Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

«Bầy chuột» dưới lòng đất thủ đô Bắc Kinh

«Bầy chuột» dưới lòng đất thủ đô Bắc Kinh
Thanh Hà Le Figaro hôm 10/07/2014 đã có bài độc đáo nói về số phận của « Bầy chuột » sống dưới lòng đất thủ đô Bắc Kinh. « Bầy chuột » được Le Figaro nói tới là những thành phần lao động nhập cư Trung Quốc, từ nông thôn lên thành thị kiếm sống. Ngay tại thủ đô Bắc Kinh, gần một triệu con người sống chui nhủi dưới hầm các khu cao ốc sang trọng, hay họ sống trong những ống cống chật hẹp, ẩm ướt và hôi hám. Ánh sáng mặt trời là một thứ xa xỉ phẩm họ không hề được biết tới.
Một gia đình sống dưới lòng đất thủ đô Bắc Kinh. DR
Nỗi ám ảnh lớn nhất đối với « bầy chuột » đó là khi ống cống bị ngập nước vào mùa mưa. Cuộc sống chui nhủi dưới mặt đất đó đang đem lại nhiều hậu quả tai hại. Nhiều người bị suy nhược thần kinh, mắc chứng bệnh trầm cảm. Một số khác thì bị bệnh ngoài da và đường hô hấp.

Bắc Kinh có 25 triệu dân cư, trong số ấy, từ 6 đến 7 triệu người từ bỏ làng quê, gia đình, lên thành phố kiếm sống. Họ thường bị bóc lột và bị xếp vào thành phần « công dân hạng hai ». Phóng viên báo Le Figaro đã gặp được một vài trường hợp. Như là một cặp vợ chồng, sống cùng một đứa con nhỏ trong một cái hầm 10 mét vuông. Cặp vợ chồng này may mắn hơn những người cùng cảnh ngộ rất nhiều cho dù để được quyền sử dụng 10 mét vuông đó, họ phải trả thêm cho chủ 100 nhân dân tệ hàng tháng.

Một người mẹ trẻ khác sống với đứa con nhỏ chưa đầy hai tuổi nói với phóng viên Pháp : cô hy sinh để gửi tiền về quê cho gia đình, nhưng không biết tới bao giờ mới được sống trên mặt đất, hít thở không khí và trông thấy ánh sáng mặt trời như những con người có cuộc sống bình thường.

Năm ngoái, báo chí Trung Quốc đã gây xôn xao trong dư luận trước hoàn cảnh của một thiếu phụ chấp nhận sống trong ống cống, để tiết kiệm tiền nuôi con ăn học. Và thế là lập tức, các giới chức ở thủ đô Bắc Kinh đã ra lệnh « tống » những « bầy chuột » về quê, tránh để làm xấu đi hình ảnh một thành phố tráng lệ và phồn thịnh như thủ đô Trung Quốc !

Trả lời báo Le Figaro, nhà xã hội học giảng dậy tại đại học Bắc Kinh, Lục Tuệ Lâm (Lu Huilin) cho rằng những thành phần lao động nhập cư bị người dân thành phố miệt thị thường làm những công việc như phục vụ nhà hàng, gác gian hay giao hàng. Nhưng nếu không có sự đóng góp của họ, nhiều hoạt động kinh tế ở Bắc Kinh sẽ bị tê liệt và thủ đô Trung Quốc không thể được thịnh vượng như ngày nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét