Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Wal-Mart mở chiến dịch dùng hàng 'Made in America'

Wal-Mart mở chiến dịch dùng hàng 'Made in America'
Mình đã có cái nhìn không tốt về Trung Quốc từ lâu rồi. Mình phản đối mạnh hàng tiêu dùng của Trung Quốc. Đi mua bất cứ món hàng nào, việc đầu tiên là nhìn xem có chữ Made in China không. Nếu có, là bỏ xuống ngay.”
Wal-Mart Westminster (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
WESTMINSTER, Calif. (NV) - Sau hơn một thập kỷ áp dụng chiến lược cạnh tranh giá bằng cách sử dụng nguồn lực nhân sự từ các nước thứ ba, đầu năm nay, Walmart đang bắt đầu vận dụng kế hoạch “Made in America,” với cam kết đầu tư $250 tỷ cho các mặt hàng được sản xuất tại Mỹ.

Điều này được xem như chính thức đánh dấu thời kỳ phục hưng cho nền công nghiệp Mỹ đang bắt đầu chuyển mình từ lý thuyết sang thực tế. Và đối với xã hội Mỹ nói chung, chiến lược "Made in America" của Walmart có thể nói là một trong những phương cách gia tăng công việc làm cho người dân Mỹ. Chiến lược này được Walmart thể nghiệm ở Orlando vào năm ngoái, và vào tháng Tám này, Denver là nơi thứ hai sẽ áp dụng “Made in America.”

Nhưng bên cạnh đó, đối với người Việt Nam ở Mỹ, cũng như người Việt trên toàn thế giới nói riêng, “Made in America” của Walmart còn có một ý nghĩa khác.

Từ một tháng nay, trong quận Cam, và nhất là tại Little Saigon, người dân gặp rất nhiều xe lưu thông trên đường dán sticker có dòng chữ “BOYCOTT MADE IN CHINA – BUY AMERICA MADE – SAVE AMERICA JOBS.” Đây là một trong những hoạt động của tổ chức VietUSA Hope Foundation, một tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 2013 tại California. Sticker này nằm trong chiến dịch kêu gọi không dùng hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thay vào đó, dùng sản phẩm Mỹ, để bảo vệ việc làm cho người dân Mỹ.

Và để tìm hiểu suy nghĩ của người tiêu dùng gốc Việt, chúng tôi đến Walmart Westminster, siêu thị có khá nhiều người Việt mua sắm.


“Sẽ không dùng nữa. Nếu là món ăn thì...nhịn, không ăn!!!”, chị Huệ, người phụ nữ cương quyết không dùng hàng Trung Quốc (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Một phụ nữ còn trẻ, có lẽ chưa đến 40, dáng người nhanh nhẹn đang lấy những món hàng trong xe đẩy để lên quầy tính tiền. Nhìn thoáng qua giỏ hàng, chúng tôi thấy đó là các đồ dùng trong gia đình và thực phẩm. Biết chắc chị là người Việt Nam, chúng tôi đến làm quen, và được biết chị cùng gia đình đi Walmart mỗi tuần. “Mình ở thành phố Westminster. Mình đã có cái nhìn không tốt về Trung Quốc từ lâu rồi. Mình phản đối mạnh hàng tiêu dùng của Trung Quốc. Đi mua bất cứ món hàng nào, việc đầu tiên là nhìn xem có chữ Made in China không. Nếu có, là bỏ xuống ngay.”

Khi được hỏi nếu tìm không thấy món hàng mình cần mà không phải là Made in China thì sao? Rất cương quyết và rất thẳng thắn, chị trả lời ngay: “Sẽ không dùng nữa. Nếu là món ăn thì... nhịn, không ăn!”

Có vẻ như vẫn chưa “thỏa nỗi lòng,” chị nói thêm: “Trước đây mình mua gạo Thái Lan cho gia đình dùng, nhưng từ khi nghe nói là gạo Thái Lan cũng do Trung Quốc nhập qua, mình đã chuyển sang gạo của Mỹ, tuy mắc hơn một chút nhưng chấp nhận. Mình còn mong sao tất cả mọi nơi đều ngăn cấm không cho bán hàng xuất xứ từ Trung Quốc.”

“Tuy từng người sẽ không làm được gì to lớn, nhưng nếu tất cả chúng ta đồng lòng thì chắc chắn Trung Quốc sẽ không còn đàn áp mình được nữa. Mình rất mong muốn chúng ta, là những người đang sống trên xứ sở tự do, thì phải nói lên tiếng nói chung. Tại sao không? Người dân mình ở Việt Nam không được lên tiếng. Nhưng chúng ta được quyền nói, thì chúng ta phải nói.”

Vì không muốn trở ngại cho những người đang chờ phía sau, chị vội bước nhanh ra khỏi khu vực tính tiền. Chúng tôi chỉ kịp biết chị là Huệ.

Ngay phía sau chị Huệ là một bác lớn tuổi, chúng tôi chưa kịp mở lời thì bác đã nói ngay: “Tôi cũng tẩy chay hàng Trung Quốc. Đây, tôi đang mua xà bông dùng cho gia đình, tôi không bao giờ chọn cái nào có chữ Made in China.”

Tuy không quyết liệt như chị Huệ, một người mẹ khác, tên Nhã Trần, cũng là cư dân của Westminster thì có một suy nghĩ nhẹ nhàng hơn khi được hỏi về những sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Chị nói: “Riêng về thức ăn thì tuyệt đối tôi không mua, nhất là thức ăn cho con mình, tôi càng lựa chọn kỹ hơn. Đồ chơi cũng thế, vì qua truyền thông, tôi được biết những sản phẩm đồ chơi nhập từ Trung Quốc như thú bông, bong bóng nước có rất nhiều chất độc hại nên tôi không bao giờ mua. Nhưng có những loại như đồ chơi xếp hình Lego thì tôi cũng an tâm, vì tôi thấy đó là một hãng có tên tuổi.”

Hai mẹ con chị Nhã, người tin rằng "không hàng Trung Quốc 
là một cách để chúng ta phản ứng" (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Khi chúng tôi nói cho chị nghe về dự án "Made in America" của Walmart, chị rất phấn khởi: “Nếu như thế thì chúng ta không phải lo ngại nữa. Mong sao những vật dụng nhỏ hàng ngày trong gia đình cũng sẽ được sản xuất ở Mỹ. Tuy tôi không biết gì nhiều về các chuyện lớn, nhưng tôi cũng nghĩ rằng nếu tất cả chúng ta không dùng hàng Trung Quốc nữa thì đó cũng là một cách để chúng ta phản ứng.

Chúng tôi hiểu “chuyện lớn” mà người mẹ này muốn nói đến ở đây là gì. Cũng lại là hình ảnh một người phụ nữ nhỏ bé, nhưng niềm tin và tinh thần của chị đã vượt ra khỏi giới hạn “chân yếu tay mềm” dành cho người phụ nữ.

Với kế hoạch "Made in America" của Walmart, chắc chắn trong tương lai không xa, những khách hàng như chị Nhã sẽ không chỉ là “cũng an tâm” thôi. Họ sẽ có niềm tin tuyệt đối vào món hàng mình mua, vì lúc đó trên bao bì của Lego không còn là Made in China.
Có thể nói, tâm lý “không dùng hàng Made in China” hơn bao giờ hết, ngay lúc này có thể ví như một một con tàu lớn đang lướt nhanh cùng chiều gió, trên đó có rất nhiều cộng đồng người Việt ở Mỹ đang cùng chung một tâm nguyệm, từ một người dân thường, nam, nữ, cho đến những người xuất gia.

Ni cô Diệu Hạnh, một người xuất gia từ nhỏ, hiện đang tu ở tịnh thất Garden Grove cho biết: “Mình quá bé nhỏ để nói về việc chính trị. Điều ni cô quan tâm và lo lắng nhất là sức khỏe của chúng sinh. Ngay cả đồ chơi cho trẻ con cũng có những chất độc hại. Thực phẩm cho con người thì không được đảm bảo, dễ gây ra bệnh.”

Thế nhưng, đó không phải là quan điểm chung của những người thường xuyên mua sắm ở Walmart. Điều này cũng là một vấn đề tự nhiên, tâm lý con người thường không chọn lựa những gì khác khi mà “cái có trong hiện tại vẫn còn chấp nhận được.”

Đó là sự chọn lựa của cô Hương Lê dành cho những mặt hàng tiêu dùng trong gia đình. Đối với cô, nếu món hàng đó sử dụng được, và không yêu cầu phải đáp ứng một chất lượng tối ưu, thì cô vẫn dùng sản phẩm Made in China. Một điều đơn giản, giá rẻ, và chất lượng chấp nhận được. “Tôi vẫn thường mua hàng ở dollar store, hoặc 99 cent. Những món hàng đó phần nhiều là nhập từ Trung Quốc. Tôi biết hàng Trung Quốc thì chất lượng kém, nhưng vì yêu cầu dành cho món hàng đó không cao, nên tôi nghĩ mình không cần bỏ ra chi phí cao hơn để mua món hàng đó từ những thương hiệu khác của Mỹ.”

***
Walmart, một trong những siêu thị bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, là địa chỉ mua sắm thường xuyên của người dân Hoa Kỳ, trong đó, đương nhiên, người Việt Nam chiếm một số lượng không nhỏ. Wal-Mart cung cấp đủ loại mặt hàng, từ sản phẩm tiêu dùng cho đến thực phẩm ăn uống. Những sản phẩm đó, hơn mười năm qua, được sản xuất chủ yếu từ Trung Quốc. Chính do đó, giá cả của những sản phẩm này dễ dàng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Thế nhưng, một lần nữa, chiến lược "Made in America" tự nhiên trở thành sự hỗ trợ cho người Việt Nam chúng ta trong bối cảnh hiện tại của nước nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét