Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Ai còn 'ghiền' chiếc võng bố?

Ai còn 'ghiền' chiếc võng bố?
Trước những năm 2000, ở quê tôi nhà nào ít nhất cũng có một chiếc võng bện bằng dây bố. Bố rất dễ trồng, chỉ cần gieo ít hạt ở một góc vườn gặp mưa xuống là bố nảy mầm rồi lớn nhanh như thổi.
Dây bố dùng để đan võng
Bố cao tới 3 mét mới gọi là già, người ta chặt cả cây bỏ một đoạn phần ngọn đem ngâm dưới đìa vài ba đêm để vỏ bố tách khỏi thân cho dễ lột. Vỏ bố được thắt lại từng chít, căng cây sào vắt lên phơi, đến khi thật khô thì đem chẻ thành sợi nhỏ như những cái tăm nhang dài nhằng, bấy giờ mới đánh săn hàng chục sợi lại với nhau thành ‘nuộc’ (dây) võng.

Bà nội tôi có nghề bện võng từ hồi tôi còn nhỏ xíu, gọi là nghề nhưng chỉ làm tranh thủ buổi trời mưa, lúc nông nhàn hoặc những đêm trăng khó ngủ và có sự giúp sức tích cực của mẹ tôi. Ấy vậy mà bà bảo cũng đủ đồng mắm, đồng muối, thậm trí về những tháng giáp hạt còn chạy đủ gạo nuôi 7 miệng ăn cả con lẫn cháu.

Bện võng bố tưởng chừng như đơn giản, song nó đòi hỏi ở mức độ khéo tay và khá dày công sáng tạo chứ không phải ai cũng làm được. Gần như hàng trăm sợi nuộc to, nhỏ đều phải mịn màng không xù lông, không tụt mối. Nút thắt của từng mắt võng phải thật khéo léo không xộc xệch, đặc biệt 100 cái mắt phải đều cả trăm thì khi giăng lên võng mới cân đối.

Võng của bà chuyên bán cho mối đến tận nhà mua. Nghe nói họ đem xuống tận Sài gòn và miền Tây Nam bộ bán cho dân nhà giàu lãi nhiều chứ không tiêu thụ ở các chợ trong tỉnh. Nội làm cho tôi cái võng vừa vặn với cái tuổi lên 9 lúc bấy giờ. Nuộc võng thoạt nhìn rất mảnh mai, nhưng từng sợi nuộc săn chắc, ấy vậy mà nằm rất êm chứ không phải đau mình như tôi thoạt tưởng. Nội bảo, võng này nằm có đến 7 năm, qủa tình khi tôi bỏ võng bởi đã vừa chật, vừa ngắn rồi thì hai đứa em kế mỗi đứa cũng nằm đủ 2 năm võng mới rách đáy, chứ dây hai bên thân của võng vẫn còn nguyên.

Đan võng. Hình minh hoạ. Nguồn: hoianworldheritage.org.com

Nội tôi mất, mẹ tôi tiếp tục nối nghề, có điều sau này không còn mối đến đặt hàng nữa vì người thành phố đã có võng dây dù, võng vải nhẹ nhàng, gọn ghẽ hơn. Nhưng mỗi tháng mẹ tôi cũng bện được 3-4 cái bán cho người trong xóm, ngoài làng, thậm trí không ít ông già, bà cả từ xã khác sang mua.

Năm chị em tôi ai cũng thuộc diện ‘dân ghiền võng’, mẹ bện cho mỗi người một cái tuỳ vào sức vóc mỗi người, hễ làm thì thôi chứ rảnh cái là tụi tôi nhảy ngay lên võng đưa vắt vẻo.

Tuổi thơ chúng tôi gắn với cái võng tưởng như không thể tách rời. Võng cùng chúng tôi học bài, ru chúng tôi ngủ giữa trưa hè, góp phần xua đuổi muỗi lúc đêm khuya. Võng còn theo chúng tôi xuống hầm trú ẩn để tránh những trận đổ bom, vãi đạn. Còn một điều thiêng liêng hơn cả là những chiếc võng bố ấy do chính bàn tay, mồ hôi, công sức của nội, của mẹ tôi tạo ra ngay từ khi nó còn là những hột bố nhỏ xíu…

Đã có một thời người ta quên dùng võng bố bởi họ chê nó thô kệch, thế nhưng mới đây đến một khu du lịch sinh thái nọ tôi thấy những ông Tây, bà Đầm thích vắt vẻo trên chiếc võng bố hơn là ngồi trên ghế, trên đu hay trên võng bằng dây ny lon…

Du khách nước ngoài thích nằm võng hơn 
ngồi ghế. Hình minh hoạ. Nguồn: danong.com

Dĩ nhiên là võng ở đây có cải cách theo thời, mảnh mai hơn, nhỏ gọn hơn. Có ông, có bà người ngoại quốc còn vạch từng sợi nuộc ra để khám phá nguyên liệu làm võng, song chắc hẳn họ không thể biết đích xác đó là loại cây gì bởi bên nước họ chưa chắc đã có cây bố.

Cô con gái của chị bạn tôi ở Sài Gòn kể với tôi rằng ông bà nội cô hiện đang định cư bên Mỹ, cứ đều đặn hai năm một lần cô phải gởi 2 cái võng bố qua. Cô còn quả quyết rằng việc con cháu ở quê gởi võng ra nước ngoài là chuyện thường tình. Một anh bạn đồng niên với tôi đi Pháp về cũng khẳng định võng bố bên Pháp có nhiều trong những gia đình Việt kiều.

Chuyện ấy cũng chẳng có gì là lạ, bởi tiếng kẽo kẹt của chiếc võng cổ truyền nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người Việt Nam. Vì lẽ đó mà có đi xa đến mấy được nghe tiếng võng cũng phần nào an ủi họ bớt nhớ quê hương nơi họ đã chôn nhau, cắt rốn.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét