Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Trả lời bạn đọc: Chúng ta đang đình đốn, chạm đáy ?

Trả lời bạn đọc: Chúng ta đang đình đốn, chạm đáy ?
Hôm qua, 27 tháng 02 năm 2014, khi đọc bài "Bất động sản: Thây ma biết đi và tầng cuối địa ngục" của TS Phạm Chí Dũng (PCD), bạn Hoang Pham có hỏi tôi: "Anh Mai có nhận xét gì không ạ . Em thấy ông PCD chuyên phản biện và nhiều khi hơi thậm xưng. Nhưng đúng là có thể cảm nhận nền kinh tế khó khăn và nếu không có gì đột biến thì rất dễ rơi vào đình đốn. Không hiểu quan điểm như vậy có trái với nhận định nền kinh tế đã chạm đáy của anh không?". Xin trả lời bạn thành một bài riêng này như sau:

Băn khoăn ở ngã tư đường... 
Chào bạn Hoang Pham
1.
Chuyện "ông PCD chuyên phản biện và nhiều khi hơi thậm xưng" là bình thường. Đấy là nhiệm vụ của các nhà kinh tế, nhà chuyên môn. Họ không có nhiệm vụ khen ngợi chính sách của nhà nước vì chính sách đúng thì cứ thế mà làm, có báo chí và dân chúng khen rồi, họ nói làm gì nữa. Nhiệm vụ của họ là phản biện, tìm, phát hiện ra những chỗ sai trong cơ chế chính sách hay dự báo tương lai tốt, xấu... để giúp chính phủ chỉnh sửa, xây dựng mới các chính sách làm sao cho nền kinh tế và xã hội phát triển tốt hơn.


2. Xã hội rất cần những phản biện như TS Dũng đang làm. Vì mỗi nhà kinh tế có quan điểm phát triển khác nhau, dựa vào các nguồn thông tin khác nhau... nên sẽ có các phản biện khác nhau. Tôi đánh giá rất cao những phản biện của TS Dũng vì nó có tác dụng cảnh báo mạnh, nhất là vì TS thường đẩy vấn đề đến mức nguy kịch, làm cho mỗi cán bộ làm chính sách cho chính phủ đều phải chú ý xem xét, phân tích, không thể bỏ qua. Ngoài ra, TS Dũng dám nói những điều tuyệt đại đa số các nhà kinh tế, các quan chức... không dám nói (dù biết), kể cả trong các cuộc họp bàn chính sách ở cơ quan chính phủ lẫn phát biểu trên báo chí. Ví dụ trong bài này TS nói về những thế lực ngầm, có sự tiếp tay của quan chức chính phủ và các nhà báo, đang lũng đoạn thị trường BĐS hay thị trường CK. Có nói ra, có bàn bạc rộng rãi, có ý kiến đa chiều thì mới hiểu rõ vấn đề và có giải pháp tốt nhất để khắc phục.

3. Tuy nhiên, theo nhận định chủ quan của tôi, vì TS Dũng chỉ dựa trên thông tin báo chí và qua các quan sát cụ thể của bản thân, không có thông tin, số liệu tổng hợp hay chi tiết từ các cơ quan chính phủ, nên thường nhìn mọi chuyện hơi cực đoan, đen tối, ít chú ý tới những điểm sáng, tích cực, đôi khi để tình cảm lấn át sự thật khách quan, tưởng như hệ thống ngân hàng, BĐS, DNNN, thị trường CK và nền kinh tế sẽ sụp đổi đến nơi. Người làm chính sách kinh tế cần giữ cái đầu lạnh, nghĩ và tính toán thật kỹ trước khi quyết định khuyến nghị chính sách vì biết rằng mỗi chính sách do mình đề xuất hay bỏ phiếu ủng hộ và chính phủ đem ra áp dụng sẽ ảnh hưởng tới số phận của hàng triệu dân nghèo.

4. Nền kinh tế đúng là đã và đang rất khó khăn, đang đình đốn, hiếm khi rơi vào trường hợp như vậy kể từ khi bắt đầu đổi mới tới nay. Nếu cứ tiếp tục thế này thì đất nước phá sản chứ chẳng phải chuyện đùa (phá sản là không có tiền trả nợ nước ngoài, không có tiền trả lương cho người lao động; coi như đất nước vỡ nợ). Dĩ nhiên, lỗi là do điều hành của chính phủ, nhất là do người đứng đầu chính phủ, chứ không bao giờ được đổ lỗi cho dân, cho DN.


Tuy nhiên nếu chỉ căn cứ vào tình trạng "rất khó khăn, đang đình đốn" để dự báo theo xu thế là nền kinh tế sẽ "sụp đổi đến nơi" thì không phải. Bất cứ thời điểm nào, nếu chính phủ nhận ra, biết cách khắc phục (nếu điều kiện khắc phục vẫn còn, và hầu như bao giờ cũng còn, cùng lắm là khẩn cấp xin quốc tế hỗ trợ) thì đều có thể ngăn chặn xu hướng khủng hoảng, ổn định lại tình hình và từng bước đi lên.

5. Nhân đây tôi cũng lưu ý là một số nhà lãnh đạo hay đổ lỗi cho dân, cho rằng dân trí thấp, có tâm lý ỷ lại chính phủ... nên không triển khai được những thuận lợi do chính sách của chính phủ mang lại, làm cho nền kinh tế, xã hội không phát triển. Tôi hết sức phản đối quan điểm này. Theo tôi, trong bất kỳ trường hợp nào cũng là lỗi của chính phủ. Dân bầu ra chính phủ để chính phủ hướng dẫn họ làm. Dân chỉ biết làm theo, nghe theo chính phủ. Chính phủ đặt ra môi trường thể chế thế nào, chính sách gì thì dân đều phải chấp hành và hoạt động kinh doanh trong điều kiện đó. Nếu chính phủ
đặt ra môi trường thể chế tốt, chính sách tốt và hướng dẫn tốt cho người dân, thì chắc chắn mọi chuyện sẽ tốt. Dân trí càng kém thì càng cần một chính phủ anh minh và vì dân. Nếu dân trí cao hơn và họ thấy chính phủ điều hành không ra gì thì họ sẽ phế truất chính phủ.


Nếu dân trí cao hơn nữa thì dân sẽ tự làm chính sách mà không cần đến chính phủ. Ví dụ tôi đang tạm thời sống ở Thụy Sĩ, nơi có dân trí rất cao, thông tin rất cởi mở. Dân (thông qua các đảng phái, tổ chức xã hội hay bản thân thông qua khuyến nghị hay lá phiếu của mình) đề xuất rất nhiều chính sách, luật pháp. Quốc hội họp bàn thông qua, hoặc nếu cần thì tổ chức trưng cầu dân ý. Có thể nói đa số các việc chính phủ ở đây, từ cấp làng xã tới quốc gia, đều được quyết định thông qua hỏi ý kiến dân, tức là có thùng phiếu đặt ở trụ sở cơ quan nhà nước để dân đến bỏ phiếu đồng ý hay không đồng ý. Cứ trên 50% số phiếu đồng ý thì làm, dưới thì bỏ. Gần đây nhất là sự kiện 50,3% dân Thụy Sĩ bỏ phiếu đồng ý áp dụng chính sách nhằm hạn chế tình trạng nhập cư ồ ạt. Trước đó tất cả các thành viên chính phủ đều không tán thành quan điểm này, thậm chí đều đi vận động để dân không ủng hộ. Nhưng với kết quả chỉ hơn 0,3% so với mức 50%, giờ thì họ phải thực hiện theo ý chỉ của dân. Và vì tin chắc họ sẽ toàn tâm toàn ý làm theo ý dân nên dân cũng không cần phế truất họ sau cuộc bỏ phiếu làm mất mặt chính phủ vừa qua.

Vì mọi chuyện đều xin ý kiến dân nên chính phủ cũng không phải mất nhiều thì giờ bàn bạc công chuyện. Chi tiêu thì cứ theo luật ngân sách mà làm. Quản lý cung - cầu tiền tệ thì theo luật ngân hàng... Bộ máy chính phủ trở nên cực kỳ tinh gọn. Chính phủ chỉ có 7 bộ trưởng, trong đó mỗi năm chọn ra 1 người làm tổng thống. Nhiệm vụ của chính phủ cũng rất ít, chủ yếu là an ninh, quốc phòng, ngoại giao chứ không bù đầu làm kinh tế và phát triển xã hội như chính phủ ta. Ở Thụy Sĩ, luật pháp do Quốc hội ban hành có rồi, các doanh nghiệp cứ thế mà hoạt động kinh doanh, chẳng ai quan tâm tới chính phủ đang làm gì.

Rảnh việc trong nước nên quan chức chính phủ Thụy Sĩ làm ngoại giao quốc tế rất nhiều, tham gia làm trung gian hòa giải cho vô số cuộc tranh chấp quốc tế về chính trị, quân sự, ngoại giao, nhân quyền... chẳng liên quan gì tới Thụy Sĩ cả. Họ cũng làm trung gian cho vô số cuộc buôn bán dầu mỏ, vũ khí hay vay và trả nợ tiền ngân hàng quốc tế. Nghe nói có tới 80-90% các cuộc mua bán dầu mỏ hay vũ khí của thế giới được đàm phán và ký kết ở Thụy Sĩ; dĩ nhiên có quan chức chính phủ Thụy Sĩ tham gia và lấy tiền hoa hồng hay tiền thuế về cho nhân dân Thụy Sĩ.

6. Trở lại chuyện kinh tế Việt Nam. Khi nói đến nền kinh tế khó khăn thì phải hiểu là có nhiều mức độ. Nếu nền kinh tế đang rơi tự do thì đó là khủng hoảng kinh tế, tức là đang hỗn loạn chẳng biết sẽ tiếp tục thế nào. Nếu hết rơi tự do, tức là tới đáy, thì 
hỗn loạn cơ bản giảm, nhưng cũng chưa biết sẽ phục hồi, đi lên, hay sẽ đình đốn, trì trệ kéo dài.

Khi nền kinh tế đang khủng hoảng hay đã tụt xuống đáy mà hy vọng có đột biến thì khó lắm, vì hệ thống kinh tế quá khổng lồ, sức ỳ và quán tính lớn, không dễ gì đột nhiên tốt ngay lên.

Cái có thể đột biến chính là chính sách của Nhà nước. Đây là cái chủ quan, nằm trong tầm tay. Khi chính sách thay đổi đột biến, ví dụ cho phép tư nhân hóa đất đai hay minh bạch hóa, công khai hóa toàn bộ hồ sơ tham nhũng của những quan chức cấp rất cao và đem ra xử bắn một lô, thì tức khắc xã hội sẽ có thay đổi. Từ đột biến chính sách, qua 1-2 năm sẽ có thay đổi về kinh tế.

7. Theo nhận thức của tôi, hiện nay nền kinh tế đang ở đáy, đang đình đốn và chưa ổn định, đặc biệt chưa thấy tương lai vì chưa thấy những đột biến chính sách. Tuy nhiên tôi rất lo ngại nếu chúng ta chỉ nhăm nhăm tạo đột biến bằng chính sách ngắn hạn như đã làm trước đây, nhất là tập trung vào các chính sách tài chính, tiền tệ (tăng bội chi ngân sách hay tăng cung tiền tệ, tín dụng) thì vô cùng nguy hiểm. Hiện nay những chính sách ngắn hạn này đang ở ngưỡng giới hạn, mở rộng tiếp sẽ đẩy nền kinh tế xuống đáy sâu hơn.

Đột biến mà tôi mong đợi chính là ở các chính sách trung và dài hạn.

8. Thế nào là các chính sách ngắn, trung và dài hạn ?


Các chính sách ngắn hạn gồm các chính sách điều chỉnh mức độ của cầu thông qua tiền tệ: Chính sách ngân sách, chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá, chính sách thu nhập (tăng, giảm)...;

Chính sách kết hợp ngắn và trung hạn là
 chính sách điều chỉnh mức độ của cầu thông qua cơ cấu cầu, có nghĩa là xây dựng các giải pháp điều chỉnh cơ cấu cầu xã hội như điều chỉnh khuynh hướng tiêu dùng, điều chỉnh cơ cấu thu nhập giữa các tầng lớp dân cư...;

Các chính sách trung hạn: Chính sách tác động làm tăng cung tập trung vào việc tháo gỡ các khó khăn về thể chế, luật pháp... làm sao để tăng khả năng của bộ máy sản xuất, gồm tăng năng lực của cơ sở sản xuất hiện có và xây dựng các cơ sở sản xuất mới trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ).

Các chính sách dài hạn tập trung vào kiểm soát và nâng cao chất lượng dân số và nguồn lao động, tạo công ăn việc làm, 
xoá đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn, xây dựng một thể chế chính trị - xã hội lành mạnh và ổn định, dân chủ hóa xã hội, minh bạch hóa thông tin, phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ...

9. Để biết quan điểm của tôi về tình hình hiện nay của nền kinh tế, mời bạn đọc bài viết của tôi trên tạp chí Nghiên cứu kinh tế số tháng 2.2014, trong đó có đoạn:

9.1) Đánh giá toàn cảnh kinh tế vĩ mô năm 2013:

Nhìn bức tranh tổng thể kinh tế vĩ mô năm 2013 nêu trên (xem trong tạp chí), có thể khẳng định nền kinh tế nước ta đã có những tiến bộ nhất định và quan trọng hơn, đang đi đúng hướng. Đối với một nền kinh tế mới thoát khỏi ngưỡng nước nghèo chưa lâu, trong điều kiện cơ cấu kinh tế vĩ mô mất cân đối nghiêm trọng kéo dài và môi trường quốc tế không thuận, đạt được những thành tựu vĩ mô nêu trên là rất đáng khích lệ.

Điểm sáng lớn nhất là các cân đối vĩ mô đã bước đầu chuyển dịch về các “tọa độ” cân bằng trung hạn, tới đây có thể sẽ bền vững và hiệu quả. Thực vậy, đối với mỗi nền kinh tế đều có một tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng (trung, dài hạn) đi kèm với những cân đối vĩ mô tương ứng. Điều này cũng giống như một tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng phải đi kèm với một tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên hay một tỷ lệ lạm phát tự nhiên vậy.

Nếu đưa tất cả vào một mô hình tính toán cân đối, chúng ta hoàn toàn có thể xác định được đi kèm với một tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng cân bằng trung hoặc dài hạn, ví dụ 7% như ở nước ta trong giai đoạn trước và 5,5-6% trong giai đoạn hiện nay (bằng tốc độ tăng trưởng trung bình của 6 năm 2008-2013), thì những chỉ tiêu cơ bản liên quan như đầu tư, lao động, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, ngân sách, lạm phát... cần tương ứng là bao nhiêu. Đây chính là bộ các “tọa độ” cân bằng (trung, dài hạn), hay trục, quỹ đạo tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Nếu nền kinh tế đang phát triển chệch (tăng trưởng nóng hoặc lạnh) với quỹ đạo tăng trưởng tiềm năng, thông qua các điều chỉnh chính sách, chúng ta có thể đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo phát triển tiềm năng. Quá trình này gọi là bước hay quá trình điều chỉnh kinh tế; thời gian cần thiết để quay trở lại được gọi là thời gian hay tốc độ điều chỉnh kinh tế. Trong giai đoạn trung hạn 2008-2013, nền kinh tế đã tăng trưởng quá nóng vào năm 2010 gây ra những bất ổn rất nghiêm trọng, cần đến 3 năm (2011-2013) để trở về quỹ đạo cân bằng, nhưng chưa bền vững và chưa thật hiệu quả (ví dụ năm 2012 đã hạ cánh quá nhanh, thắt chặt tài chính tiền tệ quá mạnh, tỷ lệ lạm phát giảm đột ngột...); có lẽ còn cần ít nhất 2 năm nữa cân bằng vĩ mô mới trở nên thực sự bền vững và phát huy hiệu quả, tạo điều kiện để nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Nghiêm túc mà nói, đối với nền kinh tế nước ta, đã qua rồi giai đoạn tăng trưởng dễ dàng. Nếu không có những đổi mới mạnh mẽ, kiên quyết thì tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng không thể cao bằng giai đoạn trước. Khác với những năm đầu đổi mới – mở cửa, khi đó nhu cầu của dân cư sau thời kỳ chiến tranh thắt lưng buộc bụng và bao cấp khắc khổ đã tăng lên rất nhanh đồng thời tốc độ tăng trưởng dân số cũng rất cao, cần một tốc độ tăng trưởng lên tới 7-7,5%/năm để thỏa mãn. Ngày nay, đời sống nhân dân đã thay đổi rõ rệt so với trước trong khi tốc độ tăng trưởng dân số cũng đã chậm lại rất đáng kể (chỉ còn 1%) nên sức ép phải tăng trưởng nhanh thực sự không quá lớn. Vấn đề quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng và chính sách điều tiết, phân chia thu nhập hợp lý; đặc biệt cần kiên quyết chống tham nhũng để những thành tựu về tăng trưởng đến tay người lao động, người nghèo chứ không chỉ lọt vào tay người giầu. Trong bối cảnh hiện nay, một tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5-6% là hoàn toàn phù hợp; tương ứng với nó là tỷ lệ đầu tư trên GDP cũng không nên quá 30%, thu ngân sách không nên vượt quá 23% GDP; tỷ lệ lạm phát không nên quá 6-7%... Vì thế mới nói đối chiếu những chỉ tiêu, “tọa độ” này với bức tranh tổng thể kinh tế vĩ mô năm 2013 nêu trên, có thể tin rằng nền kinh tế đã đi tới đáy và đang lập được trạng thái cân bằng, ổn định, dù chưa bền vững.

Khái quát lại, trong năm 2013, nền kinh tế nước ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng hợp lý; cơ cấu kinh tế và các cân đối vĩ mô chuyển dịch theo hướng tích cực. Tăng trưởng vẫn phụ thuộc các các nhân tố tăng trưởng của những năm trước là đầu tư, lao động, xuất khẩu và tiêu dùng; tuy nhiên vai trò của chúng đang được điều chỉnh. Trong khi vai trò của đầu tư giảm mạnh, vai trò của hoạt động xuất nhập khẩu ổn định thì vai trò của lao động, đặc biệt của năng suất lao động, đã tăng lên rất nhanh. Tiêu dùng đang nổi lên, thay cho vốn đầu tư, trở thành nhân tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng, trong đó tiêu dùng chính phủ đang giữ vị trí rất quan trọng. Điều này phản ánh tác động của các nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng (vốn, lao động) đã chậm lại, trong khi tác động của các nhân tố theo chiều sâu (hiệu quả đồng vốn, năng suất lao động) và thị trường (tiêu dùng) tăng nhanh. Các hoạt động tài chính, ngân hàng, thương mại, giá cả đều phát triển ổn định hơn và trong phạm vi hợp lý.

Tuy nhiên, nhiều khó khăn thách thức vẫn tồn tại, có mặt trở lên gay gắt hơn. Cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát nhưng chưa vững chắc. Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi 5% vẫn quá cao. Nợ xấu cao, rủi ro lớn. Thực hiện lộ trình giá thị trường đối với nhiều hàng hóa và dịch vụ thiết yếu chậm. Hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa thực sự an toàn. Thị trường bất động sản trầm lắng; nguy cơ khủng hoảng vẫn rất lớn. Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; hệ số ICOR cao. Các chương trình tái cơ cấu được thực hiện quá chậm. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chậm lại, giá thành quá cao... có nguy cơ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Chênh lệch giầu nghèo, bất công đã trở lên quá lớn gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Bao trùm lên tất cả và là nguy cơ chính gây mất ổn định kinh tế trong thời gian tới là tốc độ cải cách kinh tế, cải cách thể chế, cải cách hành chính đều quá chậm. Quy trình xây dựng, chất lượng và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách rất yếu. Kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm; tác dụng của công tác giám sát, thanh tra rất hạn chế. Chất lượng giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, có mặt giảm sút. Tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn diễn ra khắp nơi nhưng không có giải pháp căn cơ xử lý.

9.2) Nhìn về tương lai: Muốn gì và cần làm gì trong năm 2014

Bối cảnh phát triển kinh tế năm 2014 có những mặt thuận nhưng cũng có nhiều mặt không thuận. Kinh tế thế giới phục hồi chắc chắn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nước ta. Tuy nhiên, như dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ tăng lên nhưng không mạnh. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tăng trưởng kinh tế thế giới đã đạt 3% năm 2013 và sẽ tăng lên 3,4-3,6% năm 2014. Đáng nể nhất là những nền kinh tế công nghiệp đã có bước phục hồi khá vững chắc (như Mỹ tăng trưởng tới 3% trong năm tới); trong khi đó những nền kinh tế mới nổi và có thời tăng trưởng rất nhanh lại phục hồi chậm chạp.

Nhờ kinh tế phục hồi, tới đây các nước công nghiệp sẽ đồng loạt cắt giảm chương trình kích cầu. Lãi suất ở Mỹ và châu Âu sẽ tăng; nguồn vốn từ các nước đó chạy vào Việt Nam và các nước đang phát triển khác sẽ chậm lại vì chúng sẽ lưu lại ở Mỹ và các nước công nghiệp phát triển do lãi suất ở đó cao. Điều này sẽ ảnh hưởng tới thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta, và do đó sẽ ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng trung hạn và dài hạn.

Ở tầm trung và dài hạn, có thể thấy rõ kinh tế toàn cầu nói chung và của các nước đang phát triển châu Á nói riêng sẽ khó có thể lập lại những tốc độ tăng trưởng thần kỳ đạt được trong nửa sau thế kỷ 20. Kinh tế Mỹ đã từ hơn chục năm nay chỉ tăng trưởng khoảng 1-3%, giảm mạnh so với 4-5% trong nhiều năm trước đó. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước khối EU cũng giảm mạnh tương ứng. Kinh tế Trung Quốc dự kiến chỉ tăng trưởng khoảng 6,5-7%/năm so với liên tục 10%/năm trong suốt 30 năm gần đây.

Trong bối cảnh thế giới như vậy, nếu như Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng khoảng 5,5-6% trong những năm tới thì đã là điều rất đáng mừng.

Trong năm 2014 và 1-2 năm tiếp theo, chúng ta cần kiên trì mục tiêu tăng trưởng GDP chỉ khoảng 5,5-6%, tập trung sức nâng cao chất lượng tăng trưởng, xây dựng thể chế kinh tế thị trường phù hợp với trình độ phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền sản xuất, xử lý tốt thị trường bất động sản, làm sạch tình trạng nợ xấu, ổn định tỷ lệ thu và giảm nhanh tỷ lệ bội chi ngân sách, đảm bảo cân bằng ngoại thương, giữ vững được những cân đối vĩ mô đã đạt được năm 2013 như mô tả ở trên, kiên quyết chống tham nhũng, cải cách mạnh mẽ bộ máy nhà nước theo hướng tận tâm phục vụ dân... thì hoàn toàn có thể năng cao hơn nữa tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn để từ sau những năm 2017-2020 có thể đưa được tốc độ tăng trưởng kinh tế về 7,5%/năm như đã có trong suốt 20 năm đầu đổi mới (1989-2009).

Hai vấn đề then chốt để tăng trưởng nhanh, vững chắc và thoát được ra khỏi cái bẫy thu nhập trung bình là kiên trì xây dựng một “thể chế kinh tế thị trường phù hợp” và lấy “chất lượng tăng trưởng” làm mục tiêu tối thượng, Nguyên tắc tối cần thiết đặt ra trong suốt năm 2014 là: Kiên định không chạy theo tăng trưởng nhanh; lấy ổn định vĩ mô và phát triển hài hòa (kinh tế, xã hội, môi trường) làm đại cục để thay đổi hoàn toàn cục diện "tăng trưởng nhanh - khủng hoảng lớn" luân phiên kéo dài hàng chục năm qua. Nói ít, làm nhiều; cái gì có lợi cho dân, cho nước thì nhất định làm; cái gì hại nhất thiết phải bỏ. Lãnh đạo phải luôn luôn khảm một câu trong đầu: “Kiên trì, không vội. Kiên trì, chính là thắng lợi!”.

10. Có thời gian thì xem thêm các bài viết cũ của tôi:

(2) Quy trình kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân
(1) Quy trình kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân
Xem bài viết mới của tôi ở đây: http://toithichdoc.blogspot.ch/2014/01/kinh-te-vi-mo-khai-quat-2013-va-inh.html
Xem bình luận của tôi và TS Phan Minh Ngọc trong bài: Ổn định vĩ mô – cái gì, tại sao và thế nào?

4 nhận xét:

  1. Cảm ơn anh Mai về bài trả lời rất chi tiết. Thực ra em cũng cơ bản đồng ý với các ý kiến phản biện hiện nay. Nền kinh tế này mà các chuyên gia vẫn hô hào thì chỉ là chuyên gia bồi bút. Tuy nhiên, như anh nói, các bài phản biện của TS. PCD thường ko có số liệu và viết liên tục trên các trang "lề trái" nên tạo cảm giác thiên kiến.
    Hiện em đang có ý định có một nghiên cứu nhỏ, cơ bản về các lĩnh vực tạm coi là Việt Nam có lợi thế cạnh tranh để có thể phát triển. Rất mong lúc nào đó được anh Mai góp ý giúp. Cảm ơn anh

    Trả lờiXóa
  2. Lại được đọc một bài viết rất suất sắc của anh. Cám ơn giáo sư bình dân LTM

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết quá chuẩn

    Trả lờiXóa
  4. Tôi có nhận xét về giới chuyên gia VN, kể cả đồng chí TS Dũng, là rất nhiều, nếu không nói là đa số, là amateur về kinh tế, nói theo cảm tính là nhiều. Tôi vẫn nhớ đồng chí Dũng, hình như trước đây hay viết bài có bút danh là Viết Lê Quân thì phải (?) hô hào hạ lãi suất giữa lúc lạm phát đang cao chất ngất, với lập luận lãi suất cao làm lạm phát cao, rồi lãi suất cao làm triệt tiêu tính cạnh tranh của doanh nghiệp VN v.v... Từng đó thôi là đủ để biết đồng chí Dũng và những người như thế (ví dụ Bùi Kiến Thành) có hiểu biết thực sự và sâu sắc các nguyên lý, lý thuyết kinh tế học hay không. Đương nhiên tôi không có ý nói là họ chẳng biết gì, chẳng làm được gì, nhưng ít ra thì họ không thể là những economist đúng nghĩa được.

    Trả lờiXóa