Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Bắc Kinh không thể chơi “luật rừng”

Bắc Kinh không thể chơi “luật rừng”
Trong ngày 26-7, ngày thứ hai của hội thảo quốc tế về biển Đông 2014 do Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) tổ chức, ngoài phân tích tình hình phức tạp ở biển Đông, một số nhà nghiên cứu đã đề xuất hướng tháo gỡ khủng hoảng.
Giáo sư Carl Thayer - Ảnh: Quốc Việt
Căng thẳng gần đây trên biển Đông đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột và việc quản lý khủng hoảng, xung đột là yếu tố chiến lược vì lợi ích của tất cả các bên học giả Hitoshi Nasu thuộc Đại học Quốc gia Úc nhấn mạnh. Theo ông Nasu, các cơ chế duy trì hòa bình và an ninh quốc tế hiện tại không được thiết kế để ngăn chặn việc xảy ra các cuộc xung đột vũ trang một cách “vô ý”, trong khi cuộc xung đột ở biển Đông khó trông mong sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc khi Trung Quốc đang giữ một lá phiếu phủ quyết.

Tăng cường quản lý khủng hoảng

Ông Nasu đưa ra một số mô hình có thể giúp ngăn chặn một cuộc xung đột vũ trang trên biển Đông. Mô hình đầu tiên là hệ thống hiệp ước Nam Cực, theo đó các nước có thể tạm gác tuyên bố về chủ quyền để lập ra các nguyên tắc hợp tác trên biển Đông. Ông cho biết dù có sự khác biệt về địa chính trị giữa biển Đông và Nam Cực, nhưng hai khu vực có điểm chung là giàu các nguồn tài nguyên.

Mô hình thứ hai cũng tương tự là mô hình hợp tác phát triển. Tuy nhiên cả hai mô hình đều có điểm chung là không giải quyết được các tuyên bố chủ quyền của các bên.

Mô hình thứ ba là mô hình cân bằng quyền lực Locarno, được Pháp, Đức và Bỉ áp dụng. Theo đó các bên cùng nhau bảo vệ tất cả đường biên giới chung. Để áp dụng được mô hình này, ông Nasu đề xuất phải xác định rõ các hành vi bạo lực bị cấm giữa các bên, và các nước bên ngoài chỉ được đóng vai trò trung lập.

Đến từ Thụy Điển, ông Ramses Amer, Viện Chính sách và phát triển, trình bày mối quan tâm về việc quản lý khủng hoảng, xung đột để ngăn ngừa tình hình biển Đông có thể diễn biến phức tạp thêm. Ông khẳng định Trung Quốc từ lâu đã hay nói đến các nguyên tắc phát triển hòa bình của mình, nhưng thế giới lại thấy chính Trung Quốc tự phá vỡ những nguyên tắc đó. Họ muốn giải quyết song phương các tranh chấp, nhưng thực tế là không thể.

Phải đối diện với quyết tâm đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế, Trung Quốc nói tại sao Philippines không nói chuyện, giải quyết với chúng tôi mà lại ra tòa; còn Philippines thì khẳng định họ đã nỗ lực thương thuyết với Trung Quốc nhiều năm rồi mà không có kết quả, nên phải ra tòa. Tình hình phức tạp hiện nay cho thấy cần phải có cơ chế quản lý tranh chấp để nó đừng diễn biến phức tạp thêm, chứ không chỉ mong muốn có ngay cơ chế giải quyết tranh chấp.

Phát huy sức mạnh ASEAN

Trả lời Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales (Úc), cho biết nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trên biển Đông là rất thấp dù ông dự đoán rằng Trung Quốc sẽ sớm quay trở lại sau khi rút giàn khoan Hải Dương 981. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy sự cố, ông tin rằng cộng đồng quốc tế sẽ lập tức ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực. Hiện tại, các biện pháp mà Việt Nam có thể sử dụng là tiếp tục đàm phán hoặc sử dụng luật pháp quốc tế.

“Việt Nam không nên mặc cả quyền được sử dụng luật pháp” - ông nhấn mạnh. Nhiều lần phát biểu tại hội thảo, ông Carl Thayer phân tích rõ từng bước đi có tính toán của Trung Quốc trong chiến lược tranh chấp trên biển Đông. Cách đây vài năm, khi ông đến Trung Quốc đã được nghe các quan chức cấp cao nhiều lần nói về niềm tin chiến lược, vậy mà họ lại đưa giàn khoan đến xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Chính Trung Quốc đã làm mất đi niềm tin chiến lược, và nếu Trung Quốc muốn lấy lại nó thì phải bắt đầu lại từ đầu rất khó khăn.

Giáo sư Carl Thayer cũng trình bày chính các lập luận chủ quyền sai trái của học giả Trung Quốc để các chuyên gia phân tích và phản biện. Trong đó Trung Quốc nhấn mạnh về luật bất hồi tố để phủ nhận việc các quốc gia tranh chấp có thể kiện mình ra tòa án quốc tế. Đặc biệt, Trung Quốc còn vu cáo Philippines hành xử một cách có “tính toán trước” trong tuyên bố chủ quyền biển đảo của mình.

Trước thực trạng phức tạp này, giáo sư Carl Thayer đã đề xuất một loại giải pháp. Trong đó, ông nhấn mạnh đến sự tăng cường tính đoàn kết, thống nhất của khối ASEAN. Từ đó có thể làm được rất nhiều điều quan trọng như xây dựng lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển của ASEAN; thiết lập một diễn đàn thống nhất để cất lên tiếng nói của toàn khối, thậm chí là lập một hội đồng bảo an của ASEAN. Trung Quốc đang nổi lên thành cường quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.

Từ lâu, Trung Quốc đã chuẩn bị chiến tranh với Đài Loan và đánh đuổi Hoa Kỳ. Nhưng sự thống nhất, đoàn kết thành một thế lực mạnh của ASEAN sẽ trở thành một cán cân để Trung Quốc không thể muốn làm gì thì làm với “luật rừng” của mình.

QUỐC VIỆT - TRẦN PHƯƠNG - HOÀNG DUNG
( Tuổi Trẻ )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét