Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Suy ngẫm từ... đôi đũa tre?!

(PetroTimes) - Các nhà hoạch định chính sách của ta hay thích bàn, thích nói đến những vấn đề lớn. Nhưng có lẽ đã đến lúc xin các bộ óc thông thái hãy nghĩ cách làm thế nào để cho người Việt Nam đang sống trên mảnh đất bạt ngàn tre nứa không phải đi nhập từng que tăm, từng đôi đũa.
Từ hàng chục năm trước, khi học lớp 6 (hệ 10 năm), chúng tôi đã được học thuộc lòng bài “Cây tre Việt Nam” của nhà báo Thép Mới. Và ngày ấy thân thuộc nhất, gần gũi nhất với chúng tôi có lẽ chính là đôi đũa tre, chiếc tăm xỉa răng bằng tre và... chiếc rút dép cao su bằng cật tre.

“Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau.
Cây nào cũng đẹp. Cây nào cũng quý.
Nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre, nứa.
Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc.
Tre ngút ngàn Điện Biên Phủ.


Lũy tre thân mật làng tôi.
Đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn.
Tre, nứa, trúc, mai, vầu... 

Mấy chục loại khác nhau, 
nhưng cùng một mầm non măng mọc thẳng.
Ở đâu tre cũng mọc. Ở đâu tre cũng sống.

Bóng tre vươn lên mộc mạc. 
Màu tre xanh tươi nhũn nhặn. 
Rồi tre lớn lên cứng cáp, dẻo dai. 
Trông tre thanh cao, giản dị, chí khí như Người...”.

Rồi khi đi bộ đội, có lẽ thứ duy nhất mà chúng tôi làm được là đôi đũa tre, vót thon hai đầu, dài đúng 30cm và chiếc rút dép. Sở dĩ đôi đũa dài đến như vậy là vì bộ đội khi ăn cơm phải dùng một đầu đũa và cơm vào miệng và một đầu để gắp thức ăn cho khỏi mất vệ sinh.

Thời gian trôi qua, kinh tế nước nhà thay đổi nhiều. Khái niệm “ăn no mặc ấm” không còn là mơ ước đối với khá đông người, mà thay vào đó là nhu cầu “ăn ngon, mặc đẹp”. Hàng hóa tràn ngập tưởng như đã có “khủng hoảng thừa” ở Việt Nam, khi mà vào dịp tết vừa rồi, người ta thấy có giò lụa nguyên cây, gà luộc nguyên con, bánh chưng nguyên lạt buộc... ném ngoài bãi rác. Rồi lại nghe những con số nức lòng người rằng, lần đầu tiên chúng ta xuất siêu những 100 triệu đôla... Và cứ tưởng ta khỏe lắm, nội lực thâm hậu lắm.
Nhưng có ai nghĩ rằng, một đất nước “đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn” bây giờ lại phải đi nhập mỗi năm cả chục ngàn tấn đũa tre, tăm tre từ Trung Quốc, từ Đài Loan. Và khi nhìn kỹ ra thêm thì mới thấy, hóa ra chúng ta chẳng tự mình làm ra được cái gì cả? Một nền công nghiệp... đạp chân (gia công quần áo); một nền công nghiệp “cắm cắm, nhét nhét” (lắp ráp thiết bị điện tử)... Thậm chí sợi chỉ, chiếc cúc, cho đến cây kim khâu cũng không làm được mà phải đi nhập... Nhưng thảm hại nhất và thực sự thấy nhục, đó là phải đi nhập từ đôi đũa ăn đến chiếc tăm xỉa răng. Tại sao lại có cái chuyện lạ đời như vậy? Chẳng lẽ người Việt Nam ta lại lười đến mức không làm nổi cái tăm, đôi đũa mà dùng hay sao?


Chẳng lẽ chiếc tăm, đôi đũa của nước ngoài lại được chế tạo bằng một loại “công nghệ” đặc biệt và có những “công năng” sử dụng vượt trội so với cái tăm của Việt Nam vẫn có từ xưa?

Và nếu suy rộng ra thì không chỉ chuyện cái tăm, đôi đũa, mà còn nhiều lĩnh vực khác.
Tại sao người Việt Nam không dám lao vào cái khó? Đó là đầu tư cho công nghệ nguồn, công nghệ chế tạo, mà lại thích lao vào công nghiệp chế biến, lắp ráp, gia công?

Chính vì thế mà Việt Nam đã trở thành một nước nhập khẩu nguyên liệu lớn nhất cho Trung Quốc với kim ngạch lên tới 23 tỉ USD/năm. Nếu như năm 2001, chúng ta nhập của Trung Quốc 210 triệu đôla thì đến năm 2013 đã là 23 tỉ. Như vậy là đã tăng tới 120 lần. Thượng vàng hạ cám, cái gì cũng từ Trung Quốc. Thế mới là nỗi buồn cho nền công nghiệp Việt. Nhân đây, cũng phải nói thêm là, năng suất lao động thủ công của người Việt Nam chỉ bằng một phần ba của người Trung Quốc, còn kỷ luật lao động của người Việt so với người Trung Quốc thì thua rất xa. Tại một số dự án do Trung Quốc thắng thầu ở Việt Nam, khi họ đưa lao động của họ sang thì ai cũng phải công nhận rằng: công nhân Trung Quốc chịu khổ giỏi hơn, làm việc chăm chỉ hơn và đặc biệt là ý thức kỷ luật tốt hơn. Tại những công trường dự án này, hầu như không có chuyện ăn trộm, ăn cắp, không có chuyện công nhân nhậu nhẹt say xỉn.
Trở lại chuyện cái tăm, đôi đũa.

Việc chúng ta không dám đầu tư công nghệ nguồn và chỉ thích nhập khẩu thể hiện ở mấy điểm sau:

Thứ nhất, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách thuế chưa thực sự khuyến khích việc đầu tư sản xuất. Chính sách thuế của ta nặng về tận thu. Chính vì vậy, giá thành một gói tăm, đôi đũa của Việt Nam cao hơn của Trung Quốc, Đài Loan.

Thứ hai, các doanh nhân Việt Nam thiếu tầm nhìn xa, không đủ dũng cảm, khi làm ăn nặng về “bóc ngắn cắn dài”, quen lối “làm ngay, ăn ngay”.

Và thứ ba, người Việt Nam vẫn thích xài hàng nhập khẩu, bởi một lẽ: khi nhập hàng về thì những người liên quan đến nhập hàng thường là có “màu”.

Chính vì cái sự thích nhập khẩu để có “màu” này mà Việt Nam đang trở thành một “bãi rác công nghệ” cho thế giới. Nào là những dự án sản xuất thép, nào là những dự án xi măng lò đứng, rồi gần đây nhất đó là thiết bị y tế second hand. Những loại máy móc cũ nát ấy về Việt Nam đã làm tiêu tốn năng lượng, giảm năng suất lao động. Còn những người có trách nhiệm thì họ đâu cần biết đến hậu quả về sau. Điều này là do tư duy nhiệm kỳ. Trong nhiệm kỳ, họ tranh thủ vơ vét được tí nào hay tí đấy, nên phải nhắm mắt làm bừa, hoặc nghe theo đám “quân sư quạt mo”. Điều họ quan tâm chỉ là khi ký cho dự án đấy, họ được bao nhiêu.

Một vấn đề nữa đã làm kìm hãm sự phát triển sản xuất của Việt Nam, không khuyến khích được những người dũng cảm đi vào cái khó trong sản xuất. Đó là cái tính hẹp hòi, đố kỵ của người Việt. Đặc tính này là: thấy ai nghèo thì khinh, thấy ai giàu, làm ăn khá hơn mình thì ghen ghét và tìm cách phá đám. Gần đây nhất, có một câu chuyện rất nực cười. Ấy là Hiệp hội Mía đường phản ứng trước việc Hoàng Anh Gia Lai tham gia nhập khẩu đường với giá rẻ. Nhưng hóa ra, ở các nhà máy đường của Hoàng Anh Gia Lai đặt ở Lào, năng suất cao gấp 3, 4 lần ở trong nước. Họ đầu tư trồng mía bằng công nghệ hiện đại, năng suất mía cao gấp 4 lần so với ở Việt Nam. Như vậy là giá của họ phải rẻ. Và thế là Hiệp hội Mía đường kêu gào. Đến lúc này mới thấy chính sách bảo hộ của chúng ta đã kìm hãm sản xuất, hay nói cách khác là khiến người ta lười nghĩ, không chịu đổi mới để có năng suất cao.

Đũa và tăm tre Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam

Bấy lâu nay, chúng ta cứ hô hào rằng ưu tiên cho sản xuất, rằng ưu tiên cho phát triển hàng thủ công... Nhưng cái sự ưu tiên của các chính sách Nhà nước nhiều khi rất mơ hồ, không cụ thể và có khi “trên bảo dưới không nghe”. Điều này hoàn toàn khác với những quốc gia láng giềng, họ đã có những biện pháp bắt buộc những cơ quan quản lý phải tạo điều kiện tối đa cho người nông dân được xuất khẩu hàng hóa của mình, đặc biệt là hàng nông sản thực phẩm.

Các nhà hoạch định chính sách của ta hay thích bàn, thích nói đến những vấn đề lớn. Nhưng có lẽ đã đến lúc xin các bộ óc thông thái hãy nghĩ cách làm thế nào để cho người Việt Nam đang sống trên mảnh đất bạt ngàn tre nứa không phải đi nhập từng que tăm, từng đôi đũa.

Cái nhỏ không làm được thì cũng khó mà nói làm được cái lớn.

Như Thổ
http://petrotimes.vn/news/vn/dam-luan-doi-thoai/suy-ngam-tu-doi-dua-tre.html

1 nhận xét:

  1. Bài này mắc phải mấy lỗi về lập luận hoặc bỏ sót mấy yếu tố quan trọng. Thứ nhất, như trên TBKTSG đã từng có một bài với tiêu đề "Tỷ giá và chiếc tăm tre", có nêu rõ rằng với tỷ giá hiện tại thì đương nhiên là nhâp khẩu tăm và đũa về vẫn có lợi hơn là tự sản xuất ra rồi bán ở VN. Thứ hai, không nhất thiết cái gì cũng phải tự mình làm ra thì mới là hay, là tốt hơn, kể cả những thứ nhỏ nhất như cái tăm, cây đũa. Vấn đề là kinh tế quy mô, là lợi thế so sánh, là chính sách công nghiệp của quốc gia. Chính sách thuế ở đây chẳng có liên quan gì vì rõ ràng nó được áp dụng trên diện rộng với nhiều mặt hàng khác. Tham nhũng, hối lộ cũng vậy, vì nó xảy ra trên diện rộng, như với nhiều mặt hang khác, chứ không chỉ riêng tăm tre, đôi đũa v.v...

    Nói chung bài này cũng là sản phẩm của các tay viết cực kỳ amateur về kinh tế mà tôi vừa comment ở entry trước của bác. Thành thực mà nói thì tôi rất ngán/sợ đọc các bài viết loại này, chỉ gây nhiễu cho xã hội chứ chẳng có tác dụng gì. Sorry đã khuấy đục blog của bác nhé!!!

    Trả lờiXóa