Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Lãnh đạo Cuba 'ăn đứt' Việt Nam

Lãnh đạo Cuba 'ăn đứt' Việt Nam

Bài và hình: Misha Ðoàn
VARADERO, Cuba - Những khi đi dạo trên phố cổ La Habana, tôi có cảm giác như được xem đoạn phim đen trắng quay chậm, đưa mình về thế giới xa xưa của gần cả thế kỷ trước. Kiến trúc Cuba mang phong cách Châu Âu với những tòa nhà cổ đặc trưng trường phái Tây Ban Nha thuộc địa xen lẫn với những tòa nhà đúc bê tông vuông vức hình khối mang đậm dấu ấn thời Liên Xô. Rồi những chiếc xe hơi cũ kỹ, những cửa hàng “mậu dịch quốc doanh” trống trơn, những hàng người xếp hàng mua thịt ở những “chợ nông trường...” làm tôi liên tưởng đến thời “bao cấp” xa xưa ở Việt Nam hay giai đoạn “trì trệ” trước Perestroika (tái kiến trúc) ở Liên Xô cuối những năm 80 của thế kỷ trước.
Người dân bắt đầu làm quen với trung tâm thương mại.
Quá khứ không phải lúc nào cũng đẹp nhưng người ta luôn nhớ đến, bởi nó đã xa, không bao giờ trở lại. Thật lòng, bên cạnh sự ngưỡng mộ đức tính của người Cuba, tôi thương cảm và xót xa cho họ. 

Những người ngoại quốc đến Cuba thường thích thú khi thấy những chiếc xe từ thập niên 50 trở về trước vẫn chạy bon bon ngoài đường. Tất nhiên không phải dân Cuba ưa chuộng xe cổ mà là vì họ không còn chọn lựa nào khác. Xe hơi đối với người dân Cuba là một gia tài khổng lồ. Mà không phải cứ có tiền là có xe hơi bởi việc mua xe hơi là cả một vấn đề phức tạp. Phụ tùng xe hơi cũng rất hiếm, nhất là vỏ xe - điều mà tôi không thể nào hiểu nổi. Khi đi thuê xe - khoảng gần $150/ngày, loại compact, bảo hiểm mọi thứ, trừ... vỏ xe. Nghĩa là, nếu vỏ xe bị hư thì bạn phải tự bỏ tiền túi ra sửa, để đền.

Tôi đã ngạc nhiên khi thấy dòng người chủ yếu là giới trẻ xếp hàng dài dưới trời nắng chang chang để mua “card internet” rồi sau đó xếp hàng tiếp để vào phòng sử dụng Internet. Và người dân Cuba vẫn nhẫn nại chấp nhận dù Internet ở đây vẫn dùng loại “dial up” chậm như rùa bò. Tôi không nghĩ rằng vì bị cấm vận nên Cuba bị lạc hậu trong lĩnh vực Internet mà có lẽ đây là một chính sách của nhà nước hòng ngăn chặn bớt sự tiếp cận thông tin đa chiều của người dân trong thời đại “thế giới phẳng” ngày này.

Tôi cảm nhận một điều nữa, dù cuộc sống bề ngoài của dân Cuba lạc quan và sôi động, vẫn còn rõ ràng một trạng thái tù túng vô hình nào ngự trị đâu đây.

Nhưng mặt khác, cũng phải thừa nhận sự cởi mở về chính trị tại Cuba so với một số nước còn mang danh Xã Hội Chủ Nghĩa khác, trong đó có Việt Nam.


Ði qua một quảng trường ở La Habana, tôi thấy một đám đông tụ tập có vẻ đang tranh cãi với nhau về một vấn đề gì khá gay gắt. Hỏi cô gái bản xứ đi cùng thì được biết hàng ngày người dân tập trung tại đây, thảo luận những vấn đề quan tâm chung, có thể là quan điểm trái ngược với chính phủ, thậm chí chỉ trích cả Fidel Castro. Chính quyền không can thiệp hay cấm đoán.

Trước khi sang Cuba, tôi cứ ngỡ cả Cuba ngập tràn trong những khẩu hiệu “Cách Mạng.” Thực tế không như vậy. Ði cả La Habana, qua nhiều địa điểm chính, tôi chỉ thấy một biểu ngữ lớn là mang tính “chính trị.” Người bạn đi cùng nói đã có rất nhiều đổi thay bởi cách đây chưa tới 10 năm, những biểu ngữ “Ðả đảo Bush, đả đảo Ðế quốc Mỹ” vẫn còn giăng khắp thủ đô. Ở Varadero, tôi thấy duy nhất một tấm biểu ngữ lớn có mang hình Che Guevara, không thấy ảnh Fidel đâu cả. Cứ ngỡ chỉ khu du lịch dành riêng cho khách nước ngoài mới không có chuyện chính trị, lên đến La Habana cũng chỉ thấy chủ yếu hình ảnh Che Guevara.

Một “cửa hàng quốc doanh” trống rỗng giữa trung tâm La Habana.

Trung tâm La Habana có những tòa nhà hoang phế, cửa sổ mở toang xập xệ, cửa chính được khóa bởi những dây xích sắt hen gỉ. Người bạn cùng đi cho biết chủ nhân thực sự của những ngôi nhà này nay đã định cư tại Mỹ. Họ rời Cuba sau khi Fidel lên cầm quyền năm 1959. Khi tôi hỏi sao chính phủ không trưng thu, cô ấy tỏ ra rất ngạc nhiên: “Sao lại trưng thu tài sản của người khác?” Thú vị thật, cũng cùng chung một thể chế chính trị nhưng cách hành xử ở Cuba nhân bản hơn, không “tập thể hóa” hay “mượn tạm” (rồi lấy luôn) như Cộng Sản Việt Nam đã làm sau 30 tháng 4,1975.

Tôi mới đến Cuba lần đầu nên chỉ có thế cảm nhận được thực tế chứ không hình dung được sự thay đổi. Người bạn đi cùng, trong vòng hơn 10 năm đã tới Cuba 6 lần, cho biết đất nước này “đã thay đổi rất nhiều.”

Bạn kể, khoảng đầu những năm 2000, Cuba còn thiếu cả đến giấy... toilet chứ đừng nói gì đến hàng xa xỉ khác. Lúc đó, mỗi lần sang Cuba thì bạn mang theo nào là kẹo chewing gum, xà bông Camay, kem đánh răng, dầu gội đầu... để làm quà và người dân Cuba rất thích thú và biết ơn khi được nhận những thứ quà đó. Có người kể, thời ấy, sinh viên Việt Nam du học tại Cuba còn phải dùng cả xà bông giặt đồ để ... gội đầu. Có lần, một sinh viên Việt Nam mang tới cho 1 thùng mì ăn liền, cả ký túc xá biến thành một ngày hội.

Cách đây khoảng 5, 6 năm, cell phone hay DVD, GPS, camera... vẫn là những mặt hàng cấm đem vào Cuba. Còn hiện tại, ngoài phố dân Cuba dùng mobile phone khá nhiều, thậm chí cả iPhone. Tuy nhiên, để sở hữu một cái “sim” thì phải qua bao thủ tục phiền phức, phải trình passport, hộ khẩu, và chỉ được sở hữu tối đa 3 sim, và phải dùng luân phiên chứ không được dùng cùng lúc. Ðiều này nhắc lại chuyện đã từng xảy ra ở Nga thời “tư bản hoang dã.” Những năm đầu thập niên 90s, ở Nga người sử dụng cell phone phải có giấy phép sở hữu riêng. Vậy nên sự “thả lỏng” trong việc cho phép sử dụng mobile phone ở Cuba vẫn còn rất nhẹ nhàng, dễ chịu so với những nước khác trong cùng khối ý thức hệ.

Những căn nhà bỏ hoang giữa trung tâm La Habana, của người
Cuba đã sang Mỹ, nhưng chính quyền không tịch thâu của họ.

Trong lúc lang thang ở La Habana, tôi ghé vào một cửa hàng quốc doanh. Bài trí thì xập xệ, bên trong toát lên mùi mốc meo, ẩm thấp, lại còn có cả hình lãnh tụ Raul Castro, và quầy hàng thì ... trống rỗng. Có thể nói, nhìn quầy hàng “quốc doanh” là biết được “sức khỏe” của nền kinh tế. Các cửa hàng quốc doanh vẫn tồn tại, ở đó người ta có thể dùng đồng Peso nội địa để mua hàng nhưng trên thực tế hầu như chẳng mua được gì cả vì không có gì để mua ngoài mớ rau, củ hành, bao diêm... Trong khi đó, những cửa hàng tư nhân được mang danh là “thương nghiệp hợp tác xã” hoặc trong những siêu thị thì đầy ắp hàng hóa kể cả hàng nhập cảng. Nhưng tại đó người mua phải dùng đồng Peso chuyển đổi (CUC) chứ không thể dùng Peso thường nội địa. Mà đồng CUC thì không phải người dân nào cũng có thể có được.

Từ khi lên cầm quyền thay ông anh Fidel, ông Raul đã tiến hành những bước “cải tổ” dè dặt, thận trọng về cả chính trị lẫn kinh tế, mang lại một số kết quả.

Dân chúng đã sống dễ thở hơn kể cả vật chất lẫn tinh thần: Hàng hóa nhiều hơn (nhưng không phải ai cũng có tiền để mua), giới trẻ thoải mái mặc T-shirt mang cờ Mỹ, nghe những bản nhạc mới nhất trong “10 USA Top Hit Songs...” Ngày nay, dân Cuba xì xào với nhau về một niềm tin không hiểu lấy từ đâu ra: Trong vòng ít nhất 2 năm nữa, sẽ có những thay đổi lớn lao!

Ngoài việc cho phép phát triển kinh tế tư nhân, Cuba bắt đầu tiến hành cải cách tiền tệ. Hiện nay, xứ này sử dụng 2 thứ tiền: Peso nội địa (dành cho dân địa phương) và “Peso chuyển đổi” (dành cho dân nước ngoài và cho dân bản địa khi muốn mua hàng xịn). Trên lý thuyết, hai đồng tiền này giá trị ngang nhau.

Trên thực tế, 1 đồng “peso chuyển đổi” - CUC - đổi được 25 đồng Peso nội địa. Và người ngoại quốc khi đi ra khỏi khu resort mình ở phải chi tiêu đắt gấp ... 25 lần so với dân bản địa. Chẳng hạn, một ly nước mía dân Cuba trả 1 peso thì dân ngoại quốc trả 1 CUC. Ðó là một, trong những, sự vô lý chỉ tồn tại ở những nước mang danh Xã Hội Chủ Nghĩa. Mặt khác, việc sử dụng 2 đồng tiền gây ra sự phân hóa, xáo trộn trong xã hội của chính người dân Cuba, đào sâu thêm khoảng cách giàu nghèo, tạo nên một tầng lớp “Cuba mới,” giàu rất nhanh nhờ nắm bắt được cơ hội.

Cơ hội làm ăn ở nơi “tranh tối tranh sáng” như Cuba khá nhiều nhưng ít người dám đầu tư vào bởi không biết mang vốn và lợi nhuận ra bằng cách nào khi đồng CUC không được chấp nhận chuyển đổi ở bên ngoài Cuba (có chuyện rất vui liên quan đến đồng tiền: Ðồng CUC chỉ có giá trị trong Cuba nhưng vì Mỹ cấm vận nên Cuba trả đũa lại bằng cách cho đồng đô la Mỹ giá trị thấp hơn đồng đô la Canada, mặc dầu trên thị trường, đô la Mỹ có giá cao hơn tiền Canada). Tháng 10 năm ngoái, Raul ra sắc lệnh xóa bỏ sự tồn tại song song của 2 đồng peso. Nhưng trên thực tế, khi tôi ở Cuba vào tháng 1, 2014, người ta vẫn còn sử dụng 2 đồng tiền.

Cuộc sống sôi động trên một khu phố La Habana.

“Ðổi mới để tồn tại,” hơn ai hết, chính quyền Cuba hiểu rõ điều ấy. Họ biết không thể nhốt dân Cuba mãi trong bốn bức tường để ru ngủ với những câu khẩu hiệu nóng bỏng nhưng vô nghĩa, với những học thuyết vừa thiếu khoa học vừa thiếu thực tế. Người dân Cuba cởi mở, đôn hậu... xứng đáng được sống một cuộc sống tự do, dân chủ gấp nhiều lần so với hiện tại. Và sự đổi mới đang đến dù chỉ mới là le lói. Là người đi sau, rút được kinh nghiệm xương máu của những bậc “đàn anh” đi trước như Nga, Trung Quốc, Việt Nam... Cuba đang chập chững bước những bước chân đầu tiên trên con đường thoát khỏi chủ nghĩa giáo điều, để xã hội cởi mở và dân chủ hơn. Trong thâm tâm, tôi vẫn có thiện cảm với những người cầm quyền Cuba hiện tại hơn so với những “đồng nghiệp” của họ ở các quốc gia Xã Hội Chủ Nghĩa khác.
Rời La Habana để quay về lại Varadero vào lúc chạng vạng tối, đi dọc con đường chính nối Old Town với New Town La Habana, tôi bất chợt nhìn thấy một cô gái ngồi trên bờ kè đá quây quanh biển. Cô nhìn mông lung về hướng mặt trời đang lặn xa xa... Xe chạy vụt qua, tôi vẫn kịp đưa smartphone bấm vài kiểu ảnh. Cô nhìn gì? Cô chờ ai? Hay dân tộc cô đang chờ đợi điều gì? Có phải những ngọn gió mới, mang sự thay đổi, sẽ đến với họ. Người Cuba xứng đáng được hưởng những điều tốt lành trên trái đất này!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét