Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

“Đặc thù” như thống kê Việt Nam

Số liệu thống kê của VN đúng là khá tồi tệ. Điểm yếu then chốt nhất hiện nay của số liệu thống kê VN chưa bàn tới độ chính xác mà ở chỗ chưa đúng chuẩn mực quốc tế, từ định nghĩa thế nào là GDP, là phân loại theo các ngành công, nông nghiệp và dịch vụ, là thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại, nợ xấu... Đầu tiên hãy làm chính xác các khái niệm theo tiêu chuẩn quốc tế đã. Tôi thích câu này trong bài: "Điều quan trọng hơn là sự khác nhau đó không được giải thích rõ ràng". Đúng, không chỉ Tổng cục Thống kê mà tất cả các Bộ, ngành nên công khai số liệu thống kê trên trang Web của mình, có giải thích rõ ràng cách xây dựng các chỉ tiêu thống kê, đặc biệt là giải thích rõ sự khác nhau giữa số mới và số cũ mỗi khi đưa ra số mới thay cho số cũ... Thực ra đa phần các quan chức trong cuộc đều hiểu, chỉ có người ngoài cuộc như tác giả bài báo này không hiểu nhưng không được giải thích. Ví dụ "Cùng một con số, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước công bố ở hội nghị khác với số thống kê đưa trên trang web, số đầu năm và cuối năm cũng khác nhau hoàn toàn". Có sự khác nhau là do đây đều là số ước tính, số tính sơ bộ... nên sẽ liên tục thay đổi mỗi khi NHNN có thêm thông tin bổ sung.
“Đặc thù” như thống kê Việt Nam

Minh hoạ: Khều.
Hồng Phúc: (TBKTSG) - Dân làm thống kê từng kể một câu chuyện: cán bộ thống kê đi điều tra giá cả quí 1, tiện thể đưa phiếu điều tra cho chủ cơ sở kinh doanh điền luôn giá cả các quí sau. “Người làm quan liêu, chất lượng thống kê bất cập, làm sao cho kết quả chính xác?”, một chuyên gia nghiên cứu kinh tế nhiều năm nói.


Ông Võ Trí Thành, một nhà nghiên cứu kinh tế, từng nói tìm số liệu viết một bài báo đã khó huống chi làm một nghiên cứu kinh tế về Việt Nam.

Theo một chuyên gia kinh tế, làm nghiên cứu ở Việt Nam rất khó. “Đùng một cái” năm ngoái, bỗng dưng GDP của Việt Nam tăng đột biến (gần 300.000 tỉ đồng) do Tổng cục Thống kê điều chỉnh số liệu (chỉ tiêu GDP theo giá hiện hành) mà không có sự giải thích rõ ràng. Vì vậy, nếu muốn phân tích GDP trong vòng 20 năm vừa qua thì người nghiên cứu buộc phải tính lại hoàn toàn các con số. Một việc gần như không thể.

Ông Đinh Tuấn Minh, ở Viện Chiến lược khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, một người chuyên làm nghiên cứu nhận định: nguồn dữ liệu ở Việt Nam mà mọi cơ quan nghiên cứu đều dùng là thông tin chính thức từ Tổng cục Thống kê và các cơ quan nhà nước. Nhưng hệ thống số liệu này chưa đầy đủ, nhiều bộ số liệu cần thiết chưa được thống kê, việc công bố chưa kịp thời, thường xuyên và công bằng cho tất cả mọi người. Đặc biệt chất lượng thống kê là điều bị kêu ca nhiều nhất.

Chất lượng số liệu rất kém, ông Minh nhận xét. Ví dụ như số liệu về lao động, tỷ lệ thất nghiệp, ít người dám sử dụng vì nó không chứng minh được sự chính xác và khách quan. Số liệu GDP cũng vênh nhau rất lớn giữa các địa phương và trung ương. Có khi ngành bất động sản giảm mạnh nhưng ngành vật liệu xây dựng lại tăng, nợ xây dựng cơ bản của Bộ Tài chính khác với con số của Bộ Xây dựng là chuyện thường.

Số liệu về thị trường tài chính, tiền tệ rất quan trọng với mọi tổ chức tài chính nhưng Ngân hàng Nhà nước lại công bố số liệu như tung hỏa mù, lúc công bố đầu tháng, khi cuối tháng hoặc giữa tháng. Con số thì thay đổi xoành xoạch. Cùng một con số, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước công bố ở hội nghị khác với số thống kê đưa trên trang web, số đầu năm và cuối năm cũng khác nhau hoàn toàn. Điều quan trọng hơn là sự khác nhau đó không được giải thích rõ ràng.

Trong thời đại công nghệ nhưng việc hệ thống hóa dữ liệu công bố cho người ta truy cập, tìm kiếm và đánh giá rất yếu. Thông tin công bố được tổ chức quá lạc hậu, file thì dạng pdf, cái thì dạng word, cái thì excel, không có chú giải về sự khác biệt giữa các báo cáo và tiêu chí thống kê.

Còn rất nhiều chỉ số về kinh tế, các ngành, các khía cạnh khác còn thiếu vắng tại Việt Nam. Ngoài PMI hay PCI do các tổ chức tư nhân công bố, các chỉ số như chỉ số tiêu thụ điện năng, chỉ số về sự thay đổi của các ngành nghề cũng không có.

Vậy các doanh nghiệp, giới nghiên cứu, các tổ chức đã sử dụng hệ thống số liệu đó như thế nào? Ông Minh cho hay, “việc sử dụng chỉ mang tính chất minh họa, vì bí mà phải cho các số liệu đó vào chứ người cùng nghề hiểu với nhau rằng nó đôi khi không có nhiều ý nghĩa”.

“Có những số liệu buộc phải dùng nhưng song song đó chúng tôi tự cập nhật và điều chỉnh từ nhiều nguồn. Bên cạnh đó, chúng tôi đưa kèm số liệu của các tổ chức quốc tế khác. Nguồn chính là báo cáo của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng trích dẫn thêm nguồn của các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB, IFC, các công ty nước ngoài AC Nielsen, Bloomberg... Các tổ chức này cũng thu thập số liệu về Việt Nam từ cơ quan nhà nước nhưng họ thống kê, tổ chức lại khá bài bản”, ông Minh nói.

Tất nhiên, hệ thống dữ liệu không chuẩn xác nhiều năm qua đã ảnh hưởng đến chất lượng các nghiên cứu, báo cáo, nhận định và các quyết định của nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã dựa vào nguồn dữ liệu như vậy. Hầu hết mọi người từ sinh viên, giới nghiên cứu, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đều mong họ có quyền truy cập rộng rãi, công bằng và bình đẳng với mọi nguồn thống kê chính thức từ các bộ, ngành, cơ quan nhà nước vì người dân đều đóng thuế cho việc đó.

Không ai muốn sử dụng các nguồn văn bản, số liệu có đóng dấu “mật” mà nội dung lại không có gì mới hoặc các nguồn tài liệu không chính thức. Người dân mong hệ thống số liệu thống kê, báo cáo của bộ ngành được công bố theo đúng định kỳ để mọi người biết khi nào, ngày nào sẽ có số liệu đó. Thống kê có ý nghĩa rõ ràng, chú thích đầy đủ để người đọc không phải đoán, doanh nghiệp mới có thể chủ động kinh doanh tốt hơn, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng tiền tệ.

Một chuyên gia nghiên cứu kinh tế thuộc cơ quan Quốc hội cũng bày tỏ mong muốn, Luật Thống kê sửa đổi tới đây cần định danh được người công bố và chịu trách nhiệm về số liệu. Cũng có ý kiến cho rằng cơ quan thống kê cũng như kiểm toán, cần độc lập, được giám sát bởi các thiết chế xã hội. Đừng để tiếp tục những “câu chuyện ngụ ngôn” như nợ xấu của hệ thống ngân hàng và sau đó giải thích bằng cái gọi là “đặc thù Việt Nam”.

Các chuyên gia mong đợi việc chuẩn bị sửa đổi Luật Thống kê là cơ hội cải cách cái gốc của chính sách nghiên cứu kinh tế. Bởi nếu số liệu nhảy múa lung tung và không sát với thực tế thì những con số thống kê sẽ còn tiếp tay cho các chính sách “trên trời”.

Số liệu thống kê cần được giám sát

Trên thế giới từ trước đến nay có hai hệ thống thống kê kinh tế quốc dân, đó là hệ thống các bảng cân đối vật chất (Material Product System - MPS) và hệ thống các tài khoản quốc gia (System of National Accounts - SNA). Hệ thống MPS được các nước xã hội chủ nghĩa trước đây sử dụng và nay chỉ còn CHDCND Triều Tiên và Cuba vẫn còn áp dụng. Phần còn lại của thế giới áp dụng thống kê kinh tế theo hệ thống SNA.

Việt Nam cũng áp dụng hệ thống tài khoản quốc gia trên phạm vi cả nước từ năm 1993. Điều này có nghĩa chỉ tiêu tổng hợp của hệ thống MPS như thu nhập quốc dân được thay bằng chỉ tiêu tương ứng GDP. Trong khi thu nhập quốc dân được tiếp cận từ phía cung (tức là cộng tất cả sản lượng thuần túy của các ngành vào với nhau) thì chỉ tiêu GDP đưa ra bởi kinh tế gia J. M. Keynes được tiếp cận từ phía cầu và được hiểu là tổng cầu cuối cùng. Hiện nay cơ quan thống kê Việt Nam vẫn chưa có cơ cấu tổ chức thông tin để có thể tính toán một cách trực tiếp và độc lập GDP từ phía cầu cuối cùng.

Người sử dụng số liệu thống kê hiện nay thường bối rối vì số liệu trong các cuốn niên giám của các năm khác nhau không tương thích. Chưa hết, các cuốn niên giám này thường được bán, mà tại sao lại là bán, trong khi hàng năm, ngành thống kê vẫn dùng tiền ngân sách để điều tra, tính toán số liệu và nó cũng chính là tiền thuế của dân.

Chẳng hạn từ khoảng nửa đầu năm 2013 trở về trước, các công trình nghiên cứu rồi chính sách của Quốc hội, Chính phủ đều dựa trên các số liệu trong Niên giám thống kê 2011. Nhưng chúng đột ngột trở nên lạc hậu kể từ cuối năm 2013 khi cuốn Niên giám thống kê 2012 ra đời, vì GDP từ năm 2009 đột ngột được tính tăng lên. Đặc biệt nhóm ngành hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm mỗi năm được tính tăng lên đều đặn so với số cũ 309%. Giá trị sản xuất của hoạt động ngân hàng thường bao gồm doanh thu từ các dịch vụ trực tiếp, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng và phần chi thường xuyên của Ngân hàng Nhà nước, vậy ngành ngân hàng được tính tăng lên trên 309% như vậy là cho các hoạt động nào?

Từ năm 2009 đến nay, có những năm tín dụng được nới lỏng, có những năm thắt chặt và mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay cũng rất khác nhau, vì vậy mỗi năm tỷ lệ của các hoạt động chính hình thành nên giá trị sản xuất của ngân hàng cũng rất khác nhau. Phần giá trị sản xuất của ngành ngân hàng do hoạt động tín dụng phải được phân bổ lại trong các ngành khác của nền kinh tế và tổng GDP là không đổi trong trường hợp này.

Hiện nay việc áp dụng Luật Thống kê dường như là một chiều. Các cơ quan, đơn vị sản xuất phải có trách nhiệm báo cáo với cơ quan thống kê và chỉ cơ quan này được quyền “xào nấu” và công bố các số liệu tổng hợp về kinh tế xã hội. Vậy ai, cơ quan nào sẽ giám sát những số liệu này? Đã có không ít trường hợp dù biết là không chính xác nhưng vẫn phải dùng vì nó có tính pháp lý. Số liệu thống kê cần được sử dụng không chỉ để làm đẹp các báo cáo mà còn phải có ích trong việc phân tích, dự báo và đưa ra những chính sách mang lại lợi ích cho đất nước.

Tạ Tốn
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/111459/%E2%80%9CDac-thu%E2%80%9D-nhu-thong-ke-Viet-Nam.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét