Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

(2) Bốn người đàn ông trên một cái bè...

Bốn người đàn ông trên một cái bè:
Những điều không dám nói
Giữa mênh mông sóng nước, phận người mong manh tựa cánh bèo nên họ nương vào nhau hết sức tự nhiên. Khi ấm chè, lúc con cá mới đánh họ san sẻ cho nhau chuyện quê, chuyện đời.
Họ thân nhau như anh em ruột
Một lần đi chợ, mua đồ cho cả chục ngày. Mớ rau ngót sáng còn tươi roi rói đến chiều đã bị gió biển thổi úa trơ cọng. Tính ra mớ rau trị giá đến mấy trăm ngàn vì mất 13 lít xăng đi vào bờ rồi lại đi ra. Ngày đầu tiên sau khi đi chợ anh em được ăn rau xanh, thực đơn những ngày tiếp theo là bí, là khoai. Tiếng là ở rừng mà lại thiếu chất xanh trầm trọng vì toàn núi đá, cây cỏ còn hiếm nói gì đến rau.

Thèm nghe một tiếng gà gáy, một tiếng trẻ con cười, một tiếng líu ríu của đàn bà, con gái. Thế nhưng vợ con dù có thiết tha đòi ra trạm chơi ai nấy đều xua tay. Họ sợ trông thấy cảnh sống nổi nênh trên bè người thân sẽ không kìm được nước mắt. Phụ nữ vốn yếu lòng!

Anh Nguyễn Quang Khải, Trạm trưởng trạm Giỏ Cùng (VQG Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) sống trên bè đã được 7 năm. Nhà anh ở Quảng Ninh cách xa vời vợi nên chuyện nuôi dạy hai đứa con đều do người vợ đảm trách. Gần đây chị bị mắc bệnh viêm đa rễ dây thần kinh, tái phát đến mấy lần, chạy chữa cả trăm triệu đồng rồi mà vẫn có nguy cơ bị liệt.

Anh Trần Bình Tấn sống trên bè đã 6 năm. Nhà anh tít mãi Nam Định, mỗi lần nghỉ phép mất đứt một ngày đi, một ngày về trên đủ thứ phương tiện thuyền, phà, ô tô, tốn đến triệu đồng tiền phí. Đứa con thứ hai của anh trong một lần đi khám bệnh phổi bác sĩ tình cờ phát hiện ra cháu mắc tim bẩm sinh - căn bệnh của nhà giàu, chi phí mổ mất đến vài trăm triệu. Ngoài biển, sóng gió thì thừa thãi mà bạc tiền lại eo hẹp.


Anh Khải trong một chuyến đi tuần

Một tháng hai con nước, muỗi mắt từ đâu tràn ra như duyệt binh. Chúng nhỏ đến mức chui lọt qua được lỗ màn, khói đống rấm chỉ đủ xua đi một chốc, người chưa ngủ say đã bị muỗi xông vào tấn công.

Một tháng lịch đi tuần của mỗi kiểm lâm ở trạm là 15 ngày. Tất cả đều có thiết bị định vị theo dõi không thể bớt xén dù chỉ là một bước chân. Mà nếu không có thiết bị định vị, lương tâm các anh cũng không cho phép vì đã tình nguyện ở lại bè là hết lòng với rừng với biển.

Sáng 5 giờ dậy nấu cơm ăn dằn bụng rồi bọc theo vài gói mì tôm lót dạ thay cho bữa trưa giữa rừng. Tuyến dài nhất khoảng 20.000 bước chân, tuyến ngắn nhất chừng 15.000 bước. Những bước chân bám trên đá nhọn. Những bước chân đạp trên gai rừng.

Có tuyến như áng Lưỡi Liềm vách đá cheo leo phải đu cả người vào dây leo rừng rồi tụt xuống. Tuột tay cái là tan xương, nát thịt. Áng Lờm Bưng, áng Bống Con, áng Bống To, áng Cá Vược, Khoan Châu, Vạ Tà Cạn những địa danh xa vắng đến hoang dại…

Trong một lần tuần rừng như thế anh Tấn bị ngã gãy cả tay phải vào bờ điều trị. Lịch nghỉ chưa hết người ta đã lại thấy anh xuất hiện trên bè, cái tay đắp bột vẫn còn cứng đờ bên hông nhưng mặt thì tươi roi rói. Anh bảo da diết nhớ cái “xã hội” trên bè vỏn vẹn mấy chục mét vuông nhưng lúc nào cũng tràn tiếng chim kêu, khỉ hú.

Nhìn lên bức vách thấy treo chi chít giấy khen, bằng khen trong đó có cái đã ố vàng vì nước dột từ mái nhà nhỏ xuống. Hỏi xin một bản báo cáo thành tích, anh Khải xua tay: “Chúng tớ có gì đâu mà viết!”. Hỏi về mơ ước, anh bảo chỉ khát khao có một căn nhà trên đảo, có hệ thống truyền hình chảo chạy được bằng ắc quy.

Cạnh bè buộc một cái thuyền gỗ với vài treo lưới. Đó chính là “nhà” của anh Lê Văn Thủy, người gác cổng cho Giỏ Cùng, một kiểm lâm viên không sắc phục. Lênh đênh 37 năm trời theo nghiệp chài lưới khắp nơi, cuối cùng chiếc thuyền của vợ chồng anh chọn bến đỗ nơi đây.

Giữa mênh mông sóng nước, phận người mong manh tựa cánh bèo nên họ nương vào nhau hết sức tự nhiên. Khi ấm chè, lúc con cá mới đánh họ san sẻ cho nhau chuyện quê, chuyện đời.

Cải thiện bữa cơm

Chẳng hiểu tự bao giờ anh Thủy trở thành người gác rừng, gác voọc tự nguyện, không công. Ngày ngày đi thả lưới, giăng câu nơi cửa ngõ vào khu bảo tồn, không có cái gì bất thường lọt qua mắt ông. Một tiếng voọc kêu, một bóng cây đổ sắc lạ, một chiếc thuyền ngoài xa, tất cả đều được cảnh báo kịp thời.

Những lúc nước trong phuy cạn không còn một giọt, những bận môi anh em nứt nẻ vì thiếu rau xanh, anh Thủy tình nguyện bơi thuyền sang Quảng Ninh ứng cứu. Chục năm nay họ đã trở thành thân thiết như thủ túc, thân đến mức nhiều chuyến biển động bắt được một con cá bằng hai cái ngón tay cũng chia ra làm năm suất. Ai ăn đầu, ai ăn lòng, ai ăn thịt là anh đều biết, gắp cho nhau y như là gắp cho mình.

Loài vật duy nhất chỉ có ở Cát Bà

Voọc đầu vàng là loài duy nhất trên thế giới chỉ có ở Cát Bà, trước dân vẫn quen gọi là khỉ đen. Huyết lình tức “máu tháng” của con khỉ cái rớt xuống nền đá khô đọng lại thành cục được người ta thu gom để chữa bệnh hậu sản rất hiệu nghiệm.

Con rắn chui qua lỗ màn thủng. Nghe tiếng phì phì biết là hổ mang. Nhũn người vì sợ nhưng anh Du không dám động đậy mà nằm đợi cho con vật máu lạnh đó bò qua lại một hồi trên thân mình rồi trườn mất.

Khỉ đen có tập tính hễ thấy động là đứng lên mỏm đá, ngọn cây quan sát. Bởi thế mà chúng bị thợ săn hạ sát hàng loạt. Từ cả trăm con trước đây đến khi đưa vào bảo tồn nghiêm ngặt số lượng voọc toàn Cát Bà còn có 50 cá thể.

Mười mấy năm trôi qua, số lượng cá thể tăng dần, mỗi năm một đến hai con khiến cho những người yêu voọc không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới hoan hỉ.

Voọc Cát Bà tập trung chủ yếu ở Giỏ Cùng với hai đàn, đàn 16 con, đàn 7 con ngủ tại 18 điểm trải dài trên diện tích 3.180 ha nước và rừng. Năm 2009 bão đến, trong một lần kiểm tra dây neo bè, anh em phát hiện một xác voọc.

Con vật già đã rụng hết cả răng, có lẽ mưa bão khiến nó bị rơi xuống nước rồi bị nước triều dìm chết. Chứng kiến cảnh đó, ai cũng nao lòng dẫu biết rằng “sinh lão bệnh tử” là số kiếp của muôn loài.

Tết ở trên bè vẫn thủ tục bánh trái, cúng lễ như trên đất liền nhưng không nói ra ai cũng ngoảnh đầu về phía cố hương mà như có khói ở trong mắt.

Sinh nhật vợ con có thể quên nhưng mỗi con voọc ra đời đều được đánh dấu. Tôi lần giở cuốn sổ tay thấy ghi chi chít ngày, tháng, năm của những cá thể voọc mà mới nhất là ngày 7/7/2014 đàn trong đẻ được một con. Ngày voọc đẻ cũng là ngày vui chung của toàn trạm, ngày lặn ngụp mò cua, bắt ốc làm một bữa thật tươi liên hoan.

Voọc rất nhút nhát. Một tiếng động, một làn khói cũng khiến chúng lẩn sâu vào rừng. Ngàn người đến Cát Bà có lẽ không đến một người thấy voọc dù ăn trực, nằm chờ, dù cất công bay nửa vòng trái đất.

Buổi đầu đi ngắm voọc chúng tôi về trắng tay. Sáng sau, từ xa chiếc xuồng đã tắt máy, chèo khẽ bằng tay vào khu vực hang 16. Dòm mỏi mắt một hồi lâu mà chẳng thấy voọc, toan định về thì anh Khải khều tay ra hiệu.

Thoạt tiên, chỉ nhìn thấy những cây rừng động đậy rồi một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy con voọc xuất hiện. Con đầu đàn vắt vẻo nơi chạc ba cây quan sát, đám con cái chạy nhảy tung tăng với mớ lá non trên tay. Một con voọc non vừa sinh lông vàng như nắng sớm run rẩy trèo qua mấy vách đá.

Voọc Cát Bà

Với người lạ đó đã là một cơ hội trải nghiệm nhớ đời nhưng với các anh chuyện giơ tay với được… đuôi voọc cũng là hết sức bình thường. Các anh đã là người nhà của voọc, quen mặt, quen người nên dù có dùng cành cây giơ lên giả làm súng miệng kêu “pằng pằng” cũng không thể làm chúng sợ.

Trời về sáng. Tiếng một con cá vược nào búng nước rèn rẹt dưới bè. Bình minh ló lên. Ngó ra ngoài hiên một giỏ lan rừng đang e ấp bên cửa sổ giữa nắng. (Hết)

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét