Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Phản hồi bài báo của ông Huỳnh Thế Du

Đại diện Cục Thống kê viết câu này hơi phản cảm: "chúng tôi rất mong người dùng tin cần tìm hiểu kỹ càng hơn về các thông tin mình chưa rõ trước khi bình luận trên các phương tiện thông tin đại chúng". Thực ra với cách không phổ biến phương pháp xây dựng các chỉ tiêu thống kê hiện nay, người dùng tin muốn hiểu kỹ càng các thông tin rất khó vì chỉ có cách gặp, hỏi trực tiếp các nhân viên của Cục, nhưng họ làm sao có thời gian để trả lời từng người ? Xem bài gốc của TS Du ở đây: Lại TS Du viết lăng nhăng kiếm tiền: Ôi số liệu!
Phản hồi bài báo của ông Huỳnh Thế Du
Trần Thị Triêu Nhật, Trưởng phòng Tổng hợp, Cục Thống kê TPHCM
Sau khi đọc bài báo “Ôi số liệu!” của tác giả Huỳnh Thế Du đăng trên Thời báo Kinh tế Sài gòn Online, và là một trong hai cơ quan mà bài báo nhắc đến là nguồn dẫn số liệu, Cục Thống kê TPHCM xin có một số ý kiến với tác giả như sau:
Thứ nhất, về số liệu dẫn trong bảng 1, tuy lấy từ nguồn thống kê nhưng lại không lấy cùng phạm vi. Cụ thể số liệu GDP năm 2012 ông lấy số cả nước theo phạm vi đã điều chỉnh nhưng thành phố theo phạm vi cũ, nên tỷ phần GDP của thành phố so cả nước có sự sụt giảm.

Do năm 2012 cả nước tiến hành tổng điều tra cơ sở kinh tế - hành chính sự nghiệp (là cuộc điều tra toàn bộ, 5 năm thực hiện một lần), đồng thời hệ thống số liệu chuyển đổi từ phân ngành kinh tế VSIC 1993 sang VSIC 2007, và từ năm gốc 1994 sang năm gốc 2010, số liệu được điều chỉnh cho năm 2012 và một số năm trước đó.

Cần nói thêm số liệu hàng năm được tính toán trên cơ sở các cuộc điều tra chọn mẫu và chế độ báo cáo định kỳ được quy định cho một số đối tượng, có thể có những phạm vi cần điều chỉnh khi có tổng điều tra.

Vì vậy, ông Du cần sử dụng số liệu GDP mới nhất trong Niên giám Thống kê 2012 của thành phố và cả nước (phát hành tháng 6-2013). Sự thay đổi tỷ phần GDP thành phố so với cả nước qua các năm là do sự thay đổi cơ cấu và tốc độ phát triển các ngành kinh tế giữa thành phố và cả nước khác nhau, các hệ số áp dụng tính toán khác nhau… nếu như tỷ phần này có quay lại bằng một năm nào đó thì cũng bình thường. Khi tính tỷ phần thông thường dùng số liệu theo giá hiện hành do giá so sánh chịu ảnh hưởng chỉ số giá của nhiều ngành với quyền số khác nhau giữa các tỉnh, thành phố và cả nước nên không thể hiện đúng tỷ trọng quy mô.

Về số liệu tác giả dẫn trong bảng 2, GDP cả nước và thành phố năm 2012 và 2013 không còn công bố theo giá năm gốc 1994, không biết ông đã tính toán như thế nào để có số liệu GDP giá 1994 của cả nước và thành phố. Con số này được tính toán rất chi tiết cho từng ngành rồi tổng hợp lên chứ không tính trên tổng số với một chỉ số giảm phát chung được.

Tóm lại nếu muốn có tỷ phần GDP của thành phố so cả nước năm 2013 ông hãy dùng con số 21,3% là đúng nhất (sơ bộ đến thời điểm này, khoảng quí 3-2014 sẽ có số liệu tính toán chính thức năm 2013 sau khi có kết quả các cuộc điều tra).

Thứ hai, về chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, với sự giải thích về số liệu như trên, nên GDP bình quân đầu người cũng có điều chỉnh, GDP bình quân đầu người theo đô la Mỹ của năm được tính từ GDP theo giá hiện hành, dân số trung bình và tỷ giá đô la Mỹ bình quân của năm đó. Số liệu GDP bình quân đầu người của thành phố theo giá thực tế (đồng Việt Nam) năm 2013 tăng 50,7% so với năm 2010, theo đô la Mỹ tăng 41,2%.

Thứ ba, về sự tăng giá ông viết trong bài báo tuy không nêu từ nguồn số liệu thống kê nhưng cũng xin có vài ý kiến. Theo rổ hàng khảo sát giá để thu thập, tính toán và công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng, năm, thì “bát phở” không thuộc nhóm hàng lương thực thực phẩm, mà thuộc nhóm hàng dịch vụ ăn uống. Phần đóng góp của sự tăng giá bát phở vào biến động giá của nhóm hàng còn tùy thuộc vào mức độ tiêu dùng bát phở (vì không phải tất cả mọi người đều ăn phở mỗi ngày), ở đây chính là quyền số tính chỉ số giá. Càng không thể từ đó nói về nguyên nhân của xu hướng tiêu dùng hàng ngoại đang tăng lên – theo đánh giá của ông. Theo chúng tôi, xu hướng tiêu dùng hàng nội đang tăng lên do chất lượng đã được cải thiện rất nhiều và giá cả phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân trong nước như hàng may mặc, sữa, bánh kẹo…

Giúp người dùng tin hiểu được nội dung, phương pháp, nguồn số liệu tính toán là một phần trách nhiệm của cơ quan sản xuất thông tin, tuy nhiên chúng tôi rất mong người dùng tin cần tìm hiểu kỹ càng hơn về các thông tin mình chưa rõ trước khi bình luận trên các phương tiện thông tin đại chúng.

http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/bandocviet/111672/Phan-hoi-bai-bao-cua-ong-Huynh-The-Du.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét