Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Việt Nam đẩy kinh tế vào tay nước ngoài?

Việt Nam đẩy kinh tế vào tay nước ngoài?
Hội nhập tốt nhất là để mình mạnh lên chứ không phải là mở toang cửa để người ta vào mang của vào đây 1 và mang ra khỏi Việt Nam 10. Chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cho biết tại hội thảo "Triển vọng kinh tế và tầm nhìn chính sách năm 2014" do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sánh VEPR tổ chức ngày 6/3.
Theo bà Phạm Chi Lan, nhìn vào năm 2013, mặt tích cực thúc đẩy tăng trưởng là có nhân tố tăng thêm của doanh nghiệp nước ngoài (FDI), mặc dù 2 tháng tháng đầu năm 2014 bị giảm nhưng nhân tố mới trong năm 2014 sẽ có những dòng đầu tư khá mạnh mẽ nếu nhìn vào sự chuẩn bị của người Nhật.

Nhật Bản đang chuẩn bị những việc cho chiến lược công nghiệp hóa, trong đó mục tiêu mũi nhọn công nghiệp hóa chủ yếu rơi vào tầm ngắm, mối quan tâm của họ. Họ chuẩn bị cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có một số ngành buộc họ phải chuyển ra bên ngoài như nông nghiệp sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam.

Bà Lan cho biết, Việt Nam đang thành cứ điểm mà các nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến. Triển vọng FDI là triển vọng khả quan trong thúc đẩy tăng trưởng của mình cũng như thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh: "Nói về FDI mình cần phải lo và cảnh báo mặt trái của FDI, mặt trái những năm vừa rồi nổi lên càng ngày càng rõ như hiện tượng chuyển giá vẫn chưa có công cụ ngăn chặn. Năm vừa rồi Bộ Tài chính có đi vào điều tra thêm và điều chỉnh lại nhưng chưa làm một cách rộng rãi và có công cụ thực sự hữu hiệu về lâu về dài để kiểm soát điều đó".

Đặc biệt bà Phạm Chi Lan quan ngại việc doanh nghiệp FDI lấn sân các doanh nghiệp Việt Nam.

"FDI lấn sân doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu được biểu hiện rất rõ nhưng trong các lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ Việt Nam có thành tích tăng trưởng nhưng trong đó bao nhiêu % là FDI? Bởi vì số doanh nghiệp Việt Nam chết nhiều, giảm mạnh, doanh nghiệp nhà nước không cải thiện được nên rõ ràng sự phát triển là do nhân tố còn lại là FDI. Liệu mình có thể cứ chỉ dựa vào FDI mãi được không?", bà Phạm Chi Lan đặt câu hỏi.

Bà Lan cho biết, việc nới room cho doanh nghiệp FDI là vấn đề lo nhiều hơn mừng. "Việc này dường như là cách muốn làm để gỡ khó trước mắt, để có thêm màu hồng cho bức tranh kinh tế mà không biết rằng mình lại đẩy kinh tế của mình vào tay các nhà đầu tư nước ngoài", bà Lan nói.

Doanh nghiệp nước ngoài tham gia sâu vào lĩnh vực bất động sản của Việt Nam

Bà Phạm Chi Lan phân tích, nếu bây giờ lĩnh vực bất động sản cũng mong người nước ngoài được tự do mua bán bất động sản Việt Nam thì có lẽ 5-10 năm tới Việt Nam sẽ là nước sẽ là của những họ Kim, họ Lee của Hàn Quốc, họ Tập, họ Đặng của Trung Quốc chứ không phải của người Việt Nam và chúng ta sẽ lại là những người làm thuê, làm thuê ở dạng gia công. Thậm chí thay vì mua nhà bằng gói 30.000 tỷ không được thì lại đi thuê nhà của mấy ông kinh doanh nước ngoài.

Bà Lan kiến nghị, cần nhìn ở tầm dài hạn hơn thay vì lo năm 2014 có tăng trưởng hay không vì giá phải trả sau đó lớn hơn rất nhiều so với giá trước đây từng trả.

"Lần này tôi cảm thấy rủi ro hơn rất nhiều khi ở Hà Tĩnh thời gian vừa qua, mức độ có mặt của người Trung Quốc nhiều đến mức có thể cắt Việt Nam làm đôi thì những thách thức không chỉ vấn đề kinh tế, xã hội nữa. Thành ra đừng quá háo hức với chuyện này và cần lưu ý mặt trái như thế nào, chúng ta muốn phát triển đất nước tạo cơ hội cho những người trẻ hay chúng ta cứ muốn có cơ hội từ nước ngoài mang đến", bà Lan nói.

Bà Phạm Chi Lan cũng thừa nhận, thời đại hội nhập phải có cả 2 chiều nhưng theo bà, hội nhập tốt nhất là để mình vẫn là mình, tự mình phải mạnh lên chứ không phải hội nhập là mở toang cửa để người ta vào mang của vào đây một và mang ra khỏi Việt Nam 10.

Tâm An
(Đất Việt)

2 nhận xét:

  1. Những cái đầu tư bản đỏ chỉ muốn ăn sẵn, bóc ngắn cắn cực dài, lợi dụng chức quyền ăn chặn ăn bớt thì không đủ trình để đấu với những cái đầu siêu kinh doanh của FDI và dân Việt chỉ còn cách duy nhất là đi làm thuê cho họ ngay tại nước mình mà thôi.Buồn ngàn đời.

    Trả lờiXóa