Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Hình ảnh về “độ tham ăn” của con người

Trong Blog này đã có lần mình bình luận: Mỗi lần vào siêu thị ở các nước công nghiệp Âu Mỹ là choáng vì khối lượng hàng hóa quá khổng lồ; choáng vì nghĩ để làm ra khối lượng khổng lồ đó, con người ta hủy diệt biết bao thứ trên trái đất. Từ tài nguyên, môi trường, đất đai, khí hậu, thực vật... đến các loài sinh vật khác. Sau này trên trái đất chắc chỉ còn loài người sống cùng vài loài được giữ lại làm thức ăn cho người như gà, lợn, bò và cá; còn các loài khác sẽ bị tiêu diệt hết. Hiện nay ở các nước này, cơ bản đã hết sạch các loại động vật hoang dã kích thước tương đối lớn; loại có kích thước nhỏ cũng còn rất ít. Nhìn rừng núi của họ thì bạt ngàn nhưng làm gì có động vật hoang dã ở đó, kể cả rắn rết cũng không còn.
Hình ảnh về “độ tham ăn” của con người
Ăn là nhu cầu bản năng của loài người kể từ khi xuất hiện trên Trái đất này. Nếu như thời nguyên thủy, con người ăn theo kiểu săn bắt, hái lượm là chính yếu thì hiện nay, trong thế giới hiện đại, chúng ta ăn theo phong cách “công nghiệp”.
Từ A tới Z, mọi giai đoạn sản xuất thực phẩm đều được tự động hóa ở quy mô rộng lớn. Thức ăn được chế biến sẵn, và công việc của ta chỉ là nhai và nuốt mà thôi. Đó là biểu hiện của tiến bộ văn minh, nhưng nếu nhìn lại một chút, bạn sẽ không khỏi rùng mình trước sản lượng khổng lồ mà chúng ta tiêu thụ, cũng như những mặt trái của lối sống “công nghiệp”.

Thịt (chính yếu là thịt gà, bò, lợn) là nguồn cung cấp 
protein chính trong mỗi bữa ăn của chúng ta.

Chỉ tính riêng gà, mỗi ngày đã có hơn 130 triệu con bị giết làm thịt. Trong một năm, con số ấy sẽ đạt tới ngưỡng là 49 tỷ, tương đương với việc một người ăn 7 con gà/năm.

Để thỏa mãn nhu cầu khổng lồ ấy, các phương pháp nuôi gà công nghiệp ra đời. Nếu như 40 năm về trước, phải mất gần 3 tháng để nuôi được một con gà ở mức 2kg thì giờ đây, con số ấy giảm đi đáng kể, chỉ còn mất 41 ngày cho một lứa gà hàng chục ngàn con xuất chuồng.

Sau công tác chọn giống kỹ lưỡng, gà được nuôi trong những chuồng quy mô lớn, lên tới hàng chục ngàn con. Chúng được cho ăn cám, các loại thức ăn giúp lớn nhanh, và tiêm phòng các bệnh thông thường. Đặc biệt, gà được “thu hoạch” bằng một cỗ máy kỳ lạ. Một đầu máy có những trục quay lớn giúp “bắt” gà, đầu còn lại nối tới những chiếc thùng nhựa đựng gà.

Hoàn tất công việc này, gà được chuyển về những xí nghiệp chế biến với hàng ngàn nhân công, và dây chuyền sản xuất chuyên biệt. Từ việc mổ gà, vặt lông cho đến phân loại, đóng hộp, tất cả đều được tự động hóa một cách đáng kinh ngạc. Từ đây, hàng ngàn con gà được xuất xưởng, chia đều đến các mối, siêu thị… rồi đến tay người tiêu dùng.

Câu chuyện về những con bò sữa công nghiệp cũng đáng ngạc nhiên không kém. Bạn có giật mình không khi biết một năm, con người sản xuất tới gần 600 triệu tấn sữa bò (số liệu 2010) để phục vụ nhu cầu của mình. Trong quy trình chăn nuôi công nghiệp, một con bò sữa sẽ bị lấy sữa vào thời điểm có nhiều sữa nhất (khoảng 40 ngày sau khi đẻ) và chúng sẽ được “vắt kiệt” cho tới hết đời.

Trong những trang trại nuôi bò hiện đại, hình ảnh người vắt sữa bò đã được thay thế bằng những chiếc máy hút chân không tự động. Những thiết bị này giúp tăng năng suất đáng kể, tạo ra một loại sữa có chất lượng thống nhất, làm tăng số lần vắt sữa bò lên tới mức 3 lần/ngày. Và quy trình vắt sữa này cũng khiến sữa thu hoạch được bảo đảm vệ sinh hơn.

Không dừng lại ở đó, quy trình công nghiệp còn giúp ích cho con người trong việc nuôi lợn với quy mô lớn. Thay vì việc phải nuôi cả năm mới được một đôi lợn như trước kia, giờ đây chỉ sau 3 tháng, hàng ngàn con lợn thịt với trọng lượng cỡ 80kg có thể xuất chuồng, và phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.


Đây là hình ảnh những chuồng lợn trong một trang trại quy mô lớn ở Trung Quốc. Những con lợn nái mẹ với kích thước đáng mơ ước đang cho đàn con bú. Chúng được nuôi lớn bằng các loại thức ăn công nghiệp, chứa khá nhiều hóa chất tăng cân.


Chỉ sau khoảng thời gian ngắn, những đàn lợn này sẽ xuất chuồng và bước vào quy trình chế biến công nghiệp. Điểm đến cuối cùng của chúng là các hộp thịt ở siêu thị, trong các loại đồ ăn sẵn như patê, thịt hun khói, xúc xích…

Nhưng tất cả cũng chỉ đáp ứng được tương đối nhu cầu tiêu thụ khổng lồ của con người chúng ta. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mỗi ngày ta chỉ nên ăn khoảng 150g thịt nói chung. Thế nhưng ngay tại một quốc gia phát triển như Mỹ, lượng thịt một người tiêu thụ trung bình mỗi ngày đã là 230g, trong đó bao gồm thịt lợn, thịt bò, thịt gà, và thịt gà tây.

Đáng lo ngại hơn, nhu cầu ăn uống của con người lại không hề đồng đều. Trong khi ở những nước phát triển, người ta có thể ăn thừa mứa, và bỏ phí đồ ăn, thì có những nơi, đồ ăn là một thứ gì đó xa xỉ.

Hiện nay, cứ 7 người thì có một người bị đói thường xuyên. Nếu so sánh với thống kê ở trên, chỉ cần 2 người Mỹ ăn với lượng thịt tiêu chuẩn mỗi ngày, thì đã có thể tiết kiệm được lượng thịt cứu sống một người bị đói.

Như một hệ quả của sự không đồng đều ấy, thế giới đang phải đối mặt với hai vấn nạn trái ngược nhưng mức độ nguy hiểm ngang nhau: béo phì và suy dinh dưỡng. Trong số 7 tỷ người đang sống trên hành tinh này, có 1,7 tỷ người thừa cân, và 870 triệu người hàng ngày đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng. Phải chăng đây cũng chính là mặt trái mà là lối sống công nghiệp vũ bão gây ra đối với xã hội chúng ta?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét