Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

CAMPUCHIA ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Theo báo mạng Asia Sentinel, với việc đang phải đối mặt với sự phản đối chính trị từ phe đối lập và sự ủng hộ của Trung Quốc đã giảm bớt, Chính phủ của Thủ tướng Campuchia Hun Sen đang tìm kiếm một sự hội nhập lớn hơn với khu vực.
Bản đồ các mối quan hệ ngoại giao của Campuchia đã thay đổi mạnh mẽ trong 6 tháng qua. Ngay sau cuộc tổng tuyển cử của Campuchia được tổ chức vào tháng 7/2013, Bắc Kinh đã nhanh chóng công nhận kết quả bầu cử và đã chúc mừng Thủ tướng Hun Sen cùng đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền của nhà lãnh đạo này về chiến thắng của họ.

Tuy nhiên, khi các cuộc biểu tình chống Chính phủ Campuchia của đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia đối lập gia tăng trong những tuần sau đó, với việc nhũng người biểu tình lên án cuộc bầu cử là gian lận và kêu gọi Thủ tướng Hun Sen từ chức, Trung Quốc chủ yếu im lặng và giữ khoảng cách với vị Thủ tướng Campuchia.

Trong khi đó, Chính phủ Campuchia trong vài tháng qua đã có những bước tiến củng cố các mối quan hệ với Việt Nam sau vài năm các mối quan hệ giữa hai nước láng giềng này xuống dốc. Phnom Penh đã thực hiện động thái này bất chấp tình cảm chống Việt Nam ở Campuchia do thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy kích động đã giành được nhiều sự ủng hộ kể từ cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 7 năm ngoái.

Một cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra và sự xa cách rõ ràng của Trung Quốc đối với Thủ tướng Hun Sen nằm sau sự điều chỉnh địa chiến lược đang diễn ra này. Thủ tướng Hun Sen đang phải chiến đấu để đối phó với sự phản đối ngày càng gia tăng đối với sự cai trị của ông và những sự bất mãn từ công chúng về các quyền lợi lao động và công tác quản lý vào một thời điểm khi mà Campuchia đang ở giữa một ngã tư chính trị và kinh tế quan trọng. Đất nước Campuchia đang tìm cách để trở nên hội nhập hơn với phần còn lại của khu vực Đông Nam Á và thế giới trong những năm sắp tới. Tầng lớp thanh niên của Campuchia ngày càng được giáo dục nhiều hơn và được tiếp xúc nhiều hơn với những tiêu chuẩn dân chủ và thế giới bên ngoài.

Thủ tướng Hun Sen, người đã áp dụng hiệu quả những chiến thuật mạnh tay trong quá khứ, giờ đây đang phải đối mặt với điều có lẽ là thách thức nghiêm trọng nhất đối với sự cai trị của ông trong nhiều thập kỷ qua và đang tìm kiếm sự công nhận của bên ngoài nhằm tăng cường tính hợp pháp của ông ở trong nước. Sự thật là, ngay cả trong trường hợp đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hun Sen giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo, thì Thủ tướng Hun Sen cũng sẽ phải tiếp tục đối phó với những yêu cầu ngày càng gia tăng về một sự minh bạch lớn hơn, sự cai trị tốt hơn của luật pháp, và dân chủ hơn.

Trung Quốc, cho đến gần đây vẫn là nhà bảo trợ quan trọng nhất của Campuchia, đã không còn sẵn sàng đưa ra nhiều sự ủng hộ chính trị đối với Thủ tướng Hun Sen. Mặc dù chính phủ hai nước Trung Quốc và Campuchia vẫn tiếp tục duy trì các cuộc gặp và trao đổi cấp cao, nhưng đã có một sự thay đổi trong chính sách của Bắc Kinh đối với Campuchia. Ngay sau khi Thủ tướng Hun Sen tuyên bố ông sẽ không từ chức trước các cuộc biểu tình phản đối do phe đối lập phát động, một bài báo của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã vào cuối tháng 12 năm ngoái đã dẫn lời các chuyên gia phân tích người Khmer kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý quốc gia về việc có tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới hay không. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có lẽ sẽ không đối xử lạnh nhạt với Thủ tướng Hun Sen ngay lập tức, nhưng dường như họ đang ở giữa một quá trình và dần dần từ bỏ chính sách trong quá khứ của mình là hết lòng ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Hun Sen.

Những sự thay đổi xã hội và chính trị đang diễn ra ở Campuchia vẫn chưa gây tổn thất cho Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể giữa thái độ nước đôi đối với tương lai chính trị của Campuchia nhằm tránh những kiểu sai lầm chiến lược mà họ đã gây ra ở Myanmar trong nhũng năm gần đây. Bắc Kinh từ lâu đã ủng hộ chế độ quân sự của Myanmar và đã bị phớt lờ bởi những cuộc cải cách sâu rộng mà Tổng thống Myanmar Thein Sein tiến hành vào năm 2011. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không bắt đầu đối mặt với thực tế chính trị mới ở Myanmar cho đến khi Tổng thống Thein Sein đình chỉ việc xây dựng dự án đập Myitsone trị giá nhiều tỷ USD do Trung Quốc hỗ trợ.

Như một phần trong chính sách mới của mình, Trung Quốc đang có quan hệ với nhiều lực lượng khác nhau trên sân khấu chính trị của Myanmar hiện nay, từ Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann và Tư lệnh Lục quân Myanmar Min Aung Hiaing cho tới thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những người phần lớn đã lạnh nhạt với Tổng thống Thein Sein giờ đây đang xem xét việc đưa ra một lời mời chính thức để bà Aung San Suu Kyi đến thăm Trung Quốc. Cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lẫn Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường đều không ghé thăm Myanmar trong đợt vận động ngoại giao của họ khắp khu vực Đông Nam Á vào năm ngoái. Điều thú vị là Campuchia cũng không có tên trong những chuyến công du đó, mặc dù Phnom Penh là một đồng minh trung thành và đáng tin cậy của Bắc Kinh, đồng thời còn là một điểm đến đầu tư ưa thích của giới doanh nghiệp Trung Quốc.

Trong khi đó, các mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia đã phát triển trong vài tháng qua. Hà Nội đã đem lại cho Thủ tướng Hun Sen sự công nhận của bên ngoài mà nhà lãnh đạo này đang rất cần, và một sự tăng cường tính hợp pháp của ông. Vào cuối tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Hun Sen đã đến thăm Việt Nam trước dịp kỷ niệm 35 năm ngày quân đội của Hà Nội lật đổ chế độ Khmer Đỏ, và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã không tiếc lời chức mừng nhiệt liệt Thủ tướng Hun Sen vì vai trò của ông trong việc tái thiết đất nước Campuchia.

Hai tuần sau chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đi thăm Campuchia, nơi hai nhà lãnh đạo đã đồng chủ trì một hội nghị thương mại và đầu tư song phương – hội nghị lớn nhất kể từ năm 2009 – và đã cam kết tăng cường các mối quan hệ kinh tế trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, kinh doanh nông sản, du lịch và viên thông. Vào cuối năm 2012, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư khoảng 3 tỷ USD vào gần 130 dự án ở Campuchia, đưa Việt Nam trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu ở Campuchia. Trong khi đó, Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 9,17 tỷ USD vào các dự án ở Campuchia trong giai đoạn từ năm 1994-2012.

Hà Nội đang theo dõi chặt chẽ bất ổn chính trị ở Campuchia, nhưng vẫn chấp nhận hàn gắn các mối quan hệ với Phnom Penh sau một số năm quan hệ song phương xấu đi do vấn đề phân chia biên giới và việc Campuchia đứng về phía Trung Quốc trong cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biên Đông. Trong tương lai có thể nhìn thấy trước, Hà Nội vẫn có lợi ích trong việc duy trì ổn định chế độ ở Campuchia và ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền đối với quyền lực ở Campuchia phụ thuộc vào việc Sam Rainsy công khai chống Việt Nam đến mức độ nào.

Ví dụ, Sam Rainsy gần đây đã tuyên bố rằng Việt Nam đang xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông, giống như giọng điệu mà ông ta cáo buộc rằng Việt Nam đang cướp đoạt lãnh thổ của Campuchia.

Việc giành cho Thủ tướng Hun Sen sự ủng hộ chính trị khi ông cần nó nhất, cũng như việc tăng cường các mối quan hệ kinh tế song phương, có vẻ như là một lựa chọn hợp lỷ cho các nhà lãnh đạo Việt Nam. Hà Nội cũng quan ngại về làn sóng chống Việt Nam đang gia tăng trong cộng đồng người Campuchia. Việc khai trương Bệnh viện Chợ Rầy Phnom Penh, một dự án liên doanh chung giữa Công ty Đầu tư Y tế Sài Gòn của Việt Nam và Sokimex của Campuchia, có lẽ là một nỗ lực nhằm làm giảm tình cảm chống Việt Nam ở Campuchia thông qua sự hợp tác chung trong lĩnh vực y tế.

Tuy nhiên, thực tế mà nói, chỉ riêng sự ủng hộ của Hà Nội là không đủ để đảm bảo cho sự tự trị của Campuchia và Thủ tướng Hun Sen giữa các cường quốc nước ngoài. Lập trường không rõ ràng của Bắc Kinh trong những tháng gần đây có lẽ cũng đã thúc đẩy Thủ tướng Hun Sen tìm kiếm sự ủng hộ vượt ra ngoài những nước bảo trợ truyền thống của ông. Ví dụ, Thủ tướng Hun Sen đã khôn khéo sử dụng chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Campuchia vào tháng 11/2013 để tăng cường tính hợp pháp của ông ở trong nước – bằng cách đề nghị Thủ tướng Abe đưa ra lời khuyên về các cải cách bầu cử – và vị trí của ông đối với Trung Quốc.

Thủ tướng Hun Sen và người đồng cấp Shinzo Abe đã đưa ra một tuyên bố bất thường về hợp tác an ninh hàng hải song phương, nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các cuộc xung đột bằng biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Hai nước đã nhất trí tăng cường các mối quan hệ quân sự, với việc các chuyên gia Nhật Bản (gồm cả những chuyên gia của các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản) dự kiến sẽ huấn luyện cho các binh sĩ Campuchia để tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong tương lai. Và trong một động thái hoàn toàn trái ngược với điều đã xảy ra tại Diễn đàn Khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Phnom Penh vào năm 2011, trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Nhật Bản ở Tokyo vào tháng 12/2013, Campuchia đã không phản đối việc đưa lên bàn hội nghị một cuộc thảo luận về Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông.

Campuchia đang phát triển nhanh chóng, cả về mặt chính trị cũng như là kinh tế, và vẫn cần phải chờ xem liệu Thủ tướng Hun Sen có thể giữ được quyền lực thêm vài cuộc bầu cử hay không. Những biến số trong tính toán chiến lược mới của Bắc Kinh ở Campuchia đã bất ngờ khiến cho Thủ tướng Hun Sen cảm thấy bị nguy hiểm, ít nhất là ở thời điểm hiện nay. Điều này đã thúc đẩy Thủ tướng Hun Sen tích cực hoạt động để tăng cường vị thế của ông trong các nhân tố khác của khu vực, đặc biệt là Nhật Bản, Việt Nam và ASEAN, bằng việc trao cho họ sự ủng hộ của ông đối với các vấn đề tranh cãi với Trung Quốc như các cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét