ninh nhừ xương 10 phút và nghi vấn rợn người vụ Cát Tường - Ảnh 3
Túi bột nhừ độc hại vẫn được bán "vô tư" tại các chợ ở Hà Nội.
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội thì: Chất NaHCO3 khi đun ở nhiệt độ cao sẽ khiến cho quá trình thủy phân protein trong thịt, xương thành a-xít amin nhanh hơn. Chính vì vậy, khi cho chất này vào hầm xương thịt sẽ rất nhanh mềm. Tuy nhiên, chất dùng để nấu thực phẩm phải là loại tinh khiết. Trên thực tế, bột nhừ bán trên thị trường chủ yếu là chất dùng trong công nghiệp có chứa nhiều chì, asen, thủy ngân, có thể gây hủy hoại tế bào xương, khiến trẻ em bị còi xương, rỗng xương. Ngoài ra, chất này gây ức chế hấp thụ phốt pho ở đường ruột, làm mất can-xi, giảm quá trình ô-xy hóa, ảnh hưởng rất lớn đến cơ tim. Chất thủy ngân rất độc, có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh; chất asen khiến cơ thể mệt mỏi, buồn nôn, hồng cầu, bạch cầu giảm, rụng tóc, sút cân, mạch máu bị tổn thương và có thể dẫn đến ung thư.
Các nhà khoa học chia sẻ cách nhận biết chất NaHCO3 tinh khiết dùng để chế biến thực phẩm là có màu rất trắng, không mùi và không vị.  NaHCO3 dùng trong công nghiệp có mùi vôi vì chất này chưa đủ lượng khí hydro trong quá trình điều chế.                                           

Nguyễn Mạnh Tường đã dùng "bột nhừ" làm phân hủy xác nạn nhân?

Được biết, tại các hiệu thuốc cũng bán chất bột nhừ. Chúng tôi đã tìm hiểu hiệu thuốc K.L. trên đường Phùng Khoang, quận Hà Đông, Hà Nội. Sau khi đưa mắt dò xét khách một lượt, bà chủ mới cất giọng: "Bột nhừ bây giờ bị cấm bán. Nếu anh mua, chúng tôi vẫn lấy cho anh được". Khi được hỏi, liệu bột nhừ bán ở hiệu thuốc có khác so với  bán ở ngoài chợ không? Chủ hiệu thuốc quả quyết rằng, hầu hết các mặt hàng được bán ở hiệu thuốc cũng là NaHCO3 không tinh khiết. Trong cuộc đối thoại mà chúng tôi ghi lại được, người bán hàng này cho rằng, bột nhừ có chất làm phân hủy xác chết. Trong vụ án mạng ở thẩm mỹ viện Cát Tường, một số người làm ngành y như chị đang ngờ rằng, việc không tìm thấy xác nạn nhân T.H. có thể do bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường có thể đã dùng chất này để phân huỷ nhằm phi tang nhanh xác nạn nhân?
 
    THẾ HOÀNG
 ( Đời sống pháp luật )

http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/bot-ninh-nhu-xuong-10-phut-va-nghi-van-ron-nguoi-vu-cat-tuong-a42560.html

1 nhận xét:

  1. ỒI!... tưởng gì chứ NaHCO3 trước đây có tên gọi là "thuốc tiêu muối" hay "thuốc đau dạ dày" nó có tác dụng phân hủy chất axit trong dạ dày của người bệnh.
    Tôi đã từng chứng kiến hồi đó, có người bệnh phải thường xuyên uống loại thuốc này. Tôi nhấn mạnh: Họ uống trực tiếp và ngay một lúc một lượng lớn thuốc mà không thấy bị làm sao ngoại trừ cơn đau thắt vùng thượng vị và dạ dày được "cầm" lại ngay tức thì. Còn những tác dụng phụ khác của thuốc thì thì không thấy ai nhắc đến. Sao bây giờ lại "nâng tầm" có hại của nó lên đến mức quan trọng như thế nhỉ?

    Trả lờiXóa